Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ ngày 30-10 đến 2-11-2022. Lợi dụng sự kiện ngoại giao này, các thế lực xấu, chống đối đã đẩy mạnh việc chống phá, đưa ra nhiều thông tin lệch lạc, phiến diện nhằm bôi nhọ lãnh đạo, xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việc lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta tiến hành thăm,
làm việc với các nước trên thế giới là điều hết sức bình thường. Đây là một
trong những cách thức quan trọng để củng cố mối quan hệ song phương và đa
phương trong quan hệ quốc tế. Tại Việt Nam, hằng năm chúng ta cũng đón tiếp rất
nhiều đoàn khách ngoại giao quốc tế đến thăm và làm việc. Mục đích của mọi hoạt
động ngoại giao đều nhằm tăng cường sự gắn bó, tin cậy chính trị và thúc đẩy mối
quan hệ giữa các bên. Ấy thế lại có những kẻ “lưỡi không xương nhiều đường lắt
léo”, núp dưới danh nghĩa “dân chủ”, “nhân quyền” để tung ra các luận điệu sai
trái, độc hại, xuyên tạc một cách trắng trợn lý do, mục đích, ý nghĩa chuyến
thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong mọi hoạt động, Đảng, Nhà nước ta đều xác định nguyên tắc
bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Trên lĩnh vực đối ngoại, Đại hội
XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự
chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan
hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên
tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp
tác, cùng có lợi”, “Trên cơ sở vừa hợp tác vừa đấu tranh, tiếp tục nâng cao hiệu
quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, nước ta đã xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột,
gồm: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Không chỉ với Trung Quốc, Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ
ngoại giao với nhiều nước trên thế giới. Tính đến cuối năm 2021, chúng ta đã có
quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan
hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước. Đảng Cộng sản Việt Nam
đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có
quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước.
Thông qua các hoạt động đối ngoại, chúng ta đã mở rộng và
làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương, đa phương; duy trì môi trường hòa
bình, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển của đất nước; góp phần bảo
vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa từ ngày 30-10 đến 2-11-2022 là dựa trên lời mời của Tổng Bí
thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Thực tế, mọi hoạt động thăm gặp ngoại giao đều
được chuẩn bị một cách kỹ càng về chương trình, nội dung làm việc và có sự thống
nhất của các cơ quan đối ngoại. Bởi vậy, những luận điệu xuyên tạc lý do, mục
đích chuyến thăm ngoại giao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều là vô căn cứ
và phi lý.
Ngày 18-1-1950, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là quốc gia đầu
tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong 72 năm qua, mối
quan hệ giữa 2 nước có lúc thăng, lúc trầm. Tuy nhiên, hữu nghị, hợp tác vẫn là
xu thế chính. Là quốc gia láng giềng, hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã củng
cố và nâng mối quan hệ hợp tác lên thành chiến lược toàn diện. Đây là khung hợp
tác cao nhất và nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước
trên thế giới. Các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao giữa lãnh đạo 2 Đảng, 2
Nhà nước được duy trì thường xuyên thông qua nhiều hình thức. Qua các chuyến
thăm, làm việc giữa lãnh đạo cấp cao 2 Ðảng, 2 Nhà nước đã góp phần củng cố và
tăng cường mối quan hệ song phương, thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực.
Đến nay, cả 2 nước đã thiết lập quan hệ trên tất cả lĩnh vực, từ kinh tế,
thương mại, đầu tư cho đến khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, du lịch…
Trong các mối quan hệ quốc tế, nguyên tắc cơ bản là bình đẳng
và cùng có lợi. Việc Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình mời Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc ngay sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc
lần thứ XX thể hiện sự coi trọng của Trung Quốc đối với mối quan hệ với Việt
Nam. Chắc chắn sau chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mối
quan hệ giữa 2 nước sẽ tiếp tục được củng cố và sâu sắc thêm.
Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tồn tại một số bất
đồng và nhận thức khác nhau đối với vấn đề trên biển Đông. Đảng, Nhà nước Việt
Nam kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của đất nước mình. Tuy nhiên, mọi
hành động chống phá cực đoan, tấn công mối quan hệ giữa 2 nước đều không thể chấp
nhận. Đây là hành động đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Đảng, Nhà nước ta lựa
chọn kiên trì thông qua đối thoại để giải quyết bất ổn. Các chuyến thăm, làm việc
giữa lãnh đạo 2 nước sẽ góp phần tạo tiền đề để tiếp tục đàm phán, thống nhất về
nhận thức, tìm kiếm giải pháp phù hợp bảo vệ lợi ích chung của cả 2 quốc gia
phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hơn ai hết, Đảng, Nhà nước Việt Nam đủ sáng suốt để lựa chọn
hướng đi cho đất nước. Những luận điệu tấn công chuyến thăm Trung Quốc của Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xuyên tạc mối quan hệ giữa 2 quốc gia thực chất chính
là mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, buộc Việt Nam phải “chọn bên” và đi vào
quỹ đạo trong quan hệ quốc tế. Bởi vậy, cần hết sức thận trọng trước những luồng
thông tin mập mờ, xấu, độc tấn công các hoạt động ngoại giao của đất nước./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét