Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC VỀ ĐỐI NGOẠI DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

 NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC VỀ ĐỐI NGOẠI DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Từ khi ra đời ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cũng trong 95 năm qua, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đổi mới và phát triển, đạt nhiều thành tựu vĩ đại, lịch sử.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đối ngoại và ngoại giao góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1930-1975):
Tư tưởng chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền tảng lý luận cho ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Ngay từ những văn kiện đầu tiên như Chính cương và sách lược vắn tắt (02/1930), Luận cương chính trị (10/1930), Đảng đã xác định tầm nhìn chiến lược khi xác định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, với nhiệm vụ “liên kết những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới”. Từ nhận thức này, Đảng đã đề ra sách lược tập hợp lực lượng cả trong nước và quốc tế, đặt nền móng cho tư tưởng đoàn kết quốc tế trong ngoại giao Việt Nam.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, tư tưởng chỉ đạo này được phát triển toàn diện và có hệ thống trong Thông cáo về chính sách đối ngoại (3/10/1945). Văn bản không chỉ tuyên bố với quốc tế về mục tiêu kép của ngoại giao Việt Nam - vừa bảo đảm “sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” của dân tộc, vừa đóng góp vào việc “cùng các nước Đồng minh xây dựng nền hòa bình thế giới”, mà còn xác định rõ phương châm “lấy nguyên tắc của Hiến chương Đại Tây Dương làm nền tảng” và triển khai linh hoạt “bằng mọi phương pháp êm dịu hay cương quyết”.
Trong giai đoạn 1945-1946, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng ngoại giao Việt Nam càng được hoàn thiện và phát triển sâu sắc. Người đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, giữa kiên định nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược, đúc kết trong câu nói mang tầm triết lý sâu sắc: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, yếu tố “bất biến” chính là sự kiên định với mục tiêu tối thượng bảo đảm độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc; còn “vạn biến” là phương pháp chủ động, linh hoạt và sáng tạo trong triển khai để đạt được mục tiêu đó trong mọi hoàn cảnh. Những tư tưởng chỉ đạo này không chỉ tạo nền móng vững chắc cho việc hoạch định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến, mà còn tiếp tục là kim chỉ nam cho hoạt động ngoại giao Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước sau này.
Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng đã vận dụng sáng tạo phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao. Chiến lược này phát triển từ quan điểm “đánh - đàm” riêng biệt thành phương châm “vừa đánh vừa đàm” toàn diện, thể hiện tư duy chiến lược linh hoạt nhằm tận dụng mọi con đường để đạt mục tiêu độc lập dân tộc và hòa bình. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến lược này đã đưa đến những thành công ngoại giao quan trọng như việc ký kết Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1946), tạo điều kiện cho ta củng cố lực lượng. Đỉnh cao là Hiệp định Geneva (20/7/1954), đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sự công nhận quốc tế về độc lập, chủ quyền của Việt Nam.
Bước sang kháng chiến chống Mỹ, vai trò của ngoại giao được nâng tầm chiến lược. Từ chỗ “ngoại giao tâm công” được phát huy để xây dựng và mở rộng mặt trận đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam và “tiến công địch về ngoại giao” với “vai trò quan trọng, tích cực, chủ động. Đến Nghị quyết của Bộ Chính trị (4/1969), lần đầu tiên ngoại giao đã được nâng tầm thành “một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược” với đỉnh cao là Hiệp định Paris (1973), tạo bước ngoặt quan trọng dẫn tới Đại thắng mùa Xuân 1975. Thành công này minh chứng cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thắng lợi quân sự trên chiến trường với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán, góp phần quyết định vào việc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đối ngoại, ngoại giao phục vụ quá trình Đổi mới, phá thế bao vây cấm vận, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế (1975-1995):
Giai đoạn này, Đảng đã có bước chuyển quan trọng trong tư duy đối ngoại: từ “đấu tranh bảo vệ Tổ quốc” sang định hướng “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các yếu tố quốc tế thuận lợi” để phục vụ công cuộc đổi mới và nâng cao vị thế đất nước. Sự chuyển đổi này phản ánh tầm nhìn chiến lược mới của Đảng trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng và phát triển. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa VI (1988) là bước ngoặt trong quá trình đổi mới tư duy và đường lối đối ngoại khi khẳng định “lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”. Nghị quyết đề ra yêu cầu “chuyển hướng toàn bộ chiến lược đối ngoại, cần có quan điểm mới về an ninh và phát triển, ưu tiên tập trung cho sự nghiệp giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Từ chủ trương “thêm bạn, bớt thù”, Đảng đã phát triển thành hệ thống quan điểm chỉ đạo xuyên suốt về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa; “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng: nỗ lực xử lý vấn đề Campuchia tạo cơ sở bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; thúc đẩy tiến trình bình thường hóa với Mỹ; đồng thời từng bước tạo dựng vị thế trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là trong Phong trào Không liên kết (1976) và Liên hợp quốc (1977). Tháng 7/1995 đánh dấu bước đột phá trong việc phá vỡ thế bị bao vây cấm vận với ba sự kiện mang tính cộng hưởng: thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, ký Hiệp định khung hợp tác với Liên minh châu Âu và gia nhập ASEAN, mở ra giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển mới của đất nước.
Mở rộng và đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và thể hiện vai trò thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm (1996-nay):
Đảng ta đã phát triển mạnh mẽ tư duy hội nhập quốc tế từ mở rộng quan hệ song phương, đa phương đến chủ động hội nhập toàn diện, sâu rộng và là thành viên có chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Quá trình này đánh dấu bước chuyển căn bản từ tư duy tiếp cận, tham gia sang chủ động đóng góp, từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, từ thụ động thích nghi sang chủ động, tích cực tham gia và vươn lên đóng vai trò nòng cốt dẫn dắt. Từ chỗ xác định “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực” tại Đại hội IX (2001) [8], tư duy này được phát triển một bước tại Đại hội X (2006) thành “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”. Đó là tiền đề quan trọng để dẫn đến bước chuyển quan trọng, thành “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” tại Đại hội XI (2011), sau đó được cụ thể hóa qua Nghị quyết 22-NQ/TW (2013) của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm thành “chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, toàn diện” tại Đại hội XIII (2021). Riêng về ngoại giao đa phương, Chỉ thị 25-CT/TW (2018) của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 lần đầu tiên xác định ngoại giao đa phương là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và đặt ra yêu cầu “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của nước ta”.
Thành tựu nổi bật của giai đoạn này là Việt Nam đã vượt qua thế bị bao vây, cấm vận thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoại giao kinh tế trở thành một trụ cột cho phát triển với việc ký kết và thực thi hiệu quả gần 20 Hiệp định thương mại tự do, đưa kim ngạch thương mại đạt mức kỷ lục gần 800 tỷ USD, đồng thời mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo... Trên các diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, G20, BRICS, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò tích cực và có trách nhiệm. Đặc biệt, năm 2024 ta đã lần đầu tiên khởi xướng và tổ chức thành công Diễn đàn tương lai ASEAN, thể hiện đóng góp của Việt Nam trong định hình tương lai của Cộng đồng ASEAN.
Thành tựu nổi bật của giai đoạn từ năm 1996 đến nay là Việt Nam đã vượt qua thế bị bao vây, cấm vận thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Năm 2025 là năm quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt, là năm kỷ niệm 80 năm thành lập nước và của ngành ngoại giao. Phát huy những thành tựu đã đạt được, đối ngoại và ngoại giao Việt Nam cần “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong” và nhiệm vụ “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” mà Đại hội XIII đã đặt ra. Đồng thời, cần không ngừng nỗ lực thể hiện vai trò trọng yếu thường xuyên trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, định vị Việt Nam vào vị trí tối ưu trong các xu hướng và trào lưu phát triển, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc../.
Có thể là hình ảnh về 10 người
Tất cả cảm xúc:
3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét