Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU - NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM!

         Đồng chí Lê Khả Phiêu - Nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người đảng viên cộng sản trung kiên, suốt đời cống hiến, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao đẹp!

Đồng chí Lê Khả Phiêu với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia

Đồng chí Lê Khả Phiêu (1931-2020), quê ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Đồng chí sinh ra và lớn lên trên vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Thanh, nổi tiếng hiếu học và khoa bảng, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Quê hương đồng chí xưa quen gọi là làng Rủn, cũng chính là quê hương của nhà sử học nổi tiếng thế kỷ XVII - Tể tướng, tiến sĩ, sử gia Lê Hy, cũng là vùng đất sinh ra các danh nhân, danh nho, võ tướng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc ta.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày truyền thống văn hiến - lịch sử, được hun đúc, giáo dục về truyền thống đấu tranh, yêu nước quật cường của quê hương và dân tộc, đồng chí Lê Khả Phiêu sớm tiếp thu tinh thần cách mạng và tinh thần yêu nước.

Thuở nhỏ, đồng chí Lê Khả Phiêu là người thông minh, được cha mẹ cho theo học chữ Hán, học Quốc ngữ, tiếng Pháp ở trường làng, trường tổng (École de Thạch Khê), sau đó được chú ruột là Lê Khả Sung đưa ra học ở Hải Phòng (sơ học yếu lược), đồng chí là một học sinh có tiếng học giỏi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí mới 14 tuổi, tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc và làm đội trưởng. Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 18 tuổi (năm 1949), làm trưởng ban thông tin tuyên truyền xã, chi ủy viên, chánh văn phòng chi bộ xã.

Tháng 5-1950, đồng chí tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam và trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường. Từ khi nhập ngũ đến tháng 8-1954, đồng chí trải qua các chức vụ: Tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, chính trị viên phó đại đội, chính trị viên đại đội.

Sau khi học xong bổ túc quân chính trung cấp khóa I, từ tháng 3-1955 đến tháng 3-1958, đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ trưởng tiểu ban tổ chức trung đoàn, chính trị viên tiểu đoàn; Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.

Từ tháng 6-1961 đến năm 1966, đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Phó trưởng ban Cán bộ, Trưởng ban tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 304, sau đó làm Phó chính ủy Trung đoàn 9.

Tháng 7-1967, đồng chí vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, làm Chính ủy Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Hữu Ngạn, Đảng ủy viên Sư đoàn. Rồi đồng chí lần lượt trải qua các chức vụ cao trong Quân đội, như: Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, một trung đoàn có truyền thống chiến đấu chống thực dân Pháp, đơn vị của anh hùng Cù Chính Lan, một ngọn cờ thi đua “ba nhất” của sư đoàn 304 trong xây dựng hòa bình [1].

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí Lê Khả Phiêu đã chỉ huy trung đoàn tiến công làm chủ Cố đô Huế, chốt giữ và bảo vệ thành cổ suốt 26 ngày đêm khốc liệt. Cũng tại chiến trường ác liệt này, sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được đề bạt giữ chức Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên - Huế.

Tháng 5-1973, đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn II. Đến đầu tháng 4-1975, Quân đoàn II của đồng chí Lê Khả Phiêu làm Chủ nhiệm Chính trị được lệnh chuẩn bị áp sát giải phóng Xuân Lộc, uy hiếp Sài Gòn.

Hồi ký của đồng chí Nguyễn Hữu An viết: Bộ chỉ huy cánh đông của chiến dịch do Trung tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Lê Quang Hòa chỉ huy đến đây sau chúng tôi một ngày (5-4-1975)… Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 có mặt: Tôi (Nguyễn Hữu An), Thiếu tướng, Quân đoàn trưởng… Thượng tá Lê Khả Phiêu, Chủ nhiệm Chính trị… Anh Tấn nói dõng dạc, khúc triết và thái độ kiên quyết: Trong vòng 18 ngày, toàn quân đoàn phải có mặt ở nơi tập kết - địa điểm tại Rừng Lá (Bà Rịa) cách Xuân Lộc 20 km… [2].

Do yêu cầu của nhiệm vụ mới sau năm 1975, từ năm 1979-1983, đồng chí Lê Khả Phiêu làm Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu IX [3]; Phó bí thư Quân khu ủy Quân khu IX.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta vừa kết thúc thắng lợi, thì ở Campuchia, tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary đã phản bội nhân dân, thi hành chính sách diệt chủng, tàn sát nhân dân Campuchia; về đối ngoại, chúng cho quân đánh phá, xâm lấn lãnh thổ Việt Nam trên địa bàn các tỉnh dọc biên giới Tây Nam nước ta.

Để trừng trị quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi và cứu một dân tộc khỏi thảm họa diệt vong, theo đề nghị khẩn thiết của nhân dân Campuchia, tháng 1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam đã vào Campuchia phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia, đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và trong 10 năm (1979-1989) giúp nước bạn hồi sinh sau nạn diệt chủng.

Tháng 4-1984, đồng chí Lê Khả Phiêu được thăng quân hàm Thiếu tướng, giữ chức Chủ nhiệm Chính trị, Phó tư lệnh Chính trị Mặt trận 719 (Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; phiên hiệu của lực lượng bộ đội Việt Nam tại Campuchia thời kỳ 1979-1989) [4].

Đồng chí Lê Khả Phiêu đã bao quát, chỉ huy toàn bộ các đơn vị quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Bộ tư lệnh Mặt trận 719 chỉ đạo, chỉ huy, lãnh đạo cả lực lượng quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự. Chính vì vậy, vị trí và vai trò của một lãnh đạo trong Bộ tư lệnh, mà trực tiếp là đồng chí Lê Khả Phiêu, là rất lớn.

Có thể nói, trong thời gian 40 năm quân ngũ, đồng chí Lê Khả Phiêu trải qua nhiều chiến trường ác liệt, góp công trực tiếp vào các trận đánh lớn và những chiến thắng vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng, chủ chốt của Đảng ta
Tháng 6-1988, đồng chí Lê Khả Phiêu được thăng quân hàm Trung tướng, làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (1988-1991), được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII (1991).

Tháng 9-1991, đồng chí Lê Khả Phiêu được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thay đồng chí Nguyễn Quyết [5]. Tháng 6-1992, đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 7-1992, đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng, được cử giữ chức Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Tại Hội nghị Trung ương 6 khóa VII ngày 17 và 18-1-1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung đồng chí Lê Khả Phiêu vào Bộ Chính trị [6].

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu lại vào Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ. Ngày 10-8-1996, được Bộ Chính trị phân công làm Thường trực Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương.

Tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (26-12-1997), Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng [7]. Ngoài ra, đồng chí Lê Khả Phiêu còn được tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997), khóa X (1997-2002).

Trên cương vị mới, đồng chí đã cùng với Trung ương, Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị và Chính phủ lãnh đạo, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền dân tộc và giành được nhiều thành tựu quan trọng.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đây là một trong những cống hiến nổi bật, ghi đậm dấu ấn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Với tầm nhìn chiến lược, trách nhiệm đối với Ðảng, với dân, đồng chí đã nhiều lần nêu vấn đề trong Bộ Chính trị, Thường vụ Bộ Chính trị và Trung ương, khẳng định đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.

Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Khả Phiêu, ngày 2-2-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) khóa VIII, ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Phát biểu tại hội nghị này, đồng chí Lê Khả Phiêu nêu rõ: “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, kiên cường sửa chữa sai lầm và khuyết điểm chính là sự đền đáp công ơn đối với nhân dân, với dân tộc” [8].

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn luôn nhắc nhở trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, vì “tham nhũng và quan liêu, hai căn bệnh đó hiện nay đều nặng, không kém gì nhau”, vì theo Tổng Bí thư: “Người dân rất bất bình về tệ tham nhũng, nhưng còn bất bình cả về tệ quan liêu, sách nhiễu; nó gây cho người dân rất nhiều đau khổ, phiền hà. Cho nên chống tham nhũng và quan liêu đều trở nên rất cấp bách” [9]; chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát công việc và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI cũng mang dấu ấn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đã góp phần lãnh đạo, chỉ đạo mở rộng quan hệ đối ngoại, khẳng định Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, nhất là với nước Mỹ. Với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, “Việt Nam chúng tôi muốn là bạn với tất cả các dân tộc, các quốc gia trên thế giới, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hữu nghị và phát triển, hợp tác bình đẳng… biết tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi” [10].

Trên cương vị đứng đầu toàn Đảng, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có những đóng góp tích cực trong việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị...

“Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, tích cực chống tham nhũng. Đồng chí luôn kiên định lập trường cách mạng, sống giản dị, gần gũi, lắng nghe ý kiến nhân dân…”[11].

Đồng chí Lê Khả Phiêu đã dành trọn vẹn cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho dân tộc và cho Đảng ta, với gần 50 năm công tác trong Quân đội, là một nhà lãnh đạo chính trị, quân sự dày dặn kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy chiến đấu.

Đồng chí là tấm gương sáng, một người chiến sĩ cộng sản trung kiên, mẫu mực, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập, noi theo. Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu có nhiều đóng góp to lớn, quan trọng, từng bước đưa Việt Nam nâng tầm và phát triển.

Trân trọng và đánh giá cao những cống hiến, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc Đổi mới, xây dựng đất nước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đồng chí Lê Khả Phiêu là một cán bộ đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao” [12]./.
------------------
[1] Lê Hồng Khê, Quê hương và đồng đội, Nxb Hà Nội, 2001, tr.125.
[2] Thượng tướng Nguyễn Hữu An (hồi ký và tác phẩm), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.261-262.
[3] Quân khu 9, 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, tr.716.
[4] Địa chí Thanh Hóa, tập 1: Địa lý và lịch sử, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000, tr.858.
[5] 60 năm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, 28.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.180.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 56, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.648.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 58, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.84.
[9] Lê Khả Phiêu, Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.63.
[10] Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Quá khứ là gốc rễ, là nền tảng, là sức mạnh của hiện tại và tương lai, Tạp chí Cộng sản, số 23 (12-2000), tr.8.
[11] Diễn văn bế mạc Đại hội, do đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, đọc ngày 22-4-2001. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.347-348.
[12] Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, 25-8-2019.


Theo QĐND
Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét