Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Chống lại dịch Covid-19: trách nhiệm toàn xã hội


Chống lại dịch Covid-19: trách nhiệm toàn xã hội
          Chúng ta có thể thấy rằng, vai trò ý thức của mỗi cá nhân trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể khống chế dịch SARS. Hiện nay sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ cùng các bộ, ngành làm rất tốt công tác phòng chống dịch và điều trị cho bệnh nhân. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng và lạc quan về tương lai của cuộc chiến "chống dịch như chống giặc” này. Dịch bệnh cũng có thể xem là phép thử cho ý thức của toàn xã hội. Khi mà mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay gìn giữ cho cả cộng đồng, việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian.
          Dịch bệnh từ lâu đã không còn là câu chuyện “của xã hội” mà đã trở thành vấn đề “của mỗi cá nhân”. Thực tế trong đời sống hằng ngày, vấn đề hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng luôn là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách vận hành của cả xã hội. Trong một khía cạnh nào đó, mức độ văn minh của một xã hội có thể được nhìn nhận thông qua cách mà lợi ích của cộng đồng được nâng cao.
          Dịch bệnh Covid-19 chúng ta có thể coi là phép thử cho ý thức của toàn xã hội. Khi mọi người dân đều có ý thức bảo vệ bản thân mình và chung tay, chung sức, đồng lòng gìn giữ cho cả cộng đồng, chính vì vậy việc dập dịch chỉ còn là vấn đề thời gian. Song bên cạnh đó một số người dân vì ngại cách ly, đi ngược lại với lợi ích chung của quốc gia dân tộc; họ cố tình không khai báo trung thực khi nhập cảnh, không thực hiện đúng các nguyên tắc cách ly hay di chuyển ra khỏi vùng dịch để tránh cách ly. Họ nhận thức rõ về nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng lo sợ sự phiền phức, bất tiện trong quá trình cách ly, hoặc vì lý do chủ quan nào đó, họ đã cố tình trốn tránh nghĩa vụ. Hệ lụy kéo theo là, cả xã hội phải gánh chịu nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng như thiệt hại về kinh tế.
          Trong khi đó các y, bác sỹ về hưu, các sinh viên ngành y năm cuối làm đơn xin được tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch; và đội ngũ y, bác sỹ đang là những người lính chiến đấu quên mình tại mặt trận tiền tuyến thì mỗi công dân hãy tự mình trở thành những chiến sỹ nơi hậu phương. Hãy bắt đầu từ việc bảo vệ sức khỏe của chính mình thông qua những việc đơn giản như nghiêm túc thực hiện việc khai báo y tế, rửa tay, vệ sinh cá nhân và nơi ở, hay không đến nơi đông người khi không thật cần thiết, có ý thức tự cách ly khi bản thân có nguy cơ nhiễm bệnh cao, hạn chế di chuyển để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng.
          Chúng ta hãy nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh và luôn giữ vững tâm lý, để từ đó, chúng ta có thể chiến đấu bền bỉ bên cạnh đội ngũ y tế và các cơ quan chức năng trong cuộc chiến y tế này./.
TBQL 17


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét