Ở nơi biên cương, hải đảo xa xôi, cán bộ, chiến sĩ hải quân và biên phòng vừa chuẩn bị vui Tết, vừa sẵn sàng chiến đấu cao; đồng thời lo Tết cho đồng bào kỹ lưỡng.

Tết ở cực Đông-Tây

Đảo Tiên Nữ (huyện đảo Trường Sa) là “pháo đài” trọng yếu trong thế phòng thủ, bảo vệ sườn phía đông Tổ quốc. Thượng úy Hoa Ngọc Ánh, Chính trị viên của đảo chia sẻ với chúng tôi bức ảnh bình minh và cây mai các anh làm bằng sắt và giấy báo cũ. Vậy mà cây mai vẫn đẹp đến mê hồn. Trong ảnh, đảo như một nàng tiên vừa thức giấc được tắm trong những vệt nắng đỏ vàng xuyên qua lớp sương mù huyền ảo. Ánh kể lại truyền thuyết, ngày xưa vùng biển này thường có sóng to gió lớn, khiến tàu bè qua lại rất khó khăn.

Tết ở “tứ cực”

      Bình minh ở đảo Tiên Nữ. 

Thấu cảm sự khó nhọc của ngư dân, một nàng tiên xuất hiện và hóa thành khối đá lớn nhô lên từ mặt biển. Từ đó, mỗi khi có sóng to, gió lớn ngư dân đánh bắt xa bờ tìm về nơi này tránh trú an toàn và đảo được gọi là Tiên Nữ. Tết năm nay, trong lịch trình của đảo vẫn không thể thiếu hoạt động chào cờ sáng Mồng Một. Đó cũng là lễ chào đón bình minh trang nghiêm, ý nghĩa khởi động cho một năm an lành đối với những người công tác trên đảo. Ánh tâm tình, “đặc sản’ của đảo không chỉ là bình minh đến sớm mà là tinh thần "vì nhân dân phục vụ”.

Dù bất cứ hoàn cảnh nào nhân dân yêu cầu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng sẵn lòng. 10 giờ ngày 13-2-2021 (tức Mồng Hai Tết Tân Sửu-2021), đảo Tiên Nữ tiếp nhận tàu cá Bình Định số hiệu BĐ98440TS, do anh Cao Văn Tiến, sinh năm 1993, quê ở Tam Quang Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đến liên hệ chữa vết thương do mất an toàn lao động. Sau khi được quân y sơ cứu, chỉ huy đảo gặp gỡ anh Tiến và tặng quà ngư dân.

Trong năm qua, đã có hàng chục lượt tàu cá ngư dân được đảo giúp đỡ, hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. “Đặc sản” ấy ở đảo Tiên Nữ không chỉ có trong ngày Tết mà nó thường trực 24/24 giờ mỗi ngày, bất chấp mưa gió, bão tố biển khơi hay đêm tối mịt mùng.

Cùng thời điểm này, ở cực Tây của Tổ quốc, không khí đón mừng Xuân mới ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) cũng không kém phần rộn ràng, tươi vui. Tá Miếu là bản "một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe" do ở ngay ngã 3 biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Thiếu tá Lâm Tiến Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, cho biết: Sín Thầu, xã biên giới có gần 40km đường biên giáp Lào và Trung Quốc giờ khác xưa. Từ một xã “4 không” (không đường, điện, trường, trạm), với sự cố gắng, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Nhiều nhà tranh tre cũ nát được thay thế bằng nhà kiên cố, khang trang.

Tập quán trồng lúa nương của đồng bào năng suất thấp được chuyển sang trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống... Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Ná Na, cũng vui vẻ, chia sẻ: “Suốt nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng giúp Tá Miếu mình nhiều lắm, tình cảm không sao kể xiết”.

Được biết, hằng năm, trước thềm xuân mới, chỉ huy Đồn Biên phòng A Pa Chải đều xuống từng thôn bản, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao cảnh giác để vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới; tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách phòng ngừa, hạn chế tiếp xúc, qua lại thăm thân với những người có nguy cơ nhiễm bệnh và ở trong vùng dịch từ nước bạn...

Xuân về cực Nam-Bắc

Trước thềm xuân Nhâm Dần, khi hoa đào, hoa mận, hoa mơ nở trắng núi rừng, không khí ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang rộn ràng, tươi tắn, nhất là khi có đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn cùng háo hức đón Tết sớm với bộ đội. Quân-dân nơi địa đầu Tổ quốc cùng nâng ly rượu đoàn kết, vui vẻ chúc nhau những điều may mắn.

Trong niềm vui cộng hưởng của ngày Xuân, Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú gọi điện cho chúng tôi từ nơi tuyến đầu Tổ quốc, khoe rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới, bà con trên địa bàn lại đến đồn chúc Tết sớm cán bộ, chiến sĩ. Sự chung vui của đồng bào trong ngày Tết giúp bộ đội xua đi phần nào nỗi nhớ nhà.

Tết ở “tứ cực”
Quân-dân Lũng Cú gói bánh chưng xanh và chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Ảnh: HÀ ĐÔ 

Vừa trò chuyện với đồng chí Chính trị viên, tôi vừa nghe rõ giai điệu hào sảng, nhịp bước trầm hùng của bài hát “Hành khúc chiến sĩ bộ đội biên phòng”, sáng tác Hoàng Long ngân vang khắp núi rừng... “Non xanh, non xanh nước biếc trùng trùng, giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao. Núi cao, núi cao sự nghiệp càng cao. Biển sâu chí khí, ta so vào càng sâu. Lời Bác thiết tha là khúc quân hành ca, chúng con lên đường bảo vệ biên cương”.

Vui xuân mới không quên nhiệm vụ, trong những ngày Tết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú xác định duy trì nghiêm quân số trực, không quản ngại trời đông giá rét, địa hình hiểm trở, ngày đêm vững vàng trên những cung đường tuần tra biên giới, góp phần mang lại những ngày xuân bình yên cho quê hương, Tổ quốc.

Ở cực Nam, bộ đội đóng quân trên đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đón xuân trong tiết trời trong lành và tiếng sóng biển du dương. Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Văn Lợi, Phó trạm trưởng Trạm radar 595 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) kể: "Tết năm nào cũng vậy, trước giao thừa, đơn vị đốt lửa trại và cùng nắm tay ca vang các bài hát về Tết và mùa xuân vui nhộn. Giao thừa, đơn vị tập trung tại hội trường nghe Chủ tịch nước chúc Tết".

Tết ở “tứ cực”
 Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Khoai nhìn từ biển. 

Đảo Hòn Khoai cách đất liền chỉ 6 hải lý và được xem là một khu sinh thái tiềm năng của huyện Ngọc Hiển. Tại đây, ngày 13-12-1940, nhà báo, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành thắng lợi. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã bao vây, bắt Phan Ngọc Hiển cùng nhiều người. Đến ngày 12-7-1941, giặc Pháp đã xử bắn Phan Ngọc Hiển cùng 7 đồng chí. Năm 1990, đảo Hòn Khoai được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.

Mùa Xuân đã về, tiết Xuân tràn ngập trên mọi miền Tổ quốc. Ở những nơi địa đầu biên cương, hải đảo, cán bộ, chiến sĩ đều gác tình riêng, không chỉ vững tâm lý, bản lĩnh canh giữ đất trời biên cương mà còn chăm lo đời sống nhân dân, để nhân dân vui tươi, phấn khởi và đủ đầy, đầm ấm.