Thêm một luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin
Chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăng ghen sáng lập
vào giữa thế kỷ XIX, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được V.I.Lênin phát
triển thành chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đó đến nay, thế giới đã trải qua biết bao
biến cố thăng trầm, quanh co, phức tạp, song đời sống xã hội vẫn không nằm
ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Khẳng định giá trị, sức
sống của chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời, bên cạnh việc bảo vệ, phát triển chủ
nghĩa Mác – Lênin, còn phải đấu tranh phê phán các quan điểm xuyên tạc, phủ
nhận chủ nghĩa Mác – Lênin được phát tán trên mạng xã hội, kiểu như bài
viết của Nguyên Anh đăng trên trang “Quyenduocbiet. com”, với tiêu đề “Bọn tâm thần hoang tưởng tự sướng “Mác –
Lê”.
Thực tế cho thấy, trong quá trình xây dựng và
phát triển học thuyết của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phải đấu tranh chống lại
các quan điểm, duy tâm, siêu hình, các quan điểm giáo điều, xét lại. Đồng thời,
trình bày quan điểm chính diện của mình, phát triển, hoàn thiện học thuyết của
mình. Có thể nói, thông qua đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ, phát triển
chủ nghĩa Mác là tính
quy luật trong sự tồn tại của chủ nghĩa
Mác. Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, V.I.
Lênin đã kiên quyết đấu tranh, kịch liệt phê phán những quan điểm cơ hội, xét
lại, đồng thời vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào thực tiễn nước Nga,
Lênin và Đảng Bônsêvích đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến
hành cuộc Cách mạng tháng Mười vĩ đại, mở ra thời đại mới trong sự phát triển
của loài người – thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới.
Trong thời đại ngày nay, chủ nghĩa Mác – Lênin
vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử
mà không một học thuyết nào cũng có thể thay thế được. Sức sống của chủ nghĩa
Mác – Lênin được thể hiện ở chỗ nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi
của nhân loại. Nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc
lột, bất công, tha hóa. Thời đại ngày nay có nhiều nội dung, đặc điểm rất mới
so với thời C.Mác và V.I.Lênin sống và hoạt động. Song, các giá trị bền vững
trong tư tưởng, quan điểm và phương pháp của Mác, Ăngghen, Lênin đã và đang là
lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay,
chủ nghĩa Mác – Lênin đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận
dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thời
đại. Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho
cách mạng.
Thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại
xâm, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu trong công cuộc
đổi mới, xây dựng CNXH gần 40 năm qua đã khẳng định sức sống, ý nghĩa thời đại
của chủ nghĩa Mác – Lê nin đối với cách mạng Việt Nam.
Trong công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được
những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về nhận thức lý luận và thực
tiễn. Nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ
hơn, ngày càng được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội Đảng trên cơ sở lý
luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin và thực tiễn biến đổi của tình hình thế giới.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi chủ nghĩa
Mác – Lênin là “chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”.
Người coi chủ nghĩa Mác – Lênin là “cái cẩm nang thần kỳ”, “mặt trời chói lọi” soi sáng con đường cách
mạng Việt Nam. Vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn yêu cầu “phải nắm vững, vận
dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí
Minh” trong tình hình mới.
Như vậy, có thể khẳng định, quan điểm của Nguyên
Anh mới là hoang tưởng, phi lý và phiến diện, còn chủ nghĩa Mác – Lênin là khoa
học và cách mạng, có giá trị và sức sống bền vững, trường tồn. Do đó, các tổ
chức, lực lượng tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải
thường xuyên trau dồi, nâng cao tri thức khoa học, bản lĩnh chính trị, kỹ năng
nhận diện và đấu tranh trên các mặt trận tư tưởng, lý luận; thường xuyên bám
sát thực tiễn của cuộc đấu tranh, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực
thù địch xuyên tạc lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét