Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Phản bác những luận điệu sai trái, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới

 

Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tấn công vào tư tưởng Hồ Chí Minh (chiếm tỷ lệ 6,7% các nội dung xuyên tạc, chống phá)(1); chúng đã sử dụng nhiều thủ đoạn nhằm xuyên tạc, phủ định, bài bác, vu khống, bịa đặt trắng trợn, thậm chí còn phỉ báng, kêu gọi phong trào “No Ho” hoặc khéo ngụy trang để đưa ra những thông tin sai lệch với tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển. Điều này đặt ra vấn đề phải đưa ra những luận cứ đấu tranh nhằm bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.

Những thành phần “xạo ngôn”, tỏ ý phân rã tư tưởng, ly khai lý luận đã lập luận theo lối ngụy biện nhằm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hoặc cho rằng đó là “làm mới tư tưởng” để “lòe bịp thiên hạ”. Chúng đã và đang công kích mạnh mẽ vào những người cộng sản Việt Nam “tự huyễn hoặc”, “tự tô vẽ” nên “hình tượng vượt thời gian”, hoặc cho rằng tư tưởng của Người là “di sản nhập ngoại”, “rỗng tuếch” và “cũ rích”, bởi Hồ Chí Minh chỉ nói “vài ba luận điệu cách mạng”, là “yêng hùng một thời” của thế kỷ XX thì không thể có tư duy đổi mới. Có những phần tử cơ hội chính trị với chiêu bài “kiến nghị” để “tư vấn”, “góp ý” cho đất nước cần “thay đổi” chế độ “độc tài” thì mới giàu mạnh, dân chủ. Có những luận điệu tuyệt đối hóa “đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ, cải cách ở Liên Xô”, hoặc “không cần đổi mới thì vẫn tiến bộ”, là “đỏ vỏ xanh lòng”, thực chất là phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Có quan điểm cần “cập nhật” tư tưởng hiện đại như: “xã hội siêu công nghiệp”, “ý thức hệ toàn cầu”, “làn sóng thứ tư”... nhằm hướng lái đường lối, quan điểm đổi mới ở Việt Nam ngả theo phương Tây.

Sự thật là, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ít nói đến thuật ngữ “đổi mới” trong sự nghiệp của mình, nhưng chính ý thức trách nhiệm trước vận mệnh đất nước và dân tộc là động lực thôi thúc Người nung nấu tinh thần đổi mới từ rất sớm, nghiên cứu cái mới để đổi mới không ngừng, mà toát lên là tư duy đổi mới, đạo đức đổi mới, phong cách đổi mới và hành động đổi mới. Tư tưởng đổi mới của Người là hệ thống các quan điểm mang tính định hướng sâu sắc về sự thay thế cái cũ bằng cái mới tiến bộ, từ nhận thức mới để đổi mới đường lối, chính sách, phương thức hoạt động và tổ chức lực lượng thực hiện nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự cường, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Di sản đổi mới của Người là sản phẩm của thời đại, chứ không chỉ giới hạn trong hoạt động tư duy và thực tiễn của Người.

Sự nghiệp của Hồ Chí Minh là sự nghiệp cách mạng, bản chất của cách mạng là đổi mới; đổi mới theo tôn chỉ có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người khẳng định: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Thành công của Hồ Chí Minh trong tư duy đổi mới là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa cái phổ biến của thế giới với cái đặc thù của Việt Nam để thực hiện con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở một nước nghèo nàn, kém phát triển. Người thấu triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt những giá trị kinh điển phương Đông (bài học về cải cách, canh tân), tư tưởng đổi mới phương Tây (đặc biệt là tư tưởng khai sáng) và kế thừa, tiếp thu trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin về tư tưởng đổi mới. Tư duy đổi mới của Người luôn bắt mạch từ thực tiễn và làm theo quy luật khách quan, giải quyết hiệu quả những đòi hỏi đặt ra theo nguyên tắc “chân lý là cụ thể nên cách mạng phải sáng tạo”, để kế thừa và phát triển, chứ không phủ nhận sạch trơn, không lý luận tư biện hay thực tiễn mù quáng. Người nói: “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới... nhiệm vụ của ta do đó cũng có thay đổi, chính sách và khẩu hiệu cũng phải thay đổi, cho hợp với tình hình mới... không thể giữ cương lĩnh cũ”. Đó là bài học thực tiễn quý báu cho đảng cầm quyền trong nhận thức mới để đổi mới đường lối cho phù hợp.

Với những ai còn sử dụng luận điệu “bôi nhọ” Hồ Chí Minh thì hãy nhìn nhận một cách thấu đáo rằng: Người đã chỉ ra mục tiêu của cách mạng là: bắt đầu từ nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân và trở về với nhân dân. Người đã khẳng định nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là trung tâm, vừa là nhân tố quyết định của đổi mới; có lực lượng dân chúng thì việc to tát mấy, khó khăn đến đâu cũng giải quyết được. “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, phải dựa chắc vào nhân dân vì “dân là gốc”, để học - hỏi - hiểu dân chúng, phát huy tinh thần tự chủ - tự lập - tự quyết của dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải đem tài dân, sức dân, kinh nghiệm và sáng kiến của dân để làm lợi cho dân.

Những luận điệu chống phá, phủ nhận thành tựu đổi mới hiện nay tập trung vào công kích chế độ, xuyên tạc, phủ nhận sự cống hiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới hiện nay là quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, theo tấm gương và cách làm của Người để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những thành tựu to lớn của đất nước hơn 35 năm qua là minh chứng việc kiên định tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và con đường đổi mới ở Việt Nam là đúng đắn, là tất yếu khách quan và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.“Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.

Đất nước đang bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, đòi hỏi tiếp tục thấm nhuần sâu sắc di sản đổi mới của Hồ Chí Minh, Đảng và dân tộc nâng tầm đổi mới ở một trình độ mới, nắm vững phương pháp luận và nguyên tắc đổi mới để không ngừng “tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét