Một trong những người được coi là “dân chủ” – Hoàng Ngọc Diêu vừa có những chia sẻ về Luật An ninh mạng qua livestream trên trang cá nhân. Anh Diêu đã cho rằng: “Luật An ninh mạng ra đời để bóp miệng và đe dọa người dân”. Liệu những phát ngôn của anh ta có đúng sự thật?
Xin thưa với tất cả mọi người, ở Điều 8 về các hành vi bị cấm, khoản 1, Luật quy định: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”. Rõ ràng, Luật an ninh mạng không cấm công dân nói đúng thông tin mà chỉ cấm xuyên tạc, nói sai sự thật. Không hề có quy định nào bóp miệng và đe dọa những người dân nói đúng sự thật cả. Nhưng anh Diêu lại “vơ đũa cả nắm” đánh đồng cả hai và bôi xấu Luật An ninh mạng. Vậy theo ý anh Diêu, chúng ta phải được tự do ngôn luận, kể cả việc đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt nói xấu, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác? Kể cả việc tự do phát ngôn xuyên tạc, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, gây rối trật tự xã hội và an ninh quốc gia?
Một điểm cần lưu ý, Luật An ninh mạng chỉ cụ thế hóa và liệt kê chi tiết hơn các hành vi bị cấm do vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Những hành vi này đã được quy định trong Điều 258 của Bộ Luật Hình sự trước đó. Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ can thiệp khi có dấu hiệu vi phạm và có hành vi phạm tội trên không gian mạng.
Anh Diêu kêu la rằng: “Chưa một quốc gia nào như Việt Nam cấm nói xấu lãnh tụ, nói xấu chính quyền trên mạng xã hội. Luật An ninh mạng hoàn toàn vi phạm cam kết với tổ chức thương mại, với Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc”. Thêm một lần nữa, anh lại phát ngôn xuyên tạc thông tin về Luật An ninh mạng của Việt Nam bởi không có điều khoản nào cấm người dân nói xấu lãnh tụ, nói xấu chính quyền. Thực tế, nhiều quốc gia thành viên Liên Hợp quốc (Mỹ, Đức, Pháp, Canada, Hàn Quốc,…) đã có Luật An ninh mạng, thậm chí còn gắt gao hơn ở Việt Nam. Tại Đức, đạo luật NetzDG (Luật Facebook) chỉ thị rõ ràng cho Facebook nếu quản lý không tốt người dân kích động bạo lực, nói xấu lãnh tụ, xuyên tạc, chửi bới chính quyền trên mạng sẽ bị phạt thẳng tay từ nhà cung cấp dịch vụ đến người phát ngôn. Trong luật có những điều, khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng internet như cấm âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia hay cấm xúi giục hành vi phạm tội. Thật đáng trách khi anh Diêu đã phớt lờ sự thật để nói dối trắng trợn, lừa gạt những người dân hiền lành, chưa hiểu chuyện.
Đáng lên án hơn, miệng anh nói vì đồng bào nhưng anh lại ngồi chễm chệ ở Úc để cổ xúy, kích động người dân bạo loạn. Anh “thương” dân, đấu tranh vì quyền lợi của dân nhưng không tiếc đẩy dân vào bạo loạn. Anh vẽ đường giàn trận bạo động lật đổ chính quyền để cho người dân lao vào như con thiêu thân, còn anh thì đứng ngoài cuộc, nhìn hỗn chiến hả hê.
Đất nước loạn lạc, thương vong thì các nước đang dòm ngó Việt Nam (kể cả anh bạn láng giềng tham lam Trung Quốc) càng có lợi. Chưa kể đến hàng loạt hệ lụy về kinh tế – xã hội như năng suất lao động giảm, hoạt động xuất nhập khẩu trì trệ, vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, thất nghiệp,… sinh ra từ bạo loạn. Trong khi đó, anh ta chẳng bao giờ phải chịu bất cứ trách nhiệm nào với hành động phá hoại đó. Nếu không tỉnh táo thì chính chúng ta phải gánh hậu quả sau cùng.
Xin khẳng định lại một lần nữa: Luật An ninh mạng ra đời không bóp miệng và đe dọa người dân nhưng nó là thanh bảo kiếm để trừng trị những kẻ xuyên tạc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân và tổ chức khác trên không gian mạng. Phải chăng Hoàng Ngọc Diêu dùng mọi luận điệu bác bỏ Luật an ninh mạng vì anh lo sợ cái vỏ bọc của mình bị bóc trần? Chính vì có những con người như Hoàng Ngọc Diêu nên Luật An ninh mạng ở Việt Nam càng cần thiết hơn bao giờ hết.
Nhật Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét