Thứ Năm, 26 tháng 3, 2020

Không thể xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng



Không thể xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ
trong tổ chức và hoạt động của Đảng

Chỉ khi nào nguyên tắc tập trung dân chủ được hiểu đúng và tổ chức thực hiện nghiêm túc thì mỗi tổ chức đảng, đảng viên mới có thể hành động tự giác và “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch về nguyên tắc này; qua đó, khẳng định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, không thể đổi thay.
1. Nguyên tắc là những điều cơ bản, nền tảng, được tổ chức đặt ra đòi hỏi cá nhân phải tuân theo khi tham gia vào một tổ chức để tồn tại, phát triển và thực hiện mục tiêu của tổ chức. Nguyên tắc do chính những thành viên của tổ chức đặt ra, trên cơ sở nhận thức được quy luật khách quan để thống nhất thực hiện trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của tổ chức. Một trong những nguyên tắc hoạt động của tổ chức là nguyên tắc tập trung dân chủ - mà nội dung cơ bản của nguyên tắc này là mọi thành viên đều được thảo luận các công việc của tổ chức với những ý kiến có thể khác nhau nhưng khi quyết định cuối cùng thì theo đa số.
Cũng như nhiều tổ chức khác, Đảng cộng sản ngay từ khi ra đời và đến nay đã lựa chọn nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đây là nguyên tắc cơ bản để xây dựng tổ chức và chỉ đạo hoạt động của mình. Mặc dù trong mỗi tổ chức và trong từng thời kỳ khác nhau, nội dung chi tiết của nguyên tắc tập trung dân chủ có sự điều chỉnh nhất định nhưng bản chất và nội dung cơ bản của nguyên tắc thì không bao giờ thay đổi.
Tư tưởng về xây dựng một đảng vô sản trên cơ sở của nguyên tắc tập trung dân chủ đã được C. Mác và Ph. Ăng-ghen đưa vào Điều lệ của Liên đoàn những người cộng sản (gọi tắt là Liên đoàn), được Đại hội lần thứ hai của tổ chức này phê chuẩn tháng Chạp năm 1847. Điều lệ xác định cơ cấu tổ chức và hoạt động của Liên đoàn thấm nhuần sâu sắc tinh thần tập trung dân chủ: Liên đoàn được tổ chức với cơ cấu thật sự dân chủ, các cơ quan lãnh đạo của đảng được bầu ra và nếu có sai lầm, yếu kém có thể bị thay thế và bãi miễn bất cứ lúc nào; mọi đảng viên đều bình đẳng, tự do thảo luận những vấn đề về sinh hoạt đảng, tranh luận trong khuôn khổ tính đảng... Do đó, đã tạo nên sức mạnh của Liên đoàn, ngăn chặn được mọi âm mưu và thủ đoạn chiếm độc quyền của một số lãnh đạo trong Liên đoàn.
Sau khi Ph. Ăng-ghen mất năm 1895, các đảng dân chủ - xã hội thuộc Quốc tế II đi theo khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa, công khai từ bỏ chuyên chính vô sản, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, xét lại chủ nghĩa Mác. Quốc tế II trở thành “Quốc tế vàng”, xa rời mục tiêu chính trị và những nguyên tắc của một đảng mác-xít chân chính. Trong điều kiện ấy, tại Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1903, V.I. Lê-nin đã kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng cải lương trong Đảng, luận giải khoa học và kiên quyết áp dụng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng với những nội dung đầy đủ, chặt chẽ hơn. Tên gọi nguyên tắc tập trung dân chủ đã chính thức được ghi trong Điều lệ Đảng tại Đại hội IV của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1906. Từ đó, tập trung dân chủ được coi là nguyên tắc phân biệt chính đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân với các đảng phái khác, góp phần làm cho Đảng Bôn-sê-vích (phái đa số theo V.I. Lê-nin) có đủ sức mạnh để lãnh đạo phong trào, tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga thành công.
Những đảng cộng sản ra đời sau này, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, đều lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và lấy tập trung dân chủ làm một trong những nguyên tắc tổ chức cơ bản, chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ vừa bảo đảm cho Đảng thống nhất ý chí và hành động, vừa phát huy dân chủ, tạo nên sức mạnh vô địch của Đảng. Tuy nhiên, những sai lầm của các đảng cộng sản trong chủ trương, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trước những năm 80 của thế kỷ XX đã làm cho chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào tình trạng thoái trào, buộc phải cải cách, cải tổ, đổi mới. Trong quá trình ấy, những đảng cộng sản nào kiên trì thực hiện các nguyên tắc của công cuộc đổi mới và những nguyên tắc về xây dựng Đảng thì cách mạng vượt qua được khó khăn, thử thách, chấn hưng đất nước, giữ vững và củng cố vị thế cầm quyền. Trái lại, những đảng cộng sản nào không giữ vững những nguyên tắc tổ chức căn bản, đổ lỗi cho nguyên tắc tập trung dân chủ, từ bỏ nguyên tắc này đều dẫn đến mất định hướng tư tưởng, mất đoàn kết, rồi tự tan rã và cuối cùng là đánh mất vai trò cầm quyền. Ngay cả Đảng Cộng sản Liên Xô, do hiểu không đúng về dân chủ, buông lỏng và dần từ bỏ nguyên tắc này với chủ trương “đa nguyên ý kiến” - tức là chấp nhận những ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều cả về những vấn đề mang tính nguyên tắc sống còn của Đảng như nền tảng tư tưởng Mác - Lê-nin, nên đã làm cho đông đảo đảng viên mất phương hướng, hệ thống tổ chức rệu rã, tê liệt và cuối cùng, Đảng tự tan vỡ.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, đã lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, được Hiến pháp ghi nhận là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Với trọng trách to lớn trước vận mệnh của đất nước, của dân tộc cho nên Đảng phải được tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và với kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo đất nước gần 90 năm qua, Đảng ta khẳng định: “Sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”(1). (Còn tiếp)
(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 37, tr. 830

1 nhận xét:

  1. Hiện nay, bọn phản động dùng mọi thủ đoạn nham hiểm để chống phá cách mạng Việt Nam. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, không để mắc mưu của bọn chúng.

    Trả lờiXóa