Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

THUYẾT ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 


Như báo giới đã đưa tin, ngày 12/1/2017 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay Quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc, bắt đầu chuyến thăm chính thức nước CHND Trung Hoa trong 4 ngày theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Chuyến thăm này được đánh giá là có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng, góp phần đưa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt - Trung lên tầm cao mới.

Tuy nhiên, một số kẻ lâu nay vẫn vỗ ngực tự xưng là “đấu tranh dân chủ” lại ra sức xuyên tạc, bịa đặt xung quanh chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, chúng đã dựng lên nhiều “giả thuyết” nhằm dẫn dắt dư luận theo hướng “Nhà nước Việt Nam ngày càng lệ thuộc về mọi mặt vào Trung Quốc”; “Chính quyền dâng đất, bán biển cho Trung Quốc”…

Trong số những người theo thuyết “hán hóa” không thể không nhắc tới Huỳnh Ngọc Chênh. Theo đó, trong một bài viết đăng tải trên trang facebook cá nhân mới đây, Chênh thể hiện “tài” võ đoán như sau: “Cùng với thông báo chung và 15 văn kiện vừa ký kết ở Bắc Kinh, ông Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành những bước đi dứt khoát, đẩy Việt Nam gắn chặt vào quốc gia phương Bắc, một đất nước vốn có truyền thống lâu đời là thù địch với VN vì những dã tâm bành trướng không bao giờ ngưng nghỉ của họ…”.

Rõ ràng, đây là những thông tin sai lệch, không đúng bản chất sự vật, hiện tượng, làm cho dư luận có cái nhìn thiên lệch về những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, dẫn đến hoài nghi, mơ hồ, thiếu niềm tin vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nhất là về chủ trương, đường lối ngoại giao với Trung Quốc.

Trong những năm qua, thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi phức tạp và khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay là tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Trên cơ sở đường lối đối ngoại đó, Việt Nam chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước và vùng lãnh thổ, trong đó ưu tiên cho việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, với các nước và trung tâm chính trị, kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Ngày nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Chúng ta đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao dân tộc, chúng ta đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010. Thế và lực của đất nước ngày càng vững mạnh; vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao hơn bao giờ hết.

Vậy có thế thấy, chủ động hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung quan trọng trong đường lối và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay.

Đối với Trung Quốc, quốc gia với hơn 1 tỷ dân, có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, có đường biên giới chung trên đất liền với Việt Nam dài 1.350 km, tổng kim ngạch thương mại vào năm 2014 đạt 55 tỷ USD, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đến nay đạt tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 8 tỷ USD (Trung Quốc đứng thứ 9 trong tổng số 101 quốc gia với Việt Nam) thì việc Việt Nam chủ trương thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao theo hướng chiến lược toàn diện với Trung Quốc là điều phù hợp và hết sức cần thiết trong việc tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Chính vì vậy, nói chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 12/1 - 15/1/2017 có ý nghĩa và tầm ảnh hưởng hết sức quan trọng tới quan hệ Việt - Trung trong thời kỳ mới là vì thế!.

Mặc dù, lịch sử quan hệ giữa hai nước tuy có trải qua thăng trầm, hiện nay vẫn còn tồn tại một số trở ngại như vấn đề tranh chấp chủ quyền, biển đảo trên Biển Đông nhưng hướng giải quyết chủ yếu vẫn là thương lượng hòa bình, bởi đây là mong muốn và lợi ích chung của nhân dân hai nước. Chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp và các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế; yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi “bành trướng, bá quyền” trên biển Đông cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam. Cần nhận thức rằng, chúng ta không nên vì đấu tranh mà không hợp tác, và cũng không nên vì hợp tác mà không đấu tranh, mà nên kết hợp hai điều này một cách hợp lý, tất cả vì sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét