Trên thực tế, tham gia các lễ hội, đi lễ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của nhân dân ta. Trong những ngày vui xuân, đón Tết thì hoạt động tín ngưỡng thờ cúng, tế lễ, tổ chức các lễ hội truyền thống là nhu cầu không thể thiếu của mọi người. Nó tạo ra không khí đầm ấm, sum vầy, nhớ về cội nguồn để tri ân tổ tiên và tạo khí thế vui tươi, phấn khởi đầu năm mới. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng đúng pháp luật và rất quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí cho người dân trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Tháng truyền cảm hứng làm việc
Ảnh minh họa: TTXVN 

Tuy nhiên, nếu chúng ta quá sa đà vào việc cúng lễ, vui chơi, nhất là thời gian sau Tết Nguyên đán thì không hợp với cuộc sống hiện tại và lãng phí thời gian, tiền của. Những ngày sau Tết Nguyên đán, chúng ta vẫn bắt gặp cảnh người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền bức xúc, khó chịu vì cán bộ "vắng" do vẫn còn bận các công việc lễ Tết. Còn các doanh nghiệp thì thiếu công nhân đầu năm vì người lao động vẫn mải chơi Tết ở quê chưa tới. Rõ ràng, quan niệm “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” vẫn chưa dễ dàng được dứt bỏ. Điều này cần phải thay đổi ngay trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. 

Dịp Tết Quý Mão vừa qua, chúng ta rất trân trọng khi tại các công trình xây dựng lớn của đất nước, bao cán bộ, công nhân vẫn làm việc xuyên Tết. Lãnh đạo các doanh nghiệp cũng tổ chức thăm hỏi, động viên, lì xì cho các công nhân tình nguyện ở lại và làm việc trong những ngày Tết. Đây là một nguồn cổ vũ, động viên và tạo cảm hứng to lớn để người lao động cống hiến cho doanh nghiệp sau này. Tại nhiều địa phương, người dân cũng tổ chức lao động ngay từ mồng 2 Tết. Các lễ hội xuống đồng được tổ chức khá sôi nổi, hấp dẫn, tạo niềm phấn khởi lớn lao cho người nông dân bước vào một vụ mùa mới.

Tháng Giêng sẽ không còn là "tháng ăn chơi" nếu chúng ta biết sắp xếp thời gian nghỉ Tết Nguyên đán hợp lý và đặt công việc lên trên hết. Cùng với đó, những lễ hội tại các địa phương cần phải tổ chức chặt chẽ, phù hợp, không nên kéo dài để giảm thời gian vui chơi, giảm chi phí, giúp mọi người dành thời gian để lao động sản xuất, giữ gìn an ninh chính trị và bảo vệ Tổ quốc. Các lễ hội cũng phải là dịp để cổ vũ, tạo niềm tin, khơi dậy tinh thần làm việc cho người dân. Điều quan trọng là mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương cần biến tháng Giêng thành tháng "truyền cảm hứng làm việc" cho tất cả mọi người. Đây sẽ là thời gian để tổ chức các phong trào thi đua "Lao động, sản xuất giỏi", "Tết trồng cây", hay "Ngày hội xuống đồng", "Ngày hội lên nương"... Phải tạo khí thế lễ hội làm việc hăng say, sáng tạo ngay sau kỳ nghỉ Tết để giảm những ngày ăn nhậu, ca hát, hay chìm vào việc lễ lạt khắp nơi. Có như vậy, chúng ta mới vượt qua được mọi khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kỷ nguyên số hiện nay. Đó cũng là khát vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm Quý Mão 2023.

LÊ PHI HÙNG 

nguồn báo QĐND