Bài học “dựng nước đi đôi với giữ nước” xuyên suốt lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta. Ngày nay, khi đất nước hưởng độc lập, thái bình, non sông một dải, nguyên tắc “giữ nước từ xa” (giữ nước từ lúc nước chưa lâm nguy) được cụ thể hóa bằng các đường lối, chiến lược và sách lược trong hoạt động đối nội, đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Hội nghị Trung ương 8, khóa XI của Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện những mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đề ra, đồng thời bổ sung, phát triển Chiến lược bảo vệ Tổ quốc phù hợp với tình hình hiện nay.
Đảng ta chỉ rõ những vấn đề rất cơ bản của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt phải “Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; “có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”.
“Giữ nước từ khi nước chưa nguy” là bài học lịch sử, một giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc ta. Nền độc lập, thái bình có được sau biết bao biến cố lịch sử, bờ cõi, giang sơn bị quân thù giày xéo, bao thế hệ ông cha ta phải đánh đổi bằng tính mạng, máu xương.
Dù dòng chảy quốc tế ngày nay là hòa bình, hợp tác song thế giới luôn vận động và biến chuyển, các nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, đe dọa đến nền thái bình, độc lập luôn hiện hữu, có lúc diễn biến với mức độ, tính chất gay gắt.
Thách thức đe dọa thái bình, độc lập không chỉ đến từ bên ngoài mà cả những yếu tố bên trong. Trong hai yếu tố đó, yếu tố bên ngoài là quan trọng nhưng bên trong mới là quyết định. Do đó, giữ nước, suy cho cùng phải là giữ lòng dân. Lòng dân yên là gốc rễ giữ thái bình thịnh trị.
Bảo vệ Tổ quốc có nghĩa là phải bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN ở nước ta. Đây là nội hàm chính của lợi ích quốc gia – dân tộc, là những lợi ích cốt lõi, là sự kế thừa, phát triển và nâng lên tầm cao mới tư tưởng giữ nước của ông cha ta trong điều kiện lịch sử mới. Không thể nói rằng, ngày nay chúng ta bảo vệ Tổ quốc là chỉ bảo vệ đất nước, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, không cần phải gắn với bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng.
Đó là quan điểm sai trái và phản khoa học. Tách rời vấn đề chính trị giữa Đảng với nhân dân trong khái niệm bảo vệ Tổ quốc là không đúng với bản chất tư tưởng giữ nước của dân tộc Việt Nam, không đúng với thực tiễn bảo vệ Tổ quốc và sẽ dẫn đến hậu quả nguy hại.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, mối quan hệ của Việt Nam với bè bạn năm châu là một yêu cầu khách quan. Theo đó, hai nhiệm vụ “giữ vững môi trường hòa bình” và “bảo vệ vững chắc Tổ quốc” có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Khi giữ vững được môi trường hòa bình, chúng ta vừa đảm bảo điều kiện dựng xây đất nước, vừa thực hiện được phương châm “thêm bạn bớt thù”, bảo vệ Tổ quốc từ xa.
Tuy nhiên, trước các yếu tố đe dọa an ninh quốc gia, đe dọa đến nền độc lập, chủ quyền, nhất là thách thức trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay có tác động đa chiều đến thái độ, tâm lý và hành động của người dân.
Nhiều người dân không kìm nén được sự ức chế, hành động theo cảm tính, khi gặp thách thức, thấy bức xúc là dễ “xuống đường” theo đám đông, bị kẻ xấu lợi dụng để kích động, gây rối, hủy hoại tài sản, phá rối an ninh, gây áp lực lên chính quyền.
Do vậy, đó không phải là hành động đúng, trái lại còn gây hại đến nền thái bình, đối ngoại và an ninh chủ quyền đất nước. Quan điểm của Đảng nêu rõ phương châm “kiên quyết, kiên trì”. Đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không được nóng vội, manh động mà phải tận dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong bài phát biểu nhân Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh bài học kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược: Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và CNXH. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tuỳ theo vấn đề, tuỳ từng thời điểm và tuỳ theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, “thêm bạn bớt thù”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai”. Và bao trùm tất cả là bài học về sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước.
Tổng Bí thư đánh giá, các cơ quan lãnh đạo của Đảng, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các cơ quan tham mưu đã chứng tỏ sự nhạy bén trong nhận định và nắm bắt tình hình, quyết đoán trong việc đưa ra các biện pháp, chính sách cụ thể.
Nhiều chủ trương, giải pháp xử lý những vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề Biển Đông, những tính toán lựa chọn đúng thời điểm tiến hành những hoạt động đối ngoại lớn, trong đó có các sự kiện đón và thực hiện các chuyến thăm cấp cao, đã thực sự đưa đến tác động mạnh mẽ có sức thuyết phục, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân và được dư luận quốc tế đồng tình, ủng hộ… Đó chính là kế sách linh hoạt để thực hiện nguyên tắc giữ nước từ xa, giữ cho được hòa bình, ổn định.
Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở ra thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam – thời đại đất nước độc lập, đi lên CNXH, nhân dân làm chủ đất nước, đồng thời khẳng định cơ sở chính trị – thực tiễn và cơ sở pháp lý của nền độc lập. Bài học được đúc kết trong 30 năm đổi mới cũng như hơn 70 năm kể từ ngày đất nước giành được độc lập, đó chính là việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân để giữ vững nền độc lập.
Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát của các cuộc chiến tranh xâm lược, chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình, độc lập song thực tiễn lịch sử phát triển của dân tộc cũng chỉ rõ rằng, nền hòa bình, độc lập ấy chỉ có được khi chúng ta biết dựng xây sức mạnh có ý nghĩa cốt lõi từ quần chúng nhân dân, gắn với việc củng cố sức mạnh quốc phòng, an ninh. “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”, phương ngôn ấy là bài học xuyên suốt.
(Nguồn CAND)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét