Đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch
Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước. Khi nói về sự kiện lịch sử trọng đại này Đảng ta nhận định: "Năm
tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc như một trong những
trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa
anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến
công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và mang
tính thời đại sâu sắc". Như vậy, Đảng ta đã nhấn mạnh chủ nghĩa anh hùng
cách mạng (thực chất là chủ nghĩa yêu nước ở thời địa Hồ Chí Minh) cùng với trí
tuệ Việt Nam đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, làm nên thắng lợi của cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta.
Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc ta đã được hình
thành và phát triển trong suốt chiều sâu lịch sử dựng nước và giữ nước, được kết
tinh, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Lòng yêu nước của người Việt
Nam không chỉ là phẩm chất tinh thần đã được đúc kết thành truyền thống và hơn
thế trở thành Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Trong hệ thống thang bậc giá trị
truyền thống dân tộc, yêu nước là giá trị nổi bật và cơ bản nhất, là "sợi
chỉ đỏ" xuyên suốt lịch sử dân tộc. Đối với người Việt Nam, yêu nước là
tình cảm thiêng liêng, là cái chi phối và là thước đo đạo lý làm người, bao gồm
nhân phẩm, nhân cách, danh dự, lẽ sống, nghĩa vụ, lương tâm và hạnh phúc của
con người. Do vậy, yêu nước là sức mạnh tiềm tàng, luôn thường trực trong lòng
dân tộc, là nguồn lực không bao giờ cạn trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.
Chủ nghĩa yêu nước chính là năng lực nội sinh to lớn của cộng đồng dân tộc, tạo
nên sức mạnh vô địch trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trong xây dựng
đất nước, là nhân tố cơ bản bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc qua mọi biến
thiên của lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Dân ta có một lòng nồng
nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ
quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô
cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả
lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng
tỏ tinh thần yêu nước của dân ta". Theo lôgíc đó, từ thực tiễn lịch sử dân
tộc, cho phép chúng ta khẳng định: Chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc
Việt Nam chính là cội nguồn sức mạnh tinh thần, là chất liệu không thể thiếu tạo
nên sức mạnh của nhân tố con người - nhân tố có ý nghĩa quyết định trong cuộc tổng
tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Tuy nhiên, cần nhận thức rõ Chủ nghĩa yêu nước
truyền thống chỉ là năng lực nội sinh, tiềm tàng trong lòng dân tộc. Để Chủ
nghĩa yêu nước truyền thống phát huy được vai trò to lớn của nó thì phải đặt
trong bối cảnh của thời đại, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử.
Một minh chứng tiêu biểu là sự thất bại của các phong trào yêu nước chống thực
dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, là do gắn với ý thức hệ
phong kiến, ý thức hệ tư sản hoặc tiểu tư sản, không phù hợp với xu thế khách
quan của thời đại mới đã được mở ra từ cách mạng Tháng Mười Nga 1917. Vấn đề đặt
ra cần luận giải Chủ nghĩa yêu nước với tính cách là cội nguồn sức mạnh trong
cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là Chủ nghĩa yêu nước hiện đại, được
kế thừa phát triển từ Chủ nghĩa yêu nước truyền thống dân tộc, gắn liền với vai
trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới ánh sáng chủ nghĩa
Mác - Lênin, Chủ nghĩa yêu nước truyền thống đã có bước phát triển nhảy vọt về
chất, trở thành Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hay chủ nghĩa yêu nước của thời đại
Hồ Chí Minh. Đó là Chủ nghĩa yêu nước dựa chắc trên lập trường giai cấp công
nhân, được Hồ Chí Minh đặt nền móng và cùng với Đảng ta thực hiện trong suốt
quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Và như vậy, Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam
trong thời đại Hồ Chí Minh, không chỉ là cội nguồn sức mạnh, mà còn có vai trò
quan trọng hơn là một cơ sở, một động lực to lớn tạo nên sức mạnh vô địch của
chiến tranh nhân dân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thể hiện
trên 4 mặt chủ yếu sau:
Một
là, chủ nghĩa yêu nước là cơ sở, động lực quan trọng
góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần, thực chất là sức mạnh của nhân tố con người
trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Có thể khẳng định: Con người
Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là con người của truyền thống văn
hóa Việt Nam, con người của lòng yêu nước và ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, được
tiếp thêm sinh lực từ mục tiêu lý tưởng của giai cấp công nhân. Do vậy, nó đã
được nâng lên một tầm cao mới. Các phẩm chất cao quý của văn hóa, của con người
Việt Nam được kết tinh và phát huy đến mức cao nhất, thể hiện ở tinh thần, ý
chí: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Dù có đốt cháy cả
dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập", “Tất cả cho tiền tuyến,
tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; các phong trào: “Thanh niên ba sẵn
sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”; hoặc các
khẩu hiệu hành động: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,
"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...". Động lực tinh thần của chủ nghĩa
yêu nước đó, đã giúp toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh
trong suốt quá trình 30 năm kháng chiến, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công nổi
dậy mùa Xuân 1975, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đến
đích thắng lợi cuối cùng. Văn kiện Ðại hội lần thứ IV (1976) của Ðảng đã khẳng
định: “Ðó là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường và
bền bỉ, anh dũng và thông minh, của nhân dân và quân đội cả nước, đặc biệt là
các đảng bộ miền Nam, các cán bộ và chiến sĩ công tác ở miền Nam và hàng chục
triệu đồng bào yêu nước chiến đấu trên tuyến đầu Tổ quốc đã luôn nêu cao tấm
gương kiên cường, bất khuất hơn ba mươi năm dưới ách quân xâm lược. Ðó là thắng
lợi của CNXH ở miền Bắc, thắng lợi của đồng bào miền Bắc vừa tự xây dựng, vừa
chiến đấu để bảo vệ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời động viên ngày càng
nhiều sức người, sức của để đánh Mỹ, cứu nước ở tiền tuyến lớn miền Nam, một
lòng một dạ vì miền nam ruột thịt”. Maicơn Mắc Lia, nhà sử học người Mỹ, trong
cuốn "Việt Nam - cuộc chiến tranh mười nghìn ngày" đã nhận xét rằng:
"Lịch sử phải đánh giá họ (người Việt Nam - miền Nam cũng như miền Bắc)
cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người”.
Hai
là, chủ nghĩa yêu nước là 1 cơ sở, động lực trong
xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc tổng tiến công
và nổi dậy mùa Xuân 1975. Với đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và
CNXH, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với mục tiêu lý tưởng của CNXH, Đảng ta đã phản
ánh được nguyện vọng, lợi ích chính đáng, cơ bản của tuyệt đại đa số người Việt
Nam là độc lập, tự do cho dân tộc; ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Đó là mẫu số
chung để tạo lập "thế trận lòng dân" vững chắc; động viên, tập hợp được
đông đảo và rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ của Đảng vào sự
nghiệp chống Mỹ, giành độc lập hoàn toàn cho đất nước. Như vậy, thắng lợi của
cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là kết quả của quá trình xây dựng,
phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc tạo nên sức mạnh vô địch của Chiến
tranh Nhân dân Việt Nam. Nói về điều này, Đại tướng Văn Tiến Dũng trong 1 cuộc
trả lời phỏng vấn các nhà báo và học giả phương Tây, đã nhấn mạnh: "Một lần
nữa tôi muốn nói rõ rằng nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của
cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời
đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo chúng tôi biết khai thác, biết phát huy tất cả những
sức mạnh đó để chiến thắng”.
Ba
là, chủ nghĩa yêu nước là 1 cơ sở, động lực để thực
hiện kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng
hợp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đỉnh cao là cuộc tổng tiến công và nổi
dậy mùa Xuân 1975. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước chân
chính. Vì thế nó luôn gắn liền và thông qua những giá trị công lý được cả thế
giới thừa nhận. Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng dân tộc của
Nhân dân ta được dựa trên cơ sở của lẽ phải, lương tri và công lý, cho nên nó
là sự nghiệp chính nghĩa. Tính chính nghĩa và công lý chính là cơ sở để vận động
các lực lượng quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến vì nền độc lập của Việt Nam.
Trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng
định "nhân dân Việt Nam chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn và vì sự tôn trọng
sự thực và công lý".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng
ta đã luôn dựa trên chủ nghĩa yêu nước chân chính với những giá trị bền vững của
công lý để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng
hợp để đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chúng ta đã tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy tối
đa sức mạnh thời đại, coi đó là một bộ phận hợp thành của đường lối chống Mỹ, cứu
nước, luôn đặt hoạt động đối ngoại, đấu tranh ngoại giao thành một mặt trận có
tầm quan trọng chiến lược góp phần tạo nên sự vượt trội về thế và lực để đánh
thắng kẻ thù xâm lược.
Thực tế đã chứng tỏ dưới tác động của hoạt động
đối ngoại, một mặt trận rộng lớn của nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt
Nam chống Mỹ xâm lược đã hình thành và phát triển (với nòng cốt là Liên Xô,
Trung Quốc, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa). Chính những yếu tố này đã góp
phần tạo sức mạnh tổng hợp giúp chúng ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Và như thế,
có thể khẳng định rằng, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đỉnh cao là Đại
thắng mùa Xuân 1975 chính là hiện thân của công lý, là biểu tượng sáng ngời của
chính nghĩa thắng phi nghĩa, của văn minh thắng bạo tàn, của hoà bình độc lập
dân tộc thắng chủ nghĩa thực dân, bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống
Việt Nam được phát triển và phát huy trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.
Bốn
là, chủ nghĩa yêu nước là 1 cơ sở, động lực thúc đẩy
và phát huy cao độ sự sáng tạo trong tổ chức và thực hành cuộc cuộc tổng tiến
công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Có thể khẳng định, ngay từ đầu của cuộc kháng
chiến chống Mỹ, chủ nghĩa yêu nước đã giữ vai trò là 1 cơ sở, 1 động lực trong
hoạch định phương pháp cách mạng của Đảng. Đó là phương pháp: sử dụng bạo lực tổng
hợp, bao gồm lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; tiến
hành khởi nghĩa từng phần, phát triển thành chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu
tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; kết hợp khởi
nghĩa của quần chúng với chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công
và nổi dậy; đánh địch trên cả ba vùng chiến lược: rừng núi, nông thôn, đồng bằng
và thành thị; đánh địch bằng ba mũi giáp công: quân sự, chính trị, binh vận; kết
hợp ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; kết hợp
chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh
nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ; nắm vững
phương châm chiến lược đánh lâu dài, đồng thời biết tạo thời cơ mở những cuộc
tiến công chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh, tiến lên thực hiện tổng
tiến công và nổi dậy đè bẹp quân địch giành thắng lợi cuối cùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét