Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2022

Thực tiễn và nghị trường

 


Một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước tuần qua là Kỳ họp bất thường lần đầu tiên của Quốc hội, được tổ chức nhằm giải quyết những vấn đề rất cấp bách, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội; đặc biệt, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới... Thực tiễn đó là mệnh lệnh đòi hỏi cần có những quyết sách kịp thời.

Với tinh thần trách nhiệm cao trước đất nước, đồng bào và cử tri cả nước, trên cơ sở các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, xem xét, thông qua các quyết sách để kịp thời hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước, của doanh nghiệp, sinh kế và đời sống của nhân dân. Đây đều là những vấn đề cấp bách mà thực tiễn cuộc sống đặt ra, thuộc thẩm quyền của Quốc hội xem xét, quyết định.

Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, Kỳ họp bất thường trong bối cảnh hiện nay cho thấy tinh thần đổi mới không ngừng trong phương thức hoạt động của Quốc hội nhằm đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Nghị trường đã thực sự mang hơi thở của cuộc sống.

Điều cử tri và nhân dân mong mỏi lúc này là sự lan tỏa nhanh từ nghị trường vào thực tiễn. Các quyết sách của Quốc hội phải đi nhanh vào cuộc sống. Muốn vậy, cần phải đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc tổ chức, triển khai thực hiện, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ. Không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Đây cũng là mệnh lệnh từ thực tiễn đòi hỏi những đại biểu của nhân dân phải làm tròn nhiệm vụ của mình. VD

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét