Đêm 30, rạng sáng 31-1-1968, quân và dân ta đồng loạt nổ súng tổng tiến công, tổng khởi nghĩa vào hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn và các căn cứ quân sự của địch trên khắp miền Nam, trọng điểm là Sài Gòn-Gia Định, Huế, Đà Nẵng, làm chấn động nước Mỹ.
Bằng lối đánh táo bạo và dũng mãnh, LLVT ta đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giáng đòn quyết liệt vào uy thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn, khiến cho giới lãnh đạo cao cấp Washington phải bàng hoàng, sửng sốt.
Ngày 30-3-1968, tướng Westmoreland, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam đến Sài Gòn phổ biến chủ trương “phi Mỹ hóa” chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Chủ trương này nhằm thay thế chủ trương “Mỹ hóa” chiến tranh (tức “Chiến tranh cục bộ”) của Tổng thống Johnson đã thất bại. Ngày 31-3-1968, Johnson tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai, đồng thời thông báo quyết định hạn chế hoạt động của Mỹ ở Việt Nam. Cùng với đó, ra lệnh ngừng ném bom bắn phá hạn chế miền Bắc từ Vĩ tuyến 20 trở ra (đến ngày 1-11-1968 thì ngừng ném bom bắn phá hoàn toàn miền Bắc) và cử người đàm phán hai bên từ ngày 13-5-1968. Bản thông báo đó của Johnson là sự thừa nhận thất bại của Mỹ trong “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Tết Mậu Thân 1968 và những tác động mạnh mẽ của nó đã dội về nước Mỹ, cùng với những biến động ở thế giới và trong lòng nước Mỹ đã khiến giới lãnh đạo Mỹ phải soát xét lại toàn bộ đường lối, cách thức tiến hành chiến tranh ở Việt Nam cũng như chiến lược toàn cầu của mình.
Lính Mỹ bị thương khi lực lượng biệt động tiến công tòa Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu |
Trước những yêu cầu của chiến lược toàn cầu, Mỹ phải tính toán để càng rút ngắn thời gian cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam càng tốt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã chấm dứt ảo tưởng “đánh nhanh, thắng nhanh” của chính quyền Johnson; đặt ra trước quân đội viễn chinh Mỹ triển vọng “một cuộc chiến tranh kéo dài không bao giờ dứt”, điều mà phía Mỹ không thể nào chịu đựng nổi. Từ năm 1968, trong nội bộ chính quyền Johnson, mâu thuẫn giữa nhóm chủ trương tiến hành chiến tranh đến cùng và nhóm chủ trương tìm lối thoát qua thương lượng hoặc qua một biện pháp dung hòa nào đó càng trở nên gay gắt hơn.
Nhóm cố vấn cấp cao của Mỹ về Việt Nam đã xây dựng kịch bản để Tổng thống Johnson có một cuộc rút lui chia thành nhiều đợt dài, nhằm cứu vãn danh dự và uy tín được chừng nào hay chừng ấy. Các Thượng nghị sĩ McCarthy và F.Kennedy, trên các diễn đàn ra sức thách thức vị trí đề cử của đảng đối với Johnson. Quốc hội hủy bỏ tấm chi phiếu đã trao cho Nhà Trắng trong Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Hạ viện Mỹ cũng quyết nghị rút tất cả quân đội Mỹ ở Việt Nam về nước trong thời gian ngắn nhất.
Những người biểu tình tại Chicago (Mỹ) đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, năm 1968. Ảnh: ARTHUR ROTHSTEIN |
Sau Tết Mậu Thân 1968, phong trào phản đối chiến tranh, đòi Chính phủ rút quân ở Việt Nam của nhân dân Mỹ lại bùng lên. Đại diện truyền thông in ấn của giới kinh doanh, như tờ Wall Street Journal, ngày càng nghi vấn "sự khôn ngoan" của cuộc chiến ở Đông Dương. Mỹ đã bất chấp luật pháp quốc tế, thực hiện chiến lược toàn cầu của mình với ý đồ bành trướng thế lực và ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế, sai lầm của Mỹ trong các chiến lược toàn cầu đã gây ra sự sai lầm ở Việt Nam. Sau khi thất bại, Mỹ mới rút ra một điều: Dù vũ khí tối tân, hiện đại nhưng không thể thay thế tinh thần chiến đấu của người Việt. Cho tới năm 1982, có đến 70% người dân Mỹ vẫn coi cuộc chiến ở Việt Nam căn bản là sai lầm và phi đạo đức.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có tầm vóc chiến lược Xuân Mậu Thân 1968 đã gây nên một cơn chấn động làm lung lay ý chí của những người đứng đầu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc. Sau Xuân Mậu Thân 1968, Mỹ đã thấy rõ rằng “Chiến tranh cục bộ” bị thất bại, Chiến lược toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” đứng trước nguy cơ phá sản. Ngay khi chưa bị ám sát, Kennedy cũng đã thấy Chiến lược “Phản ứng linh hoạt” thí điểm ở Việt Nam không mang lại kết quả mong muốn. Và “đáp án” rõ nhất cho sự xóa sổ của Chiến lược “Phản ứng linh hoạt” là sự kiện Mậu Thân 1968 ở Việt Nam, nơi mà Mỹ đã không “linh hoạt phản ứng” được trước sự tiến công bí mật, bất ngờ của quân và dân miền Nam.MT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét