Dù ở hai chiến tuyến nhưng phóng viên chiến trường những năm
1960-1970 có chung một mục tiêu phản ánh chân thật về chiến tranh Việt Nam
Nick Út, Peter Arnett và George Lewis -
3 phóng viên chiến
trường Mỹ trong chiến tranh Việt Nam -
vừa có cuộc hội ngộ đặc biệt với những nhà báo chiến trường Việt Nam tại Hà
Nội.
Quyết giữ vững tôn chỉ
Cùng đồng nghiệp ôn lại một thời lửa đạn, ông
George Lewis, phóng viên hãng NBC ở Việt Nam trong 3 năm (1969- 1972), cho biết
chiến tranh Việt Nam trong những năm 1960 và 1970 là cuộc chiến tranh đầu tiên
mà báo chí Mỹ đưa tin với quy mô lớn. Khi đó, người người,
nhà nhà đều theo dõi cuộc chiến qua các phương tiện truyền thông. Vì thế, hình
ảnh chân thực được truyền về từ chiến trường đã tác động lớn đến công chúng Mỹ,
giúp họ hiểu hơn về sự thật chiến tranh ở Việt Nam.
Các phóng viên chiến trường Việt - Mỹ cùng xem
lại
những bức
ảnh chụp trong chiến tranh
Nói về bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng được chụp tại
huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày 8-6-1972, tác giả Nick Út, phóng viên hãng
AP thời điểm đó, cho biết chỉ hơn 1 giờ sau khi chụp, bức ảnh đã nhanh chóng
được đăng tải trên nhiều kênh truyền hình, báo in. Ngày hôm sau, biểu tình yêu
cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam lan rộng tại nhiều thành phố lớn trên
thế giới.
“Nhiều
lần, chính phủ Mỹ đã
tìm cách tạo áp lực đối với báo chí, yêu cầu chỉ đạo phóng viên hiện trường
viết “nhẹ tay” nhưng lãnh đạo các hãng truyền thông quyết giữ vững tôn chỉ là
phản ánh sự thật” - ông Lewis nhớ lại.
Như một người lính
Từ những
trải nghiệm của mình, ông Peter Arnett, phóng viên AP tác nghiệp ở Việt Nam
trong suốt 13 năm (1962-1975), thẳng thắn: Bài học mà chúng tôi rút ra khi đến
Việt Nam là không thể tin tưởng vào chính phủ Mỹ về vấn đề chiến tranh hay hòa
bình. Nhiều sĩ quan trẻ của Mỹ tin rằng sang Việt Nam là để bảo vệ miền Nam
Việt Nam khỏi cộng sản và nhiều người đã hy sinh. Tôi từng chứng kiến những
trận đánh có hơn 200 lính Mỹ thiệt mạng và đã kể câu chuyện đó thông qua những
tác phẩm của mình” - ông Arnett hồi tưởng. Theo ông, lúc đó có tới 20 phóng
viên của hãng AP làm việc tại chiến trường Việt Nam. “Các đồng nghiệp của tôi
đều dũng cảm, cam kết đưa tin trung thực về những gì diễn ra ở Việt Nam. Để đạt
được điều đó, không ít người phải hy sinh” - ông Arnett nói.
Chia sẻ
với các đồng nghiệp phía bên kia chiến tuyến, Thiếu tướng Phan Khắc Hải, phóng
viên chiến trường từ năm 1964 đến năm 1971, kể lúc đó, các phóng viên Việt Nam
phải làm việc trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, phương tiện tác nghiệp chỉ có
cây bút chì và cuốn sổ tay. Trong khi phóng viên nước ngoài sau mỗi đợt đi thực
tế lại trở về Sài Gòn viết bài và thư giãn thì phóng viên chiến trường Việt Nam
phải hành quân như một người lính dưới sự càn quét của bom đạn.
“Vậy các
ông viết bài khi nào?” - trước câu hỏi của những đồng nghiệp người Mỹ, Thiếu
tướng Hải hóm hỉnh: “Bí quyết viết bài của chúng tôi chính là bí quyết Việt Nam
thắng Mỹ - đó là đánh du kích”.
Tưởng nhớ
đến 320 nhà báo Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến, nhà báo Văn Sắc, phóng viên ảnh của
Thông Tấn Xã Việt Nam, nói: “Mặc dù ở hai chiến tuyến khác nhau, mục tiêu của
phóng viên chiến trường cả Mỹ và Việt Nam là phản ánh cuộc chiến một cách chân
thực nhất và nhiều người đã hy sinh vì điều đó”.
Kỳ vọng vào quan hệ Việt - Mỹ
Trở
lại Việt Nam rất nhiều lần sau chiến tranh, ông Peter Arnett nhận xét từ năm
2000 trở lại đây, Việt Nam có những thay đổi rõ rệt, những vết tích chiến tranh
đã mờ dần. Ông cho rằng mối quan hệ giữa 2 chính phủ và nhân dân hai nước ngày
càng tốt lên thấy rõ. “Hai bên có quan điểm khác nhau về cách vận hành chính
phủ nên không tránh khỏi việc quan chức Mỹ thường nhắc đến những vấn đề nhân
quyền, tự do báo chí... nhưng họ đều hiểu rằng quan hệ hai nước đang tốt lên và
tốt hơn cho hòa bình của khu vực và thế giới” - ông Arnett nói.
Bài và ảnh: Dương Ngọc
CÔNG
NHÂN
Báo chí là phải tôn trọng sự thật
Trả lờiXóa