BẢO ĐẢM CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC BỊ ẢNH HƯỞNG SAU SẮP XẾP, TINH GỌN BỘ MÁY
Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai với tinh thần chủ động, khẩn trương, hiệu quả ngay trong thực tế. Trong một số bài viết, bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm luôn nhấn mạnh, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho nhân dân, cho đất nước vì đã nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, nhất là từ Đại hội XII đến nay.
Điều đó cho thấy Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. Đây thật sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức.
Tổng Bí thư yêu cầu, từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, không để phát sinh phức tạp.
Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới.
Cùng với tinh gọn bộ máy cơ quan đảng, Nhà nước, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng được tiến hành đồng thời tại nhiều địa phương. Tại tỉnh Bắc Giang, ngay sau khi Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/9/2024, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025 được ban hành, mọi công tác chuẩn bị được cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, cụ thể, rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm.
Các đơn vị sau sắp xếp đi vào hoạt động ngay từ ngày 1/1/2025. Trong quá trình triển khai, Tỉnh ủy Bắc Giang nhận định, đây là chủ trương lớn của Đảng, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Xác định rõ là nhiệm vụ khó, nhạy cảm, phức tạp, với tinh thần “chỉ bàn làm không bàn lùi”, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất, hành động khẩn trương, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu và sự đồng thuận của nhân dân.
Theo quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Bắc Giang sắp xếp lại 4 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó, nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang; sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động; sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 17 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập 13 phường thuộc thành phố Bắc Giang, 5 phường thuộc thị xã Chũ; 2 thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn. Sau sắp xếp, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 192 đơn vị hành chính cấp xã.
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, điều được cán bộ, công chức quan tâm đó là phương án bố trí và chế độ bảo đảm quyền lợi của những người bị ảnh hưởng. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị hành chính, đội ngũ lãnh đạo quản lý và cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã là việc làm cấp thiết, được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, chủ động thực hiện.
Với tinh thần không chờ đợi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/TU ngày 3/6/2024, trong đó nêu rõ, ưu tiên cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo, hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp thấp hơn lúc chưa sắp xếp, có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và còn thời gian công tác tối thiểu 30 tháng (tính đến thời điểm nghỉ hưu) được ưu tiên khi giới thiệu bầu, bổ nhiệm vào chức vụ đã giữ lúc chưa sắp xếp, hoặc các chức vụ tương đương.
Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý được hưởng nguyên phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm hoặc nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đó...
Về phương án giải quyết chính sách cán bộ, công chức, viên chức dôi dư có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ. Theo đó, ngoài hưởng các chế độ theo quy định của Trung ương, người lao động có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc còn được hưởng chính sách của địa phương, mức một phần hai tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi tháng nghỉ hưu trước tuổi, tối đa không quá 200 triệu đồng/người.
Người thôi việc được hỗ trợ một phần hai tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi tháng làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và được hỗ trợ một lần tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức lương hiện hưởng đến khi đủ 20 năm (phần Nhà nước đóng); tối đa không quá 200 triệu đồng/người.
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Bắc Giang được điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn, được hưởng mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng-7 triệu đồng/người/tháng. Người được điều động hưởng hỗ trợ 5 năm. Người được biệt phái hưởng hỗ trợ theo thời gian biệt phái.
Với sự quan tâm, chia sẻ kịp thời, công bằng và minh bạch, việc sắp xếp đơn vị hành chính tại tỉnh Bắc Giang đã diễn ra thuận lợi, bảo đảm kế hoạch đề ra. Quá trình đó ghi nhận sự đồng tình, ủng hộ, thống nhất rất cao của cán bộ, công chức, nhân dân trong tỉnh. Thời điểm này, các địa phương sau điều chỉnh địa giới đã đi vào hoạt động ngay, nhanh chóng ổn định để kịp thời chuẩn bị các điều kiện phục vụ đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng./.
Nhân dân