Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Yêu cầu truyền thông chính sách phải mang tính hai chiều

 

Truyền thông để quá trình chính sách hiệu quả hơn, bao gồm hoạch định được những chính sách tốt hơn, đưa chính sách vào thực tiễn hiệu quả hơn, đánh giá chính sách được khách quan hơn, đóng góp giá trị vào việc xây dựng và thực thi các chính sách tiếp theo để giải quyết các vấn đề mới, kết cục là thỏa mãn tốt hơn nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, truyền thông chính sách không chỉ vận động để cộng đồng, xã hội nghe theo, thuận theo ý mình trông đợi, mà đồng thời, cần chủ động tranh biện để thuyết phục là lựa chọn chính sách hay biện pháp chính sách đó là có tính hợp lý, vì mục tiêu lâu dài; mặt khác, cần chủ động lắng nghe các ý kiến chất vấn và bổ sung để kịp thời điều chỉnh chính sách. Hơn thế nữa, phản biện xã hội chính là mức độ nâng cao sự tham gia đề xuất ý kiến của Nhân dân trong hoạch định chính sách.

Chính vì vậy, thiết kế và tổ chức quá trình truyền thông chính sách cần mang tính cầu thị (hướng tới các giá trị tốt đẹp và cải thiện chất lượng chính sách vì phát triển xã hội) với mục tiêu để lắng nghe tốt hơn, đặc biệt là để tiếp nhận và phát huy tốt hơn các ý kiến phản biện xã hội, cởi mở, có tính tranh luận, sẵn sàng đối thoại (nghe và đối thoại, kể cả nghe những ý kiến trái chiều). Do đó, cần tiếp tục thực hiện tốt hơn các hoạt động đối thoại (online và offline), nghiên cứu và dự báo dư luận, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác thông tin, báo cáo, khảo sát thực tế, tổ chức các sự kiện kinh tế, hành chính và văn hóa – xã hội. Đặc biệt, để thu hút được sự quan tâm, tham gia và niềm tin của cộng đồng, xã hội đối với quá trình chính sách và các chủ thể chính sách, cần quan tâm xử lý nghiêm túc và vi phạm trong công vụ, xử lý nghiêm minh, khách quan các vụ án hành chính, nhất là các vụ án liên quan đến tham nhũng, hối lộ.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét