Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Chuẩn mực văn hóa thời kỳ mới


77 năm qua, xuất hiện ban đầu là tên gọi “Bộ đội ông Ké”, sau đó Bộ đội Cụ Hồ trở thành danh hiệu cao quý đối với những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành một giá trị văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng và một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam nói chung.

1. Tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là hiện tượng rất độc đáo không chỉ trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam mà còn của văn hóa Việt Nam. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây là sự biểu hiện cao nhất tình yêu và niềm tin của quần chúng dành cho người lính.

77 năm qua, xuất hiện ban đầu là tên gọi “Bộ đội ông Ké”, sau đó Bộ đội Cụ Hồ trở thành danh hiệu cao quý đối với những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, trở thành một giá trị văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng và một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam nói chung. Danh hiệu đó thấm sâu trong đời sống quân đội, được “truyền dẫn” từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Là một giá trị văn hóa của dân tộc, cũng như lòng yêu nước, ý chí vì độc lập, tự do của Tổ quốc, giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ được giữ gìn, bảo vệ tính bền vững và sự phát triển của nó, dù trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào. Mặt khác, sự ra đời và phát triển một kiểu nhân cách như Bộ đội Cụ Hồ không bao giờ là một quá trình tự nhiên mà có, đó là một cuộc đấu tranh đầy tâm huyết, trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc như nghiệp “trồng người”, cần trăm năm nuôi dưỡng và chăm sóc như Bác Hồ từng căn dặn.

2. Để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát triển giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ, chúng ta đang đứng trước những thuận lợi, thời cơ và thách thức mới, từ bên ngoài tác động vào quân đội và từ ngay bên trong quân đội.

Chặng đường lịch sử 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn được nhân dân gửi gắm trọn vẹn niềm tin. Đặc biệt khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, quân đội bao giờ cũng là lực lượng xung kích đi đầu. Ví như đại dịch Covid-19 thời gian qua, đã có hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm thầm lặng, kiên cường vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất, cùng các lực lượng ngăn chặn đại dịch, mang lại cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đó là những minh chứng rõ ràng về giá trị văn hóa tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ đang được gìn giữ, phát huy cao độ, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh, ghi nhận.

Tuy vậy, chúng ta cũng đứng trước những đòi hỏi mới, cao hơn, những thách thức mới phức tạp hơn, đa chiều hơn. Trong văn kiện của Đảng các kỳ đại hội gần đây đã chỉ rõ những biến đổi to lớn, phức tạp, khẩn trương và khó lường của tình hình thế giới, trong nước, đã và đang tác động trực tiếp vào môi trường quân đội, đòi hỏi sự tỉnh táo, bản lĩnh và năng lực đổi mới, sáng tạo trong xây dựng quân đội, nhất là giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Đặc biệt, các thế lực thù địch đang ráo riết truyền bá tư tưởng “phi chính trị hóa" quân đội, đối lập quân đội với Đảng và hệ thống chính trị. Âm mưu của kẻ thù hòng xóa bỏ danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, biến người chiến sĩ trở thành công cụ, tách rời lý tưởng và sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Vì vậy, vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong giai đoạn hiện nay là giáo dục, rèn luyện người chiến sĩ phải tỉnh táo, nắm vững đối tượng tác chiến của quân đội trong tình hình mới. Bởi nếu chệch mục tiêu này, phẩm chất căn cốt nhất của Bộ đội Cụ Hồ không thể giữ vững: “Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Vấn đề môi trường quân đội đang và sẽ chịu những biến đổi, tác động mạnh mẽ, khác nhiều với môi trường quân đội trong những năm kháng chiến. Sự thu hút, hấp dẫn của nó so với các môi trường khác có phần giảm đi vì thanh niên hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn khác. Theo thời gian, đúng với quy luật của nó, số sĩ quan chỉ huy trải qua chiến đấu ngày càng giảm đi, bộ đội tình nguyện không còn nữa, thay vào đó là chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự thuần túy. Những biến đổi trong tư tưởng, suy nghĩ, tình cảm, nguyện vọng... của cán bộ, chiến sĩ đang diễn ra đa chiều, phức tạp hơn. Nhu cầu về đãi ngộ, chế độ, chính sách, nghề nghiệp, quan hệ giữa chỉ huy và phục tùng, cấp trên, cấp dưới, kể cả những biểu hiện tiêu cực xâm nhập vào đơn vị, như: Lợi ích kinh tế, nạn chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, hối lội, nhận hối lộ... Chúng ta cần nhìn thẳng vào những thách thức đó để đổi mới sâu sắc và sáng tạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa trong quân đội nhằm xây dựng hiệu quả chuẩn mực văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trước những thách thức ngày càng gay gắt.

Một cựu chiến binh từng trải qua những năm tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã tâm sự trong hồi ký của mình: “Nếu như trong chiến tranh, tình đồng đội là cao cả, giữa chỉ huy và lính tráng sống không có khoảng cách, không có sự phân chia quyền lợi, sống chết có nhau thì sau chiến tranh, khi không còn cái chết cận kề, tình thân giữa cán bộ, chiến sĩ ở nhiều đơn vị như đang có dấu hiệu phai nhạt dần. Người ta đối xử với nhau bằng mệnh lệnh chứ không phải bằng tinh thần đồng đội". Chúng ta biết rằng, tình đồng đội là một giá trị vô cùng quý báu trong phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Sự "phai nhạt dần", “đối xử với nhau bằng mệnh lệnh" được kể lại như trong hồi ký trên rõ ràng là một thách thức mới đối với môi trường quân đội hiện nay.

3. Trước những đòi hỏi và thách thức mới, một câu hỏi tất yếu đặt ra là, làm gì và làm như thế nào để tiếp tục củng cố, giữ gìn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới? Đây là một câu hỏi lớn và những năm qua, trong quân đội, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều để giải đáp nó. Song, phía trước còn nhiều vấn đề cần đầu tư suy nghĩ. Trong bài viết này, với gần 25 năm trong quân ngũ và sự trải nghiệm nghiên cứu khoa học của mình, người viết xin nêu vắn tắt mấy đề xuất sau:

Khi nói về công tác giáo dục trong quân đội, Bác Hồ căn dặn: “Người trước, súng sau”. Phải chăng, Người đã chỉ ra một yếu trọng đối với quân đội cách mạng trước hết là phải giáo dục, xây dựng bản lĩnh, trình độ chính trị, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, vẻ đẹp tinh thần, sự phong phú, lành mạnh của tâm hồn và lối sống... của người cầm súng và chỉ trên cơ sở vững chắc đó mới rèn luyện kỹ, chiến thuật, “cách” sử dụng vũ khí... Mặt khác, cần luôn nghĩ rằng, giáo dục chính trị không bao giờ được coi là đã hoàn thành sau khi lên lớp theo quy định, thậm chí là “rao giảng chay” các bài học về chính trị. Cách làm đó không phải là con đường tối ưu vào được thế giới tinh thần, tình cảm, trí tuệ của người chiến sĩ hôm nay, mà công tác Đảng, công tác chính trị cần nâng cao năng lực, phương pháp, cân bằng toàn bộ hoạt động thực tiễn; cần sự nêu gương để tác động tổng hợp đến bộ đội, để chuyển hóa những nhận thức, yêu cầu về chính trị thành niềm tin tự giác, thành tình yêu, thành phẩm chất bên trong bền vững của từng cán bộ, chiến sĩ.

Trước yêu cầu, đặc điểm của thời kỳ mới, cần nghiên cứu và xác định các giá trị căn bản, cốt lõi, bền vững và đặc thù để tập trung thống nhất trong công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ thời kỳ mới; bảo đảm thuyết phục hơn, hấp dẫn hơn trong những bài giảng về các giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ để người chiến sĩ tự hào, tự nguyện, tự giác noi theo, vươn lên như chính nhu cầu, mong ước của bản thân. Đồng thời, để đáp ứng đòi hỏi của thời kỳ mới, cần tổng kết thực tiễn, tiếp cận và bổ sung những chuẩn mực, giá trị mới đang hình thành trong đời sống quân ngũ thời kỳ 4.0 và hội nhập quốc tế, để cán bộ, chiến sĩ vừa đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ của mình trong quân đội, vừa có khả năng tiếp cận, nối tiếp nhiệm vụ xã hội khi rời quân ngũ.

Từ nhiều năm qua, môi trường quân đội đã trở thành trường học lớn, cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và định hình những phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Những năm sắp tới, môi trường đó đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Để vượt qua nó, cần kiên quyết, kiên trì, có kế hoạch tập trung củng cố một cách vững chắc môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội, trước hết, chú trọng giảm thiểu tối đa các tác động xấu độc từ bên ngoài; ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực đang xuất hiện trong quân đội. 

Cùng với đó, công tác đào tạo trong quân đội phải luôn giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình "trồng người”. Do đó, bồi dưỡng các chuẩn mực giá trị Bộ đội Cụ Hồ cần thường xuyên được quan tâm, chú trọng. Những năm qua, quy mô, chương trình, nội dung đào tạo trong các học viện, nhà trường quân đội đang được đổi mới, đáp ứng nhu cầu mới của sự phát triển quân đội. Tuy nhiên, cần chú trọng hơn nữa giáo dục khoa học xã hội và nhân văn đối với tất cả các loại hình nhà trường trong quân đội. Cùng với các nội dung cơ bản, cần gắn chặt với thực tiễn và giải đáp những vấn đề mới, thách thức mới và những nhu cầu mới đang đặt ra. VD

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét