Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Những kẻ bao che, dung túng cho tội phạm khủng bố

 

Những ngày gần đây, trên các trang thông tin, mạng xã hội của các tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối loan tin, ngày 9/10/2024, một số tổ chức nhân quyền quốc tế tổ chức cuộc họp báo tại câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap của Toà án Hình sự Bangkok.

Đây không phải là lần đầu các tổ chức trên can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam cũng như “tẩy trắng” cho các đối tượng liên quan đến hoạt động khủng bố. Bằng cách xuyên tạc bản chất vụ việc theo hướng hoàn toàn khác, thậm chí tới mức hoang đường, họ vu cáo đây là những màn kịch được chính quyền dựng lên để thực hiện “đàn áp dân tộc, tôn giáo” và hành vi khủng bố chỉ là sự phản kháng.

Hoạt động “tẩy trắng” thông tin về vụ khủng bố

Đã hơn một năm trôi qua nhưng nhiều người dân ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ tấn công ngày 11/6/2023 xảy ra tại hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur khiến 9 người thiệt mạng, nhiều người bị thương, phá hủy tài sản của Nhà nước và nhân dân. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đây là hành động khủng bố có tổ chức đã được các đối tượng lên kế hoạch từ trước và có sự chuẩn bị kỹ càng, thực hiện hành vi manh động và man rợ.

Y Quynh Bdap là đối tượng từ lâu đã có nhiều hoạt động kích động, gây rối tại Việt Nam trước khi qua Thái Lan để tị nạn nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Đây cũng là đối tượng thành lập tổ chức “Người Thượng vì công lý” và lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động khủng bố tại Tây Nguyên. Cụ thể, Y Quynh Bdap đã lên kế hoạch từ năm 2017, thông qua việc móc nối, lôi kéo, tuyển mộ lực lượng, chỉ đạo thực hiện vụ tấn công.

Trong quá trình điều tra, chính những đối tượng trực tiếp tham gia vụ tấn công đã khai nhận vai trò của Y Quynh Bdap trong việc chỉ đạo và xúi giục họ thực hiện các hành vi tàn bạo. Hwuen Êban, một trong những kẻ cầm đầu vụ khủng bố và Y Krong Phok, đối tượng tham gia vụ tấn công khủng bố khai nhận từ năm 2017, 2018, Y Quynh Bdap đã giao nhiệm vụ cho họ phải đi tuyên truyền, lôi kéo để tuyển mộ người, chuẩn bị vũ khí cho việc tiến hành khủng bố.

Rõ ràng, với hàng loạt các hành vi như tấn công vào trụ sở chính quyền, đập phá, đốt cháy, gặp bất kỳ ai là bắn, thể hiện qua lời kể của các nhân chứng cũng như lời khai của các đối tượng đã cho thấy rất rõ bản chất tàn ác của những kẻ khủng bố. Sau vụ khủng bố tại Đắk Lắk, họ bôi nhọ chính quyền, cán bộ, kích động người dân bằng cách xuyên tạc bản chất vụ việc theo hướng hoàn toàn khác, thậm chí tới mức hoang đường, xuyên tạc rằng đây là những màn kịch được chính quyền dựng lên để thực hiện đàn áp dân tộc, tôn giáo.

Tuy nhiên, với bản chất chống phá, trên trang mạng xã hội của tổ chức khủng bố Việt Tân, Chân trời mới media, các hãng truyền thông hải ngoại thiếu thiện chí liên tục đưa thông tin xuyên tạc nhằm “tẩy trắng” cho đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap như: “Các nhóm nhân quyền kêu gọi chính quyền Thái Lan không thi hành việc dẫn độ nhà hoạt động Y Quynh Bdap về Việt Nam sau khi ông bị tòa Hình sự Bangkok ra phán quyết dẫn độ theo yêu cầu của Hà Nội”; “Các tổ chức quốc tế thất vọng vì Thái Lan dẫn độ Y Quynh Bdap về Việt Nam”…

Trang tin VOA tiếng Việt đưa thông tin về việc ngày 9/10/2024, trước khi Thái Lan được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2025-2027, giới hoạt động nhân quyền kêu gọi chính quyền nước này không dẫn độ ông Y Quynh Bdap về Việt Nam theo yêu cầu của Hà Nội, còn nếu làm ngược lại sẽ đánh mất lòng tin tại diễn đàn thế giới.

Mới đây, đồng loạt các trang VOA Tiếng Việt, RFI, RFA đều đưa tin một số tổ chức nhân quyền quốc tế đã tổ chức cuộc họp báo tại Câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở Thái Lan (FCCT) để đề cập về phán quyết dẫn độ đối với đối tượng khủng bố Y Quynh của Toà án Hình sự Bangkok… Qua đó, có thể thấy sự ảo tưởng của các tổ chức trên khi can thiệp vào hoạt động tư pháp của các nước nhằm đưa ra yêu cầu, đòi hỏi sai trái, làm cho người đọc hiểu sai về bản chất vụ việc cũng như “tẩy trắng” hành vi khủng bố cho đối tượng trên.

Từ những hành động trên đã lật tẩy âm mưu cơ bản, lâu dài của các đối tượng chống đối trong và ngoài nước đối với vùng đất Tây Nguyên là xuyên tạc, vu cáo Việt Nam đàn áp quyền của người dân tộc thiểu số; tuyên truyền, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc đòi ly khai, tự trị, thành lập cái gọi là “Nhà nước Đê-ga”, tách Tây Nguyên ra khỏi đại gia đình các dân tộc và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; biến địa bàn Tây Nguyên thành khu vực mất ổn định, vùng tự trị, tiến tới thành lập “nhà nước độc lập”. Luận điệu mà các thế lực thù địch liên tục sử dụng để kích động người dân Tây Nguyên là: Tuyên truyền “đất Tây Nguyên là của người Thượng”, “người Kinh lấy đất của đồng bào trên chính quê hương của mình”…

Đây không chỉ là luận điệu cố tình phủ nhận chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước mà còn nhằm chia rẽ mối đoàn kết giữa người Kinh với người dân tộc thiểu số, tạo ra các vụ đòi đất, biểu tình, bạo loạn, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời các tổ chức trên còn triệt để xuyên tạc để hình thành và khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Thượng, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập đấu tranh, gây rối, biểu tình. Lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng “bài Kinh” ly khai, tự trị.

Trên phương diện quốc tế, các tổ chức quốc tế tự xưng nhân quyền, các tổ chức phản động lưu vong và các đối tượng xấu triệt để lợi dụng Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị để tuyên truyền xuyên tạc. Lợi dụng các diễn đàn quốc tế vu cáo Việt Nam “đàn áp, diệt chủng người dân tộc ở Tây Nguyên”, kêu gọi nước ngoài can thiệp, gây sức ép ngoại giao với Việt Nam. Đồng thời, tạo hiệu ứng Domino nhằm kích động, lừa gạt sự nhẹ dạ, cả tin của đồng bào dân tộc thiểu số ở những khu vực khác hình thành nhiều “điểm nóng xung đột”, gây mất ổn định chính trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ việc hình thành các điểm nóng trong nước, tạo cơ sở cho các đối tượng kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình nội bộ của Việt Nam và làm suy giảm uy tín của Việt Nam với các nước và cộng đồng quốc tế.

Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng gây ra vụ khủng bố ở Đắk Lắk.

Bao che, dung túng cho tội phạm khủng bố là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Tội phạm khủng bố trong vài thập niên gần đây đã trở thành vấn đề quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển của cả thế giới. Đây là nguy cơ đe dọa an ninh phi truyền thống, có khả năng lan truyền rộng rãi, được hình thành bởi rất nhiều nguyên nhân: Từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, cực đoan về dân tộc, sắc tộc, đến đói nghèo, bệnh tật, bất bình đẳng, phân hóa, xung đột xã hội hay tranh giành quyền lực, tranh giành địa chính trị và các nguồn tài nguyên. Khủng bố còn có thể là hệ quả quá trình thực thi chính sách quản lý xã hội thiếu sáng suốt, gây chia rẽ các nhóm xã hội ở các quốc gia và cũng có thể bắt nguồn từ chiến tranh.

Tội phạm khủng bố là một thách thức an ninh đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Đến nay, Liên Hợp quốc đã thông qua 16 điều ước đa phương về chống khủng bố (công ước, nghị định thư). Trong đó, có Công ước quốc tế về chống tài trợ khủng bố ngày 9/12/1999; nghị quyết số 1373 ngày 28/9/2001 về chống khủng bố và tài trợ khủng bố và nhiều quy định khác. Trong đó quy định nêu rõ: Các quốc gia phải có nghĩa vụ phòng ngừa ngăn chặn hoạt động khủng bố và tài trợ cho hoạt động khủng bố; nghiêm cấm bất kỳ cá nhân, tổ chức nào trong lãnh thổ của họ nỗ lực thực hiện tạo điều kiện về tài chính hoặc tham gia chỉ đạo, tiến hành các hành động khủng bố. Các quốc gia tham gia có nghĩa vụ: Bảo đảm rằng bất cứ người nào tham gia vào việc tài trợ, lập kế hoạch, chuẩn bị, gây ra các hành động khủng bố hoặc hỗ trợ các hành động khủng bố phải bị đưa ra xét xử…

Ngày 22/6/2023, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận và thông qua văn kiện rà soát lần thứ 8 việc thực hiện chiến lược chống khủng bố. Nghị quyết tái khẳng định chiến lược cùng 4 trụ cột, tầm quan trọng của việc thực hiện cân bằng và kết hợp tất cả trụ cột. Tham dự và phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc khẳng định, việc thông qua văn kiện thể hiện thông điệp thống nhất và mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, không chấp nhận chủ nghĩa khủng bố dưới bất cứ hình thức nào.

Đối với vụ việc xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk ngày 11/6/2023, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, đây là hành vi khủng bố có tổ chức nhằm vào trụ sở cơ quan nhà nước, sát hại cán bộ và dân thường. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện hoặc đứng sau sẽ bị xử lý tương xứng với mức độ vi phạm. Đồng thời tái khẳng định lập trường của Việt Nam, phù hợp với các văn kiện của Liên hợp quốc có liên quan, lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, do bất kỳ ai thực hiện, xảy ra ở đâu và vì bất kỳ mục đích gì.

Nhà nước Việt Nam ta luôn tôn trọng luật pháp quốc tế về phòng, chống khủng bố, tích cực hỗ trợ các nước trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các tổ chức tội phạm khủng bố quốc tế, bảo vệ các quyền tự do, lợi ích chính đáng của công dân nhưng cũng kiên quyết trừng trị những đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để tiến hành các hoạt động khủng bố, xâm hại, đi ngược lại lợi ích của người dân, lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí tại Hà Nội ngày 24/7/2023, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nêu rõ: “Tôi xin khẳng định rằng, Mỹ không chấp nhận những gì đã xảy ra tại Đăk Lăk, cũng như phản đối bạo lực dưới mọi hình thức. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình những người bị hại, đồng thời lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất với việc sử dụng bạo lực để đạt mục đích”.

Ngày 31/7/2024, báo Bangkok Post dẫn lời ông Chai Wacharonke, Phát ngôn viên của Chính phủ Thái Lan khẳng định, Chính phủ Thái Lan sẽ không can thiệp vào tiến trình tố tụng liên quan đến đối tượng Y Quynh Bdap. Đây là câu trả lời rõ ràng trước những đòi hỏi phi lý của các tổ chức nhân danh nhân quyền, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài, các đối tượng chống đối bất chấp luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh quốc gia, khu vực về việc trả tự do cho đối tượng khủng bố Y Quynh Bdap sẽ không bao giờ được chấp nhận.

Khi cả thế giới đều lên án hành vi khủng bố thì không có lý do gì các tổ chức quốc tế mang danh nghĩa nhân quyền, các tổ chức, cá nhân khác lại có hành động ủng hộ cũng như can thiệp, bao che cho đối tượng khủng bố. Vì vậy, việc phối hợp trong dẫn độ đối tượng khủng bố đang lẩn trốn ở nước ngoài của Việt Nam được thực hiện theo các công ước quốc tế, nghị quyết của Liên hợp quốc về chống khủng bố và Việt Nam và các quốc gia trên tham gia, ký kết.

Cho nên, các tổ chức quốc tế mang danh nghĩa nhân quyền cần chấm dứt ngay các hành động lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Việt Nam, hành động cản trở đó đã và đang trở thành hành vi đồng loã, bảo trợ cho các đối tượng khủng bố. Công lý phải được thực thi, kẻ phạm tội phải bị trừng trị thích đáng, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền bao che, “tẩy trắng” cho các đối tượng khủng bố./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét