Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

Quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, hướng tới giai đoạn mới

 

Quan hệ Việt - Trung phát triển ổn định, hướng tới giai đoạn mới

Những năm gần đây, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, song quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực và ở các cấp.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc; sẵn sàng cùng Trung Quốc tăng cường tin cậy chính trị, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực.

Củng cố niềm tin giữa hai Đảng, hai nước

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến 2/11/2022 theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình, sẽ góp phần củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Trước đó, ngày 23/10/2022, nhân dịp ông Tập Cận Bình được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân danh cá nhân đã gửi điện chúc mừng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ trân trọng và đánh giá cao những tình cảm tốt đẹp, sự quan tâm, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vì lợi ích của Nhân dân hai nước.

Sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1/2021), lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội hai nước lần lượt có các cuộc điện đàm, hội đàm trực tuyến, đưa ra những định hướng lớn quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác cùng có lợi Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh. Hợp tác, giao lưu kênh Đảng, ngoại giao, quốc phòng, công an, các địa phương biên giới và giao lưu nhân dân hai nước duy trì mật thiết. Hai bên tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 14 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc (tháng 7/2022).

Ngày 1/10/2022, nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã gửi điện mừng tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong điện mừng, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc; sẵn sàng cùng Trung Quốc tăng cường tin cậy chính trị, đi sâu hợp tác trên các lĩnh vực, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Đẩy mạnh hợp tác song phương

Trong bối cảnh môi trường hợp tác toàn cầu chịu nhiều tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột và đại dịch, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn giữ đà phát triển ổn định.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đối tác lớn thứ sáu của Trung Quốc trên thế giới.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch hai chiều 9 tháng đầu năm nay đạt 132,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hoa quả của Việt Nam sang Trung Quốc có tiến triển mới, trong đó sầu riêng chính thức là loại quả thứ mười được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 7/2022.

Hợp tác phòng chống dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả thực chất. Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vaccine nhiều nhất, đóng góp hiệu quả cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.

Giao lưu Nhân dân từng bước được khôi phục, 9 tháng đầu năm 2022, có 78.100 lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thúc đẩy mở rộng điểm đồng, xử lý thỏa đáng các khác biệt

Về biên giới lãnh thổ, hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; đạt được nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. 

Hai bên cũng đồng thời tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển, thực hiện hiệu quả Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy tiến trình tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). 

Tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 19/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư chất lượng cao trong các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam; cùng nhau hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng... Thủ tướng Lý Khắc Cường đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, phát huy ưu thế của mỗi bên để cùng mở rộng khai thác thị trường thế giới.

Về vấn đề biên giới lãnh thổ, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì hiệu quả các kênh trao đổi về biên giới trên đất liền và vấn đề trên biển, thúc đẩy mở rộng điểm đồng, xử lý thỏa đáng các khác biệt, giữ gìn hòa bình, ổn định chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện tốt 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; cùng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển theo tinh thần nhận thức chung cấp cao, “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; đẩy nhanh đàm phán trên biển; giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét