Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Công dân số để đáp ứng phương thức sản xuất số

Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng số và đòi hỏi phải có quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số làm xuất hiện phương thức sản xuất số. Công dân số là một bộ phận và là nguồn nhân lực cơ bản, quan trọng làm thành lực lượng sản xuất số, cần có các đặc trưng: tư duy số, văn hóa số, kỹ năng số, khát vọng số. Công dân số phải đi đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây truyền sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây truyền sản xuất, lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công. (Ảnh: TTXVN)

PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT SỐ

Xét trên phương diện canh tác và cách thức sản xuất, nhân loại đã từng biết đến và trải qua các phương thức sản xuất khác nhau. Thích hợp và tương ứng với giai đoạn phát triển của nhân loại trước khi có cuộc cách mạng công nghiệp là phương thức sản xuất nông nghiệp. Phương thức sản xuất nông nghiệp được thể hiện ra thông qua việc lựa chọn mô hình phát triển dựa trên lợi thế so sánh, tức là áp dụng mô hình phát triển đất nước dựa trên sự ưu trội chủ yếu của sức lực cơ bắp và nguồn tài nguyên sẵn có.

Tương ứng với giai đoạn phát triển của nhân loại bắt đầu từ khi có cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và kéo dài đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba là phương thức sản xuất công nghiệp. Phương thức sản xuất công nghiệp được thể hiện ra thông qua việc xác định và tạo lập mô hình phát triển dựa trên lợi thế so sánh và kỹ thuật, tức là triển khai mô hình phát triển đất nước vẫn dựa trên sự ưu trội của sức lực cơ bắp, nguồn tài nguyên sẵn có và có sự ứng dụng mạnh mẽ kỹ thuật - công nghệ vào quá trình sản xuất.

Phương thức sản xuất số là phương thức sản xuất tương thích và được hình thành bắt đầu từ khi có cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0). Phương thức sản xuất số được thể hiện thông qua việc kiến tạo mô hình phát triển mới cho xã hội - mô hình phát triển dựa trên lợi thế kinh tế tri thức, tức là thực thi mô hình phát triển đất nước dựa trên sự tích hợp của trí tuệ nhân tạo, khoa học - công nghệ, công nghệ số hóa vào quá trình sản xuất.

Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng tạo ra đột phát và sáng tạo. Trong cuộc cách mạng này, các tri thức, ý tưởng và công nghệ mới luôn được xuất hiện và thực hiện. Rõ ràng, bản chất của cuộc Cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng số, tức là được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... và là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng số, đòi hỏi phải có quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và các quá trình hoạt động trong xã hội.

Trên cơ sở tổng kết tiến trình cách mạng XHCN và kinh nghiệm rút ra từ những thành công và hạn chế của quá trình xây dựng CNXH, nhất là quá trình đổi mới đất nước gần 40 năm qua, nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đã chỉ ra: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định việc thực thi phương thức sản xuất số “cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới”. Đồng thời, yêu cầu phải tạo dựng lực lượng sản xuất số, theo đó, “Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”.

Như vậy, công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam trong thời đại số - cách mạng số cũng đang đòi hỏi phải xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất số, mà công dân số là một bộ phận và là nguồn nhân lực cơ bản, quan trọng làm thành lực lượng sản xuất số trong phương thức sản xuất số ở Việt Nam giai đoạn tới.

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam giai đoạn 2024-2030 đạt trên 25 tỷ USD/năm. (Ảnh minh họa)

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đặt mục tiêu quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam giai đoạn 2024-2030 đạt trên 25 tỷ USD/năm. (Ảnh minh họa)

CÔNG DÂN SỐ

Để trở thành nguồn nhân lực số cho lực lượng sản xuất số, công dân số cần có những yếu tố gì? Theo chúng tôi, cần hội đủ ít nhất các yếu tố sau:

Một là, tư duy số.

Tư duy số phải được tạo dựng và vận hành dựa trên sự hoạt động song trùng giữa trí tuệ con người và trí tuệ nhân tạo. Trước đây, mô thức tư duy của chúng ta cơ bản là hoạt động theo số lượng, theo tuần tự, theo thứ bậc, dẫn đến phương thức hoạt động theo hình thức, theo quán tính là chủ yếu thì quá trình tư duy trong bối cảnh cũ thường là theo kinh nghiệm, thói quen, thậm chí là theo cảm tính, tức là theo tính thường biến của tư duyCòn trong thời đại Cách mạng 4.0 đã mang lại bản chất đột phá cho mọi sự phát triển đòi hỏi các hoạt động của con người đều phải phi truyền thống, không tuần tự, không thứ bậc và phải đột biến theo chất lượng; đặc biệt phải tìm cách sử dụng khả năng sáng tạo để vượt qua mọi giới hạn. Có thể nói, tư duy sáng tạo là cốt lõi cho sự phát triển của xã hội thời đại Cách mạng 4.0. Tư duy sáng tạo là khả năng tư duy đột biến nhằm tìm ra những phương án, cách tiếp cận mới cho vấn đề đang đặt ra. Tư duy sáng tạo giúp xã hội có khả năng đẩy ranh giới ra khỏi sự bình thường mà mọi người quen nghĩ để tìm ra cái mới, điều mới chưa từng có trước đó. Và trong thời đại hiện nay, bất kỳ ngành nghề nào từ chính trị, xã hội, kinh tế đến nghệ thuật, kỹ thuật... đều cần đến tư duy sáng tạo.

Hai là, văn hóa số.

Về cơ bản, hệ giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được tạo lập và định hình trên cơ sở của văn minh nông nghiệp gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước. Trong giá trị văn hóa truyền thống, lòng yêu nước được xem là cốt lõi, cơ bản, phổ biến và cao nhất. Tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lao động cần cù, thương người, lối sống tình nghĩa thủy chung là những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt ưu điểm, trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống cũng có những hạn chế của một nền văn hóa được xây dựng trên cơ sở xã hội nông nghiệp và luôn luôn phải tiến hành chiến tranh chống ngoại xâm. Trong hệ giá trị văn hóa truyền thống, phẩm chất chiến đấu “chống giặc cứu nước” được đề cao; song lại ít đề cập đến những phẩm chất lao động sáng tạo, xây dựng làm giàu và phát triển đất nước. Thêm vào đó, các giá trị văn hóa cộng đồng được đề cao, nhưng các giá trị văn hóa cá nhân lại mờ nhạt.

Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải thấu hiểu hơn, biết vận dụng và biến hệ giá trị văn hóa mới thành hành động thiết thực, cụ thể trong mọi mặt của đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Thiết nghĩ, trong bối cảnh toàn cầu hóa và tri thức hóa về mọi phương diện và mang tính phạm vi toàn thế giới như hiện nay, Cách mạng 4.0 là chìa khóa quyết định cho mọi sự phát triển hiện nay và trong tương lai của đất nước, tạo ra hệ giá trị văn hóa mới để đưa Việt Nam phát triển và bước vào thế giới văn minh - văn hóa số.

Như vậy, văn hóa số chính là hành trình tìm kiếm những giá trị hướng đến sự thay đổi và phát triển. Theo đó, văn hóa số của thanh niên số phải giúp cho việc biết thay đổi và phát triển toàn diện về mọi phương diện cơ bản, từ tư duy, nhận thức, thái độ, thói quen, đến lối sống, các quan hệ, sự ứng xử cũng như những hành vi và hoạt động. Cần chống thái độ bảo thủ, đề cao quá mức truyền thống mà coi nhẹ hoặc phủ nhận những giá trị của đổi mới và phát triển.

(Ảnh minh họa)

Ba là, kỹ năng số.

Kỹ năng số của công dân số cần phải được nhận biết trên hai phương diện cơ bản: Kỹ năng số cứng, là “khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng, chia sẻ và tạo nội dung bằng công nghệ thông tin và Internet”. Bất cứ điều gì từ khả năng mỗi cá nhân tìm ra thông tin của mình hoặc của ai đó trên internet cho đến việc tự tạo một trang web đều được coi là một kỹ năng số. Kỹ năng số mềm, bao gồm những kiến thức và kỹ năng làm việc với con người (kể cả chính bản thân mình). Đây là kỹ năng giúp cho mỗi cá nhân làm việc hiệu quả hơn với những người xung quanh, bao gồm kỹ năng giao tiếp hiệu quả và thuyết phục; khả năng tự nhận thức và phát triển bản thân; kỹ năng hợp tác và kết nối; kỹ năng quản lý mâu thuẫn; kỹ năng quản lý stress và sống lành mạnh.

Với sự kết hợp giữa kỹ năng số cứng và kỹ năng số mềm sẽ giúp cho mỗi công dân càng nhận thức rõ bản thân thì càng tự tin và sáng tạo. Đồng thời, mỗi công dân sẽ ra những quyết định sáng suốt hơn, có những mối quan hệ vững mạnh hơn và giao tiếp rõ ràng hơn. Từ đó, ngày càng hoàn thiện mình, biết tương tác, làm việc và hoạt động chủ động, sáng tạo trong môi trường số và biết đưa mình trở thành lực lượng sản xuất số trong phương thức sản xuất số.

Bốn là, khát vọng số.

Khát vọng phát triển là động lực to lớn tạo sức đẩy phát triển cho tất cả các quốc gia. Nhận thức rõ về động lực khát vọng phát triển đất nước trong thời đại mới - thời đại số, Đại hội XIII của Đảng xác định phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;... tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Thực tiễn lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy khát vọng của một dân tộc là một sức mạnh to lớn; khẳng định sự sinh tồn và phát triển mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh thần kỳ để một nước nghèo, kinh tế kém phát triển trở thành một quốc gia có vị thế như ngày nay.

Mỗi thời đại đều có sự định hình và yêu cầu khác nhau về khát vọng phát triển cho tương hợp. Thời đại số phải có khát vọng số. Khát vọng số của một dân tộc là sự cộng hưởng khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, của từng công dân, của chủ thể lao động, sản xuất tạo thành nguồn năng lượng nội lực to lớn, tiềm tàng, có sức mạnh vô song và đột phá cho toàn bộ công cuộc phát triển. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai trong thời đại số.

Năm là, công dân số phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Trong giai đoạn tới đây, khi sự nghiệp xây dựng CNXH của nước ta bắt kịp và hòa nhập với cuộc Cách mạng 4.0, với tư cách là bộ phận cơ bản, quan trọng để tham gia làm thành và phát triển lực lượng sản xuất số, công dân số phải tích cực, chủ động tiếp cận với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Muốn vậy, phải “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đồng thời và tiếp theo đó, phải tham gia quyết liệt vào các dự thảo Chiến lược phát triển đã được Chính phủ soạn thảo và dự thảo của các Chiến lược này đã được đưa ra tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV (tháng 6/2024).

Theo đó, trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện tự chủ giáo dục đại học; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và tăng cường liên kết mạng lưới đổi mới sáng tạo; Xây dựng cơ chế trọng dụng nhà khoa học và thí điểm chính sách ưu đãi đặc thù. Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, phấn đấu đến năm 2030 có 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chíp bán dẫn.

Hơn lúc nào hết, sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam đã bước vào giai đoạn cách mạng có tính bước ngoặt. Đây vừa thời cơ, vận hội đồng thời đặt ra những thách thức. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”. Đây là sự định hướng và cũng là trách nhiệm của công dân số để tham gia vào việc hiện thực hóa và triển khai vận hành phương thức sản xuất số ở Việt Nam./.

ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét