Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Những chỉ số hạnh phúc

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường XHCN, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân thời gian qua đã đạt được những thành tựu có tính lịch sử, mang lại sự cải thiện rất căn bản.

Về kinh tế: tạo dấu ấn đột phá, trong đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 (vượt mục tiêu đề ra); năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước... GDP bình quân đầu người năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 4.110USD, tăng 393USD so với năm 2021.

Về chính trị: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, hiệu quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện với tinh thần kiên trì, kiên quyết “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chính những thành quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ.

Về văn hóa: Công tác chăm lo, bảo đảm đời sống nhân dân được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, xã hội dần sôi động trở lại sau đại dịch; những giá trị văn hóa, đạo đức xã hội, truyền thống gia đình tốt đẹp, gương người tốt, việc tốt tiếp tục được nhân rộng, phát huy. Các chính sách tôn giáo, tín ngưỡng được quan tâm; công tác chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, vì sự tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới được chú trọng.

Về xã hội: hiện nay tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 73,7, đứng thứ 87 trên thế giới và cao hơn mức 73 của thế giới. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích sớm trong thực hiện Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Đến ngày 30/11/2022, các địa phương đã hoàn thành việc tiếp nhận, giải quyết chi trả hỗ trợ cho hơn 5,2 triệu lượt người lao động và xấp xỉ 123.000 lượt người sử dụng lao động với kinh phí gần 3.741 tỷ đồng. Tính đến 31/7/2022, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,6% dân số, chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của nước ta cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới với 92% dân số có bảo hiểm y tế.

Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19. Nikkei Asia (tạp chí uy tín hàng đầu châu Á) đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (đứng thứ 8 thế giới) về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Hệ thống giáo dục quốc dân phát triển, được UNESCO đánh giá xếp thứ 64/127 nước trên thế giới, bảo đảm cho mọi công dân được thụ hưởng nền giáo dục công bằng và tiến bộ. Trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2022, Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 77 so với năm 2021.

Từ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đến thực tiễn hoạt động đều thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhân dân. Đương nhiên, những hạn chế, tồn tại, những khó khăn trong đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là tệ tham nhũng, tiêu cực, sách nhiễu, cửa quyền… vẫn là những thách thức lớn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự đánh giá cần nhìn về tổng thể và phải thấy được quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Những con số về thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong các năm qua là minh chứng rõ ràng, khách quan bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc. Do vậy, đừng để những định kiến che mờ giá trị thực tại và tương lai, hãy để người dân Việt Nam tự chấm điểm cho hạnh phúc của mình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét