Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH", CƠ HỘI CHÍNH TRỊ

 NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH", CƠ HỘI CHÍNH TRỊ


Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” và sử dụng những phần tử cơ hội chính trị để chống phá cách mạng Việt Nam, hòng tiến tới lật đổ chế độ chính trị ở nước ta. Do vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ phải gắn chặt với cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống các phần tử cơ hội chính trị. Bài viết góp phần nhận diện và đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và cơ hội chính trị ở nước ta hiện nay


1. Chiến lược “diễn biến hòa bình” và cơ hội chính trị


Nguồn gốc chiến lược “diễn biến hòa bình” là do sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa đế quốc nhận thấy có thể thực hiện một cuộc tấn công bằng các nhân tố gây bất ổn ngay trong lòng CNXH sẽ làm sụp đổ các nước XHCN. Do vậy, cùng với “Chiến tranh lạnh”, chủ nghĩa đế quốc đẩy mạnh cuộc chiến tranh tư tưởng, tuyên truyền chống phá CNXH. Phương thức mới này được gọi là “diễn biến hòa bình” hay “chuyển hóa hòa bình”.


Cụm từ “diễn biến hòa bình” xuất hiện ở thời kỳ đầu của Chiến tranh lạnh khi Ngoại trưởng Mỹ Akisơn nhận thấy sự thất bại của Mỹ trong việc can thiệp quân sự đối với các nước XHCN. Chiến lược “diễn biến hòa bình” là khái niệm chỉ âm mưu, thủ đoạn, phương thức hoạt động của các thế lực đế quốc, phản động sử dụng nhằm tạo ra và ủng hộ lực lượng chống đối, phản cách mạng ngay trong lòng các nước XHCN, hòng lật đổ chế độ XHCN mà không cần can thiệp bạo lực từ bên ngoài. Đây là “chiến lược cơ bản nhằm lật đổ chế độ chính trị của các nước tiến bộ, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa từ bên trong, chủ yếu bằng các biện pháp phi quân sự do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, đứng đầu là Mỹ tiến hành”(1).


Những năm 1947-1988 là giai đoạn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” để ngăn chặn sự phát triển của CNXH. Trong đó, chủ nghĩa đế quốc đã lợi dụng khó khăn ở một số nước XHCN để kích động bạo loạn (Hunggari năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968)... Những năm 1989-1993, Chiến lược “diễn biến hòa bình” gắn liền với chiến lược “vượt trên ngăn chặn” để xóa bỏ CNXH. Từ năm 1993 đến nay là giai đoạn đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, tiến hành “Cách mạng màu” hòng xóa bỏ hoàn toàn CNXH.


Bản chất thực sự của chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay là “hoạt động của các thế lực đế quốc tư bản lớn và cường quyền, nhằm vào các nước có chế độ chính trị mà họ coi là không phù hợp với lợi ích của họ, bằng tổng hợp các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao, an ninh… để chuyển hóa chế độ chính trị của các nước này theo một quỹ đạo có lợi cho họ”(2). Bản chất đó thể hiện rõ tính chất phản cách mạng: chính trị phản động, dân tộc chủ nghĩa, toàn cầu hóa, phi vũ trang. Theo đó, những biến thái mới của “diễn biến hòa bình” thời gian gần đây là:


1) Chủ thể thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” không chỉ là các thế lực thù địch, các nước đế quốc tư bản mà còn có cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bành trướng và bá quyền. Theo đó, động cơ chính trị của “diễn biến hòa bình” đã chuyển từ hoạt động chống phá về ý thức hệ là chính sang trọng tâm tấn công vì lợi ích dân tộc cục bộ là chính.


2) Mục tiêu chủ yếu của “diễn biến hòa bình” thời gian gần đây là làm thay đổi nhận thức, gây mơ hồ về tính chất quốc gia, dân tộc, chế độ chính trị của các nước theo hướng có lợi cho chủ nghĩa đế quốc và cường quyền vì lợi ích địa - chính trị và địa - kinh tế thay vì mục tiêu chính trị cực đoan.


3) Phương thức “diễn biến hòa bình” đã chuyển sự chống phá từ bên ngoài vào bên trong các nước sang thúc đẩy các hoạt động chống đối ngay từ bên trong nội địa, nội bộ và tại chỗ là chính.


4) Các âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” đã được đẩy lên đỉnh cao, đến mức có thể coi là một “công nghệ”, đó là “công nghệ lật đổ”, với kịch bản gồm: hình thành lực lượng đối lập sẵn sàng cho một cuộc bầu cử; đẩy mạnh truyền thông kích động trong các cuộc bầu cử; tẩy chay hoặc không công nhận kết quả bầu cử nếu phe đối lập không chiến thắng; tổ chức cho các đối tượng nhẹ dạ cả tin, những đối tượng chống đối xuống đường, cộng hưởng bởi các phương tiện truyền thông gây ra bạo lực đường phố; can thiệp từ bên ngoài vào với danh nghĩa ủng hộ “những chiến sĩ đấu tranh vì dân chủ” bởi lý do “có gian lận trong bầu cử”; sử dụng công cụ thông tin và ngoại giao gây sức ép với chính quyền mới được bầu và ép buộc từ chức, giải tán, hoặc quốc hội buộc tuyên bố bãi bỏ kết quả bầu cử; tuyên bố thắng lợi và công khai ủng hộ, công nhận chính phủ mới thân phương Tây.


5) Gây sức ép kinh tế - tài chính và tấn công mạng thông tin là hai phương thức nổi lên của các thế lực thù địch, phản động, cường quyền đối với các nước nhỏ. Do đó, chúng triệt để lợi dụng mạng xã hội và các tổ chức phi chính phủ để gieo mầm, thúc đẩy “xã hội dân sự”, kích động sự phản kháng của các phần tử chống đối, biểu tình lật đổ chế độ(3).


Chiến lược “diễn biến hòa bình” và chủ nghĩa cơ hội chính trị có mối quan hệ mật thiết, cộng sinh với nhau, nó càng thêm “nhựa sống” khi được những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cộng sức. Bởi vậy, cùng với việc nhận diện, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình”, cần chỉ rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị trong bối cảnh hiện nay. Chống chủ nghĩa cơ hội chính trị để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, nâng cao tính tiền phong, tính chiến đấu của tổ chức đảng.


Chủ nghĩa cơ hội có nguồn gốc từ mâu thuẫn giai cấp và cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, giữa hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản, giữa CNXH và chủ nghĩa tư bản. Chừng nào còn tồn tại cuộc đấu tranh này thì vẫn còn cơ sở cho chủ nghĩa cơ hội tồn tại. Trong phong trào cách mạng vô sản, chủ nghĩa cơ hội chính trị thể hiện sự thỏa hiệp, cải lương, hợp tác vô nguyên tắc, trái với lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Trên thực tế, tồn tại chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh (có tính chất cải lương, thiên về thỏa hiệp, muốn “cải biến” một cách hòa bình chủ nghĩa tư bản thành CNXH, từ bỏ đấu tranh giành thắng lợi thực sự về tay giai cấp công nhân) và chủ nghĩa cơ hội “tả” khuynh biến chủ nghĩa Mác thành một giáo lý chết cứng, cứng nhắc, không sáng tạo (tồn tại trong các Đảng công nhân thời Quốc tế II cho đến tận ngày nay). Dù là chủ nghĩa cơ hội hữu hay “tả” khuynh đều đẩy phong trào công nhân đi đến hy sinh vô ích và thất bại(4). Những người sa vào chủ nghĩa cơ hội tìm cách thỏa hiệp quan điểm này với quan điểm kia, để đứng trung dung giữa những quan điểm đối chọi nhau. Do đó, đối với họ, chỉ luôn là những lời nói bóng gió và giả thiết trống rỗng; là lời nói không đi đôi với việc làm.


Chủ nghĩa cơ hội chính trị và những kẻ cơ hội chính trị được Hồ Chí Minh gọi tên là “bọn hoạt đầu”(5). Chủ nghĩa cơ hội chính trị là kẻ thù bên trong, tồn tại với rất nhiều đặc điểm và rất nguy hiểm, phá hoại Đảng, phá hoại phong trào cách mạng từ bên trong. Chúng ta cần nhận rõ nguồn gốc nảy sinh, sự phát triển, biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị để có các giải pháp đấu tranh hiệu quả, thiết thực.


2. Nhận diện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị ở nước ta hiện nay


Biểu hiện “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa


Hiện nay, “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là mũi đột phá trong âm mưu chiến lược của các thế lực thù địch, tấn công vào hệ tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng và đời sống văn hóa, tinh thần xã hội Việt Nam, hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam, xóa bỏ những giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.


Về mục tiêu, tùy theo tình hình, thời điểm mà các thế lực thù địch tập trung thực hiện mục tiêu cụ thể, nhưng về cơ bản, chúng đều thực hiện mục tiêu làm rối loạn, mất ổn định chính trị, dao động về tư tưởng, dẫn đến mất phương hướng, tiến tới xóa bỏ, hoặc xa rời, phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.


Về nội dung, các thế lực thù địch phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh các lãnh tụ cộng sản, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta; phủ nhận, xuyên tạc giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc...


Về phương thức, như: Bôi nhọ, xuyên tạc, vu cáo trắng trợn về một số sự việc; phản ánh một chiều, phiến diện, thổi phồng, bóp méo sự thật; xây dựng ngọn cờ; sử dụng các thủ đoạn chiến tranh tâm lý; sử dụng các kênh truyền thông, nhất là phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, các loại hình văn học, nghệ thuật để tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch vào trong nước; lợi dụng xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam để chống phá cách mạng Việt Nam.


Biểu hiện chủ nghĩa cơ hội chính trị ở nước ta hiện nay


Trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có cơ hội hữu khuynh và “tả” khuynh. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh là sự sùng bái phong trào tự phát, từ bỏ cách mạng XHCN, phủ nhận giai cấp công nhân giành chính quyền. Còn chủ nghĩa cơ hội “tả” khuynh là sự kết hợp hỗn tạp phương châm cách mạng cực đoan và phiêu lưu dựa trên cơ sở quan niệm duy ý chí về sức mạnh tuyệt đối của bạo lực cách mạng. Về hình thức bề ngoài có vẻ đối lập nhau, nhưng bản chất giống nhau.


Ở nước ta, khi nói đến cơ hội chính trị và các phần tử cơ hội chính trị là chỉ những người có quá trình tham gia hoạt động cách mạng, ít nhiều có công lao đóng góp cho cách mạng, nhưng trong quá trình hoạt động cách mạng vì những điều kiện hoàn cảnh lịch sử khác nhau, lợi ích cá nhân của bản thân họ không được đáp ứng, họ tỏ ra bất mãn, bi quan, dao động, xuất hiện tư tưởng, quan điểm mơ hồ, lệch chuẩn.


Trên thực tế, đối tượng cơ hội chính trị không chỉ giới hạn ở những cán bộ lãnh đạo trong hệ thống chính trị bị tha hóa mà còn cả những phần tử chống đối, phản cách mạng từng bị xử lý kỷ luật, nuôi tham vọng chờ cơ hội phục thù; những trí thức, văn nghệ sỹ, thậm chí có cả một bộ phận trí thức trẻ thiếu tu dưỡng rèn luyện, nặng về hưởng thụ, lãng quên trách nhiệm với cộng đồng... Khi cách mạng thuận lợi thì họ tỏ ra rất “cấp tiến”, khi cách mạng gặp khó khăn thì họ thoái lui, thỏa hiệp, công kích vào Đảng.


Có thể chia thành các nhóm: 1) Nhóm cơ hội chính trị đang là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội, Công an, văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo, nhà văn, nhà thơ,... hiện đang làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đoàn thể... được Nhà nước trả lương từ ngân sách nhưng trong cuộc họp nói một đằng, ngoài cuộc họp nói khác, nói một đằng, làm một nẻo... 2) Nhóm cơ hội chính trị là các đối tượng nêu trên nhưng đã nghỉ hưu sống bằng lương hưu, thậm chí có người bỏ Đảng, bỏ chế độ hưu, công khai đối lập với Đảng, ra mặt công kích chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi ích của xã hội... 3) Nhóm cơ hội chính trị gồm các phần tử chống đối, bất mãn (có cả những người của hai nhóm trên); các đối tượng có hận thù với cách mạng, viên chức chế độ cũ đã bị cách mạng cải tạo, xử lý nhưng vẫn nuôi tham vọng phục thù, lợi dụng các yếu tố thời cuộc bất lợi, cấu kết với các thế lực thù địch tìm mọi cách kết nối thành hội, nhóm, manh nha hình thành các tổ chức phản động, chống phá sự nghiệp cách mạng. 4) Nhóm cơ hội chính trị là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc ít người, chức sắc tôn giáo có tư tưởng chính trị cực đoan, tìm cách triệt để khai thác các vấn đề chính trị, xã hội trong nước, móc nối, tranh thủ sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài, tìm cách phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, mưu toan tạo phản, lật đổ chế độ, đưa tôn giáo vào chính trị và nuôi dưỡng ý tưởng ly khai, lập nhà nước riêng(6).


Thủ đoạn của các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hòa bình” và sử dụng các phần tử cơ hội chính trị để chống phá cách mạng Việt Nam


Một là, chúng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, sách báo, tạp chí từ nước ngoài, sử dụng các đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, nhiều tờ báo và tạp chí tiếng Việt, nhà xuất bản để tuyên truyền xuyên tạc, chống cách mạng Việt Nam; dùng điện thoại trực tiếp phỏng vấn, kích động, tâng bốc, lôi kéo một số người có quan điểm sai trái, thù địch.


Hai là, Mỹ và các nước phương Tây sử dụng các tổ chức phản động người Việt lưu vong ở nước ngoài, vừa lôi kéo tập hợp lực lượng, vừa tiến hành các hoạt động bạo loạn hòng gây ra tình hình mất ổn định ở Việt Nam; một số tổ chức phản động đang ráo riết móc nối với phần tử cơ hội chính trị trong nước dựng lên “ngọn cờ” chống Đảng, hình thành tổ chức đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam dưới hình thức “nhóm nối kết”, “tập hợp dân chủ đa nguyên”... Trên cơ sở đó từng bước công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập, chờ thời cơ để lật đổ chính quyền.


Ba là, lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc và tôn giáo, để gây sức ép về chính trị, chia rẽ nội bộ, kích động hận thù, hình thành xu hướng ly khai đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam; lợi dụng chiêu bài: “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Việt Nam; nhìn nhận tôn giáo ở Việt Nam như một lực lượng chính trị có thể “đối trọng” với Đảng Cộng sản; cho rằng “chủ nghĩa dân tộc là một lực lượng hùng hậu nhất cuối thế kỷ XX có thể sử dụng làm sụp đổ hệ thống XHCN”. Do vậy, họ khuyến khích, nuôi dưỡng các đối tượng phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gia tăng hoạt động, tuyên truyền chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.


Bốn là, thực hiện chính sách lôi kéo, thông qua các nước đồng minh, các tổ chức phi chính phủ (NGO), qua các hình thức giao lưu, hợp tác về văn hóa, khoa học, giáo dục… để thâm nhập, thu thập tin tức tình báo, chuyển hóa chính trị, mua chuộc cán bộ; móc nối với những người nắm giữ bí mật quốc gia. Chúng mời đích danh một số người thuộc lớp trẻ mà chúng cho là có tư tưởng cấp tiến sang phương Tây tham quan, nghiên cứu để tuyên truyền, quảng bá nền dân chủ của phương Tây. Ngoài ra, chúng có nhiều hoạt động can thiệp sâu vào công việc nội bộ của ta như tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhằm tuyên truyền, quảng bá cho các giá trị phương Tây.


Năm là, chúng tăng cường móc nối với một số đối tượng cơ hội chính trị chống đối Việt Nam, tìm “ngọn cờ” để tập hợp lực lượng, hình thành phe phái, tiến tới hình thành đảng đối lập ở Việt Nam. Chúng thực hiện các hoạt động như viết và tán phát các tài liệu dưới danh nghĩa góp ý kiến, nhật ký, đối thoại, thư khẩn, lời kêu gọi... nhưng thực chất là tìm cách liên kết với nhau mở các chiến dịch chống phá Đảng, Nhà nước bằng các hình thức khác nhau.


Nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị là cơ sở quan trọng để có giải pháp phù hợp, kịp thời đấu tranh, phòng chống.


3. Giải pháp đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị


Đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ không thể tách rời với đấu tranh không khoan nhượng với các phần tử cơ hội chính trị. Đây phải được xem là một nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa sống còn trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cơ hội chính trị là yêu cầu khách quan, đòi hỏi phải gắn chặt với phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do vậy, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:


Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và chủ nghĩa cơ hội chính trị.


Nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị của các cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chi bộ để làm chỗ dựa nâng cao nhận thức, giác ngộ chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bởi vì, đây là các chủ thể lãnh đạo, quản lý, tổ chức đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và chống cơ hội chính trị. Thực tiễn cho thấy, ở địa phương, cơ quan, đơn vị nào mà cấp ủy đảng, người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng xem xét, phân tích, đánh giá đúng tình hình, nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “cơ hội chính trị” thì ở đó tạo được sự thống nhất về tư tưởng, hành động; cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đủ sức chủ động phòng ngừa, giải quyết tốt, có hiệu quả ngăn chặn những hành động chống phá của các thế lực thù địch.


Muốn vậy, cần đặc biệt coi trọng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng; làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấu suốt đường lối chính trị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có nhận thức đúng đắn về con đường đi lên CNXH; nhạy cảm chính trị, nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội chính trị; chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, không để gây ra hậu quả.


Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đi đôi với phát huy vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” và cơ hội chính trị.


Sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng; bảo đảm cho mọi cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân; luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Trong đó, cần tập trung vào các nội dung như: Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách và chỉ đạo các hoạt động đấu tranh; xây dựng bộ máy nhà nước, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; củng cố, phát huy vai trò của các cấp chính quyền; xây dựng và phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội trong đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, cơ hội chính trị. Cần nhanh chóng sàng lọc, phát hiện và sớm đưa ra khỏi bộ máy những phần tử cơ hội chính trị.


Tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tuyển chọn, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ trong điều kiện mới. Đẩy mạnh và kiên trì giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng và tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên cả trong và ngoài hệ thống chính trị. Kiên trì thực hiện nhất quán chính sách tôn vinh và đãi ngộ thỏa đáng những người có công với cách mạng.


Ba là, xây dựng, kiện toàn ban tuyên giáo, ban chỉ đạo 35 các cấp vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nòng cốt, huy động đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, xây dựng “thế trận lòng dân” tham gia đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, cơ hội chính trị.


Rà soát hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ Trung ương đến địa phương; khắc phục sự chồng chéo, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cho từng tổ chức, giữa bộ máy lãnh đạo của Đảng và quản lý nhà nước. Việc thực thi trách nhiệm phải được giám sát bằng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy tắc chuẩn mực, lương tâm nghề nghiệp.


Đẩy mạnh đổi mới cơ chế, chính sách trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút người tài, người có bản lĩnh, kinh nghiệm để tạo ra một lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, có sự trao truyền, nối tiếp giữa các thế hệ. Tạo môi trường hấp dẫn (về điều kiện làm việc, chính sách tiền lương, nhà ở...) để người tài yên tâm công tác, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể trong việc nhận diện những nhóm, đối tượng chống phá, thù địch.


Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí; nâng cao tính gương mẫu trong cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét