Sự vụ được phanh phui, đã có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu lại phương pháp thi Đại học của nước ta, tưởng ổn mà không ổn. Tức là, nên xóa bỏ kỳ thi “hai trong một”. Bởi, Hà Giang, Sơn La làm được thì các tỉnh thành khác có chịu thua kém? Trước những luồng ý kiến phản đối kỳ thi “hai trong một”, mạn phép được đưa ra qua điểm riêng dưới góc nhìn của cá nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”! Vì thế, suốt 73 năm qua kể từ khi nước Việt Nam giành được độc lập, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam ngày càng quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, vì giáo dục liên quan đến sức mạnh, sự trường tồn, hưng thịnh của quốc gia. Đảng ta nhiều lần khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển.
Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc cải cách giáo dục (CCGD). Năm 1950, trong hoàn cảnh nước nhà còn muôn vàn khó khăn, nhưng cuộc CCGD lần đầu tiên đã nhằm mục tiêu xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân; đến năm 1956, CCGD lần thứ hai hướng tới đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những công dân tốt, có đức có tài; đến lần thứ ba năm 1981, cuộc cải cách giáo dục toàn diện hơn, đồng bộ hơn nhằm tạo bước chuyển biến mới về hệ thống giáo dục, nội dung và phương pháp dạy học.
Hiện nay, chúng ta đang khẩn trương tiến hành một “cuộc cách mạng” về giáo dục với việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI của Đảng, bảo đảm cho giáo dục Việt Nam phát triển theo định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lộ trình, còn khoảng một năm rưỡi nữa, tức là bắt đầu từ năm học mới 2019-2020, chính thức triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học.
Một loạt những nỗ lực CCGD được tiến hành. Mặc dù không mấy thành công, những nỗ lực cải cách là không thể phủ nhận. Và đằng sau những nỗ lực ấy là không ít tâm huyết, ý chí và tiền bạc.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, những năm qua, giáo dục Việt Nam có những chuyển động tích cực và chuyển biến tiến bộ về nhiều mặt. Chính những thành tựu to lớn về giáo dục không chỉ là một trong những động lực thúc đẩy đất nước đi lên, mà góp phần làm cho diện mạo đời sống xã hội ngày càng khởi sắc.
Không ngẫu nhiên mà người đứng đầu UNESCO ghi nhận về thành tựu giáo dục Việt Nam: “Trong lần thứ ba đến Việt Nam, tôi thấy Việt Nam có nhiều thay đổi, nhất là sự phát triển tích cực về kinh tế cũng như chất lượng giáo dục, trong đó có thành tựu về đào tạo giáo viên và thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng về giáo dục””- Bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhìn nhận trong chuyến thăm Việt Nam vào dịp tháng 8/2017.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một số vụ việc đơn lẻ xảy ra trong ngành giáo dục, một số người có cái nhìn chưa khách quan, toàn diện, thậm chí phủ nhận những thành tựu của nền giáo dục Việt Nam, phủ nhận những nổ lực CCGD, và xóa bỏ kỳ thi “hai trong một” là một trong số đó.
Kỳ thi “hai trong một” này đã và đang có những tín hiệu tích cực cần phải ghi nhận
Liên quan đến chuyện nâng điểm thi ở một số địa phương trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Có một bộ phận bày tỏ quan điểm khi nói: “Nói là thi tốt nghiệp THPT nhưng thực chất là thi Đại học, người ta “chạy” nâng điểm để được vào học các trường đại học top đầu. Vì thế, học cấp nào thi cấp nấy, nghĩa là tách kỳ thi tốt nghiệp THPT và Đại học thay vì tổ chức một kỳ thi hai mục đích như hiện nay”.
Thế nhưng, theo cá nhân người viết thì cần phải nhìn nhận một cách khách quan khi trong cả một giai đoạn/thời kỳ dài, ngành giáo dục loay hoay nhập kỳ thi với mục đích giảm tải gánh nặng thi cử cho thí sinh, để giảm lãng phí (mỗi kỳ thi Bộ phải huy động hàng chục nghìn cán bộ, giáo viên, chưa kể có sự phối hợp của bên an ninh…). Cũng là níu kéo cơ hội, tạo cơ hội công bằng cho tất cả các em để nuôi dưỡng giấc mơ con chữ, nghề nghiệp. Và kỳ thi “hai trong một” này đã và đang có những tín hiệu tích cực cần phải ghi nhận.
Ngay những sai phạm đó đó đã được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công an làm rõ và lãnh đạo Bộ giáo dục cũng đang phối hợp truy tìm thủ phạm, kiểm tra, rà soát lại kết quả của kỳ thi ở một số địa phương, vùng miền. Một số đối tượng đã bị phát hiện, khởi tố, bắt giam, nó cho phần nào cho thấy tinh thần cầu thị, quyết tâm chấn chỉnh tiêu cực của ngành.
Riêng tại các địa phương có sai phạm, họ cũng cho thấy tinh thần đó. Ông Phạm Văn Thủy – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho rằng: “Không ai vui gì khi có sự việc xảy ra, chúng ta phải suy nghĩ, phải buồn khi việc thực thi công vụ ở đâu đó chưa đảm bảo. Tinh thần của tỉnh Sơn La là cầu thị, không bao che, trách nhiệm đến đâu xử lý đến đó. Ai sai phải xử lý, kể từ tôi trở xuống và phải tìm hướng khắc phục như thế nào. Quan điểm xử lý không vùng cấm, không bao che”.
Tất nhiên, phương thức thi cử nào cũng có vấn đề. Vấn đề bây giờ là chúng ta đã tìm ra được nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trên là do yếu tố con người. Vậy nên, cần có biện pháp kết hợp để chống và xử lý nhằm nâng tầm chất lượng đầu vào cho các trường Đại học cũng như giúp các thí sinh nhận thấy “mình đang ở đâu” để có hướng đi thích hợp cho bản thân.
Một số giải pháp
Sai phạm từ con người nên chính con người phải chịu trách nhiệm là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất
Một là, có sai phạm, xử lý nghiêm cả một “dây chuyền”.
Nói vậy bởi vì dù công nghệ đã được áp dụng trong thi tuyển sinh, nhưng yếu tố con người xuất hiện ở mọi khâu của kỳ thi. Từ khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm/tự luận… Chỉ cần có sự thông đồng tiêu cực thì sẽ tạo ra kẽ hở dẫn đến sai phạm có hệ thống, hay vậy lơ là trách nhiệm của cán bộ trong mỗi khâu thi cũng thế. Nghĩa là, sai phạm xuất phát từ con người thì phải xử lý từ con người?!
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Không chỉ ông Vũ Trọng Lương bị xử lý mà cả Hội đồng thi ở đó gồm những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, bị hạ bậc lượng, đưa ra khỏi ngành. Trong việc xử lý này không có vùng cấm để làm gương cho người khác nếu có ý định thì phải chùn tay mà dừng lại”.
Hai là, nên quay trở lại thi tự luận với một số môn.
Trong tình hình tiêu cực ngày một phổ biến và năng lực thí sinh ngày một “mờ mờ ảo ảo” như hiện nay thì việc trở lại thi tự luận một số môn, ít nhất là môn Toán (có thể trong mỗi một khối thi, nên có ít nhất một môn thi tự luận) chẳng hạn, sẽ giúp cho việc đánh giá thí sinh chính xác hơn.
Ba là, giao lại việc tổ chức thi THPT quốc gia, trong đó khâu quan trọng nhất là coi thi, chấm thi cho các trường Đại học.
Rõ ràng, việc Bộ giao cho các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi trong hai năm qua càng lộ rõ “bệnh thành tích” và sự vụ Hà Giang giống chẳng khác gì kiểu “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Theo đó, nên giao lại quyền chủ trì cho các trường Đại học, nhưng vẫn tổ chức kỳ thi tại trường/cụm, thi ngay địa phương của các thí sinh. Như thế sẽ đỡ tốn kém cho cả thí sinh và đơn vị tổ chức, mà đảm bảo được chất lượng kỳ thi.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao những giải pháp công nghệ vào các kỳ thi để hạn chế tiêu cực.
Sự việc ở Hà Giang, Sơn La là do họ tẩy phiếu trả lời trắc nghiệm. Phiếu trả lời trắc nghiệm có một kẽ hở rất lớn là tô bằng chì cho nên dễ dàng tẩy và tô lại được, không ai có thể phát hiện được. Muốn khắc phục, các cơ quan chức năng biết sẽ cần phải làm gì.
Có thể nói, nền tảng vững chắc của nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã được vun trồng, bồi đắp bền bỉ hơn 7 thập niên qua dưới chế độ giáo dục xã hội chủ nghĩa đầy tính nhân văn, ưu việt.
Vì thế, những CCGD cần phải có thêm thời gian để hoàn thiện, kỳ thi “hai trong một” cũng vậy. Không thể chỉ vì một vài “hạt sạn” mà đổ bỏ đi cả “nồi cơm” đã nấu hàng thập niên. Ngược lại, cần phải chắt lọc, gạt bỏ “hạt sạn” đó để giáo dục trở về với bản chất nhân văn của nó./.
(Theo butdanh.net)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét