Đường lối chiến tranh nhân dân (CTND) bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là sự kế thừa tư tưởng, nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc trong lịch sử dựng nước, giữ nước, được phát triển lên trình độ mới qua thực tiễn các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và BVTQ dưới sự lãnh đạo của Đảng; là nội dung cốt lõi cấu thành Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tư tưởng căn bản của đường lối CTND hiện nay là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sự nghiệp BVTQ trong tình hình mới đặt ra trong vận dụng đường lối CTND là phải “hóa giải” được những thách thức không chỉ an ninh truyền thống mà còn vấn đề an ninh phi truyền thống, đe dọa đến an nguy của đất nước. Đặc biệt, vấn đề an ninh phi truyền thống có tính toàn cầu ngày càng nổi lên thách thức đến công cuộc BVTQ như sự biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, “diễn biến hòa bình”, dịch bệnh… Chúng ta càng thấm thía điều này khi mà cả nhân loại hơn 3 tháng qua đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19.
Nhận thức rõ hiểm họa của dịch Covid-19, ngay từ đầu Đảng, Nhà nước ta đã xác định chống dịch như chống giặc. Việc xác định đó thể hiện tầm tư duy chiến lược của Đảng coi dịch Covid-19 là một thứ “giặc”. Để chiến thắng “giặc” nguy hiểm này, đòi hỏi phải có đường lối, nghệ thuật thực hành chiến tranh, có phương pháp tác chiến phù hợp. Và Đảng, Nhà nước ta đã vận dụng hết sức sáng tạo đường lối CTND BVTQ vào “cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”
Trước hết là nhận diện “đối tượng của cuộc chiến”. Virus Corona (SARS-CoV-2) với tác hại nguy hiểm của nó chính là đối tượng cần phải tiêu diệt. Không dừng ở định vị đối tượng SARS-CoV-2, Đảng ta đồng thời xác định thông tin sai sự thật về dịch bệnh cũng là “đối tượng tác chiến”, vì nó còn nguy hiểm hơn dịch bệnh gấp nhiều lần. Việc nhận diện chính xác “đối tượng tác chiến”, tạo cơ sở cho việc hoạch định chiến lược của Đảng từ mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo, tổ chức lực lượng đến phương pháp tiến hành của cuộc chiến chưa từng có tiền lệ lịch sử này.
Về mục tiêu của “cuộc chiến chống dịch Covid-19”. Mục tiêu của cuộc chiến này nằm trong mục tiêu chung của Chiến lược BVTQ trong tình hình mới, được Đảng xác định tại Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) song được định vị cụ thể, là: “Hạn chế tối đa tử vong vì không có gì quý hơn tính mạng. Chúng ta làm hết sức vì sức khỏe, vì tính mạng của người dân, vì sự bình yên của xã hội”. Sự vận dụng sáng tạo ở đây không chỉ đối với chống dịch Covid-19 mà còn trong đấu tranh chống thông tin xuyên tạc tình hình dịch, nhất là thông tin do các thế lực thù địch ngụy tạo làm rối loạn xã hội.
Về tư tưởng chỉ đạo của "cuộc chiến chống dịch Covid-19". Đảng, Nhà nước ta chỉ rõ: “Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả”. Riêng đối với dịch Covid-19 cần “cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh”. Trong đó, việc phát hiện sớm, tăng cường ngăn chặn là vô cùng quan trọng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: “Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa”. Đối với thông tin xuyên tạc lợi dụng tình hình dịch bệnh cần kịp thời ngăn chặn sự tán phát, xác minh, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật.
Cùng với tinh thần chủ động chống dịch, Đảng chỉ rõ, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, huy động tất cả lực lượng vào cuộc, hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt phát huy sự tham gia tích cực của nhân dân. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam rút ra từ thực tiễn chống dịch giai đoạn 1: “Càng lúc khó khăn càng thấy sức mạnh của nhân dân và toàn bộ hệ thống chính trị”. Đồng thời phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, cần hợp tác chặt chẽ với các nước, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn nguồn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước trên tinh thần vừa mềm dẻo, vừa cương quyết; sẵn sàng nhận hỗ trợ và chia sẻ về kinh nghiệm xử lý dịch, chữa trị người nhiễm với cộng đồng quốc tế. Đây chính là tư tưởng cách mạng tiến công của đường lối chiến tranh nhân dân được vận dụng sáng tạo vào “cuộc chiến chống dịch Covid-19” và chống hành vi lợi dụng tình hình dịch đưa thông tin sai lệch để phá hoại đất nước.
Về tổ chức lực lượng trong "cuộc chiến chống dịch Covid-19". Đảng, Nhà nước tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch. Tiếp đến, các cấp, ngành, địa phương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch ở cấp mình. Nhờ đó đã huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vào cuộc. Do tính đặc thù của cuộc chiến chống “giặc” là dịch bệnh, cùng với đó là chống hành vi lợi dụng tình hình dịch đưa thông tin sai lệch chống phá đất nước nên Đảng, Nhà nước đã xác định lực lượng nòng cốt của cuộc chiến này là đội ngũ y tế, thông tin-truyền thông, quân đội, công an. Trong lực lượng công an, nhấn mạnh an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Cùng với huy động nguồn nhân lực, Đảng, Nhà nước đã huy động lực lượng vật chất cao nhất về tài chính, trang thiết bị, sản xuất đồ bảo hộ… phục vụ phòng, chống dịch với tinh thần “sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để ngăn chặn dịch bệnh”.
Về phương pháp tác chiến chống dịch Covid-19. Trên cơ sở nhận diện đối tượng tác chiến, mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo cuộc chiến của Đảng, Nhà nước đã vạch ra phương pháp phòng, chống, bao gồm: Thứ nhất, phải đề cao kỷ cương, vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Thứ hai, tổ chức hướng dẫn kịp thời, chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất cho mọi người dân hiểu được dịch bệnh, thông tin sai lệch về dịch bệnh; hiểu được việc mình cần phải làm và không được làm để chống dịch và lợi dụng tình hình dịch. Để thực hiện cần nâng cao hiệu quả thông tin-truyền thông, không để các thế lực thù địch lợi dụng chiếm lĩnh “khoảng trống” để đưa thông tin sai lệnh, nhất là trên truyền thông xã hội. Đối với các thông tin sai lệch về dịch bệnh cần nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn, phân loại thông tin và đối tượng đưa tin để xử nghiêm khắc. Thứ ba, phải tăng cường ngăn chặn với những quy định chặt chẽ, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh đối với xuất, nhập cảnh; điều kiện cụ thể dừng cấp thị thực... Đối với các trường hợp đã nhiễm bệnh phải tiến hành cứu chữa kịp thời; các trường hợp nghi nhiễm phải phân loại, không để sót, thực hiện cách ly tập trung, tại chỗ phù hợp; phòng, chống hạn chế đến mức thấp nhất sự lây nhiễm chéo, nhất là lây nhiễm sang đội ngũ y tế, những người trực tiếp nơi tuyến đầu chống dịch. Thứ tư, thực hiện khai báo y tế toàn dân, chứ không dừng ở khai báo y tế đối với người nhập cảnh. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định của pháp luật mà còn là hành động cụ thể để mọi người dân Việt Nam cùng chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo này phải được quản lý chặt chẽ, chỉ để phục vụ vào mục đích chống dịch, không để thực hiện vào mục đích nào khác.
* *
*
Thực tiễn tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 và chống thông tin xuyên tạc về dịch bệnh vừa qua, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Đảng, Nhà nước ta nhận định "cuộc chiến chống dịch Covid-19" bước sang giai đoạn hai được nhận định từ 8-3 sẽ khó khăn quyết liệt và phức tạp hơn. Để chiến thắng hoàn toàn trong cuộc chiến này, sáng 20-3, Bộ Chính trị đã họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại cuộc họp này, sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ, ý kiến của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc, đạt được những kết quả tích cực, được thế giới đánh giá cao, nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra những chỉ đạo đối với "cuộc chiến chống dịch Covid-19": “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn”. Về giải pháp “cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động, bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất; “tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng, sợ hãi đến mức không dám làm gì”; “cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Sự chỉ đạo trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước hàm chứa đầy đủ, sâu sắc sự vận dụng sáng tạo đường lối CTND từ mục tiêu, tư tưởng chỉ đạo, tổ chức lực lượng, phương pháp tác chiến vào một cuộc chiến đặc thù-"cuộc chiến chống dịch Covid-19" và chống hành vi lợi dụng tình hình dịch để chống phát đất nước hiện nay. Sự vận dụng đó thể hiện tầm tư duy chiến lược của Đảng trong xử lý tình huống tác động trực tiếp đến công cuộc BVTQ ở thời kỳ mới. Nhờ đó mà huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân-sức mạnh vô địch của CTND, bảo đảm chiến thắng của cuộc chiến như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Chúng ta đồng lòng, toàn bộ người dân Việt Nam đều đồng lòng, toàn dân chống dịch thì Việt Nam sẽ chiến thắng như dân tộc Việt Nam đã từng nhiều lần chiến thắng”.
Đại tá, PGS, TS HÀ NGUYÊN CÁT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét