Truyền thông chính sách chuyên nghiệp
cần bảo đảm các khâu, các công cụ trong truyền thông được ISO hóa, chuẩn hóa để
tạo ra các kết quả có thể lường trước được. Trong bối cảnh Chính phủ điện tử
hướng tới Chính phủ số, truyền thông chính sách trước nhất cần
dựa trên nền tảng hệ thống dữ liệu quản lý nhà nước doanh nghiệp và xã hội,
cung cấp đầy đủ các yêu cầu về thông tin, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin
như Luật Tiếp cận thông tin đã quy định. Ở khía cạnh này, có thể hướng tới truyền
thông chính sách như một công nghệ.
Tuy nhiên, sự hạn chế về công cụ, phương tiện tiếp cận
thông tin của người dân (không có máy tính, máy tính không kết nối internet),
sự thụ động của người dân trong sử dụng internet, sự thờ ơ của dân chúng đối
với các vấn đề của quản lý nhà nước nói chung mà chỉ quan tâm khi động đến
quyền lợi trực tiếp của bản thân hay gia đình, vừa là kết quả của truyền
thông chính sách, vừa là một rào cản đối với quá trình này. Chính vì
vậy, số hóa hoạt động của chính phủ cũng cần sự nâng cao dân trí, cải thiện hạ
tầng công nghệ thông tin công cộng và cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa
các thủ tục liên quan đến quá trình hành chính nói chung và quá trình chính
sách nói riêng là điều kiện khả thi của truyền thông chính sách
trong bối cảnh số.
Mặt khác, trong bối cảnh số, hệ thống dữ liệu được
tích hợp và phản ứng một cách thông minh trước các nhu cầu của người dùng thì
tính cá nhân, cảm xúc của các bên liên quan có thể được “làm mờ” hoặc biến đổi
so với thực tế. Điều này tốt cho một công nghệ truyền thông chuyên nghiệp, giúp
cung cấp các công cụ để các chủ thể chính sách làm chủ thông tin, tiến trình và
được cảnh báo trước về các nguy cơ.
Trong một nền văn hóa phương Đông như Việt Nam, tâm lý
ưa chuộng các hình ảnh được hiển thị hóa một cách dễ thấy, dễ chạm vào được
(chứ không phải ảo như trên môi trường mạng) hay các hành xử cá nhân của các
lãnh đạo, cán bộ, công chức vẫn là một mối quan tâm và tác động đến tâm lý tuân
thủ chính sách, tuân thủ pháp luật của người dân. Vì vậy, tiếp tục gần dân, sát
dân, tiếp tục phát huy sức mạnh của các công cụ và phương thức truyền thông
truyền thống như các cuộc tiếp xúc trực tiếp đến khu dân cư, dùng báo in, treo
các băng-rôn, khẩu hiệu nơi công cộng… vẫn là các phương thức quan trọng để
truyền thông cho mọi chính sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét