Dập tắt
ngay những tin đồn ác ý!
Những
ngày qua, cư dân mạng xôn xao bàn tán, thậm chí có người tỏ ra hoang mang lo
lắng khi trên mạng xã hội (MXH) xuất hiện tin đồn TP Hà Nội sẽ thực hiện phong
tỏa. Một trong những lý do xuất phát từ tin đồn này là có đối tượng lợi dụng ý
kiến của lãnh đạo TP Hà Nội đưa ra khuyến nghị người dân trong thời điểm dịch
Covid-19 đang bùng phát nên hạn chế ra đường khi không cần thiết, không tụ tập
đông người ở nhà hàng, vũ trường, quán cà phê… nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe,
gia đình và cộng đồng.
Trước
tin đồn thất thiệt đó, trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam, Chủ
tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban chỉ đạo công tác phòng, chống
dịch Covid-19 TP Hà Nội chính thức bác bỏ thông tin trên; đồng thời khẳng định
Hà Nội đang kiểm soát tốt các diễn biến của dịch Covid-19. Những thông tin có
liên quan đến dịch bệnh đều được Ban chỉ đạo của thành phố cập nhật và thông
tin thường xuyên, liên tục, công khai, minh bạch để mọi người dân được biết và
chung tay góp sức cùng với các cấp chính quyền chủ động phòng, chống
dịch. Thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp tối ưu để bảo
đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân; giảm đến mức tối đa sự
lan truyền của dịch trên địa bàn; bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực, thực
phẩm, hàng hóa cho người dân Thủ đô trong mọi tình huống.
Việc
người đứng đầu chính quyền Thủ đô kịp thời lên tiếng bác bỏ tin đồn phong tỏa
Hà Nội là rất kịp thời, đúng lúc, được dư luận hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ.
Động thái này thêm một lần khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan, lực
lượng chức năng của Hà Nội đã, đang và sẽ làm hết sức mình vì sự an toàn, sức
khỏe, tính mạng của nhân dân. Hơn ai hết, những người “đứng mũi chịu sào” của
thành phố luôn thấu hiểu rằng, phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả dịch
Covid-19 trên địa bàn Thủ đô là góp phần bảo vệ “đầu não” Trung ương, bảo vệ
“trái tim” của cả nước. Vì vậy, Hà Nội phải luôn chủ động thực hiện mọi biện
pháp quyết liệt, hữu hiệu để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại từ đại dịch nguy
hiểm này.
Những
ngày qua, công luận đã nhiều lần lên tiếng, bóc mẽ những đối tượng đưa tin giả,
tin sai sự thật, tung tin thất thiệt về dịch Covid-19 trên MXH khiến
nhiều người dân hoang mang, gây bất ổn tình hình an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội. Tính đến ngày 14-3, cơ quan chức năng trong cả nước đã xác minh,
làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật, xử phạt hành chính hơn 146 đối
tượng. Trong số đó, Công an TP Hà Nội đã lập hồ sơ xử lý 44 đối tượng có hành
vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch Covid-19 trên MXH, xử phạt hành chính
gần 200 triệu đồng. Như vậy, tỷ lệ đối tượng trên địa bàn Hà Nội tung tin thất
thiệt bị xử phạt chiếm gần 30% số đối tượng vi phạm trong cả nước. Con số này
phần nào cho thấy Hà Nội là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều đối tượng bất chấp
lương tâm, đạo lý, pháp luật để phao tin đồn nhảm về dịch bệnh, làm vẩn đục môi
trường thông tin, gây bất an lòng người và phân tâm dư luận xã hội.
Có
thể nhiều đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật trên MXH chỉ nhằm
câu like, câu view, thích được nhiều người biết đến để được nổi tiếng theo kiểu
“đốt đền”; cũng có kẻ cố ý phao tin thất thiệt nhằm lôi kéo, kích động “tâm lý
đám đông” khiến nhiều người phải đổ xô đi mua sắm, tích trữ hàng hóa rồi tranh
thủ trục lợi. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc hàng nghìn người dân sáng
7-3 kéo nhau ùn ùn đến các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để mua
sắm, tích trữ lương thực, thực phẩm, gây ra cảnh náo loạn chưa từng thấy ở
nhiều địa điểm kinh doanh là có “bàn tay vô hình” của những kẻ đầu cơ, trục
lợi. Thậm chí có cả đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn lợi dụng thời điểm dịch
Covid-19 đang hoành hành để tung tin thất thiệt nhằm chống phá sự lãnh đạo,
điều hành của Đảng bộ, chính quyền và các cơ quan chức năng TP Hà Nội.
Dù
có động cơ, mục đích, lý do gì, việc tung tin giả, sai sự thật trong thời điểm
dịch bệnh hiện nay đều phải phê phán kịch liệt và xử lý kiên quyết, triệt để
những đối tượng vi phạm. Như nhiều người từng nhận định, virus gây ra dịch
Covid-19 rất nguy hại, nhưng cũng không nguy hại bằng những virus tin giả
trên MXH do tốc độ lây lan của nó khủng khiếp gấp bội lần
virus SARS-CoV-2.
Trong
hoàn cảnh đất nước gặp thiên tai, dịch bệnh, trách nhiệm của mỗi chúng ta không
dừng lại ở việc đồng lòng đấu tranh, lên án, tẩy chay những virus tin giả đang
hằng giờ, hằng ngày xuất hiện tràn lan trên MXH mà cần phải đề cao ý thức, bổn
phận, nghĩa vụ công dân trong việc tiếp nhận, sàng lọc, thu nạp những thông tin
trung thực, tích cực, lành mạnh, nhân văn trên không gian mạng. Mặt khác, để
góp phần thắng lợi trong “cuộc chiến” đẩy lùi dịch Covid-19, mọi người, trước
hết là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải trở thành những “chiến sĩ
thông tin” làm tốt vai trò chia sẻ, nhân rộng, lan truyền những tin tức chính
thống, tin cậy, chính xác từ Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan
chức năng và những người có trách nhiệm, góp phần làm cho những thông tin tốt,
thông tin tích cực có khả năng chi phối, lấn át những thông tin xấu, thông tin
tiêu cực.
“Cuộc
chiến” phòng, chống đại dịch Covid-19 ở nước ta nói chung, ở Hà Nội nói riêng
đang vào thời điểm cam go, quyết liệt. Từ những kết quả bước đầu đã đạt được,
cùng với những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, sáng tạo, sát tình hình thực tế,
chúng ta đã, đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và có đủ khả năng, nguồn
lực, kinh nghiệm để chiến đấu với “giặc Covid-19”. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực
vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ
sở, sự đồng lòng, chung tay góp sức của mỗi người dân chính là tạo nên sức mạnh
tổng hợp để biến thành “vũ khí” sắc bén nhằm sớm loại trừ dịch bệnh này ra khỏi
đời sống xã hội.
QVT
01/4/2020.
Người dân chỉ tin những thông tin chính thống
Trả lờiXóa