Lực lượng pháo binh tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 gồm hầu hết các loại pháo trực thuộc các bộ chỉ huy chiến trường miền, pháo trong biên chế của các đơn vị chủ lực, pháo của tỉnh đội, huyện đội, súng cối của dân quân xã.
Chỉ tính pháo dự bị quân khu đã có 56 tiểu đoàn pháo cối (gồm 34 tiểu đoàn pháo mang vác và 22 tiểu đoàn pháo xe kéo), từ pháo chiến thuật đến pháo chiến dịch. Đặc biệt, có một số loại pháo tầm xa, uy lực mạnh nhưng kết cấu gọn nhẹ, như pháo A12 và ĐKB. Nhiệm vụ chủ yếu của pháo binh là chi viện cho bộ binh đánh chiếm, chốt giữ các căn cứ trong thị trấn, thị xã, quận, huyện, thành phố; tiêu diệt sinh lực địch trong và ngoài công sự; tập kích hỏa lực vào cơ quan đầu não, sở chỉ huy các cấp, các trận địa hỏa lực, khu trung tâm thông tin, kho tàng, sân bay, bến cảng, đầu mối giao thông... làm rối loạn hệ thống chỉ huy, ngăn chặn sự tiếp tế, chi viện của hậu phương địch.
Do công tác chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng tốt ngay từ đầu nên pháo binh đã hình thành được thế bố trí rộng khắp, đủ sức tiến công liên tục, dài ngày. Riêng trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (từ ngày 30-1 đến 31-3), lực lượng pháo binh đã đánh 652 trận hiệp đồng và độc lập lớn (trung bình mỗi ngày đánh 11 trận), góp phần tiêu diệt hơn 14.500 tên Mỹ, ngụy; phá hủy rất nhiều máy bay, xe cơ giới và pháo hạng nặng, kho hậu cần, tàu chiến, tàu vận tải lớn của địch.
Xe tăng của quân đội Mỹ bị Quân Giải phóng đánh chiếm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Trong cuộc tổng tiến công, các hình thức chiến thuật của pháo binh có bước phát triển mới, đặc biệt là chiến thuật độc lập tập kích hỏa lực. Khi tổ chức hỏa lực đã kết hợp tốt việc tổ chức các trận địa cấp đại đội, tiểu đoàn pháo binh với cấp cụm pháo binh quy mô 4 tiểu đoàn pháo xe kéo; kết hợp linh hoạt nhiều chủng loại pháo; giữa pháo bắn trực tiếp với bắn gián tiếp, pháo mang vác với pháo xe kéo, pháo phản lực; tổ chức lực lượng pháo binh ở nhiều cấp, hình thành hệ thống hỏa lực pháo binh nhiều tầng, nhiều tầm, tập trung có trọng điểm vào hướng, khu vực mục tiêu tiến công chủ yếu để tạo ưu thế về hỏa lực đánh thắng địch.
Lần đầu tiên trong lịch sử, pháo binh đã chi viện cho bộ binh, xe tăng đánh địch trong công sự vững chắc. Nổi bật là trận Làng Vây, lực lượng pháo binh đã giải quyết được vấn đề hiệp đồng chiến đấu cùng bộ binh, xe tăng; giữa xe tăng tiến công với hỏa lực pháo binh chi viện tiến công. Các trận chiến đấu đã đánh dấu sự phát triển mới về chiến thuật pháo binh. Cũng trong cuộc tổng tiến công này, ta đã sử dụng hai trung đoàn pháo binh (675 và 45) với 24 khẩu Đ74 và 36 khẩu ĐKB tham gia tập kích hỏa lực vào Tà Cơn để chi viện cho bộ binh tiến công, vây hãm Tà Cơn. Trận đánh diễn ra trong 54 ngày đêm, pháo binh chi viện cho các lực lượng chuyển từ vây hãm phát triển thành vây lấn. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng hỏa lực pháo binh chiến dịch tầm xa, ta còn kết hợp dùng hỏa lực pháo binh mang vác (súng cối, ĐKZ) để tập kích vào các sân bay nhằm cắt đứt sự tiếp tế bằng đường bộ và hạn chế tiếp tế bằng đường không của địch, buộc địch phải nhanh chóng đưa quân ứng cứu Tà Cơn theo đúng dự kiến của ta.
Chiến thuật tập kích của pháo binh cũng có bước phát triển mới, tuy không lớn về quy mô nhưng rất phong phú về cách đánh và sự chỉ đạo vận dụng chiến thuật. Pháo binh đã tổ chức tốt việc cơ động, đưa một lực lượng lớn pháo, đạn qua vùng địch chiếm đóng để vào sát mục tiêu, bất ngờ tập kích hỏa lực vào sào huyệt của địch; phối hợp thực hiện nhiều trận tập kích trong cùng một thời điểm. Có những trận đánh trực tiếp vào cơ quan đầu não của địch trong nội thành Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn. Các trận tập kích hỏa lực pháo binh đạt hiệu suất cao điển hình, như: Trận tập kích hỏa lực vào sân bay Kon Tum, chỉ với 9 viên đạn ĐKB, pháo binh đã phá hủy 16 máy bay; tập kích vào sân bay Pleiku, với 30 quả đạn cối 82mm đã phá hỏng 20 máy bay; trận tập kích hỏa lực vào kho xăng Nhà Bè... Quá trình phát triển chiến thuật tập kích của pháo binh đã góp phần giành quyền chủ động trên chiến trường và thúc đẩy các hình thức chiến thuật binh chủng hợp thành khác phát triển giành thắng lợi.
Đánh giá về vai trò của pháo binh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Trung ương Cục miền Nam đã nhận xét: “Trong chiến thắng chung, pháo binh đã với tới những mục tiêu quan trọng trong trung tâm các thành phố mà Bộ đội Đặc công chưa vào tới được. Pháo binh đã đánh phá liên tục, kéo dài trong lúc bộ binh phải tạm dừng lại hoặc rút ra để củng cố. Hoạt động của pháo binh đã buộc địch phải điều chỉnh lớn về lực lượng, tăng cường phòng thủ các vành đai và ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh của nhiều thành phần lực lượng, trong đó có sức mạnh to lớn của lực lượng pháo binh Việt Nam. Sức mạnh đó thể hiện nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng pháo binh chiến lược; nghệ thuật sử dụng lực lượng pháo binh tập trung trong từng chiến dịch, từng trận đánh quan trọng, đặc biệt là các trận then chốt, then chốt quyết định để giành thắng lợi; đồng thời, còn là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và kỹ năng tác chiến.
Với những bài học kinh nghiệm quý báu tiếp tục được nghiên cứu đúc rút và phát triển để vận dụng hiệu quả trong thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu hiện nay, cùng với khả năng tác chiến độc lập cũng như tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, lực lượng pháo binh sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy tốt truyền thống “Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”, xứng đáng với vai trò là hỏa lực mặt đất chủ yếu của lục quân và Quân đội ta.MT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét