Thứ Tư, 25 tháng 3, 2020

TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI


Hơn 90 năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt coi trọng công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng để Đảng ta thật sự là một chính đảng, cách mạng, khoa học và nhân văn của giai cấp công nhân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; ở trong nước đang thực hiện Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII, tình hình dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống sinh hoạt của nhân dân và nền kinh tế; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, lực lượng phản động trong và ngoài nước gia tăng các hoạt động thực hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn, nhất là hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng và các trang mạng Internet, mạng xã hội. Thông qua các trang mạng, mạng xã hội, họ đã lập hàng nghìn trang web, blog, lập hàng trăm tài khoản ảo để viết, truyền bá hàng nghìn bài viết, clip... xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng ta. Qua đó, chúng phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh đã qua và trong công cuộc đổi mới, bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất ổn định an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội; nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh với các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các tổ chức Đảng cần thực hiện một số giải pháp sau:
Trước hết, cần tăng cường giáo dục cho đội ngũ đảng viên lý luận Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng những hình thức phong phú, nội dung phù hợp với mỗi đối tượng, thông qua các hoạt động tuyên truyền, các phong trào thi đua. Đặc biệt cần quán triệt và thực hiện tốt: Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 20 tháng 10 năm 2018 của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết  xác định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ  nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), về: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. 
Hai là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu  của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò nêu gương của cấp uỷ và người đứng đầu đơn vị trong mọi hoạt động; tổ chức các hoạt động thi đua đi vào thực chất nhằm xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện. Theo đó, mỗi cấp uỷ đảng, đảng viên cần phải quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, chủ trương, pháp luật của Nhà nước, quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh để có các biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả; đồng thời dẫn dắt quần chúng, dẫn dắt dư luận tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ở mỗi cơ quan, đơn vị cần tổ chức lực lượng làm nòng cốt đấu tranh với những tư tưởng lệch lạc, sai trái; lực lượng này cần được thông báo thông tin phản ánh kịp thời những diễn biến tư tưởng trong xã hội và ở các đơn vị; được tập huấn, tổ chức rút kinh nghiệm hoạt động để không ngừng nâng cao trình độ lý luận, nhận diện nhanh chóng các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng có các biện pháp, hình thức đấu tranh phù hợp. 
Ba là, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả cơ quan, đơn vị đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thực tiễn cho thấy, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đường lối lãnh đạo của Đảng, chính  sách, pháp luật của Nhà nước bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc chiến đầy khó khăn, thách thức; do đó phải cần huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức đảng, đoàn, đoàn thể quần chúng và mọi tầng lớp nhân dân tham gia nhằm tạo ra “nội lực” vững chắc để các thông tin sai trái không xâm phạm được. Cùng với đó, tăng cường hoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên trách sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung “độc hại” trong một thời gian nhất định. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động.
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân; là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; của các bộ, ban, ngành và từng địa phương, cơ quan, đơn vị; của cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp uỷ và người đứng đầu. Do đó cần vận dụng các giải pháp đấu tranh linh hoạt phù hợp với đặc thù hoạt động của mỗi tổ chức, đơn vị./.
                                                                                               Ngọc Quý

1 nhận xét: