Từ lâu, Tây Nam Bộ đã là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Nhưng do tính chất phức tạp của lịch sử nên cho đến nay, vấn đề chủ quyền lãnh thổ vẫn còn có những nhận thức chưa thật đầy đủ; một số thế lực thù địch như: Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm (AKKK), Hội Sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP)(1), Phong trào Cứu quốc Campuchia (CNRM)... vẫn ngoan cố lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Nhà nước Việt Nam, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”.
Những năm gần đây, một bộ phận người Khmer tại Campuchia đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam đòi phản đối chính sách đất đai của Việt Nam. Nguyên cớ của những cuộc biểu tình này được cho là bắt nguồn từ phát biểu của Tham tán chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Trần Văn Thông (tháng 6-2014): “Miền đất Nam Bộ thuộc về Việt Nam từ lâu trước khi Pháp chuyển giao cho Việt Nam”. Sau đó, khi trả lời phỏng vấn đài BBC ngày 9-9-2014, Thạch Setha, Chủ tịch Cộng đồng Khmer Krôm ở Campuchia đã nói: “Đất đai Kampuchea Krôm là của chúng tôi, và bị người Pháp giao cho người Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Việt Nam tôn trọng lịch sử, tôn trọng chủ quyền của chúng tôi, công khai xin lỗi chúng tôi và không can thiệp vào chính trị của các quốc gia khác”. Từ những nhận thức xuyên tạc trên, Thạch Setha muốn phía Việt Nam chính thức công khai xin lỗi người Khmer Krôm và công nhận lịch sử của chúng tôi bằng văn bản và yêu cầu không can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác của khối ASEAN. Để gây áp lực cho Việt Nam, Thạch Setha đe dọa: “Nếu như không có phản hồi hay giải quyết gì từ phía Việt Nam, thì đầu tháng 10 này (năm 2014), chúng tôi sẽ có biểu tình lớn để yêu cầu Chính phủ Campuchia tạm cắt đứt quan hệ với Việt Nam cho tới khi nào Việt Nam thừa nhận lịch sử của chúng tôi. Chúng tôi cũng kêu gọi người Campuchia tẩy chay hàng hóa Việt Nam”(2).
Cùng với đó, các tổ chức phản động của người Khmer Nam Bộ lưu vong ở nước ngoài như: CNRM, AKKK, Hội Sư sãi Khmer Campuchia Krôm, Liên hiệp Ủy ban Chủ nghĩa dân tộc (KKK), Hội Bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm, Mặt trận Giải phóng dân tộc Campuchia Krôm (KKNLF), Ủy ban Dung hòa Khmer Campuchia Krôm (KKKCC), Liên minh Khmer Campuchia. Krôm (KKF), Ủy ban Điều phối Khmer Campuchia Krôm (KKKCC)... cũng liên tục có những hành động chống phá Nhà nước Việt Nam. “Các tổ chức này hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức. Chúng tài trợ kinh phí, kích động sư tăng trong nước ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đấu tranh đòi thành lập Nhà nước Khmer Krôm tự trị... Ở bên ngoài, hằng năm, chúng tổ chức kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ cho Việt Nam (ngày 4-6-1949) và gọi đó là ngày “quốc hận”, bịa đặt các vấn đề về nhân quyền người Khmer ở Việt Nam... Ở những mức độ khác nhau, hoạt động của các tổ chức chính trị phản động nói trên đều có tác động đến tâm tư, tình cảm của một bộ phận đồng bào Khmer Nam Bộ”(3).
Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ
Về dân tộc, căn cứ những di vật, phế tích và các giá trị của nền văn hóa Óc Eo(4) được các thư tịch cổ Trung Hoa ghi chép lại, các nhà khoa học đã đi tới nhận định rằng, Vương quốc Phù Nam đã từng tồn tại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII và vấn đề Phù Nam không thể tách rời vấn đề Óc Eo. Hay nói cách khác, việc đồng nhất những di vật thuộc nền văn hóa Óc Eo là di tích văn hóa vật thể của nước Phù Nam là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Trong bài viết Chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất Nam Bộ, Giáo sư Vũ Minh Giang nhận định: “Một vấn đề có ý nghĩa quan trọng là xác định chủ nhân của văn hóa Óc Eo. Trước đây, người ta thường nói mà không chứng minh rằng chủ nhân nền văn hóa này là tổ tiên của người Khmer. Nhưng dưới ánh sáng của những nghiên cứu mới thì vấn đề không phải như vậy. Trước hết, tất cả những di tích thuộc văn hóa Óc Eo có thể dễ dàng nhận thấy là khác biệt với văn hóa Khmer. Những dấu vết của Chân Lạp trên đất Nam Bộ không thể hiện là sự phát triển liên tục của văn hóa Phù Nam”(5).
Về phong tục tập quán, sử liệu Trung Quốc cũng cho biết, tang lễ và hôn nhân của nước Phù Nam gần giống với Lâm Ấp (tức Champa). Căn cứ vào những ghi chép trong các thư tịch cổ Trung Hoa thì nước Phù Nam là một quốc gia nằm ở phía Nam của Lâm Ấp, tương đương với vùng đất Nam Bộ ngày nay. Các nhà khoa học đã thống nhất nhận định, nước Phù Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công nguyên. Trong thời kỳ hưng thịnh, nước Phù Nam phát triển thành một đế chế gồm: Toàn bộ phần phía Nam bán đảo Đông Dương (Nam Bộ Việt Nam, Campuchia, một phần Nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malacca, trung tâm vẫn là vùng Nam Bộ Việt Nam.
Đế chế Phù Nam bắt đầu quá trình suy yếu vào cuối thế kỷ VI. Nhân cơ hội này, vào đầu thế kỷ VII, Chân Lạp - một thuộc quốc của nước Phù Nam, do người Khmer xây dựng, lúc bấy giờ ở vùng trung lưu sông Mê Kông và khu vực phía Bắc Biển Hồ, lấy nông nghiệp là nghề chính để sinh sống, đã đánh chiếm một phần lãnh thổ của nước Phù Nam ở vùng hạ lưu sông Mê Kông - vùng Nam Bộ Việt Nam.
Như vậy, từ chỗ là một vùng đất thuộc nước Phù Nam, sau năm 627, vùng đất Nam Bộ bị phụ thuộc vào Chân Lạp và được gọi là Thủy Chân Lạp để phân biệt với vùng đất Lục Chân Lạp - vùng đất gốc của nước Chân Lạp. Trên thực tế, việc cai quản vùng Thủy Chân Lạp gặp nhiều khó khăn. Trước hết, với truyền thống quen khai thác các vùng đất cao, dân số ít, người Khmer khi đó không có khả năng tổ chức khai thác vùng đồng bằng rộng lớn mới bồi lấp, còn ngập nước và sình lầy. Hơn nữa, việc khai khẩn đất đai trên vùng đất gốc - Lục Chân Lạp đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực.
Do chiến tranh và phải tập trung phát triển các trung tâm ở vùng lục địa, sau mấy thế kỷ thuộc Chân Lạp, đến thế kỷ XIII, theo Chu Đạt Quan (1266-1346) - một nhà ngoại giao Trung Quốc dưới thời Nguyên Thành Tông, “vùng đất Nam Bộ vẫn còn là một vùng đất hoang vu với những “bụi rậm của khu rừng thấp... tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi... những cánh đồng bị bỏ hoang phế, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy, hàng trăm hàng ngàn con trâu rừng tụ họp thành từng bầy trong vùng này, tiếp đó là nhiều con đường dốc đầy tre chạy dài hàng trăm dặm...””(6)
Bắt đầu từ thế kỷ XIV, Chân Lạp phải đối phó với sự bành trướng của các vương triều Xiêm La (Thái Lan) từ phía Tây, đặc biệt là từ sau khi Vương quốc Ayuthaya hình thành. Trong gần một thế kỷ, Chân Lạp liên tiếp phải đối phó với những cuộc tiến công từ phía Xiêm La, có lúc Kinh thành Angkor đã bị quân đội Ayuthaya chiếm đóng.
Từ thế kỷ XVI, do sự can thiệp của Vương triều Xiêm La, triều đình Chân Lạp bị chia rẽ sâu sắc và dần bước vào thời kỳ suy vong. Chân Lạp hầu như không quan tâm đến vùng đất còn ngập nước ở phía Đông và trên thực tế đã không đủ sức để quản lý vùng đất này. Trong bối cảnh đó, nhiều cư dân Việt từ vùng đất Thuận Quảng đã vào vùng Mô Xoài, Đồng Nai (miền Đông Nam Bộ) khai khẩn đất hoang lập làng sinh sống.
Trên cơ sở đơn vị tụ cư trù phú, những trung tâm kinh tế đã phát triển. Năm 1698, Chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý vùng đất này và cho lập ra ở đây một đơn vị hành chính lớn gọi là phủ Gia Định. Như vậy, vào cuối thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn đã xác lập được quyền lực của mình tại vùng trung tâm của Nam Bộ, khẳng định chủ quyền của người Việt trên vùng đất mà trên thực tế, chính quyền Chân Lạp chưa khi nào thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của mình.
Sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng diễn ra vào năm 1708, để bảo vệ cư dân vùng đất Hà Tiên lúc đó trước sự tiến công, cướp bóc của người Xiêm La, Mạc Cửu đã xin và được nội thuộc vào triều đình Chúa Nguyễn.
Năm 1858, Pháp xâm lược Việt Nam. Năm 1862, đại diện của Nhà Nguyễn là Phan Thanh Giản và đại diện của Pháp là Đô đốc Bonard đã ký Hiệp ước Nhượng quyền cai quản ba tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp (còn gọi là Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862)). Tiếp đó, năm 1867, Pháp lại đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1874, triều đình Nhà Nguyễn ký tiếp Hiệp ước Nhượng toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp cai quản (còn gọi là Hòa ước Giáp Tuất (năm 1874)).
Về mặt chính trị, Hòa ước Nhâm Tuất (năm 1862) và Hòa ước Giáp Tuất (năm 1874) được ký dưới sức ép và sự đe dọa vũ lực của quân Pháp, thể hiện sự bất lực của Nhà Nguyễn, nhưng về mặt pháp lý, nhất là ý nghĩa pháp lý quốc tế thì hai hiệp ước này lại là bằng chứng về chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ. Pháp không thể ký kết một hiệp ước chia cắt một phần lãnh thổ của một quốc gia nếu quốc gia kết ước không có chủ quyền đối với vùng lãnh thổ đó.
Khi triều đình Nhà Nguyễn buông ngọn cờ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thì Nhân dân Việt Nam đã không tiếc xương máu, đồng lòng, chung sức đứng lên đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, cứu nước, bảo vệ vùng đất Nam Bộ. Trước sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến và để đối phó với dư luận quốc tế, từ cuối năm 1947 Chính phủ Pháp đã dựng lên “Quốc gia Việt Nam” (Etat du VietNam) do Bảo Đại đứng đầu. Ngày 8-3-1949, Tổng thống Pháp V.Auriol đã ký với Quốc trưởng Bảo Đại Hiệp ước Élysée, theo đó, Pháp chính thức trả lại Nam Kỳ cho quốc gia Việt Nam và công nhận sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Ngay sau sự kiện này, một loạt quốc gia phương Tây, trong đó có Anh và Mỹ đã công nhận quốc gia Việt Nam. Phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiệp ước Élysée được coi là văn kiện có giá trị pháp lý cho việc thu hồi lại vùng đất Nam Kỳ mà trước đó theo các hòa ước năm 1862 và năm 1874 Triều Nguyễn đã ký nhượng cho Pháp.
Về yêu sách của Chính quyền Campuchia đối với vùng đất Nam Bộ, ngày 8-6-1949, Chính phủ Pháp đã gửi một bức thư cho Quốc vương Norodom Sihanouk, trong đó nêu rõ: ““Về pháp lý và lịch sử không cho phép Chính phủ Pháp trù tính các cuộc đàm phán song phương với Campuchia để sửa lại các đường biên giới của Nam Kỳ” vì “Nam Kỳ đã được An Nam nhượng cho Pháp theo các Hiệp ước năm 1862 và 1874... chính từ triều đình Huế mà Pháp nhận được toàn bộ miền Nam Việt Nam... về pháp lý, Pháp có đủ cơ sở để thỏa thuận với Hoàng đế Bảo Đại việc sửa đổi quy chế chính trị của Nam Kỳ”. Trong bức thư đó Chính phủ Pháp còn khẳng định: “Thực tế lịch sử ngược lại với luận thuyết cho rằng miền Tây Nam Kỳ vẫn còn phụ thuộc triều đình Khmer lúc Pháp tới” và “Hà Tiền đã được đặt dưới quyền tôn chủ của Hoàng đế An Nam từ năm 1715 và kênh nối Hà Tiên với Châu Đốc được đào theo lệnh của các quan An Nam từ nửa thế kỷ trước khi chúng tôi đến””(7)
Với bức thư trên, Pháp không chỉ thừa nhận một thực tế lịch sử chứng tỏ người chủ thực sự của vùng đất Nam Bộ là Nhà nước Việt Nam mà còn nêu lại một lần nữa cơ sở pháp lý khẳng định vùng đất Nam Bộ là thuộc chủ quyền của Việt Nam từ trước khi Pháp đặt chân đến Nam Kỳ.
Trên lĩnh vực tôn giáo, người Khmer với Phật giáo Nam tông ở khu vực Tây Nam Bộ từ lâu đã bị các thế lực phản động trong và ngoài nước hướng tới với chiêu bài thành lập “Nhà nước Khmer Krôm tự trị”. Chúng lôi kéo đồng bào, các nhà sư sang Campuchia dự ngày lễ “mất đất” (ngày 4-6); mua chuộc, móc nối những người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Tính từ năm 2010 đến nay, trong vùng đồng bào Khmer đã hình thành khoảng 6 hội, nhóm trái pháp luật, với lý do bảo tồn văn hóa dân tộc; giúp đỡ chùa chiền, sư sãi gặp khó khăn; thực hiện các nghi lễ tôn giáo theo đúng truyền thống của Phật giáo Nam tông Khmer... Song, thực chất của việc làm đó là nhằm liên kết các sư sãi, tăng sinh có tư tưởng cực đoan thành một khối để bôi nhọ, hạ uy tín những chức sắc, sư sãi có tư tưởng tiến bộ. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, hiện nay, có trên 1.000 sư sãi Khmer đi tu học nước ngoài; trong đó, có 66 trường hợp bị tổ chức phản động lưu vong KKK đưa đi huấn luyện, đào tạo để chống phá Việt Nam(8). Chúng tuyên truyền, thông tin sai sự thật về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer như: Đồng bào Khmer bị áp bức, không có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo... trên các phương tiện thông tin do chúng lập ra ở nước ngoài (Đài Tiếng nói Kampuchia Krôm (VOKK)...). Một số đài nước ngoài có thái độ thù địch với Việt Nam (như: BBC, RFA, RFI, VOA) đã triệt để sử dụng internet, mạng xã hội để phát tán tài liệu và truyền tải những thông tin xấu, độc, sai sự thật.
Như vậy, từ những chứng cứ khảo cổ học, lịch sử, văn hóa và thực tiễn cho thấy, vùng đất Nam Bộ là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ thể hiện rõ những luận cứ khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế, chứng minh quá trình xác lập, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng đất Nam Bộ. Lịch sử cũng khẳng định công lao to lớn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vùng đất Nam Bộ suốt từ thế kỷ XVII đến nay. Điều này phù hợp với nguyên tắc tôn trọng nguyên trạng, phù hợp với thông lệ và các công ước quốc tế hiện hành. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn được thể hiện trên thực tiễn ở vùng đất có đông đồng bào Khmer khu vực Tây Nam Bộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét