Mặc là nhu cầu giống cơm ăn, nước uống hằng ngày của mỗi cá nhân. Mặc là văn hóa đặc trưng, được ví như “đặc điểm nhận diện” để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, quốc gia này với quốc gia khác. Thời hiện đại, bên cạnh xu hướng mặc đẹp, sang trọng, lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục, hợp chuẩn mực đạo đức mà số đông trong xã hội thực hiện, còn là hiện tượng mặc thể hiện sở thích, cá tính, thậm chí mặc phản cảm, phản văn hóa. Câu hỏi, mặc thế nào cho chuẩn mực trở thành vấn đề thời sự chưa bao giờ cũ.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của người Việt có câu: “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Có thể hiểu câu này theo nhiều nghĩa khác nhau, nhưng hiểu theo nghĩa đen là nên mặc phù hợp với hoàn cảnh, phù hợp với đối tượng tiếp xúc. Người Việt cũng có câu đáng ngẫm khi nói về vai trò của mặc: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Thả ra mình trần ai cũng như ai”.
Trên thế giới, mặc là một nét văn hóa, văn minh được coi trọng. Louisa May Alcott (1832-1888), một tiểu thuyết gia người Mỹ từng viết: “Quần áo đẹp mở ra mọi cánh cửa”. Nhà bác học Albert Einstein từng nói một câu chí lý: “Hãy ăn để thỏa mãn mình, nhưng mặc để thỏa mãn người khác”. Còn Lee Mildon thì nhấn mạnh sự mặc: “Đầu tiên hãy biết mình là ai, và sau đó ăn mặc cho phù hợp”. Nói về ý nghĩa của mặc, James Laver, nhà sử học nghệ thuật người Anh cho rằng: “Ăn mặc không phải làm tốt cho mình mà để tôn trọng kẻ khác”. Còn theo Charles Dickens: “Quần áo làm nên con người. Những kẻ trần truồng không có hay có rất ít ảnh hưởng lên xã hội”.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, cái mặc là một phần của “khuôn dung”, sự uy nghiêm, khỏe mạnh, là một khía cạnh bản sắc văn hóa Bộ đội Cụ Hồ. Các quân nhân trong Quân đội thường ghi nhớ câu “nhìn quân phục biết tư cách” để nhắc nhở nhau mặc sạch sẽ, phẳng phiu, gọn gàng, cho dù nắng cháy, bụi đỏ quân trường và sương gió làm làn da sạm nắng, dễ cẩu thả trong mang quân phục.
Dẫn ra như vậy để thấy rằng, sự mặc là một phần văn hóa không thể thiếu của mỗi con người, mỗi dân tộc, cộng đồng xã hội. Thực tế cho thấy, càng những người học cao biết nhiều và phông văn hóa rộng thì họ càng chú ý đến việc mặc. Mặc phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, phù hợp với sự kiện, công việc, hoàn cảnh, phù hợp với đối tượng tiếp xúc cũng là một nét đẹp văn hóa đặc trưng, độc đáo nhiều người theo đuổi. Có nhà văn hóa từng nói, dân tộc nào trang phục ấy, sự kiện nào trang phục đó... và suy rộng, việc mặc cũng là một phần nào thể hiện đạo đức, nhân cách của con người, cộng đồng.
Tại Việt Nam hiện nay, văn hóa mặc được đề cao, chú trọng bởi điều kiện kinh tế-xã hội, bởi sự tăng tốc của khoa học công nghệ, sự bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là sự lan tỏa mạnh mẽ của internet và mạng xã hội. Bằng chứng là, bất cứ một sự kiện biểu diễn thời trang nào diễn ra ở nước ngoài, hay bất cứ một mốt thời trang nào diễn ra trên thế giới cũng sẽ được người Việt, nhất là giới trẻ và những người quan tâm cập nhật nhanh chóng. Thế nên, cái sự mặc đó tác động đến người Việt theo hướng phù hợp hoặc không phù hợp, văn hóa hoặc phản văn hóa. Ở đây chỉ xin bàn đến hiện tượng chống mặc phản cảm ở một bộ phận xã hội.
Hiện nay có một thực tế diễn ra trong xã hội, đó là hiện tượng mặc phản cảm, phản văn hóa ở một số bạn trẻ, trong đó nổi bật là các "hotgirl". Với phương châm “đẹp khoe ra”, họ mặc các loại quần áo thiếu vải hoặc trong suốt để khoe những “đường cong mỹ miều”. Đáng buồn hơn là họ lại sử dụng những bộ trang phục theo mốt kiểu “con nhà nghèo”, “thiếu vải” ấy để đi muôn nơi, đến mọi chỗ, thậm chí đi lễ hội, lễ chùa, đến đền, đến đình cúng lễ. Dường như họ mặc nhiên cho rằng, đó là cá tính, là “mốt của thời đại”. Với họ, mặc như thế là “đẹp và sành điệu”... Một số học giả, nhà văn hóa từng cảm thán rằng, đường phố đã trở thành "bãi tắm" hoặc “bể bơi”.
Song hành với hiện tượng trên, tháng 10-2022, trong xã hội chúng ta xuất hiện những ông, những bà độ tuổi trung niên có hành vi mặc thiếu văn hóa. Ví dụ, gần đây trên diễn đàn mạng xã hội Facebook xuất hiện trang cá nhân có tên “Ngọc Tiên đồ lính US". Trang này cho đăng clip cảnh họp mặt của câu lạc bộ (CLB) đam mê đồ lính Bắc Quang (Hà Giang) tại một nhà hàng kiểu nhà sàn ở vùng sơn cước. Số người tham gia đến vài chục nam, nữ ở nhiều lứa tuổi, trong đó có những người đã gần tới ngũ tuần hoặc lục tuần. Họ mang mặc những bộ quân phục của lính Mỹ, lính ngụy Sài Gòn trước năm 1975 rộng thùng thình, có logo, tên gắn trên áo để họp mặt và chụp ảnh, quay clip và nhận được hàng nghìn lượt bình luận. Tìm kiếm tiếp trên Google thì nhận được thông tin, CLB này thành lập ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cách đây một năm. Hiện ở miền Bắc cũng xuất hiện những CLB đam mê đồ lính US tại các tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Hải Phòng... Họ cũng thường mặc những bộ quân phục của lính Mỹ, ngụy trước năm 1975 khi tổ chức họp mặt, diễu phố để chụp ảnh, khuếch trương.
Nhiều nhà văn hóa cho rằng, đây là một hiện tượng khoe khoang ăn mặc lệch chuẩn, phản cảm và phản văn hóa trầm trọng. Bởi theo phân tích của họ, quân phục, trang phục của quân đội bất cứ nước nào cũng nhằm dùng riêng cho hoạt động quân sự, trong đó nổi bật là để người lính giữ sức khỏe, bảo vệ cơ thể trước khí hậu, thời tiết, môi trường và thậm chí là bảo vệ người lính trước bom, đạn. Nó có thể là quân phục dùng trong huấn luyện, chiến đấu, nhưng cũng có loại dùng trong các nghi thức riêng. Việc các nam, nữ trung niên hoặc đã già ở những CLB nêu trên mặc quân phục quân đội nước ngoài mà không dùng vào việc nhà binh, chỉ để thể hiện cá tính, sở thích, sự sành điệu, chịu chơi là phản cảm và thiếu văn hóa. Nó càng phản cảm hơn khi số đo của các bộ quân phục ấy không vừa với chiều cao, cân nặng của người mặc, nó xa lạ với trang phục truyền thống của người Việt Nam. Nó càng phản cảm hơn khi những quân đội ấy từng có thời kỳ gây tội ác, đau thương, giết hại hàng vạn đồng bào trong kháng chiến. Nhiều cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam rất bất bình với hành vi nêu trên. Có người thẳng thắn bình luận dưới các clip khoe khoang kia là phản văn hóa và gợi lại ký ức đau thương.
Khảo sát trên các trang mạng xã hội, số cá nhân rao bán quân phục nước ngoài không phải là hiếm. Họ nhập những bộ quân phục quân đội Mỹ, ngụy đã hoặc chưa qua sử dụng về Việt Nam từ nhiều đường khác nhau cho dù chưa được bất cứ cơ quan nào cấp phép, kiểm duyệt về thuế và các vấn đề khác theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành. Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra “lỗ hổng” để số người thể hiện cá tính, sở thích trái với chuẩn mực, văn hóa mặc của người Việt.
Từ khi Việt Nam thực hiện chủ trương đổi mới vào năm 1986, văn hóa mặc của người Việt cũng có sự thay đổi tích cực, bắt nhịp xu hướng hội nhập. Mặc đẹp, sang trọng, lịch sự được nhiều người hưởng ứng và hướng tới. Ngày nay, điều kiện kinh tế, mặt bằng thu nhập tăng lên thì người Việt có nhiều lựa chọn trong việc mặc. Phong cách ăn mặc của người Việt cũng ngày càng hiện đại, bắt kịp với xu thế thời trang thế giới, nhưng lại biết điều tiết để phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Chính những điều này càng làm cho thời trang Việt Nam có nét riêng biệt và có nhiều cơ hội phát triển, hội nhập với thế giới, được công nhận là đất nước có trang phục và vẻ đẹp riêng, gắn liền với nền văn hóa dân tộc.
Xã hội chúng ta vẫn lưu truyền câu quen thuộc “y phục xứng kỳ đức”, hàm ý nhắc nhở mỗi con người phải biết cách ăn mặc, ứng xử phù hợp với địa vị xã hội, với nơi chốn, công việc và môi trường xung quanh.
Là người hiện đại ở thế hệ mới, chúng ta cần coi trọng sự mặc sao cho giữ được văn hóa dân tộc, tránh mặc phản cảm, phản văn hóa. Tuổi càng cao thì mỗi cá nhân càng phải coi trọng cái sự mặc sao cho thể hiện sự mẫu mực trước thế hệ trẻ. Các cơ quan quản lý thị trường và bảo vệ pháp luật cần thanh tra, kiểm tra để duy trì các hoạt động buôn bán quân phục nước ngoài thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu, đưa ra những quy định cụ thể về mặc quân phục của nước ngoài trong các sự kiện, trong các loại hình nghệ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc kích động hận thù, gây bất ổn xã hội. Cộng đồng xã hội cần tẩy chay và lên án các hiện tượng mặc lố lăng, phản cảm, phản văn hóa, xa lạ với văn hóa và thuần phong mỹ tục người Việt./.
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét