Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

 

Quản lý mạng xã hội trong đấu tranh phản bác các hoạt động xuyên tạc, thù địch

Thứ tư, 20/11/2024 14:15

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các hoạt động xuyên tạc, thù địch trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị, về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác này được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ ý đồ chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta, luôn toan tính tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận trong đời sống chính trị  - xã hội của nước ta, với âm mưu cơ bản, lâu dài và rất thâm độc là xoay chuyển quỹ đạo phát triển của đất nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này không mới, song tính chất đặc biệt nguy hiểm là ở chỗ nó được thực hiện bằng một phương thức, công cụ hoàn toàn mới - không gian mạng.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, Internet và các trang mạng xã hội nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 tiếng mỗi ngày[1].

Mạng xã hội là nơi lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin trong cộng đồng người sử dụng. Không gian mạng có đặc điểm là dung lượng thông tin lớn, tốc độ truyền tải nhanh, vừa có độ bao phủ rộng khắp, vừa tương tác thông tin mạnh, tức thời. Với đặc điểm về tính mở, phạm vi tương tác đa chiều, không giới hạn về không gian, tích hợp nhiều tính năng đa phương tiện, nguồn tin phong phú, đa dạng,… Mạng xã hội trở thành một công cụ làm việc, ứng dụng giải trí, nguồn thông tin quan trọng trong cuộc sống của con người. Đây cũng là môi trường rất tốt để chúng ta tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người người một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng không gian mạng và tính liên kết ngày càng cao thì các vấn đề của xã hội, của con người lại càng nhiều và càng phức tạp, đặc biệt là đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” đang bị các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Mục đích cao nhất, có tính chiến lược của các thế lực thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là nhằm làm cho Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam xa rời, từ bỏ tư tưởng xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội…

Trên thực tế, quy mô và tính chất của những hành động chống phá hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói chung, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng diễn ra gay go, ác liệt và nguy hiểm; càng được che phủ một cách tinh vi dưới nhiều hình thức, bằng nhiều thủ đoạn, dù âm thầm hay sôi động. Các hoạt động "chống phá" này lúc ẩn núp, lúc công khai, nhưng chủ yếu tập trung vào thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị trong nước… Việc chúng lợi dụng ưu thế của internet, mạng xã hội, các hình thức truyền thông mới, hệ thống phát thanh, báo chí, v.v… để tuyên truyền chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam trong một thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, có kịch bản rõ ràng theo kiểu mưa dầm thấm lâu, góp gió thành bão đã được các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị sử dụng triệt để. Thông qua việc giật tít, đưa tin thật giả lẫn lộn, tạo lập các website, blog, facebook, fanpage,… giả mạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có uy tín; sử dụng dịch vụ thư điện tử, dịch vụ nhắn tin, hội thoại, diễn đàn… các thế lực thù địch đã tung tin, bài xấu, độc, âm mưu tạo dựng những nhận thức sai lệch, hoài nghi, hoang mang, dao động, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, cùng với đó là tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội, nhận thức của nhân dân về các vấn đề phản ánh … Từ đó, làm lung lay, xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; gây kích động nhân tâm, tạo tâm lý bức xúc, chống đối trong xã hội; làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân xa rời, từ bỏ nền tảng tư tưởng - vũ khí tinh thần, thế giới quan, phương pháp luận khoa học, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng…

Trước những tác động tiêu cực đó, đòi hỏi việc quản lý, định hướng mạng xã hội cần phát huy tối đa tính tích cực, tính ưu việt của nó, nhất là trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là việc làm rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin trong nhân dân, khẳng định thành tựu, lập trường của Việt Nam, đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, định hướng dư luận xã hội. Muốn vậy, cần làm tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, cần phải xem mạng xã hội như một kênh tuyên truyền hiện đại, một công cụ tiện dụng để nắm bắt tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; là công cụ sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, sự đoàn kết thống nhất trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch.

Hai là, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thông tin mạng; chủ động xây dựng các phần mềm, công cụ để quản lý mạng xã hội. Để có thể bảo vệ môi trường an ninh mạng của Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền cần tổ chức nghiên cứu, xây dựng các công cụ, phầm mềm có chức năng phòng ngừa và cảnh báo các thông tin xấu, độc, tin giả đăng tải trên mạng xã hội; kiểm soát, ngăn chặn tận “gốc” nguồn phát tán và xử lý các thông tin này trên môi trường không gian mạng.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức pháp luật cho người dân khi sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, tuyên truyền về chính sách pháp luật có liên quan đến lĩnh vực viễn thông, Internet, mạng xã hội.

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý mạng Internet nói chung, quản lý mạng xã hội nói riêng để triển khai đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch đối với Việt Nam.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét