Trong chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 26-10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng thủ dân sự (PTDS); đồng chí Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật PTDS. Theo chương trình kỳ họp, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về dự án luật này.

Để hiểu rõ hơn vai trò, tính cấp thiết, nội hàm của dự luật PTDS, phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật PTDS.

PV: Thưa đồng chí, nhiều cử tri muốn hiểu rõ về PTDS và sự cần thiết phải xây dựng Luật PTDS trong thời điểm này? 

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: PTDS là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân với phương châm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm QPAN trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là yêu cầu của thực tiễn
 Thượng tướng Nguyễn Tân Cương. Ảnh: KIM NGỌC 

Quan điểm trên đã được thể chế hóa tại Khoản 1, Điều 13, Luật Quốc phòng năm 2018 và tiếp tục được Đảng ta khẳng định tại Nghị quyết số 22 ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Việc xây dựng Luật PTDS ở thời điểm hiện nay là rất cần thiết, bởi những lý do sau đây:

Thứ nhất, để thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng tại các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về PTDS, như: Nghị quyết số 28 ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22 ngày 30-8-2022 của Bộ Chính trị về PTDS đến năm 2030 và những năm tiếp theo đã chỉ rõ “khẩn trương xây dựng Luật PTDS; rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về PTDS đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ PTDS trong tình hình mới”.

Thứ hai, để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”; và “Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ QPAN”. Trong khi đó, PTDS là một nội dung của nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc, vì vậy, cần được thể chế hóa thành pháp luật.

Mặt khác, các quy định về PTDS liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải được quy định bằng văn bản luật để bảo đảm nguyên tắc hiến định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do QPAN quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Thứ ba, những năm qua, công tác PTDS đã góp phần to lớn vào việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ các biện pháp ứng phó theo cấp độ PTDS dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Thứ tư, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác PTDS, đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước.

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là yêu cầu của thực tiễn
Bộ đội Hải quân làm tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản trên biển. Ảnh: HỮU THU 

PV: Hiện nay, có tới 85 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến PTDS. Vậy phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật được xác định như thế nào để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, vừa dễ hiểu, dễ thực hiện, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Quá trình xây dựng dự án Luật PTDS, cơ quan soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, rà soát kỹ các văn bản liên quan. Để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, vừa dễ hiểu, dễ thực hiện, dự thảo Luật PTDS chỉ quy định những nội dung, biện pháp chung liên quan đến hoạt động PTDS đáp ứng tình hình thực tiễn và một số vấn đề mới mà các luật khác chưa quy định, như: Xây dựng chiến lược, kế hoạch PTDS; các cấp độ PTDS; biện pháp ứng phó trong từng cấp độ PTDS; hoạt động PTDS trong tình trạng khẩn cấp, PTDS trong tình trạng chiến tranh; hoạt động PTDS trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của UBND cấp tỉnh.

Đồng thời, luật hóa các biện pháp chưa được pháp luật quy định nhưng do yêu cầu cấp thiết đã được áp dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn (như: Giãn cách xã hội, bắt buộc sơ tán người, tài sản để bảo đảm an toàn, chính sách an sinh xã hội, khôi phục kinh tế...).

PV: Thưa đồng chí, việc xác định cấp độ PTDS dựa trên những tiêu chí nào để không gây thiếu thống nhất với các cấp độ rủi ro đã quy định trong các luật, như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bảo vệ môi trường hay Luật Năng lượng nguyên tử?

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Việc xác định cấp độ PTDS trong dự thảo Luật PTDS dựa vào những tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng: Thứ nhất, phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng của thảm họa, sự cố có nguy cơ dẫn tới thảm họa; thứ hai, đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế-xã hội của địa bàn chịu ảnh hưởng của thảm họa, sự cố; thứ ba, diễn biến, khả năng gây thiệt hại và thiệt hại do thảm họa, sự cố; thứ tư, khả năng ứng phó với thảm họa, sự cố của chính quyền địa phương và lực lượng tham gia PTDS.

Các tiêu chí thứ nhất, thứ hai và thứ ba là những tiêu chí khách quan, thống nhất với các cấp độ rủi ro đã được quy định tại các luật liên quan đến PTDS. Riêng tiêu chí thứ tư là tiêu chí hết sức quan trọng và cần thiết để xác định cấp độ rủi ro cũng như mức độ thiệt hại mà các luật khác chưa quy định.

Như vậy, dự thảo Luật PTDS quy định tiêu chí xác định cấp độ PTDS thống nhất với pháp luật hiện hành và bổ sung nội dung mà các luật khác chưa quy định, bảo đảm thống nhất, toàn diện hơn.

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự là yêu cầu của thực tiễn
Nỗ lực giải cứu các thuyền viên tàu Vietship 01 gặp nạn do bão tại khu vực biển Cửa Việt (Quảng Trị), tháng 10-2020. Ảnh: QUANG THIỆN

PV: Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS được quy định như thế nào để vừa gọn, vừa rõ cơ quan đầu mối, cơ quan chủ trì phụ trách chuyên ngành, chuyên môn, thưa đồng chí?

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương: Vấn đề cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS đã được cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật dành nhiều thời gian nghiên cứu để khi đưa vào luật phải bảo đảm tính thống nhất chung, phát huy hiệu quả hoạt động thực tiễn.

Theo đó, dự thảo luật quy định: Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS là tổ chức phối hợp liên ngành. Trong đó: Cơ quan chỉ đạo quốc gia PTDS được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo PTDS quốc gia; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Người đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, thành viên là các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực liên quan đến PTDS.

Cơ quan chỉ huy PTDS cấp bộ được thành lập trên cơ sở hợp nhất ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và ban chỉ huy PTDS cấp bộ. Người đứng đầu là lãnh đạo cơ quan cấp bộ; đầu mối chủ trì tham mưu là cơ quan phụ trách chuyên ngành, chuyên môn.

Cơ quan chỉ huy PTDS địa phương được thành lập ở các cấp chính quyền địa phương trên cơ sở hợp nhất ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và ban chỉ huy PTDS địa phương. Người đứng đầu là chủ tịch UBND, đầu mối chủ trì tham mưu là các cơ quan phụ trách chuyên ngành, chuyên môn.

Có thể thấy, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PTDS vừa bảo đảm tinh gọn bộ máy, vừa rõ ràng cơ quan đầu mối và phát huy được vai trò của cơ quan chủ trì phụ trách chuyên ngành, chuyên môn.