Các cơ quan, đơn vị, địa phương đang chuẩn bị tổ chức tổng kết năm.
Đây là hội nghị rất quan trọng nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ, rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm và đề ra chủ trương, biện pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm tới đối với từng tập thể, cá nhân.
Muốn hội nghị tổng kết bảo đảm thiết thực, hiệu quả thì yêu cầu đầu tiên là phải nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế.
Thế nhưng, thực tế thì "căn bệnh"... né thực tế dường như là "mãn tính" ở rất nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân. Biểu hiện rõ nhất là viết báo cáo và các ý kiến phát biểu thường theo kiểu "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại"; đặc biệt là ít ai thẳng thắn góp ý, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ cấp trên. Đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên thì "dễ người dễ ta", các thủ trưởng toàn hoàn thành tốt và xuất sắc, dù thực tế nhiều trường hợp không phải như vậy!
Đây có phải là điều
đáng báo động?
Sự thật là, hầu hết cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều không ủng hộ kiểu tổng kết "né thực tế" nêu trên, nhưng lại coi đó là việc "đương nhiên phải thế"!
Sự thực là, sau hội nghị tổng kết, không ít người xì xào bàn tán về các trường hợp được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao và bình xét thi đua, khen thưởng chưa xứng đáng, nhưng lại không dám có ý kiến chính thức!
Thực tế có khá nhiều hội nghị tổng kết chỉ để "diễn", tốn thời gian, làm cho có, cho xong... Bản báo cáo và ý kiến phát biểu xào xáo, toàn khen... như cũ, trong khi những yếu kém, khuyết điểm thì nhiều năm không nhắc và chưa được khắc phục!
Thực tế đã có những cán bộ, đảng viên vốn rất tốt đã dần sa ngã và không hiếm tập thể, cá nhân cứ "giậm chân tại chỗ", mãi không tiến bộ; thậm chí có cán bộ, công chức, viên chức bị pháp luật "sờ gáy" vì vi phạm kéo dài do không được ai thẳng thắn góp ý, phê bình, khuyên nhủ mà toàn nhận được những lời khen...
Xem ra, việc nói thẳng, nói thật trong các hội nghị nói chung, hội nghị tổng kết năm nói riêng vẫn là "khó nói", dù Đảng ta đã khuyến khích, kêu gọi và có cơ chế để bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt hành động vì lợi ích chung.
Cuối cùng, thực tế đã chứng minh: Muốn các thành viên trong tập thể nói thẳng, nói thật thì điều quan trọng nhất là người đứng đầu, chủ trì hội nghị phải thực sự có tầm và thực tâm muốn nghe sự thật, nhận rõ giá trị của "thuốc đắng dã tật" và sự nguy hại của "mật ngọt chết ruồi"!
Yêu nước ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét