Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRONG DỊP KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

 CẢNH GIÁC VỚI CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC TRONG DỊP KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11


Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày thể hiện đạo lý cao cả, thiêng liêng ngàn năm của Dân tộc Việt nam đó là “Uống nước nhớ nguồn”; “tôn sư trọng đạo”. Đây là ngày hội quan trọng nhằm tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo; những người làm công tác giáo dục; đồng thời thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với"những kĩ sư tâm hồn", biểu thị truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ta. Tuy nhiên một số đối tượng đã lợi dụng dịp lễ này để tuyên truyền xuyên tạc đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước, làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp của ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam.


Thứ nhất, xuyên tạc lịch sử, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam


Các đối tượng phủ nhận ngày 20/11 hàng năm là “Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo” cho rằng đây là sự kiện do các nước xã hội chủ nghĩa hoặc lãnh tụ của Đảng Cộng sản tổ chức. Họ lập luận rằng “Ngày Nhà Giáo Thế Giới” do UNESCO quy định là ngày 5 tháng 10 và được tuyên bố lần đầu vào năm 1994, trong khi Việt Nam là nước duy nhất chọn ngày do tổ chức Cộng Sản quốc tế ấn định. Sự thật là gì?


Vào tháng 8/1957, Hội nghị quốc tế các nhà giáo tại Warszawa (Ba Lan) đã thông qua Hiến chương các nhà giáo và lựa chọn ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày 26/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167/HĐBT, tuyên bố ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày này trở thành Ngày truyền thống của ngành giáo dục, tôn vinh những người làm công tác giáo dục. Điều này phản ánh quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo thế hệ mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có hàng nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Ngày 20/11 cũng là dịp để các thế hệ học sinh tri ân công ơn của thầy cô, ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các nhà giáo.


Thứ hai, xuyên tạc nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước ta


Chúng cho rằng: “Dưới chế độ Cộng sản thì khác. Các hội chuyên nghiệp được lập ra không phải là để hoạt động, phát triển, tương thân tương trợ giữa những người cùng nghề nghiệp mà để cho đảng dễ kiểm soát. Hội Nhà Giáo cũng trong cùng số phận và được chỉ đạo chặt chẽ từ trên cấp trung ương đến từng trường học, từng tổ giảng dạy. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, “kỹ sư tâm hồn” chỉ là những mỹ từ làm mát lòng các thầy cô”. Đây là luận điệu xuyên tạc nền giáo dục xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng ở nước ta.


Nhìn lại lịch sử, mỗi chế độ xã hội đều có nền giáo dục tương ứng, phục vụ giai cấp lãnh đạo và lợi ích xã hội. Nếu nền giáo dục không đáp ứng những yêu cầu này thì sẽ không thể tồn tại và phát triển. Không thể có nền giáo dục ở chế độ phong kiến mà không phục vụ lợi ích của các “triều đình”, hay nền giáo dục ở chế độ tư bản chủ nghĩa không phục vụ giai cấp tư sản. Chẳng có chính quyền nào khuyến khích tư tưởng và hành động muốn xây dựng nền giáo dục đứng ngoài chính trị hoặc lật đổ giai cấp cầm quyền. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, gắn liền với chế độ xã hội chủ nghĩa. Luận điệu cho rằng cần xóa bỏ nền giáo dục xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự hoang tưởng, không hiểu gì về giáo dục và chính trị.


Những luận điệu xuyên tạc về lịch sử, ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam và phủ nhận nền giáo dục xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần nhận diện và đấu tranh bác bỏ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét