Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức là
một nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vấn đề
này được Bác nêu lên rất sớm. Từ năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Người
nêu lên 23 điều phải có về tư cách một người cách mệnh, trong đó điều thứ 10
là: “Nói thì phải làm”.
Bác thường
nhắc nhở: “Nói cái gì phải cho tin - nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho
dân tin”. Trong suốt cuộc đời mình, Người đã giáo dục mọi người và chính bản
thân Người đã thực hiện điều đó một cách nghiêm túc và đầy đủ nhất. Ở Bác Hồ,
lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm,
làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Hơn nữa, Người nói ít, nhưng làm nhiều,
có những vấn đề đạo đức Người không nói mà chỉ làm.
Bác Hồ chỉ rõ rằng: mục đích xuyên suốt
chi phối lời nói và việc làm của người cán bộ, đảng viên là “tất cả vì dân”.
Đây là tiêu chí cơ bản để đánh giá tư cách, đạo đức, tác phong công tác của
người cách mạng. Đối với cán bộ, đảng viên, Bác nói rất thẳng thắn: Trước mặt
quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được
họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Sự nêu
gương về đạo đức của người cán bộ, đảng viên phải thể hiện mọi lúc, mọi nơi,
trong sinh hoạt đời thường, trong từng hành vi nhỏ nhất.
Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để
giúp đồng bào bị đói, thì Người thực hiện: “Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ
đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả
nước và tôi xin thực hành trước, cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3
bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Những năm Bác sống và làm việc
tại Khu Phủ Chủ tịch, khi kinh tế khó khăn, đời sống của nhân dân còn nghèo
khó, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao
nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy giống như cán bộ, nhân dân. Khi ăn cơm
không bao giờ Bác để rơi một hạt cơm, Bác bảo một hạt cơm là một giọt mồ hôi
của người nông dân. Đồng chí Phạm Văn Đồng kể lại: “Ăn cơm với Cụ hàng trăm
lần, lần nào cũng thấy Cụ tém vén không để rơi một hạt cơm. Bởi vì Cụ quý và
tiết kiệm công sức của người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hoà ở một
con người”.
Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm,
chính, phải thật sự là người đầy tớ của nhân dân, và chính Bác làm gương trước
sống giản dị, thanh bạch, khiêm tốn để làm đúng điều Người dạy: “Cán bộ Đảng,
chính quyền ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết
lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính”. Bởi thế, việc
Người làm là khước từ ở ngôi nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương,
mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ Toàn quyền Pháp thời đó; đi dép
lốp, mặc áo vá vai, dùng loại ô tô xoàng nhất, cũ nhất, chính là “cái phúc của
dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Mùa hè nóng bức, Bác dùng chiếc quạt lá cọ, Bác
bảo: Bác làm như thế để dành điện phục vụ cho sản xuất, dành điện phục vụ sinh
hoạt cho nhân dân...
Bác Hồ làm những việc như thế, để thực
hiện điều Người nói: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng,
đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng
đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện, cần,
kiệm, liêm, chính” và “Ai chẳng muốn no cơm, ấm áo, nhưng cuộc sống vật chất
hết đời người là hết. Còn tiếng tăm tốt xấu truyền đến ngàn đời sau”. Cán bộ,
đảng viên nếu làm theo được những việc như trên sẽ thật sự quan liêm - mà quan
liêm thì dân hạnh phúc và sẽ đẩy thuyền đi; và sẽ chẳng có những loại quan tham
- mà quan tham nhiều thì dân khổ, nước nguy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét