TỰ HÀO TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG 80 NĂM QUÂN
ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân
Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) là dịp đặc biệt để chúng ta tự hào nhìn lại chặng đường
vẻ vang của một quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Quân đội
nhân dân Việt Nam không chỉ là lực lượng bảo vệ Tổ quốc mà còn là biểu tượng
của ý chí độc lập, tinh thần tự cường và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày 22/12/1944, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội
Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng
Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ được lựa
chọn từ những chiến sĩ Cao-Bắc-Lạng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ
huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền
thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Có lẽ, sự ra đời của
Quân đội nhân dân Việt Nam là một sự độc đáo và đặc
biệt trong lịch sử quân sự thế giới. Số lượng quá ít ỏi, vũ khí rất thô sơ, chỉ với 34 chiến sĩ, 2 khẩu súng
ngắn, 17 khẩu súng trường nhưng nhiệm vụ lại rất lớn lao: Chiến đấu vì độc lập,
tự do của dân tộc. Không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn là đội quân tuyên
truyền cách mạng, kết hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị. Đúng
như nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trong Chỉ thị thành lập Đội: Tên
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn
quân sự. Nó là đội tuyên truyền, đồng thời là đội quân chủ lực đầu tiên, có
nhiệm vụ dìu dắt các đội vũ trang của địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ
vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Như
vậy, ngay từ buổi đầu, Đội không chỉ là công cụ chiến đấu mà còn là lực lượng
tuyên truyền, gắn bó mật thiết với Nhân dân, góp phần giác ngộ, thức tỉnh tinh thần yêu nước, vận động quần chúng
Nhân dân đứng lên đấu tranh giành độc lập. Sự khởi đầu kết hợp giữa tuyên
truyền và đấu tranh quân sự đã đặt nền móng cho một lực lượng quân đội
Nhân dân độc đáo, gắn liền với dân tộc, được Nhân dân yêu mến và ủng hộ, tạo nên một sức mạnh vô hình, lan tỏa khắp mọi miền
đất nước, từ đó hình thành nên một lực lượng quân sự vừa kiên cường, vừa thấm
nhuần lý tưởng cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo tài
tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đội quân nhỏ bé này đã
nhanh chóng phát triển thành lực lượng quân đội chính quy, đóng vai trò trung
tâm trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, trở thành biểu tượng bất khuất
của ý chí và lòng kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập
và tự do. Đúng như Bác từng khẳng định trong Chỉ
thị: “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh,... Tuy
lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi
điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt
Nam”.
Suốt 80 năm qua,
Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua các giai đoạn lịch sử cam go nhưng đầy
hào hùng với nhiều chiến
công bất hủ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp,
Quân đội nhân dân Việt Nam đã trải qua hàng nghìn trận đánh lớn nhỏ, từng bước
phát triển cả về chiến lược, chiến thuật. Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông (1947),
Biên giới Thu Đông (1950) đã phá tan các cuộc càn quét, mở ra giai đoạn phản
công chiến lược. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) đã làm chấn động
địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, công nhận độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước,
Quân đội tiếp tục đóng vai trò nòng cốt, từ những trận đánh nhỏ tại miền Nam
đến các chiến dịch quy mô lớn như Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
(1968), Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
(1975). Chiến thắng ngày 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của quân và dân Việt
Nam mà còn là nguồn cổ vũ to lớn cho phong trào đấu tranh giành độc lập của các
dân tộc bị áp bức trên thế giới. Sau chiến tranh, bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội tiếp tục khẳng định
vai trò trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Các chiến dịch bảo vệ
biên giới phía Tây Nam và phía Bắc trong những năm 1978, 1979 cho thấy bản lĩnh
và sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong mọi hoàn
cảnh. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, Quân đội đã không chỉ làm tốt
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà còn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất
nước: cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ Nhân dân vùng sâu,
vùng xa.
Ngày nay, Quân đội
không ngừng hiện đại hóa, trở thành lực lượng chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại, đủ sức đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền
thống. Những thành tựu to lớn trong lĩnh vực quốc phòng như phát triển công
nghiệp quốc phòng, tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa
bình Liên Hợp Quốc đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nếu ví Quân đội nhân
dân Việt Nam là thanh gươm thép, thì Nhân dân chính là bệ đỡ và nguồn sức mạnh
vô tận, là chất xúc tác để thanh gươm luôn sắc bén. Ngay từ ngày đầu thành lập,
Quân đội nhân dân Việt Nam đã mang trong mình bản chất cách mạng, là đội quân
trung thành với Tổ quốc, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Chính mối quan hệ
"quân với dân như cá với nước" đã tạo nên sức mạnh to lớn, đưa quân
đội vượt qua mọi thử thách và khó khăn trong suốt hành trình lịch sử.
Trong kháng chiến
chống Pháp, Nhân dân cả nước chính là hậu phương vững chắc. Quân đội nhân dân
Việt Nam luôn được Nhân dân nuôi dưỡng, bảo vệ và tiếp sức. Những hình ảnh
người mẹ gói từng nắm cơm, người cha gác lại công việc đồng áng để làm giao
liên, những thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, người dân bản làng
dẫn đường cho bộ đội trong rừng, hay những phong trào “hũ gạo nuôi quân”, “mỗi
làng một trận địa” đã khắc sâu trong lịch sử, là minh chứng cho tình quân-dân
sâu đậm. Trong kháng chiến chống Mỹ, mối quan hệ này càng được khẳng định.
Những làng quê miền Bắc tăng gia sản xuất, nhường cơm sẻ áo cho bộ đội; những
đoàn dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, vũ khí ra chiến trường; hay
những căn hầm bí mật che chở cho các chiến sĩ miền Nam đều chứng minh rằng Nhân
dân là chỗ dựa không thể thay thế của quân đội. Sự hòa quyện, gắn bó, đoàn kết
này đã trở thành sức mạnh to lớn và vững chắc, không chỉ là chỗ dựa vật chất mà
còn là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn giúp quân đội vượt qua những thời điểm khó
khăn nhất.
Trong thời bình, tinh
thần “vì Nhân dân quên mình” tiếp tục là kim chỉ nam hành động của các chiến
sĩ. Trước thiên tai, dịch bệnh, hình ảnh người lính sẵn sàng lao vào tâm bão,
vùng lũ để cứu dân hay đứng tuyến đầu trong phòng, chống đại dịch COVID-19 đã
để lại ấn tượng sâu sắc. Những chiến sĩ bộ đội biên phòng ngày đêm tuần tra nơi
biên giới, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời hỗ trợ đồng
bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thực sự là
biểu tượng sống động của mối quan hệ gắn bó giữa quân và dân. Tại các vùng sâu,
vùng xa, bộ đội còn trở thành những "thầy giáo quân hàm xanh", những
bác sĩ quân y chữa bệnh cho đồng bào, góp phần nâng cao đời sống và tri thức
của Nhân dân.
Không dừng lại ở đó,
Quân đội còn đóng vai trò tiên phong, góp sức, đồng hành với Nhân dân trong
nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, như xây dựng đường sá, trường
học, trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa các dân
tộc thiểu số. Đây chính là minh chứng rõ nét cho bản chất cách mạng, vì dân
phục vụ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những
thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đặt ra yêu cầu ngày
càng cao đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các tranh chấp chủ quyền trên Biển
Đông, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh,
khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi quân đội không ngừng đổi mới và nâng
cao năng lực để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hiện nay, Quân đội
nhân dân Việt Nam đang hướng tới mục tiêu xây dựng lực lượng chính quy, tinh
nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó tập trung
nâng cao khả năng tác chiến trên không, trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền
biển đảo, biên giới quốc gia. Hải quân, Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội
Biên phòng đã được đầu tư, trang bị các loại vũ khí hiện đại, sẵn sàng đáp ứng
mọi tình huống. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của quân đội hiện nay là
xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, gắn kết chặt chẽ với thế trận an
ninh Nhân dân. Đây chính là sự kết hợp giữa truyền thống lịch sử và yêu cầu
thực tiễn, bảo đảm đất nước luôn trong trạng thái sẵn sàng bảo vệ chủ quyền,
độc lập.
Bên cạnh đó, Quân đội
nhân dân Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng,
tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên Hợp Quốc.
Sự hiện diện của các sĩ quan quân đội Việt Nam tại các phái bộ ở Nam Sudan hay
Cộng hòa Trung Phi đã khẳng định vai trò trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa
bình thế giới, đồng thời nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Quân đội nhân dân
Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ và xây
dựng Tổ quốc, viết nên những trang sử hào hùng bằng chính ý chí kiên cường và
sự hy sinh cao cả. Từ những chiến công lừng lẫy trong kháng chiến đến những
đóng góp bền bỉ trong thời bình, Quân đội luôn là niềm tự hào, là chỗ dựa vững
chắc của Nhân dân. Chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập, chúng ta càng thêm tự
hào, tin tưởng rằng Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục tinh thần
"Trung với Đảng, hiếu với dân", phát huy truyền thống vẻ vang, không
chỉ thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc mà còn là lực lượng dẫn dắt, đồng hành
cùng đất nước trên con đường phát triển và hội nhập; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế
giới.
Theo ThS. Đặng Thu Hiếu - Trường Chính trị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét