Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, phẩm chất đạo, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo được Người đặt lên hàng đầu. Bài viết góp phần làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo, từ đó đề xuất giải pháp vận dụng tư tưởng của Người vào việc tăng cường công tác giáo dục ý thức chính trị, đạo đức cho sinh viên sư phạm trong điều kiện hiện nay.
Hiện nay, tuyệt đại đa số đội ngũ nhà giáo Việt Nam có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; có phẩm chất đạo đức cách mạng, nỗ lực phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn; tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường; nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp “trồng người”.
Bên cạnh đó, trong đội ngũ nhà giáo vẫn còn những giáo viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, thậm chí vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; chưa thật tích cực nâng cao năng lực chuyên môn. Về vấn đề này, Đảng ta chỉ rõ: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Chính vì vậy, trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, một trong những nhiệm vụ hàng đầu hết sức quan trọng và cấp bách là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ngay từ các nhà trường sư phạm. Muốn vậy, mỗi nhà giáo trong các trường sư phạm cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo, trước hết là tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, từ đó vận dụng tư tưởng của Người vào nâng cao hiệu quả công tác giáo dục ý thức chính trị, đạo đức cho sinh viên sư phạm.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Người chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, giáo dục - đào tạo mang lại cho dân tộc ta một sức mạnh để xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đội ngũ nhà giáo giữ vai trò quyết định. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả và vinh quang của mình, đội ngũ nhà giáo phải toàn diện, có đủ cả đức và tài, “hồng” và “chuyên”, trong đó đức là gốc. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức nhà giáo là sự nhận thức và thực hành các quan điểm, nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội mang tính đặc thù của nghề sư phạm, quy định thái độ và hành vi ứng xử của nhà giáo trong nhà trường và đời sống xã hội, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, Hồ Chí Minh luôn đề cao phẩm chất của trí thức, nhà giáo, là tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân. Người cho rằng, mục đích của Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, của người trí thức mới không có gì khác là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, Người phê phán mạnh mẽ chính sách giáo dục thực dân, chế độ văn hóa nô dịch. Người đòi hỏi mỗi nhà giáo phải xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân và tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân: “Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: Dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân”.
Hồ Chí Minh chỉ ra bản chất khác biệt và tính ưu việt của nền giáo dục XHCN so với nền giáo dục trong xã hội cũ. Theo đó, động cơ của nhà giáo không phải là mục đích kinh tế thuần túy, mà là giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu giáo dục của nhân dân, vì hạnh phúc của đồng bào. Đội ngũ nhà giáo phải là những người lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống, làm lý tưởng và mục tiêu phấn đấu trong suốt cuộc đời dạy học của mình.
Không chỉ trong môi trường sư phạm mà trong mọi công việc nói chung, đội ngũ nhà giáo trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc; tham gia lao động sản xuất, hòa mình với các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền chính trị, văn hóa, pháp luật cho nhân dân, áp dụng các tri thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người chỉ dẫn các nhà giáo, trí thức phải “minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết”.
Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi các nhà giáo phải xứng đáng với danh hiệu “kỹ sư tâm hồn”. Trước hết, nhà giáo phải xây dựng cho mình tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân với lương tâm nghề nghiệp trong sáng, yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ; không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, tu dưỡng và rèn luyện nhân cách, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ và cống hiến cao nhất cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, vì sự phát triển đất nước, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Người căn dặn cán bộ, giáo viên: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”. Trong rèn luyện đạo đức, Người luôn nhắc nhở các nhà giáo phải liêm khiết, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân; làm việc hết sức mình, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà giáo cũng phải quán triệt, thực hiện tốt đường lối giáo dục của Đảng, chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về giáo dục - đào tạo, các quy định của ngành cũng như pháp luật nói chung.
Để hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Hồ Chí Minh đặt ra những yêu cầu cụ thể mà đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác giáo dục cần thực hiện: “Thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tăng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và nhân dân giao cho”.
Theo Hồ Chí Minh, để hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhà giáo cần rèn luyện các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trong hoàn cảnh đất nước và ngành giáo dục còn nhiều khó khăn, Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi nhà giáo cũng như mọi công dân yêu nước cần phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, vượt mọi khó khăn, gian khổ. Người chỉ rõ: “Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải có tinh thần tự lực cánh sinh, cần cù lao động… Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục, Hồ Chí Minh đòi hỏi toàn ngành giáo dục nói chung và mỗi nhà giáo nói riêng: “Cần nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng nhà trường, thực hiện tốt phương châm nhà trường gắn chặt với xã hội, học đi đôi với hành”.
Tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân nói riêng và đạo đức cách mạng nói chung của nhà giáo đối lập với chủ nghĩa cá nhân. Để đội ngũ nhà giáo góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo, Hồ Chí Minh căn dặn và yêu cầu mỗi người phải luôn cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, trau dồi đạo đức cách mạng, phấn đấu vì nước, vì dân. Trong ngành giáo dục, để chống chủ nghĩa cá nhân, khi làm bất kỳ việc gì, mỗi nhà giáo phải nghĩ đến lợi ích chung trước, lợi ích riêng sau, tất cả vì sự nghiệp trồng người, vì học sinh thân yêu, phải thành tâm tu dưỡng để xứng đáng là “người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
3. Giải pháp vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo trong giáo dục sinh viên sư phạm.
Định hướng xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục thế hệ trẻ, trong đó có sinh viên sư phạm - những nhà giáo, những “kỹ sư tâm hồn” tương lai, Đảng ta chỉ rõ: “Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục sinh viên sư phạm một cách hiệu quả và thiết thực, cần thực hiện đồng bộ, có chất lượng nhiều giải pháp.
Một là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, tạo động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo, cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức chuyên môn, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là giải pháp tác động trực tiếp đến trí tuệ và tình cảm, lý trí và niềm tin, nhận thức và hành động đối với mỗi sinh viên sư phạm trên bước đường đào tạo để trở thành những nhà giáo tương lai.
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tiếp tục tổ chức thực hiện một cách toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nhà giáo nói chung, giáo dục sinh viên sư phạm nói riêng. Bản thân các giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý trong nhà trường phải đi đầu, là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để sinh viên noi theo.
Trong quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, mỗi sinh viên sư phạm cần ý thức đầy đủ, sâu sắc rằng, việc nâng cao ý thức chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách của mình không chỉ bằng nhận thức, mà bằng cả trái tim đầy nhiệt tình, nhiệt huyết của tuổi trẻ, của nhà giáo dục tương lai. Mỗi sinh viên phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, đề ra nội dung, biện pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp, khả thi, đồng thời phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, năng lực sáng tạo, ý chí quyết tâm, không ngừng học tập, rèn luyện bằng những hành động cụ thể, có kết quả cụ thể; sống có tình, có nghĩa, có tấm lòng nhân ái để hoàn thiện lối sống, nhân cách của bản thân và trở thành người cán bộ, giáo viên tương lai vừa “hồng”, vừa “chuyên” như lời căn dặn và mong muốn của Hồ Chí Minh.
Kết hợp chặt chẽ giữa học với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ học tập, tu dưỡng trong nhà trường và trong các hoạt động xã hội. Thực hiện đồng bộ, kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống” trong nhà trường; “xây” là tổ chức tốt các phong trào thi đua, động viên sinh viên thực hiện tốt các nhiệm vụ học tập và rèn luyện; “chống” là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong sinh viên, xử lý nghiêm những sai phạm để răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục chung. Các trường sư phạm đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức học tập, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sinh viên; đẩy mạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị.
Việc trang bị cho sinh viên kiến thức các môn lý luận chính trị, cụ thể là các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp sinh viên có được một thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng, hiểu được nền tảng tư tưởng và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên cơ sở đó sinh viên nâng cao ý thức chính trị, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của mình. Có được bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trong sáng, thì trước những tác động tiêu cực do mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, các nhà giáo tương lai mới hoàn thành tốt trách nhiệm vẻ vang trong sự nghiệp “trồng người” của mình và là tấm gương lan tỏa, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho các thế hệ học sinh noi theo. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy các môn lý luận chính trị, cần xây dựng, rèn luyện và củng cố cho sinh viên có được tác phong nghiên cứu khoa học sáng tạo, độc lập, phát triển tư duy lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và khả năng vận dụng các kiến thức tiếp thu được vào công việc dạy học sau này.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo, quán triệt quan điểm của Đảng ta, mỗi sinh viên sư phạm cần xác định đúng mục đích sống và làm việc của mình là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc: “phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”… Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong quá trình học các môn lý luận chính trị, sinh viên các trường sư phạm cần xây dựng tình cảm sâu sắc của mình với Đảng quang vinh, với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và với dân tộc Việt Nam anh hùng, để từ đó phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đặc biệt, bằng các hành động cụ thể, sinh viên tham gia bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân dân ta đã giành được, nỗ lực cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, tăng cường giáo dục đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân xuất phát từ sự trân trọng những giá trị tốt đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc và - đến lượt mình - đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc thúc đẩy mọi người phải nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục cho sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng, một trong những nhiệm vụ hết sức cần thiết là cần tăng cường giáo dục đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho sinh viên. Về vấn đề này, Đảng ta đã khẳng định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”.
Trong hệ thống giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là tiêu điểm, giá trị cốt lõi, tạo thành động lực tinh thần to lớn trong cuộc sống của con người Việt Nam. Lòng yêu nước xuất phát từ tình yêu đối với đất nước, là lòng trung thành và khát vọng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, trở thành chủ nghĩa yêu nước mang đậm nét đặc sắc, cốt cách của dân tộc và con người Việt Nam. Đó là tinh thần đấu trạnh bất khuất vì độc lập dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tự hào, tự tôn dân tộc đã được hun đúc từ nghìn đời nay trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Hiện nay, yêu nước thể hiện ở khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; ở tinh thần lao động tự giác, sáng tạo, cống hiến, hy sinh, xả thân quên mình cho Tổ quốc; ở việc thực hiện tốt trách nhiệm công dân đối với đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chính vì thế, việc giáo dục lòng yêu nước cho sinh viên sư phạm hiện nay là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để mỗi sinh viên sư phạm ý thức đúng đắn hơn về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, yêu người và yêu nghề hơn, có trách nhiệm và tận tụy hơn với công việc, hoàn thiện nhân cách, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức của nhà giáo.
Thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo, mỗi sinh viên sư phạm phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, cá nhân và xã hội, nghĩa vụ và quyền lợi, luôn đặt lợi ích của tập thể, của đất nước, của dân tộc lên trên hết và trước hết. Muốn vậy, ngay trong quá trình học tập, sinh viên cần tôn trọng, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chân lý; tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; thấy đúng phải ủng hộ, thấy sai phải phê phán, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; chống lại những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; phê phán những quan điểm sai trái, thù địch; chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng và những biểu hiện tiêu cực khác.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn, hội sinh viên.
Từ khi ra đời đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã giữ vững bản chất của tổ chức chính trị - xã hội, luôn là lực lượng xung kích, là trường học XHCN của tuổi trẻ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam là hai tổ chức quan trọng trong việc giáo dục chính trị, đạo đức cho sinh viên. Vì vậy, để vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo, các tổ chức này cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tổ chức các hoạt động tập thể, với những hình thức đa dạng, thiết thực thu hút sinh viên tham gia nhằm nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho sinh viên. Nêu cao vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa và hoạt động ngoài giờ học trên lớp thật sự hấp dẫn, có ý nghĩa thiết thực giúp sinh viên có thêm sự hiểu biết về thực tiễn, hình thành tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, tính tích cực xã hội và các năng lực tổ chức hoạt động giáo dục, qua đó giáo dục đạo đức nhà giáo, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho sinh viên.
Tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, văn hóa, thân thiện, bổ ích, góp phần hình thành niềm tin, tình cảm, lý tưởng cách mạng, nâng cao khả năng độc lập, sáng tạo trong suy nghĩ, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng, phát triển nhân cách, phẩm chất đạo đức, có năng lực hòa nhập vào cộng đồng xã hội sau này. Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đoàn viên ưu tú được giác ngộ, nhận thức về Đảng, rèn luyện, phấn đấu để được kết nạp vào Đảng cũng là động lực thúc đẩy sinh viên phấn đấu, nâng cao ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức trong thời gian học tập ở trường.
* Tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhà giáo chứa đựng những giá trị sâu sắc mà ngày nay cần tiếp tục nghiên cứu kỹ, quán triệt và vận dụng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, trong đó có việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho sinh viên sư phạm. Để xây dựng đội ngũ nhà giáo tương lai có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp trong sáng đòi hỏi nhiều yếu tố; cùng với sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện của bản thân mỗi sinh viên sư phạm, tổ chức đảng, lãnh đạo nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong các trường sư phạm cần tổ chức thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường việc giáo dục về lý luận chính trị, đạo đức cho sinh viên./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét