Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2020

Không gian mạng và những tác động trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam.

      Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sự bùng nổ của cách mạng thông tin, nhất là môi trường mạng Internet, không gian mạng toàn cầu. Việc cung cấp thông tin, truyền tải, thu nhận qua mạng Internet, nhất là qua mạng xã hội đã tạo ra những tác động vô cùng mạnh mẽ đến toàn xã hội. Thực tế, nhờ mạng xã hội, việc cung cấp, tuyên truyền, tiếp nhận thông tin đã mang lại kết quả không hề nhỏ trong việc đồng lòng, chung sức cùng nhà nước, chính phủ nỗ lực phòng, chống và dập dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ an toàn cho cuộc sống của người dân. 

      Đánh giá về những điểm tích cực, chúng ta có thể nhận thấy: ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát cuối năm 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, thông qua các kênh truyền thông (VTV Online, FPTPlay, QPVN, ANTV …), mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram, …) …các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xã hội, tình nguyện viên, … đã cung cấp đầy đủ, chính xác về đặc điểm, sự nguy hiểm của chủng virus mới SARS – COVI2, những diễn biến, nguy cơ lây lan của dịch bệnh; những công tác chuẩn bị, biện pháp y tế dự phòng cho việc xuất hiện dịch bệnh ở Việt Nam. Đây là những thông tin rất cần thiết để người dân tăng cường việc giữ gìn vệ sinh dịch tễ, áp dụng các biện pháp để bảo vệ bản thân, gia đình, tổ chức…Chính vì thế, khi xuất hiện dịch bệnh SARS-COVI2 tại Việt Nam, các tổ chức, người dân không hoảng loạn mà bình tĩnh thực hiện theo các khuyến cáo của chính phủ, bộ y tế để tăng cường biện pháp bảo vệ sức khỏe, tránh nhiễm bệnh và sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

      Bước vào giai đoạn khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam, với sự quyết liệt của chính phủ, các chủ trương phòng chống dịch bệnh được các kênh thông tin trên không gian mạng tuyên truyền mạnh mẽ đến người dân, nội dung gồm: thông tin chính xác về diễn biến dịch bệnh ở Việt nam, các biện pháp phòng chống từ những việc nhỏ nhất như: cách sử dụng khẩu trang, sử dụng nước diệt khuẩn, quần áo phòng hộ, …. Đến những biện pháp tránh tiếp xúc đông người, cách ly tập trung, tự cách ly…đặc biệt là việc sử dụng không gian mạng để thực hiện chủ trương khai báo y tế toàn dân thông qua các kênh: https://suckhoetoandan.vn, http://tokhaiyte.vn cùng ứng dụng NCOVI trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành iOS, Android. Tình hình dịch bệnh cũng được cập nhật thường xuyên trên các kênh thông tin như: website Bộ y tế: http://www.moh.gov.vn; các trang báo điện tử: Dân trí, VnExpress, Vietnamnet, … cung cấp cho người dân những diễn biến, nguy cơ cụ thể nhất để chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, các cá nhân có trách nhiệm xã hội đã thường xuyên post bài, chia sẻ những thông tin có ích cho cộng đồng như: các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh, kêu gọi người dân đồng lòng cùng chính phủ, quyết tâm đánh thắng giặc Covid-19 bằng cách hành động cụ thể như: quyên góp, phân phát khẩu trang y tế, vận động người dân khai báo y tế, quyên góp vật chất chia sẻ với chính phủ, ngành y tế trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh.

     Diễn biến mới nhất, chúng ta đã có hàng trăm ca bệnh nhiễm SARS-COVI2, hàng chục người được chữa khỏi, tình hình còn nhiều diễn biến phức tạp, nhưng những kết quả bước đầu, với sự quyết liệt của chính phủ, nỗ lực không biết mệt mỏi của các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là những người đứng đầu chính phủ, chính quyền trung ương, địa phương và những lực lượng trên mặt trần tiền tuyến đầy rủi ro như: các chuyên gia, y bác sỹ ngành y tế, bộ đội, công an, …Chúng ta có niềm tin, với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm của người dân yêu nước, chúng ta sẽ đánh bại dịch bệnh NCOVI-19 mang lại cuộc sống bình yên cho đất nước.

     Tuy vậy, chúng ta cũng nhìn nhận, đi ngược lại những trách nhiệm, nỗ lực của người dân yêu nước, đồng lòng cùng chính phủ trong phòng chống dịch bệnh, một số bộ phận không nhỏ, lợi dụng vấn đề dịch bệnh sử dụng không gian mạng để mưu cầu lợi ích cá nhân, chống phá nỗ lực phòng chống dịch bệnh của chính phủ, chính quyền các cấp, tạo dư luận hoang mang, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Ví dụ như, đối tượng Nguyễn Thị Hồng Minh và chị Ngô Thị Trang ở Sông Công, Thái Nguyên tung tin thất thiệt: “ Hiện nay Bệnh viện C đang có 3 bệnh nhân bị nhiễm cúm corona đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Mong các bậc phụ huynh theo dõi trẻ tại nhà, nếu có biểu hiện sốt, sổ mũi... thì cho trẻ đến khám ngay tại các trung tâm y tế gần nhất. Tránh đến những nơi đông người” , ngày 31/1/2020. Nguyễn Công Hoàng và Vũ Quỳnh Mai ở Bắc Ninh tung tin “Tại Bắc Ninh có hơn 4.000 người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Một trong số họ ngày 30-1 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển tuyến khẩn cấp ra Bệnh viện Nhiệt đới trung ương do nhiễm virus corona khi người này vừa về Trung Quốc ăn tết và quay trở lại Việt Nam làm việc!!! Chuyện xấu nhất xảy ra thì Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước”, ngày 30/1/2020. Phan Lan Hoa ở Vũng tàu tung tin “Bà con dân bản Vũng Tàu chú ý. Hiện nay bệnh viện Vietsovpetro đã có một bệnh nhân nghi nhiễm virus Vũ Hán. Tự bảo trọng mình”, ngày 1/2/2020….cùng nhiều đối tượng khác, các đối tượng đã bị triệu tập, xóa tin thất thiệt và xử phạt hành chính theo quy định của Pháp Luật.
Tung tin thất thiệt của đối tượng Nguyễn Sin trên mạng xã hội Facebook.

     Gần đây nhất, là sự vô tâm, đi ngược lại nỗ lực của chính phủ và người dân trong phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang cho người dân, đối tượng Nguyễn Sin, Thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng facebook tung thông tin thất thiệt về ca tử vong đầu tiên ở Việt Nam, trong khi các ca bệnh nặng NCOVI ở Việt Nam đang có nhiều tiến triển tích cực. Đối tượng đã bị triệu tập và đã đăng tin cải chính, xin lỗi trên mạng. 

       Chắc hẳn, các đối tượng đã bị xử lý phải thấy xấu hổ về bản thân, với đồng bào yêu nước về những hành động sai trái của mình, họ nghĩ gì, khi đọc tin về việc cụ bà Lê Thị Niệm, sinh năm 1942, tại xã Trung Thành, Côn Sơn, Thanh Hóa, có chồng, con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về toàn dân chống giặc NCOVI, đã ủng hộ 1 triệu đồng từ tiền tích cóp của bà cụ.

      Chúng ta đang nỗ lực và có những thành công bước đầu trong ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh, chúng ta sẽ thắng trong “cuộc chiến” này như lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong việc quyết liệt, đoàn kết toàn dân chiến đấu chống giặc NCOVI, mỗi người dân chúng ta, trên các mặt trận, trong đó có không gian mạng, hãy là người chiến sỹ, phát huy phẩm chất, truyền thống yêu nước của dân tộc, hãy hành động quyết liệt, tích cực để tăng cường sức mạnh toàn dân, đồng thời đấu tranh, loại bỏ những hành động tiêu cực, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, nhân dân, vì sự an bình cho đất nước, đánh đuổi thành công dịch bệnh toàn cầu NCOVI./.

1 nhận xét:

  1. Mỗi người dân Việt Nam cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh vạch trần bộ mặt thật, loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, của bọn phản động và các thế lực thù địch.

    Trả lờiXóa