Thứ Hai, 31 tháng 1, 2022

Tết ở “tứ cực”

 

Những nụ đào, nụ mai ở khắp mọi miền đất nước hé nở, khoe sắc đã đưa mùa Xuân, Tết về gần hơn với mọi nhà. Giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dường như để bù đắp những tháng ngày giãn cách chống dịch Covid-19, hoạt động của mọi người cũng hối hả, tất bật hơn những năm trước.


Ở nơi biên cương, hải đảo xa xôi, cán bộ, chiến sĩ hải quân và biên phòng vừa chuẩn bị vui Tết, vừa sẵn sàng chiến đấu cao; đồng thời lo Tết cho đồng bào kỹ lưỡng.

Tết ở cực Đông-Tây

Đảo Tiên Nữ (huyện đảo Trường Sa) là “pháo đài” trọng yếu trong thế phòng thủ, bảo vệ sườn phía đông Tổ quốc. Thượng úy Hoa Ngọc Ánh, Chính trị viên của đảo chia sẻ với chúng tôi bức ảnh bình minh và cây mai các anh làm bằng sắt và giấy báo cũ. Vậy mà cây mai vẫn đẹp đến mê hồn. Trong ảnh, đảo như một nàng tiên vừa thức giấc được tắm trong những vệt nắng đỏ vàng xuyên qua lớp sương mù huyền ảo. Ánh kể lại truyền thuyết, ngày xưa vùng biển này thường có sóng to gió lớn, khiến tàu bè qua lại rất khó khăn.

Tết ở “tứ cực”

      Bình minh ở đảo Tiên Nữ. 

Thấu cảm sự khó nhọc của ngư dân, một nàng tiên xuất hiện và hóa thành khối đá lớn nhô lên từ mặt biển. Từ đó, mỗi khi có sóng to, gió lớn ngư dân đánh bắt xa bờ tìm về nơi này tránh trú an toàn và đảo được gọi là Tiên Nữ. Tết năm nay, trong lịch trình của đảo vẫn không thể thiếu hoạt động chào cờ sáng Mồng Một. Đó cũng là lễ chào đón bình minh trang nghiêm, ý nghĩa khởi động cho một năm an lành đối với những người công tác trên đảo. Ánh tâm tình, “đặc sản’ của đảo không chỉ là bình minh đến sớm mà là tinh thần "vì nhân dân phục vụ”.

Dù bất cứ hoàn cảnh nào nhân dân yêu cầu, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng sẵn lòng. 10 giờ ngày 13-2-2021 (tức Mồng Hai Tết Tân Sửu-2021), đảo Tiên Nữ tiếp nhận tàu cá Bình Định số hiệu BĐ98440TS, do anh Cao Văn Tiến, sinh năm 1993, quê ở Tam Quang Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đến liên hệ chữa vết thương do mất an toàn lao động. Sau khi được quân y sơ cứu, chỉ huy đảo gặp gỡ anh Tiến và tặng quà ngư dân.

Trong năm qua, đã có hàng chục lượt tàu cá ngư dân được đảo giúp đỡ, hỗ trợ nước ngọt, lương thực, thực phẩm và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. “Đặc sản” ấy ở đảo Tiên Nữ không chỉ có trong ngày Tết mà nó thường trực 24/24 giờ mỗi ngày, bất chấp mưa gió, bão tố biển khơi hay đêm tối mịt mùng.

Cùng thời điểm này, ở cực Tây của Tổ quốc, không khí đón mừng Xuân mới ở bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) cũng không kém phần rộn ràng, tươi vui. Tá Miếu là bản "một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe" do ở ngay ngã 3 biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Thiếu tá Lâm Tiến Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên, cho biết: Sín Thầu, xã biên giới có gần 40km đường biên giáp Lào và Trung Quốc giờ khác xưa. Từ một xã “4 không” (không đường, điện, trường, trạm), với sự cố gắng, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Nhiều nhà tranh tre cũ nát được thay thế bằng nhà kiên cố, khang trang.

Tập quán trồng lúa nương của đồng bào năng suất thấp được chuyển sang trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống... Trưởng bản Tá Miếu Lỳ Ná Na, cũng vui vẻ, chia sẻ: “Suốt nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng giúp Tá Miếu mình nhiều lắm, tình cảm không sao kể xiết”.

Được biết, hằng năm, trước thềm xuân mới, chỉ huy Đồn Biên phòng A Pa Chải đều xuống từng thôn bản, tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao cảnh giác để vui xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đơn vị thường xuyên phối hợp với các lực lượng tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới; tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách phòng ngừa, hạn chế tiếp xúc, qua lại thăm thân với những người có nguy cơ nhiễm bệnh và ở trong vùng dịch từ nước bạn...

Xuân về cực Nam-Bắc

Trước thềm xuân Nhâm Dần, khi hoa đào, hoa mận, hoa mơ nở trắng núi rừng, không khí ở Đồn Biên phòng Lũng Cú, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang rộn ràng, tươi tắn, nhất là khi có đông đảo đồng bào các dân tộc trên địa bàn cùng háo hức đón Tết sớm với bộ đội. Quân-dân nơi địa đầu Tổ quốc cùng nâng ly rượu đoàn kết, vui vẻ chúc nhau những điều may mắn.

Trong niềm vui cộng hưởng của ngày Xuân, Thiếu tá Hà Văn Đô, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú gọi điện cho chúng tôi từ nơi tuyến đầu Tổ quốc, khoe rằng, năm nào cũng vậy, cứ đến thời khắc chuẩn bị bước sang năm mới, bà con trên địa bàn lại đến đồn chúc Tết sớm cán bộ, chiến sĩ. Sự chung vui của đồng bào trong ngày Tết giúp bộ đội xua đi phần nào nỗi nhớ nhà.

Tết ở “tứ cực”
Quân-dân Lũng Cú gói bánh chưng xanh và chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Ảnh: HÀ ĐÔ 

Vừa trò chuyện với đồng chí Chính trị viên, tôi vừa nghe rõ giai điệu hào sảng, nhịp bước trầm hùng của bài hát “Hành khúc chiến sĩ bộ đội biên phòng”, sáng tác Hoàng Long ngân vang khắp núi rừng... “Non xanh, non xanh nước biếc trùng trùng, giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao. Núi cao, núi cao sự nghiệp càng cao. Biển sâu chí khí, ta so vào càng sâu. Lời Bác thiết tha là khúc quân hành ca, chúng con lên đường bảo vệ biên cương”.

Vui xuân mới không quên nhiệm vụ, trong những ngày Tết, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú xác định duy trì nghiêm quân số trực, không quản ngại trời đông giá rét, địa hình hiểm trở, ngày đêm vững vàng trên những cung đường tuần tra biên giới, góp phần mang lại những ngày xuân bình yên cho quê hương, Tổ quốc.

Ở cực Nam, bộ đội đóng quân trên đảo Hòn Khoai (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đón xuân trong tiết trời trong lành và tiếng sóng biển du dương. Trao đổi với chúng tôi, Trung úy Nguyễn Văn Lợi, Phó trạm trưởng Trạm radar 595 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân) kể: "Tết năm nào cũng vậy, trước giao thừa, đơn vị đốt lửa trại và cùng nắm tay ca vang các bài hát về Tết và mùa xuân vui nhộn. Giao thừa, đơn vị tập trung tại hội trường nghe Chủ tịch nước chúc Tết".

Tết ở “tứ cực”
 Ngọn hải đăng trên đảo Hòn Khoai nhìn từ biển. 

Đảo Hòn Khoai cách đất liền chỉ 6 hải lý và được xem là một khu sinh thái tiềm năng của huyện Ngọc Hiển. Tại đây, ngày 13-12-1940, nhà báo, thầy giáo, chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành thắng lợi. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã bao vây, bắt Phan Ngọc Hiển cùng nhiều người. Đến ngày 12-7-1941, giặc Pháp đã xử bắn Phan Ngọc Hiển cùng 7 đồng chí. Năm 1990, đảo Hòn Khoai được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia.

Mùa Xuân đã về, tiết Xuân tràn ngập trên mọi miền Tổ quốc. Ở những nơi địa đầu biên cương, hải đảo, cán bộ, chiến sĩ đều gác tình riêng, không chỉ vững tâm lý, bản lĩnh canh giữ đất trời biên cương mà còn chăm lo đời sống nhân dân, để nhân dân vui tươi, phấn khởi và đủ đầy, đầm ấm.

Quốc hội Khóa XV và những việc chưa có tiền lệ

 

Quốc hội Khóa XV và những việc chưa có tiền lệ

“Chủ tịch Quốc hội đã cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang việc chủ động dẫn dắt thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp theo Hiến định”, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ với Tiền Phong.

Kim chỉ nam cho hoạt động Quốc hội

Tinh thần tự đổi mới, chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa được thể hiện như thế nào trong các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ và đặc biệt là kỳ họp Quốc hội bất thường lần đầu tổ chức, thưa Tổng Thư ký?

Tinh thần đổi mới, chủ động, từ sớm, từ xa, giám sát tới cùng có thể coi là kim chỉ nam cho hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đây cũng là những nội dung được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất nhiều lần nhấn mạnh trong các bài phát biểu, các cuộc họp, các buổi làm việc với các cơ quan của Quốc hội; trong đó, thể hiện rõ nhất qua kết quả tổ chức thành công hai kỳ họp đầu tiên và qua các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, qua công tác chuẩn bị kỳ họp Quốc hội bất thường.

Đơn cử về công tác lập pháp, tại hai kỳ họp đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đã cùng với tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phải chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng từ sớm, từ xa giúp công tác lập pháp của Quốc hội chuyển từ trạng thái bị động, phụ thuộc nhiều vào cơ quan trình, sang việc chủ động dẫn dắt thực hiện hiệu quả chức năng lập pháp theo Hiến định. Theo đó, Quốc hội đã quyết định tổ chức hai kỳ họp theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với yêu cầu, bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống và cũng là sáng kiến lập pháp hết sức quan trọng, thể hiện sâu sắc sự đồng hành, linh hoạt của Quốc hội với Chính phủ để kịp thời xử lý các vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Quốc hội sẵn sàng với tinh thần làm ngày, làm đêm, bất cứ lúc nào để kịp thời đáp ứng phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước.

Tổng Thư ký Quốc hội có chia sẻ gì về sự đồng hành giữa Quốc hội và Chính phủ, nhằm kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo cơ chế thuận lợi cho phòng chống dịch COVID-19?

Như chúng ta đã biết, Quốc hội khóa XV bắt đầu các hoạt động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng ra các tỉnh, thành phố phía Nam. Nhưng với tinh thần chủ động, trách nhiệm, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ trong vòng 1 ngày, Ủy ban Xã hội đã chủ trì, cùng các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ xây dựng Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội, cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền xem xét, giao Chính phủ áp dụng các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch.

Tiếp đó, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội đã kịp thời bổ sung nội dung phòng chống dịch COVID-19 vào Chương trình và Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, khẳng định Quốc hội luôn tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động, đồng hành cùng Chính phủ, hệ thống chính trị và lấy người dân làm trung tâm. Theo đó, Quốc hội đã trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của luật để kịp thời đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch; đồng thời, thường xuyên giám sát, theo dõi để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội…

Nhiều ý kiến của các ĐBQH trẻ đã thể hiện, phát huy được quan điểm, góc nhìn của giới trẻ, có lập luận sâu sắc, xác đáng, tính phản biện cao, qua đó đóng góp thêm các góc nhìn mới cho các quyết sách của Quốc hội.

Có thể khẳng định rằng, Quốc hội không chỉ chủ động, đồng hành, chia sẻ cùng Chính phủ mà còn theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã đem lại những kết quả rất khả quan, tích cực, tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, trong đó yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, từng bước phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội.

ĐBQH trẻ ngày càng trở thành lực lượng quan trọng

Tổng Thư ký từng nhắc đến việc sẽ xem xét sửa nội quy kỳ họp và Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng “linh hoạt hơn”, vấn đề này dự kiến sẽ được triển khai vào thời điểm nào?

Như chúng ta đã biết, theo Hiến pháp năm 2013 (Điều 83), Luật Tổ chức Quốc hội (Điều 90) và Nội quy Kỳ họp Quốc hội quy định Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Như vậy, việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường (ngoài 2 kỳ họp thường niên) để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra đã được pháp luật quy định rõ.

“Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã đem lại những kết quả rất khả quan, tích cực, tất cả vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, trong đó yêu cầu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng của Nhân dân, từng bước phục hồi, phát triển bền vững kinh tế, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội”.

Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội cũng như chất lượng, hiệu lực các quyết định của Quốc hội; kịp thời ứng phó với tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và thích ứng với sự vận động, phát triển của thực tiễn…, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 277/NQ-UBTVQH, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch, triển khai xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp quốc hội, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Theo tiêu chí của Diễn đàn Nghị sĩ trẻ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), các Nghị sĩ trẻ (đại biểu Quốc hội trẻ) được xác định trong khoảng từ 45 tuổi trở xuống. Trong nhiệm kỳ Quốc hội các khóa gần đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trẻ chiếm tỷ lệ khá cao và ĐBQH trẻ ngày càng trở thành lực lượng quan trọng, có nhiều đóng góp trên mọi mặt hoạt động của Quốc hội nói riêng và của đất nước nói chung.

Thời gian qua, với sức trẻ, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cao, các ĐBQH trẻ đã rất tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều ý kiến của các ĐBQH trẻ đã thể hiện, phát huy được quan điểm, góc nhìn của giới trẻ, có lập luận sâu sắc, xác đáng, tính phản biện cao, qua đó đóng góp thêm các góc nhìn mới cho các quyết sách của Quốc hội, được các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra ghi nhận, tiếp thu…

Qua dõi theo hoạt động của các ĐBQH trẻ trong những nhiệm kỳ qua cũng như ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có thể thấy không chỉ tỷ lệ ĐBQH có độ tuổi trẻ ngày càng tăng lên mà chất lượng của đại biểu cũng được nâng lên rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng, các ĐBQH trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu với tinh thần năng động, sáng tạo, trí tuệ, trách nhiệm cao để tham gia, đóng góp tích cực vào các hoạt động của nghị trường trong nước cũng như có trách nhiệm với những vấn đề chung của khu vực và trên thế giới.

 

Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết

 

Chúc Tết, tặng quà vốn là nét văn hóa ứng xử tốt đẹp của dân tộc ta, cần được gìn giữ để gắn bó tình cảm người với người. Song, những năm gần đây, việc chúc Tết đã bị méo mó, nhuốm màu thực dụng, cả trong môi trường công sở. Nhiều người cho rằng, chúc Tết giờ đây là công cụ để một số người trục lợi hoặc hợp thức hóa các hành vi tiêu cực nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân.

Nỗi ám ảnh ngày cuối năm

Mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề, thị trường hàng Tết tại các cửa hàng, siêu thị và trên mạng lại nhộn nhịp, trăm giá đua chen. Những món hàng trị giá hàng triệu, thậm chí là chục triệu, trăm triệu đồng được nhiều người săn lùng và trở nên đắt khách hơn thường lệ. Không ai nói ra, nhưng tất cả đều ngầm hiểu rằng, người ta mua cho gia đình, bản thân thì ít, mà để biếu xén đối tác, cấp trên thì nhiều. Cũng vì thế mà trên các diễn đàn mạng xã hội chuyên về hàng Tết, người bán giờ đây chẳng ngần ngại tư vấn cho khách hàng một cách công khai, nào là món này độc, lạ, quý hiếm, phù hợp tặng sếp lớn; món kia sang trọng, đẳng cấp chuẩn “gu” của sếp nhỏ...

Ngoài đường là vậy, còn về nhà, các cặp vợ chồng nát óc bàn nhau xem biếu lãnh đạo quà gì sao cho độc đáo, “hoành tráng”. Ở công sở thì đồng nghiệp tìm cách thăm dò nhau xem người ta định biếu sếp thứ giá trị mức nào, phong bì dày cỡ nào để mình biết cách xử thế sao cho không bị “đụng hàng” và quan trọng hơn là không thua anh, kém em. Chọn quà Tết tưởng đơn giản vậy mà lại đau đầu vô cùng!

Thực tế, chúc Tết, tặng quà Tết vốn là phép ứng xử rất bình thường từ ngàn xưa của người Việt. Tết xưa, người ta tặng nhau những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, chẳng hạn như cặp bánh chưng, con gà quê, hộp bánh, gói mứt, cành đào... nhằm thể hiện tình cảm chân thành, sự quý trọng và tri ân sự giúp đỡ của cấp trên, đối tác hay bạn hàng sau một năm công tác, hợp tác buôn bán. Cùng với đó là mong muốn gia chủ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm. Quan trọng hơn, khi trao cho nhau những món quà như thế, cả người nhận và người tặng đều cảm thấy thoải mái, gần gũi.

Thế nhưng, dường như cuộc sống hiện đại đã và đang khiến mỹ tục chúc Tết bị biến tướng. Một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nghiễm nhiên coi chúc Tết là “cơ chế xin-cho”. Nói trần trụi ra là nhiều cuộc thăm viếng, tặng quà vào dịp Tết chỉ nhằm mục đích hối lộ, chạy chức, chạy quyền, lo lót, nhờ vả hoặc nịnh hót cấp trên; và cả người đến chúc Tết lẫn người nhận đều ngầm hiểu rằng, đó thực chất chỉ là một cuộc mua bán, trao đổi. Dần dà, việc chúc Tết, tặng quà cấp trên cũng trở thành “luật bất thành văn” ở một số cơ quan, tổ chức. Nếu Tết đến mà không biết “thăm hỏi” sếp có khi bị xem là không biết phép tắc, ngoại giao kém. Và, chả biết đã có tiền lệ hay chưa nhưng người ta thường sợ rằng nếu đứng ngoài dòng chảy này có thể bị “đì” hoặc mất cơ hội phát triển trong công việc.

Vô hình trung, Tết ngày nay không còn đúng nghĩa mà đang trở thành gánh nặng, là nỗi ám ảnh với nhiều cán bộ, đảng viên bởi thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn, sum họp cùng gia đình sau một năm dài làm việc thì họ phải đắn đo, cân đối xem chúc Tết thủ trưởng nào và “đi” bao nhiêu. Chẳng thế mà một người bạn đang công tác trong cơ quan nhà nước từng nói vui với tôi rằng, hễ cứ Tết đến là anh ta chỉ ước mình được trở thành trẻ con, đơn giản vì trẻ con thì Tết không phải lo biếu sếp này, tặng sếp kia.

Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết
Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết. Ảnh minh họa: diendandoanhnghiep.vn. 

 

Hãy trả lại nét đẹp cho chúc Tết!

Để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong chúc Tết là việc rất khó, nhưng không có nghĩa là không thể.

Trên thực tế, chúng ta vẫn nhìn thấy những nét đẹp vốn có của văn hóa chúc Tết. Bằng chứng là vào mỗi dịp cuối năm, nhiều cơ quan, lãnh đạo, đoàn thể vẫn đến thăm và tặng quà cán bộ đã nghỉ hưu. Cũng là những giỏ quà, những lời thăm hỏi, chúc sức khỏe để thể hiện lòng biết ơn thế hệ đi trước đã có cống hiến cho cơ quan, tổ chức, và tuyệt nhiên không mang màu sắc tiêu cực.

Bên cạnh đó, vẫn còn những vị lãnh đạo, cấp trên kiên quyết từ chối nhận quà Tết, đặc biệt là những món quà giá trị cao. Họ coi đó là hành động hối lộ, đút lót, và thậm chí nhân viên nào đến tặng quà còn bị họ đánh giá thấp. Những người này cho rằng cái họ cần ở cấp dưới là năng lực, trách nhiệm trong công việc chứ không phải những chai rượu ngoại đắt tiền hay những chiếc phong bì đầy sức nặng. Đó thực sự là quan điểm rất đáng trân trọng, thể hiện bản lĩnh và sự gương mẫu của người lãnh đạo.

Chỉ có điều, chẳng phải lãnh đạo, cấp trên nào cũng biết từ chối và kiên quyết từ chối như thế!

Nghiêm cấm, xóa bỏ việc lợi dụng chúc Tết, tặng quà Tết để thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là việc cần làm. Cũng vì thế, ngày 1-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định rõ: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình...".

Những năm gần đây, cứ gần tới Tết Nguyên đán, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thường quán triệt về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước về việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8-12-2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó nêu rõ không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Có thể nói, đây được xem là một trong những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn tới nham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động chúc Tết, và sâu xa hơn là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thiết nghĩ, mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng nên đề ra quy định về cách thức chúc Tết và nhận quà Tết phù hợp, lành mạnh, qua đó giải tỏa “áp lực Tết” cho cán bộ, công nhân viên và góp phần tạo không khí vui vẻ, thoải mái, môi trường làm việc chuyên nghiệp cho cơ quan mình.

Nhưng, quan trọng hơn cả vẫn là nhận thức của mỗi người về văn hóa chúc Tết, bởi rất khó kiểm soát, phát hiện những tiêu cực liên quan tới hành động này, nhất là khi việc chúc Tết, tặng quà đang ngày càng đi theo hướng “mỏng, nhẹ nhưng to tiền” và cũng “tế nhị” hơn trước nhiều.

Trong dòng người hối hả mua sắm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang đến gần, vẫn còn không ít người băn khoăn tự hỏi: Khi nào thì chúc Tết mới hết là gánh nặng, mới trở lại là văn hóa ứng xử tốt đẹp như đúng bản chất của nó?

BÁC HỒ VỚI TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC VIỆT NAM

Mỗi khi Tết đến, xuân về, không người Việt Nam nào lại không nhớ đến Bác Hồ - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Vào những ngày Tết cổ truyền, Người luôn dành trọn những ngày nghỉ của mình để đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ.

Với Bác, mùa xuân có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, Bác đều dành những lời thơ hay nhất, những lời ân cần nhất và cả những sự quan tâm thiết thực nhất đối với mọi người dân Việt Nam.

Trước Tết hàng tháng Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành, các địa phương chuẩn bị chu đáo cho dân đón Tết; nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc mừng năm mới" để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Còn Bác có chương trình riêng cho mình và Bác thường tự mình chuẩn bị các việc đó.

Đầu tiên, Bác tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới. Những bản thảo còn lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh cho thấy, viết mỗi bài thơ Người cũng dày công và kỹ lưỡng như thế nào. Có thể vì thế, những bài thơ chúc Tết của Người luôn vượt qua khuôn khổ những bài thơ chúc Tết đơn thuần. Lời thơ của Bác thật dung dị, nhưng sâu lắng hồn sông núi, bật dậy lời hiệu triệu, lời hịch giục giã quân và dân cả nước tiến lên giành thắng lợi, để “xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”.

Và cuối cùng là một chương trình đi thăm và chúc Tết đồng bào, chiến sĩ - một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Đối với Bác, việc đi thăm và chúc Tết đã thành nếp, bởi Bác cho rằng, đây là cơ hội tốt để hiểu được đầy đủ đời sống của nhân dân và cũng là niềm vui, hạnh phúc của người “đầy tớ của nhân dân” khi được tiếp xúc và nghe họ nói về mơ ước, khát vọng và niềm tin của mình về một năm mới đang gõ cửa từng nhà.

Bác vẫn thường nói: "Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc". Vì quan niệm về độc lập, về sự ấm no hạnh phúc của nhân dân đơn giản nhưng sâu sắc ấy mà kể từ khi nước nhà được khai sinh cho đến khi Bác đi vào cõi vĩnh hằng, gần như năm nào Bác cũng đi chúc tết đồng bào. Xuất phát từ tình thương bao la của Người, nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người lao động, đặc biệt là người nghèo, đầy xúc động và ấm tình người.

Trong Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước vừa thoát khỏi hơn 80 năm ách thực dân, Bác đã viết thư gửi thế hệ thanh niên: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”; và căn dặn các cháu phải thực hành đời sống mới, phải hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ… để trở nên những công dân mới, xứng đáng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm Ất Mùi 1955 là Tết Nguyên đán đầu tiên, Bác ở thủ đô Hà Nội sau chín năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi. Ngày mồng 1 Tết, Bác đi thăm công trường xây dựng đập nước Bắc Thái và công trường xây dựng tuyến đường sắt Mục Nam quan.

Nhiều cuộc gặp gỡ giữa Bác với người dân diễn ra đầy xúc động. Điển hình như cuộc gặp của Bác với anh em trường thương binh hỏng mắt Hà Nội trong đêm giao thừa Tết Bính Thân 1956 và cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội trong đêm 30 Tết Canh Tý 1960.

Hay, đêm giao thừa Tết Đinh Dậu 1957, Bác đã cùng đón Tết với các gia đình công nhân của nhà máy điện Yên Phụ. Cả khu lao động như trong ngày hội với hai niềm vui lớn: được đón Tết trong các căn hộ mới và được vinh dự đón Bác đến thăm.

Những câu chuyện thân tình, cởi mở giữa Bác và công nhân các nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Dệt kim Đông Xuân và Nhà máy Rượu Hà Nội vào đúng sáng mồng một Tết Tân Sửu 1961 đã làm cho Bác rất vui vì biết được đời sống của công nhân ít nhiều đã được cải thiện.

Mồng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, Bác đến sân bay Bạch Mai thăm Quân chủng phòng không không quân. Sau đó, Bác đến xã Vật Lại (huyện Ba Vì) khai Xuân và trồng cây trên đồi của xã. Đây là cái Tết cuối cùng nhân dân ta được đón Tết cổ truyền với Bác Hồ kính yêu.

TIA CHỚP 


DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA: PHẢI BIẾT CHÍNH NGỤY QUYỀN, NGỤY QUÂN CŨNG TIÊU DIỆT NHAU NHƯ THẾ NÀO?

Trần Thiện Khiêm mới đích thực là thủ lĩnh đảo chính

         Như đã nói ở phần trước 3 người tin cẩn nhất của CIA là Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm.

Nguyễn Khánh từng cứu giá và được anh em Diệm-Nhu tin cậy, nên nhiều người và cả bà nhà báo viết cuốn "Madame Nhu - Bà Rồng" xuất bản trước đây cũng lầm tưởng Nguyễn Khánh là người "ngoài cuộc".

Nguyễn Khánh lúc đó nằm ở Pleiku, không về Sài gòn...

Nguyễn Văn Thiệu lo tổ chức Sư đoàn 5 bộ binh tấn công Dinh Độc lập, nên không có mặt tại Sở chỉ huy đảo chính.

Sở chỉ huy đảo chính ở đâu?

Đó chính là Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH

Cần nói rõ trước một vài chi tiết.. Trung tướng Trần Văn Đôn lúc đó giữ chức vụ Quyền Tổng Tham mưu trưởng, thay Đại tướng Lê Văn Tỵ đang dưỡng bệnh.

Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm là Tham mưu trưởng Liên quân Quân đội Việt Nam Cộng hoà

Cả về cấp bậc và chức vụ, rõ ràng Trần Văn Đôn cao hơn Trần Thiện Khiêm.

Nhưng Trần Văn Đôn không có quân, mọi việc điều động quân đội do Trần Thiện Khiêm điều hành. Vì thế anh em Diệm-Nhu để Khiêm ở vị trí quan trọng. Còn Đôn thì bị vô hiệu hoá

Theo hồi ký của Thiếu tá Phạm Hữu Hoa, Trợ lý của Trần Thiện Khiêm thì:

....

Ngày 1 tháng 11 năm 1963, ngày lễ “Các Thánh” (All Saints), quân đội được nghỉ buổi sáng.

Khoảng 7 giờ sáng, chuông điện thoại nhà tôi reo:

- Đại uý Hoa tôi nghe.

- Chú đến nhà tôi ngay.

- Vâng. Tôi đến ngay, thưa Thiếu tướng.

Đó là Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, Tham mưu trưởng Liên quân Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Nhà tôi và nhà ông cùng ở trong khuôn viên trại Trần Hưng Đạo - tức Bộ Tổng Tham mưu - cách nhau khoảng vài trăm thước. Ông ở khu nhà lầu, tôi ở khu nhà trệt.

- Chào Thiếu tướng.

- Chú lấy ghế ra sân với tôi.

Hoàn toàn khác lạ với mỗi lần tôi đến nhận lệnh, nên tôi nghĩ ngay đến một vấn đề gì đó phải là quan trọng lắm, bởi thường khi chỉ ngồi trong nhà. Thiếu tướng Khiêm và tôi cùng ngồi ở góc sân sát hàng rào:

- Chú nghe đây. Lệnh mà tôi sắp cho chú là lệnh tối mật, nếu chú tiết lộ thì chú bị đứt đầu trước tôi. Chú không được nói với bất cứ ai, kể cả vợ chú và chú Có. Chú nghe rõ chưa?

- Tôi nghe rõ, thưa Thiếu tướng.

"Chú Có" mà Thiếu tướng Khiêm vừa nói là trung uý Nguyễn Hữu Có, sĩ quan tuỳ viên của Thiếu tướng Khiêm từ năm 1960. (Trung uý Có nói ở đây, trùng họ tên lẫn chữ lót với Đại tá Nguyễn Hữu Có lúc ấy. Năm 1975, Nguyễn Hữu Có là Đại tá, phụ tá Võ Phòng, Phủ thủ tướng).

- Hôm nay, tôi và một số vị tướng lĩnh đảo chính ông Diệm. Và những việc sau đây chú phải làm xong trong buổi sáng. Thứ nhất, đây là danh sách mời dùng cơm trưa tại câu lạc bộ (Bộ Tổng Tham mưu). Thức ăn do chú sắp xếp. Nhớ, các vị được mời phải có mặt tại câu lạc bộ đúng 12 giờ hoặc trước đó chút ít. Thứ nhì, đây là danh sách mời họp tại phòng họp số 1 (tầng trệt trong toà nhà chánh). Yêu cầu các vị này có mặt tại phòng họp chậm nhất là trước 1 giờ trưa. Đúng 1 giờ, chú cho lệnh Quân Cảnh khoá cửa lại và không ai được ra vào bất cứ vì lý do gì khi chưa có lệnh tôi. Cả hai danh sách này, nếu chú không liên lạc được với bất cứ ai hoặc có gì trở ngại thì chú trình ngay cho tôi. Đến đây chú rõ chưa?

- Vâng. Tôi rõ, thưa Thiếu tướng.

- Và thứ ba. Chú tổ chức an ninh chu đáo khuôn viên bộ Tổng Tham mưu, bằng cách sử dụng Đại đội 1 Quân Cảnh (của Tổng Tham mưu) và các thành phần an ninh của Tổng hành dinh (Tổng Tham mưu). Tất cả các cổng đóng lại, tuyệt đối không được mở, riêng cổng số 1 - tức cổng chánh - bất cứ ai ra hay vào đều phải trình tôi. Lệnh của tôi xong, chú có gì cần hỏi không?

- Thưa Thiếu tướng, lý do mời họp tôi phải nói thế nào để không bị ngờ vực?

- Tuỳ chú. Nhớ, chỉ một chút sơ hở là chú đứt đầu đó. Thôi, chú vào văn phòng làm việc đi.

Có hai danh sách được mời đến họp và ăn trưa

Danh sách 1: là những sĩ quan tướng lãnh tham gia đảo chính (họ biết trước nên việc mời cũng là cho phải phép). Những người này đến sớm và tập trung ở tầng trên.

Danh sách 2: là những sĩ quan tướng lãnh thân anh em Diệm-Nhu, bị giam ở tầng trệt để "cách ly" khỏi đảo chính. Một số sẽ bị "thịt" theo danh sách Khiêm đưa ra gồm Đại tá Lê Quang Tung, Đại tá Hải quân Hồ Tấn Quyền, Đại tá Cao Văn Viên...

Đại tá Lê Quang Tung và Đại tá Cao Văn Viên tới, cả hái bị còng nhốt ở tầng trệt.

Đại tá Hải quân Hồ Tấn Quyền do ra sân chơi tennis, không nhận được điện mời. Phe đảo chính cho sĩ quan thân cận của Hồ Tấn Quyền dụ ông Quyền đi ăn cưới ở Thủ Đức và đâm chết ông này trên đường.

Đại tá Lê Quang Tung bị Dương Văn Minh cử Đại uý Nguyễn Văn Nhung "thịt" và chôn ngay phía sân sau.

Đại uý Nguyễn Văn Nhung cũng chính là người "thịt" anh em Diệm-Nhu trên xe M-113./.

Từ trái sang phải của ảnh: Tướng Phạm Xuân Chiều, Đỗ Mậu, Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, Trần Thiên Khiêm và Nguyễn Văn Thiệu.

Yêu nước ST.

PHANH PHUI NHỮNG VỤ ÁN KHÔNG CÓ VÙNG CẤM: CHÌA KHÓA MỞ CỬA LÒNG TIN!

         Dồn dập các vụ đại án tiếp tục được phanh phui, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, tướng lĩnh...bị xử lý, bị khởi tố, truy tố, lĩnh án...

Ngày 16/1/2012, Nghị quyết Trung ương (T.Ư) 4, nhìn thẳng vào sự thật: Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái, biến chất.

Lúc đó, nhiều đảng viên khi quán triệt Nghị quyết đã băn khoăn: Bộ phận ấy nằm ở đâu, là ai? Đến tháng 12/2020, tại Hội nghị toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, "bộ phận không nhỏ" hiện ra: Hơn 131.000 đảng viên bị xử lý; trong đó, có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 tướng lĩnh...

Đã xử lý hình sự 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Bộ trưởng, 7 tướng lĩnh với mức án cao nhất là Chung thân. Kết quả đó gắn với sự kiện ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (nay là phòng chống tham nhũng, tiêu cực) được thành lập với quyết tâm cũng gây băn khoăn không kém: "không có vùng cấm".

Một năm sau Hội nghị, dồn dập các vụ đại án tiếp tục được phanh phui, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, tướng lĩnh... bị xử lý, bị khởi tố, truy tố, lĩnh án. Giống như "bộ phận không nhỏ", "không có vùng cấm" đã có sức thuyết phục.

Đã rõ hơn một thực tế, tham nhũng và tiêu cực nguy hại ghê gớm và vẫn đang song hành. Vẫn xa hoa, lãng phí, quyền thế, nhũng nhiễu và tha hóa người khác trong các biệt thự, trang trại, sân golf, xe hơi đắt tiền, và thậm chí...cả trong nhà tù.

Vẫn "ăn của dân không từ một thứ gì", kể cả ăn trên sự khốn cùng của người dân trong cơn đại dịch. Vụ Việt Á bất ngờ hiện ra, choáng váng và phẫn nộ. Choáng vì một doanh nghiệp tư nhân đã dùng 800 tỷ đồng "bôi trơn" cả một hệ thống của ngành y tế, nghiền nát y đạo.

Phẫn nộ vì sau nó lại có một nhóm người tạo thành "liên minh ma quỷ" khiến cho toàn dân phải ngửa mặt lên trời cho kít Việt Á "ngoáy mũi" và trục lợi 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đỉnh của đỉnh vẫn chưa hẳn đã là Việt Á.

Dịch bệnh tràn khắp thế giới khiến hàng triệu công dân Việt Nam bị kẹt lại tại nước ngoài trong hoàn cảnh không việc làm, không thu nhập, không bảo hiểm y tế. Vậy là "trọn ổ" 4 quan chức lãnh đạo Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao thò tay nhận hối lộ, cho phép các công ty tổ chức 800 chuyến bay để chở 200.000 công dân mắc kẹt từ 60 quốc gia về nước với giá đương nhiên là phải "lấp tràn" số tiền đã hối lộ.

Chưa biết khoản hối lộ là bao nhiêu, còn chờ kết quả điều tra. Nhưng cứ từ thông tin trên báo chí, có thể thấy con số "móc túi" người hoạn nạn gấp nhiều lần Việt Á. Bộ Công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 "mặt nạ quan chức" leo cao, chui sâu vào Bộ Ngoại giao khi thời điểm giao thừa đếm ngược chỉ còn 4 ngày.

Bộ Ngoại giao ngay trong ngày thứ Bảy đã phải tỏ rõ quan điểm: Đây là hành vi trục lợi cá nhân, vi phạm đến đâu xử lý đến đó, không có vùng cấm, không bao che, bất kể là ai. Nếu vụ Việt Á, tham nhũng "liên minh" móc túi người dân khốn khổ vì dịch bệnh trong nước, thì vụ "4 mặt nạ quan chức", tham nhũng vươn vòi bạch tuộc qua biên giới nhắm đến hàng trăm ngàn người dân hoạn nạn nơi "đất khách quê người".

Hai vụ án cuối năm là "giọt nước tràn ly" và đang phát đi thông điệp: Không chỉ đạo đức công vụ mà cả đạo lý cũng đã bị thủng đáy. Một khi nền tảng đạo lý không còn, pháp lý trở nên vô nghĩa. Diễn biến hai vụ án đang tiếp tục thể hiện quyết tâm truy đến cùng và "không có vùng cấm" của Cơ quan Điều tra, Bộ Công an. "Không có vùng cấm" đang trở thành mối quan tâm sâu sắc của người dân và là "chìa khóa" mở ra cánh cửa lòng tin của Nhân dân./.

Môi Trường ST.

GIỮA TỐT VÀ XẤU!

         Thường cái gì cũng có hai mặt tốt và xấu. Điều xấu thì có lẽ là chúng ta đã nhìn thấy rồi, đến cá nhân mình cũng rất bực vì những đã diễn ra trong mấy ngày vừa nó, nó kiểu như là một thứ gì đó tan vỡ. Năm 2020, chúng ta đã từng thành công như thế nào rồi đến năm 2021, nói thất bại thì là nặng nhưng nói chống dịch tệ thì cũng không sai.

Từ vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến đến Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, từ vụ các nghệ sĩ với những bê bối từ thiện, sự xuất hiện của lang băm tồn tại như một điều hiển nhiên không bị trừng phạt. Đến vụ Việt Á như là một cú đấm vào nhân dân cả nước, biết bao nhiêu người đã kỳ vọng vào nó, biết bao báo chí, truyền thông, từ Chính phủ đến sóng truyền hình quốc gia tin vào nó - trong đó có cả mình… Rồi còn vụ những quan chức Cục lãnh sự bị bắt vì nhận hối lộ, cấp phép cho các chuyến bay đưa đón người về nước kể từ đầu những năm 2021. Tại sao những tháng đầu 2020, chúng ta làm tốt như vậy, đưa thai phụ, lao động, người già về nước mà lại trở thành bung bét ra như thế? Tại sao lại có một mức giá trên trời, tình trạng chung chi, cò mồi, gò ép người dân như vậy? Tại sao những cái tốt đẹp vừa mới diễn ra thôi mà những cái tiêu cực lại đến ngay sau đó?

Điều xấu đã trở thành hệ thống chứ không phải là riêng lẻ một vài cá nhân. Mà những hệ thống này tồn tại ở số nhiều chứ không phải số ít. Như “hệ thống” các tướng lĩnh ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, rồi hệ thống các nhân sự Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, các giám đốc CDC dính bê bối...

Nhưng cũng phải thật may vì chúng ta còn những điều tốt. Đó là tình trạng tham nhũng, hối lộ, vô trách nhiệm được đưa ra ánh sáng thay vì bưng bít. Điều đáng sợ nhất là ở thượng tầng không hành động gì cả, không đưa ra ánh sáng những cá nhân suy thoái, không dám làm gì để đấu tranh… mà ru ngủ và mặc kệ dân chúng. Bất cứ ai trong chúng ta cũng cảm thấy bức xúc, nhưng cũng có nhiều người cảm thấy rằng cuộc chiến chống tiêu cực vẫn còn có những người dẫn đầu có tâm.

Bên cạnh cái xấu thì còn có cái tốt, bên cạnh cái bi quan còn có lạc quan.

Để trở nên tốt hơn, điều tiên quyết là ta phải đối mặt với cái xấu trước. Bản chất con người ta là tham lam, mưu cầu danh vọng, việc chặt đứt cái nhu cầu ấy khó hơn cưỡi cá chép lên giời, nhưng kiềm chế nó thì có thể. Nhiều người mất niềm tin vì những sự việc vừa qua. Đó là một điều vô cùng dễ hiểu. Vì chính những người kiên định nhất là mình từng biết, họ cũng có những suy nghĩ như vậy.

Nhưng, đối diện với cái cái tiêu cực là cần một sự đồng lòng. Phanh phui ra những vụ việc trên chứng tỏ rằng thượng tầng của chúng ta không sợ việc mất niềm tin. Công khai tham nhũng trước dân, chấp nhận những cái tốt đẹp có thể bị ảnh hưởng, lụi tàn hoặc biến mất. Nhưng đó là tiền cho một tương lai có lẽ là tốt.

Thà hành động còn hơn là ko làm cái gì cả và mặc kệ.

Mất niềm tin thì người ta có thể lấy lại được. Chứ sợ là không còn thứ gì để mà mất nữa thôi.

Năm mới, chúc cho bác Trọng, bộ máy chống tham nhũng của chúng ta hoạt động tích cực và quyết liệt hơn nữa, khui ra nhiều vụ việc hơn, đúng người đúng tội. Mong cho đất nước chúng ta trở nên hùng cường, mạnh mẽ hơn nữa về nhiều mặt! Tiến hành mở cửa đất nước bình thường hoàn toàn sau đại dịch!

Gác lại vào trưa 29 Tết Nhâm Dần nhé!

Yêu nước ST.

UKRAINA VÀ BÀI HỌC BUỒN KHI ĐI THEO "DÂN CHỦ PHƯƠNG TÂY"!

     Nếu nói về những đắng cay của một đất nước từ bỏ con đường đi theo chủ nghĩa xã hội, ngả hoàn toàn theo phương Tây thì Ukraina là một trường hợp điển hình nhất. Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, từ một quốc gia giàu mạnh bậc nhất Đông Âu, Ukraina đã nhanh chóng rơi vào khủng hoảng và trở thành một quốc gia suy yếu về chính trị, kinh tế và bất ổn về chính trị.

Năm 1989, GDP của Ukraine là 82,71 tỷ USD. Cùng năm, GDP của Việt Nam rơi xuống còn 6,3 tỷ USD, bằng 1/13 của Ukraine. Thế rồi Ukraine cùng các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ cùng theo tư bản, kinh tế vẫn phát triển nhưng liên tục trồi sụt để đến sau gần 1/4 thế kỷ (2013), GDP 2 nước là tương đương, khoảng hơn 184 tỷ USD. Vẫn chưa hài lòng, người Ukraine tạo ra Euro Maidan, bám theo Tây Âu, trở mặt với LB Nga. 5 năm sau, GDP của Ukraine còn gần 120 tỷ USD, bằng non nửa Việt Nam (hơn 240 tỷ USD). 

Đó là cái giá của việc đập bỏ thành quả của CNXH, phản bội đồng minh chiến lược để đu bám theo Phương Tây. Nhiều người bảo đa nguyên đa đảng giúp đất nước phát triển nhưng có lẽ mọi thứ không màu hồng như chiếc bánh vẽ mà phương Tây quảng bá rồi. Trong sự kiện cách mạng Maidan, đa số người Ukraine tụ tập ở quảng trường Maidan nghĩ rằng họ đi vì yêu Tổ quốc mình, hành động vì một đất nước Ukraina công bằng, dân chủ hơn. Nhưng 6 năm sau, đất nước này càng ngày càng chìm trong khủng hoảng, kinh tế trì trệ, phải ngửa tay xin từng đồng của phương Tây, thật sự trở thành con cờ để Mỹ và phương Tây chống Nga. Người Ucraina gần như mất tất cả, một đất nước của thế vận hội xinh đẹp đã hoang tàn dưới đống đổ nát, đất nước nội chiến chia cắt, từng là một cường quốc về quân sự sau không gian hậu Xô viết bây giờ phải đi xin từng khẩu súng của các nước phương tây, giấc mộng hão huyền gia nhập EU coi như thành công cốc, và giọt nước mắt đã rơi trên những người dân Ucraina sau tiếng gọi của " Mùa xuân dân chủ".

Ukraina và Nga đang đứng trước thùng thuốc súng khổng lồ. Chiến tranh có thể không nổ ra, nhưng căng thẳng ngoại giao vẫn luôn thường trực, đi đôi với đó là những mâu thuẫn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Xét về mọi khía cạnh, trong cuộc đọ sức này, phần thua chắc chắn sẽ thuộc về Ukraina.

Họ không phải bây giờ mới thua, mà thua ngay từ khi quyết định ngả theo phương Tây để từ bỏ các giá trị cốt lõi về an ninh quốc gia của dân tộc mình./.
Yêu nước ST

NAM DU HỌC SINH VIỆT TỰ NGUYỆN DỌN VỆ SINH KHU VỰC TƯỢNG BÁC HỒ MỖI TUẦN Ở SINGAPORE!

         Được biết, anh chàng này tên Dương Đoàn (Tiktok @duongdoan787), là du học, sinh sống và làm việc ở Singapore.

Theo thông tin trên TikTok của nam sinh này, mỗi tuần anh lại ghé thăm tượng Bác Hồ một lần, sau đó lau chùi và dọn dẹp sạch sẽ xung quanh tượng. Vào những ngày lễ lớn ở Việt Nam, chẳng hạn như vào ngày 02/9 vừa qua, anh Dương còn mang lẵng hoa tới để cạnh tượng Bác.

Hành động đẹp của anh chàng đã nhận được rất nhiều lời khen, sự cảm kích từ cộng đồng mạng trong và ngoài nước. Người Việt Nam từ trước đến giờ đều vậy, dù có đi đâu, về đâu thì chỉ cần bắt gặp hình ảnh của Bác đều cảm nhận thấy xúc động, tự hào. Đây cũng được xem là một hành động đáng để chúng ta lan tỏa, sẻ chia về niềm tự hào dân tộc trỗi dậy tình yêu đất nước, lòng thành kính đối với vị lãnh tụ kính yêu vĩ đại của dân tộc.

Được biết, bức bia tưởng niệm Bác Hồ này chính là tượng đài đầu tiên trong chương trình tôn vinh “Những người bạn đến bờ biển chúng ta” của Singapore. Bức tượng được đặt ở công viên Bảo tàng Văn minh châu Á - một trong những địa điểm thu hút nhiều khách tham quan. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã hai lần đến Singapore, trong đó lần đầu vào tháng 5/1930 và lần thứ hai là tháng 01/1933./.

Ảnh: Mỗi tuần anh lại ghé thăm tượng đài Bác Hồ một lần, sau đó lau và dọn dẹp sạch sẽ xung quanh tượng.

Yêu nước ST.

BẢO VẬT QUỐC GIA: MÁY BAY MIG 21, SỐ HIỆU 4324!

         Từ khi vào Việt Nam, máy bay Mig 21, số hiệu 4324 đã được 9 người lái chiến đấu, bắn rơi 14 máy bay địch. 8/9 phi công được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi lái chiếc máy bay này. Với thành tích đó, nhiều người gọi chiếc máy bay này là “thần chết” của bầu trời, gieo nỗi khiếp sợ cho không quân của đế quốc Mỹ trong mỗi trận không chiến.

Về nguồn gốc của các ngôi sao được in trên máy bay:

thời gian khoảng 1966 - 1967 khi Bác Hồ thăm một đơn vị không quân. Trong buổi gặp gỡ thời gian đó, Bác đề nghị mỗi phi công nếu bắn rơi được 1 máy bay Mỹ thì được tặng một huy hiệu của Người và gắn 1 ngôi sao trên mũi của chiếc máy bay đó, nếu bắn rơi 2 máy bay địch thì được in 2 sao... Kể từ đó, nhiều máy bay của không quân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, lập công lớn và được in hình ngôi sao trên mũi.

Nguồn gốc của 14 ngôi sao trên máy bay MIG 21 số hiệu 4324:

16 lần xạ kích, 14 lần hạ máy bay Mỹ.Theo Hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thì chiếc Mig 21, số hiệu 4324 đã lập công lớn góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” bằng việc dùng không quân và hải quân để đánh phá miền Bắc lần thứ nhất. Trong cuộc chiến này, không quân ta đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, thuộc 19 chủng loại gồm cả pháo đài bay B52, trong đó có chiến công của chiếc Mig 21, số hiệu 4324. Chỉ trong năm 1967, 9 phi công thuộc Trung đoàn không quân số 921 thay nhau trực chiến, lần lượt lái chiếc 4324 không chiến, bắn rơi 14 máy bay Mỹ các loại. Đáng nói là xác suất tiêu diệt mục tiêu của chiếc Mig 21, số hiệu 4324 nhiều nhất Việt Nam thời đó. Cụ thể, trong năm 1967, chiếc 4324 đã gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần và tiêu diệt tới 14 máy bay Mỹ. Có tới 8/9 phi công lái chiếc 4324 được phong Anh hùng. Các phi công tiêu biểu đã điều khiển máy bay này bao gồm Lê Trọng Huyên, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng Kính, Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự và Nguyễn Văn Lý.

Đây là biểu tượng của tinh thần bách chiến bách thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau những chiến công oanh liệt, ngày 7/12/1974, chiếc máy bay Mig 21, số hiệu 4324 đã được Trung đoàn không quân số 921 bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để làm hiện vật trưng bày, giáo dục tinh thần yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam. Ngày 14/01/ 2015, máy bay này đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia./.

Môi Trường ST.