Căn cứ vào các tài liệu lịch sử,
đặc biệt căn cứ vào tài liệu của Nhà nước phong kiến Việt Nam (Châu bản Triều
Nguyễn), Việt Nam là nước đầu tiên thực thi chủ quyền một cách Hòa bình trên 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này, còn thể hiện trên cả những dấu tích
văn hóa Lễ khao Lề thế mà chúng ta đã biết.
Do
đó, những tuyên bố ngoại giao: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử
khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa" là hoàn toàn có cơ sở. Đồng thời, cũng khẳng định rằng
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam"
Về
quá trình thực thi chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Nhà nước
phong kiên, theo sách "100 câu hỏi đáp về biển đảo dành cho tuổi trẻ Việt
Nam" của Ban Tuyên giá Trung ương, Nhà nước phong kiến Việt Nam suốt trong
3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác
nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại
Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng
Sa và quần đảo Trường Sa:
Nhà
nước Đại Việt thời chúa Nguyễn: Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh
việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và
quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của đội
Hoàng Sa, một tổ chức do nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm đội Bắc Hải do đội
Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc
Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy.
Nhà
nước Đại Việt thời Tây Sơn: Trong thời gian từ 1771 đến năm 1801, gần như lúc
nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các
lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực
lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình.
Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng
Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa
biển Sa Kỳ và Cù Lao Ré, căn cứ xuất phát của Đội Hoàng Sa.
Năm
1775, Phường Cù Lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn
xin cho phép đội Hoàng Sa và đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ.
Năm
1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn
chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, cai đội Hoàng Sa, chỉ
huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. Ngoài ra còn
có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong
Biển Đông.
Nhà
nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm
nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: Nguyễn Ánh
đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị, vẫn tiếp tục quan
tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa.
Tháng
7 năm 1803, vua Gia Long cho lập lại đội Hoàng Sa: Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm thủ
ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa (theo Đại
Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12).
Tháng giêng năm Ất Hợi (1815) vua
Gia Long quyết định: “sai bọn Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem
xét đo đạc thủy trình”… (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, q.50, tờ
6a).
Sang đời Minh Mạng, việc đo đạc
thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện…
Năm
1833, 1834, 1836, Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng
bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ… mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải
đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, “Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời
tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem
theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc…”
Như
vậy, suốt từ thời chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, đội Hoàng Sa, kiêm quản đội
Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần
đảo Trường Sa. Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như:
châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như
tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp,… hiện đang được lưu trữ tại các Cơ quan lưu trữ nhà
nước.
Trong
giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập
đến khi chứng minh nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối
với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ
thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa
thuộc Thừa tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn:
“Bãi Cát vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư);
“Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh”
(Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi
thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét