Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Tự do thông tin trên mạng xã hội cần chấp hành nghiêm Hiến pháp và pháp luật


 


Quyền tự do ngôn luận đã được quy định ở Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều 25 nêu rõ: Thứ nhất, công dân có quyền tự do; Thứ hai, quyền tự do đó do pháp luật quy định và đương nhiên phù phù hợp với các luật khác. Tự do thông tin mạng là một trong những quyền tự do ngôn luận mà từng cá nhân được hưởng trên không gian mạng, song quyền tự do phải được hợp pháp hóa, tức là phải tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật của từng nước.

Đối với mạng xã hội, các cá nhân có quyền tự do sử dụng hay không sử dụng và việc sử dụng như thế nào phải phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan. Tức là, không phải vì là trang cá nhân của mình thì chủ sở hữu có quyền đăng bất kể nội dung gì. Ở Việt Nam, thực hiện quyền tự do thông tin, công dân được quyền biết, bàn, làm và thảo luận những vấn đề thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các nền tảng mạng xã hội, diễn ra và tuân thủ theo các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Trong đó, có các văn bản đã ban hành như: Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005; Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006; Luật Viễn thông ngày 23/11/2009; Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23/11/2009; Luật Bưu chính ngày 17/6/2010; Luật Xử lý vi phạm hành chính, ngày 20/6/2012; Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19/6/2015; Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015 và xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” và một số văn bản dưới luật, hướng dẫn kèm theo. Như vậy, quá trình tham gia vào các nền tảng mạng xã hội, công dân Việt Nam (bao gồm cả Việt kiều ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam) phải chịu trách nhiệm với hành vi, lời nói, nội dung… của bản thân đăng tải lên các nền tảng đó.

Đến nay, ở Việt Nam trên 300 trang mạng xã hội khác nhau đã đăng ký hoạt động và có khoảng trên 76 triệu người dùng mạng xã hội biến mạng xã hội thành công cụ, phương tiện được người dân sử dụng hằng ngày, hằng giờ, mọi lúc, mọi nơi để trao đổi, khai thác thông tin; kết nối giao lưu, hợp tác kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với những tiện ích do mạng xã hội mang lại, một số tổ chức, cá nhân có dụng ý xấu đã tung ra những tin giả dưới dạng bài viết, video clip, ảnh,… phản cảm, phản văn hóa, tác động tiêu cực đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, đời sống xã hội, hòng gây mất trật tự ổn định xã hội,... Đặc biệt, một số kẻ cơ hội, phần tử bất mãn, thoái hóa, biến chất đội lốt “dân chủ” lợi dụng “phản biện xã hội” để xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự phát triển của đất nước,... tiếp tay cho chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, gây mất ổn định về chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, thiết lập chế độ dân chủ tư sản “đa nguyên, đa đảng” ở nước ta của các thế lực phản động, chống cộng cực đoan. Các thế lực thù địch với cách nhìn phiến diện cho rằng, ở Việt Nam mạng xã hội bị đàn áp và mạng xã hội không có tự do thông tin, người dùng mạng xã hội không được bày tỏ chính kiến, suy nghĩ của mình... Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật, bởi vì Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do Internet.

Trước tình hình đó, mọi người, mọi tổ chức cần nâng cao nhận thức về quyền tự do ngôn luận, đi đôi với tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội mà còn là cơ sở quan trọng để nhận thức đầy đủ, vạch trần được luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần tạo nên môi trường mạng xã hội an toàn, trong sạch, hiệu quả. Khai thác có hiệu quả, thông qua các trang mạng xã hội, người dân có thể bày tỏ thông tin và chính kiến của mình; nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân. Mỗi cá nhân, tổ chức khi đăng tải các thông tin, các nội dung phù hợp còn được luật pháp bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ, hình thành nhiều diễn đàn mở, trở thành một trong những cơ sở dữ liệu đồ sộ để thu thập thông tin phục vụ cho việc hoàn thiện các chính sách xã hội... Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ bảo đảm quyền tự do thông tin cho bất kỳ công dân nào nếu những nội dung, phát ngôn, hành vi... của cá nhân đó không vi phạm quy định của Hiến pháp và pháp luật.

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét