Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh - Từ góc độ quản lý nhà nước

Kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh là một tất yếu khách quan, một nội dung quan trọng trong đường lối phát triển đất nước của Đảng ta, nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thực tế phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) cho thấy không phải mọi lúc, mọi nơi, sự kết hợp này được bảo đảm. Vì vậy, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách cũng như tổ chức thực hiện nhằm kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Tác động qua lại của kinh tế thị trường đối với quốc phòng, an ninh Quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN có tác động hai mặt đến việc củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước. Về tác động tích cực: Thứ nhất, tiềm lực quốc phòng, an ninh của một quốc gia phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển kinh tế của quốc gia đó. Kinh tế phát triển tạo nền tảng vật chất, kỹ thuật, công nghệ và nhân lực cho quốc phòng, an ninh. Khi kinh tế phát triển, nguồn vốn tích lũy, nguồn thu ngân sách không ngừng được tăng lên chính là điều kiện để phát triển đất nước về mọi mặt. Từ đó, góp phần củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kinh tế phát triển gắn với đổi mới kỹ thuật, công nghệ là cơ sở để đổi mới kỹ thuật, công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, sản xuất ra các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật phục vụ quốc phòng, an ninh. Kinh tế phát triển cũng là cơ sở để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tăng cường cho các lực lượng vũ trang. Thứ hai, phát triển KTTT góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, từ đó củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường ổn định xã hội và tiềm lực quốc phòng, an ninh. Khi cuộc sống về mọi mặt của người dân được nâng cao, tiến bộ, công bằng, dân chủ được tăng cường thì người dân, các lực lượng xã hội yên tâm, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vững vàng trước sự lôi kéo, xúi bẩy, kích động của các thế lực thù địch. Cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có cơ hội phát triển toàn diện của nhân dân là nền tảng chính trị vững chắc để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Thứ ba, KTTT phát triển khơi thông các tiềm lực kinh tế, tác động đến việc tăng cường sức mạnh của lực lượng quân đội và công an cả về vật chất và tinh thần. Về vật chất, kinh tế phát triển, đời sống của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và gia đình họ sẽ được cải thiện và nâng cao, là cơ sở để nâng cao năng lực thể chất và trí tuệ mọi mặt của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Về tinh thần, kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân, trong đó có gia đình cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang được cải thiện, giúp cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ quân đội, công an; đồng thời, tạo cơ hội để họ tập trung vào công tác huấn luyện, rèn luyện, học tập nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đủ kiến thức và kỹ năng làm chủ các phương tiện, vũ khí, khí tài hiện đại, nâng cao sự sẵn sàng, khả năng chiến đấu và chiến thắng. Thứ tư, KTTT gắn với việc mở cửa, hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong nước thông qua phát huy các lợi thế, tạo tiền đề vật chất cho tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đồng thời, mở cửa, hội nhập quốc tế tạo sự hiểu biết, sự gắn kết và ràng buộc lẫn nhau về lợi ích kinh tế, đầu tư, thương mại, hạn chế nguy cơ chiến tranh. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập quốc tế đặt ra khả năng và yêu cầu khách quan liên kết các quốc gia trong các thể chế khu vực và toàn cầu. Chủ động hội nhập quốc tế theo yêu cầu phát triển của KTTT, sự tham gia có trách nhiệm vào hoạt động của các tổ chức quốc tế, bên cạnh mở rộng quan hệ kinh tế và ngoại giao song phương, còn góp phần củng cố thế và lực của đất nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phát triển KTTT cũng có những tác động tiêu cực đến tiềm lực quốc phòng, an ninh đất nước, cụ thể: Một là, phát triển KTTT dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội. Đây là một tất yếu do có sự hoạt động và phát huy tác dụng của các quy luật kinh tế khách quan. Sự phân hóa giàu nghèo làm phát sinh những biểu hiện tiêu cực, bất mãn - cơ hội, điều kiện để các thế lực thù địch, tội phạm có thể lợi dụng để dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, kích động người dân gây tình huống phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ảnh hưởng xấu tới việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Hai là, phát triển KTTT tác động đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang. Kinh tế thị trường tạo điều kiện cho mọi cá nhân trong xã hội làm giàu hợp pháp và đang có nhiều người, bằng tài năng, sức lực và nguồn lực của mình trở nên giàu có. Nhưng cũng có không ít cá nhân làm giàu bất chính và một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác có hành vi tham nhũng, nhận hối lộ, có nhiều tài sản bất hợp pháp. Điều này tác động đến nhận thức chính trị, tư tưởng, tình cảm, tâm lý, đạo đức của mỗi con người trong đó có cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, đặc biệt là đối với những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba là, đầu tư và thương mại quốc tế bên cạnh những kết quả tích cực mang lại cho nền kinh tế cũng có những tác động tiêu cực tới lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Thông qua con đường hợp tác đầu tư, thương mại, các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng để thâm nhập vào trong nước, móc nối với các nhân vật bất mãn, phản động, tổ chức các hoạt động chống phá. Cũng thông qua hoạt động đầu tư, thương mại, các thế lực thù địch tìm cách mua chuộc, khống chế cán bộ, công chức trong các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước để cung cấp cho chúng các thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh, phục vụ âm mưu phá hoại, lật đổ. Thông qua đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, nghệ thuật... để truyền bá tư tưởng, văn hóa độc hại, thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình. Thực trạng kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh - Từ góc độ quản lý nhà nước Từ yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đạt được những kết quả khá toàn diện. Trong xây dựng thể chế, Nhà nước đã ban hành hệ thống thể chế phát triển KTTT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để giải phóng năng lực sản xuất trong xã hội, khai thác tiềm năng đất nước đi đôi với thu hút vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài, giúp nền kinh tế có những chuyển biến hết sức to lớn. Tăng trưởng GDP trung bình hằng năm của nước ta giai đoạn 2016 - 2019 đạt trên dưới 7%, mức cao trên thế giới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được phát triển. Đây là những điều kiện thuận lợi để Đảng, Nhà nước đầu tư toàn diện cho lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt, từ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đến con người nhằm củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và bộ máy quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh ở Trung ương và địa phương được kiện toàn với các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với công tác quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật An ninh quốc gia, trong đó, xác định rõ nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước về quốc phòng trong thời bình và thời chiến theo nhiệm vụ được giao; thực hiện việc kết hợp chặt chẽ quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch của bộ, ngành, lĩnh vực được giao phụ trách; bảo vệ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia; bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trung và dài hạn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội luôn được nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện trong mối quan hệ với chiến lược quốc phòng, an ninh. Đây là bước tiến quan trọng, thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm của Đảng, nhất là những tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản quy phạm pháp luật - cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cũng là căn cứ để chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong hoàn thiện các chính sách phân phối thu nhập, lĩnh vực văn hóa - xã hội, Nhà nước chủ động giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; hạn chế một phần sự phân hóa giàu nghèo cũng như khoảng cách về mức sống và cơ hội phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc, giữa nông thôn và thành thị. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và gia đình họ được đặc biệt quan tâm để cán bộ, chiến sĩ yên tâm phục vụ và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cơ chế, chính sách phát triển khoa học - công nghệ và môi trường không chỉ nhằm nâng cao trình độ công nghệ, cải thiện năng suất lao động mà còn ưu tiên cho các mục tiêu hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng quân đội và công an, đặc biệt là trình độ phòng vệ quốc gia trước các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống (chiến tranh mạng, vũ khí sinh học, hóa học, ô nhiễm môi trường...). Trong triển khai các chính sách hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước chủ động đưa nền KTTT mà Việt Nam xây dựng trở thành một bộ phận hữu cơ của nền KTTT thế giới, “kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại”, “hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới”(1), tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực chung của thế giới để phát triển. Các chính sách hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường để, một mặt, phát triển nhanh và bền vững kinh tế của đất nước; mặt khác, tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường gắn bó lợi ích kinh tế, quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa nước ta với các nước trên thế giới, góp phần hình thành trật tự thế giới mới theo xu hướng bảo đảm an ninh, hòa bình chung cho phát triển, bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Đồng thời, trên cơ sở quan hệ hợp tác về đầu tư và thương mại, có chính sách lựa chọn các đối tác hợp tác về quốc phòng, an ninh để tăng cường vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ quốc phòng, an ninh hiện đại và đào tạo nhân lực, phục vụ hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Sự kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh trong chiến lược phát triển kinh tế được thể hiện ngay trong việc hoạch định mục tiêu phát triển quốc gia, trong huy động nguồn lực, trong lựa chọn và thực hiện các giải pháp chiến lược. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn chưa xác định cụ thể các giải pháp để tổ chức thực hiện. Vì vậy, một số quy hoạch, kế hoạch, dự án kinh tế, một số khu kinh tế, khu công nghiệp được bố trí ở các địa bàn không bảo đảm yêu cầu của chiến lược quốc phòng, an ninh. Mặt khác, khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế, các cơ quan ở Trung ương và địa phương dành sự quan tâm chủ yếu đến phương diện lợi ích kinh tế, chưa xem xét đầy đủ tác động của các dự án đó đến vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nguyên nhân của hạn chế này xuất phát từ việc cán bộ, công chức một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; không nắm vững các yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh trong xây dựng một số dự án đầu tư. Còn các cơ quan có trách nhiệm phối hợp thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư do thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực, hoặc do cả hai nguyên nhân trên, không phát hiện được những nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án đầu tư đó đối với quốc phòng, an ninh. Không loại trừ khả năng, vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của ngành, địa phương, hoặc bị mua chuộc, mà cơ quan hoặc công chức chủ trì xây dựng, thẩm định dự án, công chức có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án đã cố tình bỏ qua các nguy cơ tác động tiêu cực của dự án đối với quốc phòng, an ninh đất nước. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc xây dựng thể chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực gắn với quốc phòng, an ninh chưa chặt chẽ. Cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chỉ tập trung nỗ lực để kinh tế địa phương tăng trưởng, tăng nguồn thu mà chưa thật sự chú trọng đến vấn đề quốc phòng, an ninh. Quan điểm và giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước để tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh Để phát huy những tác động tích cực, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của phát triển KTTT đối với quốc phòng, an ninh, kết hợp hài hòa và bảo đảm thực hiện thành công hai mục tiêu chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần có một hệ thống các quan điểm, giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp đặc biệt quan trọng là hoàn thiện công tác quản lý nhà nước. Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với nền KTTT, đáp ứng yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, cần xuất phát từ quan điểm chủ đạo của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và được hoàn thiện qua các kỳ đại hội Đảng. Đại hội XII của Đảng xác định mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(2). Đồng thời, cần quán triệt một số quan điểm sau: Một là, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các văn kiện đại hội Đảng nêu bật nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh. Đây là nguyên tắc cơ bản, quy định chức năng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, từ việc xây dựng, hoạch định đ­ường lối, chủ trương chiến lược về quốc phòng, an ninh đến tổ chức thực hiện. Hai là, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia có mối quan hệ biện chứng, tác động, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đây là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới. Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để tạo môi trường, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ngược lại, mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ tạo điều kiện vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Ba là, hệ thống pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh phải đồng bộ, hiệu quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, Nhà nước cần phải có một hệ thống pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và pháp luật, chính sách về quốc phòng, an ninh đồng bộ; được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống. Bốn là, thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng, an ninh mang tính chất hòa bình, tự vệ. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng vũ trang và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Trên cơ sở quán triệt quan điểm chủ đạo và các quan điểm nêu trên, trong thời gian tới, để tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau: Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, ngành, địa phương gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh một cách phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ trong tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế làm nguy hại đến tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTT, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến kết hợp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh đều phải được thể chế hoá thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất để quản lý và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong cả nước. Cơ chế, chính sách bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh cần được xây dựng theo quan điểm quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Việc phân bổ ngân sách đầu tư cho kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh theo hướng tập trung cho những mục tiêu chủ yếu, những công trình có tính lưỡng dụng cao đáp ứng cả cho phát triển kinh tế  - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư có các đề tài khoa học, các dự án công nghệ có ý nghĩa lưỡng dụng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ ba, hoàn thiện chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới. Muốn kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước một cách cơ bản và thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phải tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể quốc gia, các quy hoạch và kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đây cần được coi là một trong những căn cứ quan trọng hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Trong hoàn thiện chiến lược tổng thể, quy hoạch, kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thời kỳ mới, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực (cả bên trong và bên ngoài), trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và đề ra các giải pháp chính sách, như: Chính sách khai thác các nguồn lực; chính sách đầu tư và phân bổ đầu tư; chính sách điều động nhân lực, bố trí dân cư; chính sách ưu đãi khoa học và công nghệ lưỡng dụng. Thứ tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Trước hết, mỗi ngành, mỗi cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ(3); đồng thời, nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới (sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ; sự xuất hiện của các vấn đề quốc phòng, an ninh phi truyền thống). Xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ở ngành, địa phương, cơ sở. Đổi mới phương pháp quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến công tác nắm tình hình, thu thập xử lý thông tin, định hướng hoạt động, tổ chức hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra ở mọi khâu, mọi bước của quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội. Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo quản lý các cấp. Căn cứ vào đối tượng bồi dưỡng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để chọn lựa nội dung, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp và thiết thực nhằm nâng cao cả kiến thức, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn sát với cương vị đảm nhiệm với từng loại đối tượng cán bộ. Kết hợp bồi dưỡng kiến thức lý luận với thực hành thông qua các cuộc diễn tập thực nghiệm, thực tế ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở để nâng cao hiểu biết và năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ và của toàn dân, toàn quân về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Thứ sáu, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh các cấp. Cần nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh nói chung và về kết hợp phát triển kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng. Kết hợp giữa chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức với chăm lo bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu về thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới./. (Nguồn: Tạp chí Cộng sản) ------------------------------ (1) Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 33 (3) Nghị định số 119/2004/NĐ-CP, ngày 11-5-2004, của Chính phủ, Về công tác quốc phòng ở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương

Những nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay

Thực trạng, số lượng, cơ cấu, tiêu chí đánh giá, các yếu tố tác động đến giai cấp công nhân rất đa dạng, phong phú, đan xen nhiều chiều. Căn cứ vào đó có thể đưa ra một số nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay. Thực trạng của giai cấp công nhân hiện nay Số lượng giai cấp công nhân (GCCN) hiện nay có nhiều số lượng tương đối khác biệt do tiêu chí, quy mô và cách đánh giá của mỗi chủ thể nghiên cứu. Năm 2012, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, thế giới đã có 1.000 triệu công nhân. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2014 khẳng định, trên thế giới hiện có 1.540 triệu “công nhân làm công ăn lương” (salaried workers) trong tổng số gần 3.300 triệu người lao động của thế giới hiện nay. Cũng theo ILO, dự báo về số lượng nhóm này, năm 2018 sẽ là 1.702 triệu người(1). Cũng có một phân tích khác đưa ra số liệu tương đương: “Khi C. Mác viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, năm 1848, trên thế giới chỉ có khoảng 10 - 20 triệu công nhân, tương đương chiếm 2% - 3% số dân toàn cầu và chỉ trong vài lĩnh vực có máy móc. Đến đầu thế kỷ XX, toàn thế giới có 80 triệu công nhân. Năm 2013, lần đầu tiên trong lịch sử có đa số cư dân tham gia vào lực lượng lao động và là người lao động ăn lương. Hiện nay có khoảng 1,6 tỷ người lao động ăn lương, tăng thêm 600 triệu kể từ giữa những năm 1990, hơn 1 tỷ trong số đó là công nhân”(2). Số liệu về số lượng công nhân có thể khác nhau đôi chút, nhưng nhận thức chung là sự tăng lên mạnh mẽ của lao động công nghiệp trên thế giới trong vài thập niên gần đây. Tỷ lệ lao động bằng phương thức công nghiệp hiện nay chiếm trên 60% số lao động toàn cầu. Quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu phát triển văn minh (toàn cầu hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa cuộc sống...) là những nguyên nhân của hiện tượng này. Cơ cấu của GCCN hiện nay khá đa dạng, đang chuyển biến mạnh theo hướng hiện đại hóa và được tiếp cận theo những tiêu chí đánh giá sau: Một là, cơ cấu nghề nghiệp của công nhân hiện nay vô cùng đa dạng và chưa ngừng lại ở những nghề hiện có. Năm 1893, Ph.  Ăng-ghen quan niệm: “Khi tôi nói “công nhân”, tôi có ý nói người lao động của tất cả mọi giai cấp. Người tiểu thương bị các hãng buôn lớn lấn gạt, viên chức văn phòng, thợ thủ công, công nhân thành thị và công nhân nông nghiệp bắt đầu cảm thấy ách áp bức của chế độ tư bản chủ nghĩa hiện nay ở nước chúng tôi”(3). Như vậy, quan niệm “giai cấp công nhân” đã được lý luận mở rộng rất nhiều, không chỉ có những người trực tiếp hoặc gián tiếp vận hành công cụ lao động có tính chất công nghiệp nữa, mà còn là tất cả những người lao động trong chế độ tư bản. Theo một nghiên cứu, hiện nay trên thế giới có khoảng 23.000 nghề nghiệp liên quan đến máy móc và phương thức lao động công nghiệp; và dự đoán rằng, đến giữa thế kỷ XXI sẽ có thêm khoảng 10.000 nghề nghiệp mới, chủ yếu là ở lĩnh vực dịch vụ(4). Một nghiên cứu gần đây của Ê-ríc Ô-lin Rai (Erik Olin Wright) một nhà xã hội học mác-xít (1947  - 2019) đã lập một mô hình cơ cấu giai cấp theo nghề nghiệp, gồm 9 nhóm khác nhau, dựa vào trình độ, kỹ năng và thẩm quyền. Hai là, cơ cấu công nhân theo lĩnh vực hoạt động. Giai cấp công nhân hiện nay lao động trên 3 lĩnh vực cơ bản là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Mặc dù đang có sự dịch chuyển lao động giữa các lĩnh vực nhưng xu hướng chung là nhóm lao động ở lĩnh vực dịch vụ tăng mạnh, số lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp giảm nhẹ. Số liệu của ILO về so sánh tỷ trọng lao động trong các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI cho thấy rõ điều đó. Cơ cấu công nhân lao động trong các ngành nghề tại các nước công nghiệp phát triển (G7) trong những năm đầu thế kỷ XXI biến động chủ yếu cũng theo chiều hướng tăng lao động ở nhóm dịch vụ, giảm lao động ở nhóm công nghiệp và nông nghiệp. Ở các nước phát triển, chẳng hạn ở Bắc Âu, xu hướng này có nhỉnh hơn: Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng lao động dịch vụ chiếm khoảng 70%; công nghiệp khoảng 25% và nông nghiệp từ 3% đến 5% lao động. Cơ cấu lao động của Đan Mạch: 4% số dân làm việc trong khu vực nông - lâm nghiệp, 24% trong công nghiệp và xây dựng, 72% số dân làm việc trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó 31% là dịch vụ công và 41% là dịch vụ tư nhân. Ba là, cơ cấu của GCCN xét theo trình độ công nghệ hiện nay được nhìn nhận là đa dạng và không đồng đều. Các nghiên cứu về trình độ công nghệ của công nhân thường xét theo khả năng tiếp cận các cuộc cách mạng công nghiệp, cách tính toán thường là công nghiệp 2.0; 3.0 hoặc tiệm cận 4.0. Cũng có những đánh giá trình độ công nghệ của công nhân theo đặc tính của kỹ thuật của từng ngành công nghiệp mà họ đang hoạt động, ví dụ: “công nghệ in offset” và “công nghệ in kỹ thuật số”. Nhìn chung, công nghệ mà công nhân trên thế giới hiện đang sử dụng là một “dải khá rộng” được mô tả bằng “cây phả hệ công nghệ đa tầng”, hàm ý là ở nhiều trình độ, phát triển vốn theo quy luật không đều và sự phát triển của GCCN hiện nay cũng vẫn tuân theo quy luật đó. Bốn là, cơ cấu GCCN dựa theo trình độ phát triển kinh tế thường được giới nghiên cứu phân tích theo 2 nhóm nước là nước phát triển và nước đang phát triển. Hiện có 408 triệu công nhân trong các nước phát triển và số còn lại (khoảng hơn 1.100 triệu) là ở các nước đang phát triển. Trình độ phát triển kinh tế, trình độ công nghệ thường tỷ lệ thuận với năng suất lao động đạt được. Công nhân của các nước phát triển có năng suất lao động cao hơn so với các nước đang phát triển. Năm 2017, ILO xếp hạng năng suất lao động thông qua so sánh việc tạo ra giá trị mới của 1 lao động/năm ở một số nước phát triển: Công nhân Mỹ tạo ra 63.885USD/người/năm; công nhân Ai-len là 55.986USD/người/năm; công nhân Bỉ là 55.235 USD/người/năm; công nhân Pháp là 54.609USD/người/năm... Năm là. cơ cấu GCCN theo chế độ xã hội là cách tiếp cận theo chế độ chính trị. Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác, có mối quan hệ biện chứng giữa công nhân, công nghiệp và chủ nghĩa xã hội (CNXH) (chế độ chính trị). Chế độ chính trị cũng có thể tác động đến sự phát triển của công nhân và công nghiệp. Lịch sử cận đại, hiện đại xác định điều đó. Thống kê về GCCN các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) năm 2019 cho thấy: Việt Nam có khoảng 15 triệu; Lào có khoảng gần 0,8 triệu; Cu-ba có gần 3 triệu, Trung Quốc có khoảng 300 triệu công nhân và 270 triệu “nông dân - công” (nhóm xã hội tham gia 2 phương thức và 2 lĩnh vực lao động, có 2 nơi cư trú; là trung giới của quá trình chuyển biến từ nông dân sang công nhân, nhưng chưa hoàn toàn sống bằng thu nhập từ lao động công nghiệp). Một nghiên cứu cho biết: “Đến năm 2002, Trung Quốc có số lượng nhân viên công nghiệp gấp đôi tổng số lượng nhân viên công nghiệp các nước G7 cộng lại”(7). Đặc thù của cơ cấu công nhân ở các nước XHCN là có một bộ phận công nhân thuộc thành phần kinh tế nhà nước. Tính đến năm 2019, bộ phận công nhân ở thành phần kinh tế nhà nước ở tất cả các nước XHCN đều có tỷ lệ nhỏ hơn so với số lượng công nhân ở những thành phần kinh tế khác; Trung Quốc hiện có 120 triệu, Việt Nam có hơn 2 triệu công nhân thuộc nhóm này. “Công nhân nhà nước” gắn liền với thực tiễn của chế độ công hữu XHCN và trong thời gian gần đây, họ tương tác với nền kinh tế thị trường, công nhân ở thành phần kinh tế khác. Theo J.M.  Kên-nơ (Keynes) - tác giả của lý thuyết về vai trò của nhà nước - “bàn tay hữu hình”, họ (tức là công nhân nhà nước) góp phần tạo ra cơ sở vật chất cho sự tăng cường can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế để khắc phục những “thất bại của kinh tế thị trường” và cải thiện sự công bằng(8). Thực tiễn cải cách, đổi mới còn phát hiện thêm trách nhiệm mới của “công nhân nhà nước” là bộ phận tiền phong trong xây dựng CNXH, công cụ điều tiết, can thiệp và định hướng của nhà nước XHCN với cả nền kinh tế. Sáu là, trình độ của GCCN còn được tính theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là trình độ giác ngộ chính trị, ý thức về sứ mệnh lịch sử của mình. Cách tiếp cận này khá phổ biến trong nhiều nghiên cứu của các nước phát triển theo định hướng XHCN hiện nay. Nhận thức chung là, giác ngộ chính trị của công nhân không đồng đều, có biểu hiện bất cập so với yêu cầu của sứ mệnh lịch sử mà họ phải đảm trách. Điều đáng quan tâm là hiện tượng suy giảm tính tích cực chính trị của một bộ phận công nhân trong cơ chế kinh tế thị trường hiện đại đang diễn ra ở nhiều quốc gia. Những nhận thức mới về giai cấp công nhân hiện nay Thứ nhất, quá trình công nghiệp hóa cùng với cải cách, đổi mới đang tạo ra nhiều đặc điểm mới cho GCCN. Tác nhân hàng đầu làm biến đổi GCCN hiển nhiên là các cuộc cách mạng công nghiệp với chu kỳ ngày càng ngắn hơn, yêu cầu đa diện hơn. Trong hơn 100 năm gần đây nhất người ta đã thấy 3 cuộc cách mạng công nghiệp: lần thứ hai, lần thứ ba và lần thứ tư. Trong thế kỷ XX, nhân loại cũng đã tiến hành 2 kiểu công nghiệp hóa là công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa (TBCN) và công nghiệp hóa XHCN. Các cuộc cách mạng công nghiệp với chu kỳ ngày càng ngắn dần: Từ “đại công nghiệp” tức là từ “công nghiệp 1.0” đến “công nghiệp 2.0” mất gần hai thế kỷ; nhưng từ “công nghiệp 2.0” đến “công nghiệp 3.0” chỉ khoảng một thế kỷ; còn từ “công nghiệp 3.0” đến “công nghiệp 4.0” chỉ mất 30 năm! Công nghiệp hóa theo kiểu mới với các đặc trưng: Rút ngắn (diễn ra không tuần tự từ A đến Z mà phải tận dụng lợi thế so sánh của mỗi quốc gia); gắn với hiện đại hóa (sử dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới, đáp ứng những yêu cầu mới về phát triển bền vững về xã hội và môi trường, sinh thái...); nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa được chuẩn bị sớm và kỹ hơn; các yêu cầu ngoài công nghiệp như tính nhân văn, bảo vệ môi trường, sinh thái, tài nguyên cao hơn; và hội nhập thị trường quốc tế cấp thiết hơn... Theo đó, lý luận “GCCN là sản phẩm và chủ thể của đại công nghiệp” đã được bổ sung thêm nhiều nhận thức lý luận mới. Sự phát triển của công nhân gắn liền với hội nhập kinh tế thế giới, chẳng hạn, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu từ lợi thế và chấp nhận hợp tác, hội nhập quốc tế. Quá trình sản xuất hàng hóa công nghiệp của công nhân buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế, đáp ứng những nhu cầu “khó tính” của thị trường... Và kết quả là một sản phẩm công nghiệp được công nhân tạo ra không chỉ là kết quả của công nghệ - kỹ thuật mà còn là sự tích hợp những giá trị kinh tế, xã hội, môi trường. Nhiều nước phát triển đã ứng dụng cơ chế quản lý linh hoạt (FMS) trong công nghiệp để khuyến khích tính linh hoạt, sáng tạo, tối ưu hóa quá trình sản xuất bằng nhiều nguyên tắc, như thường xuyên đổi mới công nghệ, tiết kiệm tối đa năng lượng và vật tư, hạn chế thời gian lưu kho bãi, linh hoạt thời gian và địa điểm làm việc (chế độ làm việc tại nhà). Công nhân hiện đại không còn là “chiếc đinh ốc trong dây chuyền sản xuất TBCN” mà có tính chủ động hơn, tư duy năng động và đa diện hơn. Sự phát triển của GCCN ở “các nước đang chuyển đổi” hiện nay còn là kết quả của sự kết hợp các cơ chế, quy luật của kinh tế thị trường với vai trò của nhà nước và thành phần kinh tế nhà nước; với chính sách đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, dần chuyển dịch mô hình kinh tế từ phát triển “bề rộng” là chủ yếu sang phát triển theo “chiều sâu”. Công nhân không chỉ là sản phẩm của công nghiệp hóa mà còn là kết quả tổng thành của chế độ chính trị và cơ chế kinh tế thị trường. Trình độ làm chủ và sáng tạo công nghệ, tư duy kinh tế thị trường, năng lực tổ chức quản lý của GCCN ở các nước cải cách, đổi mới đều đã có bước tiến lớn. Quan tâm đến lợi ích chính đáng của người lao động, kết hợp hài hòa lợi ích của người lao động với lợi ích của tập thể và lợi ích của xã hội..., vừa là tư duy kinh tế phù hợp, vừa là sự thể hiện tính chất XHCN trong phát triển. Tư duy mới về chính trị có thể thúc đẩy sự phát triển của GCCN. Chế độ XHCN đã tạo ra một chất lượng mới, quy mô và tốc độ mới cho công nghiệp hóa. Ngay trong kiểu công nghiệp hóa này cũng có 2 trình độ là công nghiệp hóa theo mô hình công nghiệp hóa cũ và theo mô hình công nghiệp hóa mới. Hiện nay, cùng với lý luận công nghiệp hóa mới của thế giới và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, các nước XHCN có thể thông qua hợp tác - phân công lao động quốc tế để thực hiện công nghiệp hóa. Chính CNTB cũng cần đến CNXH và tìm đến để hợp tác trong sản xuất toàn cầu. Đổi mới tư duy chính trị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế... là xu thế chung của nhiều quốc gia. Giai cấp công nhân đã xuất hiện với số lượng, chất lượng và diện mạo mới không chỉ từ công nghiệp hóa mà còn từ cải cách, đổi mới. Nhưng quan trọng hơn, là khả năng phát triển, cơ động xã hội của GCCN và các giai cấp khác. Trước đây, như nhận định của một tác giả Trung Quốc: “Nhà nước trao cho GCCN địa vị giai cấp lãnh đạo và thực hiện chính sách phúc lợi toàn xã hội khiến cho GCCN có được địa vị xã hội và kinh tế “trời phú” rất cao, ở vào vị trí trung tâm trong toàn bộ kết cấu xã hội, được hưởng một loạt quyền lợi đặc thù, có sự khác biệt với giai cấp nông dân trên nhiều phương diện và cao hơn nhiều so với nông dân”(9). Nhưng hiện nay, “thân phận “trời phú” của GCCN Trung Quốc đương đại bị phá vỡ, chuyển biến từ tượng trưng thân phận sang khái niệm nghề nghiệp”. “Phương thức hợp đồng hóa nghề nghiệp” thay cho chế độ công nhân, viên chức vĩnh viễn; quan hệ lợi ích kinh tế thay cho quan hệ hành chính, “từ trạng thái do quá khứ lưu truyền đến trạng thái do khế ước quy định”(10). Rõ ràng, công nhân hiện nay không chỉ là sản phẩm của công nghiệp hóa mà còn là sản phẩm của đổi mới chính trị. Trong một số trường hợp, chính trị, chính sách đã tác động mạnh mẽ, trực tiếp và tạo biến đổi sâu sắc đối với GCCN. Thứ hai, kinh tế thị trường làm cho cơ cấu GCCN ngày càng đa dạng hơn. Nhận thức mới về vai trò của kinh tế thị trường là tạo ra một không gian rộng mở hơn cho sự phát triển về nhiều mặt của GCCN với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia quá trình công nghiệp hóa. Từ thực tế này, lý luận về GCCN hiện đại được bổ sung, phát triển thêm. Chẳng hạn, hiệu quả sản xuất  - kinh doanh, năng suất lao động, lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động hội nhập, tổ chức chính trị   - xã hội của công nhân trong bối cảnh mới,... đều là những vấn đề lý luận mới mẻ và rộng lớn, phức tạp hơn. Có thể, khái niệm “GCCN trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở giai đoạn cải cách, đổi mới” sẽ là một vấn đề mà lý luận về GCCN đang tích hợp thêm các nội hàm từ thực tiễn hiện nay. Có một số dấu hiệu khá rõ là, trên thế giới đang có những khái niệm “lưỡng tính” để phản ánh trình độ như “công nhân tri thức”, “công nhân - trí thức”, “trí thức - công nhân” hoặc ở Trung Quốc có khái niệm “nông dân - công” để chỉ tính chất đang chuyển biến giai tầng; lại cũng có những khái niệm mang tính chi tiết hơn về vị trí mà họ tham gia: công nhân trong thành phần kinh tế nhà nước, công nhân trong thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là các khái niệm mang tính phân lớp nghề nghiệp, như công nhân cổ cồn trắng, cổ cồn xanh, cổ cồn vàng, cổ cồn nâu(11). Trình độ mới của sản xuất và dịch vụ cùng với cách tổ chức xã hội hiện đại cũng làm cho cơ cấu của giai cấp công nhân hiện đại đa dạng tới mức nội hàm của nó liên tục phải điều chỉnh theo hướng mở rộng: theo lĩnh vực (công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ); theo trình độ công nghệ (công nhân áo xanh - công nhân của công nghiệp truyền thống; công nhân áo trắng - công nhân có trình độ đại học, cao đẳng, chủ yếu làm công việc điều hành, quản lý sản xuất; công nhân áo vàng - công nhân của các ngành công nghệ mới, công nhân áo tím - công nhân dịch vụ - lao động đơn giản như gác cầu thang, vệ sinh đô thị...). Lại có cả những phân loại công nhân theo sở hữu (có cổ phần, có tư liệu sản xuất và trực tiếp lao động tại nhà để sống và công nhân không có cổ phần, chỉ sống bằng sức lao động của mình). Phân loại công nhân theo chế độ chính trị (công nhân ở các nước phát triển theo định hướng XHCN; ở các nước G7; ở các nước đang phát triển...). Công nhân hiện đại không còn là “chiếc đinh ốc trong dây chuyền sản xuất tư bản chủ nghĩa” mà có tính chủ động hơn, tư duy năng động và đa diện hơn_Ảnh: Minh họa Cũng vì vậy, đã có hàng chục khái niệm để chỉ GCCN và có nhiều điểm khác biệt về nội hàm khi so sánh các khái niệm ấy với nhau. Sự mở rộng nội hàm ấy đã khiến cho nhiều khi so sánh công nhân hiện nay với công nhân ở thế kỷ XIX chỉ còn đặc điểm là “lao động làm thuê” và “bị bóc lột sức lao động” được C. Mác sử dụng, là có thể thấy rõ. Còn các tiêu chí - phẩm chất khác của công nhân, như gắn liền với máy móc công nghiệp, lao động mang tính xã hội hóa, có tính tổ chức, kỷ luật và triệt để cách mạng, có tinh thần quốc tế và bản sắc dân tộc... đều có sự thay đổi, mở rộng và trong nhiều trường hợp cụ thể, là tương đối khó nhận diện. Thứ ba, một bộ phận lớn công nhân hiện nay xuất thân từ đô thị. Giai cấp công nhân thời C. Mác là giai cấp lao động làm thuê, bị bóc lột và xuất thân chủ yếu từ nông dân và nông thôn. Nhưng từ những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây, xu thế đô thị hóa và đông đảo cư dân đô thị đã bổ sung một lượng lớn vào nguồn nhân lực của giai cấp công nhân. Trước đây, các vùng tụ cư trong lịch sử nhân loại thường ở lưu vực các con sông lớn, nơi thuận tiện cho canh tác nông nghiệp và có nguồn nước cho sinh hoạt. Ngày nay, đặc biệt là từ giữa thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện những thành phố lớn trên sa mạc, như Lát Ve-gát (LasVegas) cùng nhiều đô thị ở Trung Đông..., chúng hầu như được xây dựng và phát triển dựa trên nguyên lý mới là khắc phục giới hạn của tự nhiên, nhân tạo hóa các điều kiện sống bằng khoa học và công nghệ hiện đại. Đây là một quá trình gắn liền với phát triển văn minh và công nghệ. Đó là những thành phố được dịch vụ bởi công nghệ hiện đại. Nó cần đến công nghệ mới, công nghiệp và công nhân. Năm 2005, khu vực có mức đô thị hóa cao nhất là ở Bắc Mỹ với 82% số dân sống ở đô thị, tiếp đó là Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê chiếm 80% và châu Âu là 73%. Báo cáo “Nhìn lại triển vọng đô thị hóa thế giới” của Liên hợp quốc năm 2005, mô tả “thế kỷ XX đã chứng kiến quá trình đô thị hóa nhanh chóng của cư dân thế giới” với tỷ lệ cư dân đô thị tăng từ 13% (220 triệu người) năm 1900 lên 29% (732 triệu người) năm 1950 và 49% (3,2 tỷ người) năm 2005. Báo cáo này cũng ước tính rằng vào năm 2030 con số đó sẽ là 60% (4,9 tỷ người). Đô thị hóa làm xuất hiện ngày một đông đảo hơn đội ngũ lao động làm thuê, vốn có mặt từ thời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, gồm “bác sĩ, luật gia, tu sĩ, thi sĩ, bác học đều bị giai cấp tư sản biến thành những người làm thuê...”(12). Song, hiện nay họ đông đúc hơn, đa dạng hơn với hàng nghìn ngành, nghề khác nhau. Xét về cơ cấu nghề nghiệp, các nhà nghiên cứu đều thấy sự tăng lên của những nhóm lao động dịch vụ mới. Họ là những người kết hợp cả lao động chân tay với lao động trí óc. Trong các quốc gia phát triển đã xuất hiện một cơ cấu xã hội mới với vai trò mới của trí thức, công nhân trí thức. Cũng bởi vậy, ở nhiều nước phát triển hiện nay (các nước G7 lao động nông nghiệp hoặc nông dân chỉ chiếm từ 2% - 3% lực lượng lao động) liên minh giữa GCCN với giai cấp nông dân đã không còn cơ sở xã hội như thế kỷ XIX và thay vào đó là liên minh giữa những người lao động, mà chủ yếu là hai nhóm lao động đông đảo ở đô thị là sản xuất công nghiệp và dịch vụ bằng phương thức công nghiệp. Đô thị là nơi mà đấu tranh giai cấp hiện đại bộc lộ tính điển hình của nó. Ph. Ăng-ghen viết: “Các thành phố lớn là nơi bắt nguồn của phong trào công nhân: nơi đây công nhân lần đầu tiên đã bắt đầu suy nghĩ về tình cảnh của mình và đấu tranh để thay đổi nó, nơi đây sự đối lập về lợi ích giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản lần đầu đã biểu lộ ra, nơi đây những liên đoàn lao động, phong trào Hiến chương và chủ nghĩa xã hội đã ra đời...”(13). Và quan trọng hơn: “Cách mạng công nghiệp tập trung tư sản và vô sản vào các thành thị lớn, ở đó sự phát triển công nghiệp là có lợi hơn cả, và sự tập trung đông đảo quần chúng vào một chỗ như vậy làm cho vô sản nhận thức được sức mạnh của mình”(14). Thực tiễn chính trị hiện nay cũng đang xác nhận rằng, GCCN ở các đô thị sẽ là lực lượng quyết định diện mạo của chính trị thế kỷ XXI./. (Nguồn: Tạp chí Cộng sản) (1) Xem: Website ILO, Báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu 2014: Bộ dữ liệu hỗ trợ: Việc làm theo ngành và giới tính của toàn cầu, khu vực và từng nước. Hiện nay chưa có số liệu nào mới hơn và đáng tin cậy hơn (2) Xem: Báo Công nhân xã hội chủ nghĩa (Socialist Worker) của Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Anh, số ra ngày 11-8-2015 (3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 22, tr. 809 (4) Xem: Viện Nghiên cứu lao động và việc làm Pháp, Việc làm trên thế giới hiện nay, 2010 (5) Xem: Những nghiên cứu mới về giai cấp công nhân trên thế giới hiện nay, Tài liệu dịch của Đề tài, tr. 28 (6) Xem: Phong trào công nhân, công đoàn trên thế giới hiện nay, Tài liệu tập huấn môn học Lịch sử Phong trào cộng sản, công nhân quốc tế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tháng 12-2018 (7) Judith Banister: “Việc làm trong ngành sản xuất ở Trung Quốc” (Manufacturing employment in China), Monthly Labor Review, tháng 7-2005, tr.  1, Tài liệu dịch của Đề tài, Tldd, tr. 90 (8) János Kornai: Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường (The Road to a Free Economy - Shifting from a Socialist System: The Example of Hungary), Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam, 2001, tr. 32 (9), (10) Hoàng Húc Đông: Lý luận giai cấp công nhân của các tác giả mác-xít kinh điển và những biến động mới của giai cấp công nhân Trung Quốc đương đại, Tài liệu dịch của Đề tài: “Các học giả Trung Quốc bàn về giai cấp công nhân Trung Quốc thời đại mới”, 2019, tr.  10, 11 - 12 (11) Ở Mỹ, nhóm lao động dịch vụ thường gọi là “Brown-collar workers”. Họ chịu trách nhiệm vệ sinh môi trường công cộng, chăm sóc sức khỏe người già, hỗ trợ cộng đồng và những công việc tuy có thể đơn giản nhưng rô-bốt không thể thay thế (12) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 600 (13) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 22, tr. 485 (14) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 464

TRÒ HỀ CỦA CÁC "NHÀ DÂN CHỦ FAKE"

 

          Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra đã 5 tháng, nhưng những cái đầu nóng của các bên có vẻ chưa chịu giảm nhiệt. Dầu của phương Tây vẫn đổ lửa vào Ukraine khi vũ khí và các phương tiện chiến tranh vẫn được đổ về nước này. Ngay từ những ngày đầu xảy ra cuộc chiến, Việt Nam đã bày tỏ quan điểm: Việt Nam kêu gọi các bên kiềm chế, ngồi vào bàn đàm phán; Việt Nam phản đối chiến tranh; Việt Nam không chọn “phe” và chỉ chọn hòa bình, chính nghĩa. Bài viết này chưa đề cấp đến tính đúng - sai, ai mạnh - yếu trong cuộc xung đột này, mà chỉ đề cập đến một vài trò hề của một số diễn viên không chuyên, khoác áo dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam - một số “Nhà dân chủ fake”.

          Đầu tiên phải kể đến vở “hài kịch” mang tên “Lá thư ngỏ” do mấy diễn viên đã qua tuổi “Thất thập cổ lai hy” công diễn. Cụ thể, ngày 3/3/2022, ba cụ Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Đình Cống và Mạc Văn Trang lấy danh nghĩa phản đối chiến tranh, yêu chuộng hòa bình đã lọ mọ, dò dẫm chống gậy đến Đại sứ quán Ukraine, trao thư ngỏ bày tỏ sự đồng tình, sát cánh cùng chính phủ và nhân dân Ukraine. Các cụ phán rằng, mình là đại diện cho gần 170 thành viên thuộc 6 hội, nhóm mà họ gọi là các “tổ chức xã hội dân sự” tại Việt Nam. Danh sách mà các cụ trưng ra trong các nhóm mình tham gia cho thấy, toàn là những “chàng trai vàng trong làng chống phá”. Họ đều là những cái tên vang bóng một thời đã từ lâu trờ thành những kẻ cơ hội chính trị, động cơ thấp hèn không đạt được nên chuyển qua bất mãn, nói xấu chế độ, tiếp tay cho các thế lực thù địch.

Có thể điểm vài cái tên như Nguyễn Quang A - thành viên nhóm “Diễn đàn dân sự xã hội”, từng có tuyên bố hùng hồn “tập hợp ý kiến góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”. Hay Nguyên Ngọc - thành viên sáng lập nhóm “Văn đoàn độc lập”, từng là nhà văn nổi tiếng, nay trở cờ quay lại chống đối chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước. Hoặc như Phạm Xuân Yên, quản trị trang Bauxit Việt Nam đã từng cùng 126 “nhà dân chủ” khác gửi thư ngỏ đến Bộ Chính trị đòi đổi tên Đảng, đổi tên nước, trả tự do cho những kẻ vi phạm pháp luật mà họ gọi là “bất đồng chính kiến”… Và còn nhiều tên khá quen thuộc mà khi nhắc đến người ta đều hình dung ra quá khứ không mấy tốt đẹp của họ như Lê Thân, Nguyễn Xuân Lướt, Nguyễn Lân Thắng, Đoàn Bảo Châu…

          Trở lại nội dung “Lá thư ngỏ”, đậy chính là một trò hề không thể rẻ tiền hơn. Những người mang mác dân chủ nhưng là dạng “dân chủ fake” đã cao giọng đại diện cho nhân dân Việt Nam khi viết rằng: “Người Việt Nam chúng tôi thấu hiểu cái giá mà Ukraine phải trả để giữ vững chủ quyền và nền dân chủ của mình trước Chủ nghĩa bá quyền Putin. Chúng tôi cũng hiểu rằng, bảo vệ Ukraine lúc này không chỉ là bảo vệ hòa bình mà còn là bảo vệ một nền dân chủ non trẻ vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài”. Thật buồn cho các vở hài kịch mà các cụ diễn bấy lâu nay, “đấu tranh” mãi không thấy ai nghe, lại còn bị người ta gán cho là “ếch ngồi đáy giếng”, “ếch chết tại miệng” nên lợi dụng xung đột tại Ukraine, các cụ “đại diện cho người dân Việt Nam” phát ngôn càn rỡ, bậy bạ. Cần nhắc với các cụ nhớ một điều rằng: các hội nhóm mà các cụ tự xưng là đại diện chưa bao giờ được pháp luật công nhận, mà đó chính là tập hợp những phần tử ô hợp có tư tưởng bất mãn chế độ, sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn xuyên tạc, kích động, tổ chức nhiều hoạt động chống đối, bôi nhọ Đảng, Nhà nước, cổ súy cho những giá trị tự do, dân chủ phương Tây. Xét về nhân cách, phẩm chất, các cụ và các ông bà lấy tư cách gì đại diện cho người dân Việt Nam, ngoài động cơ chính trị thấp hèn. Còn nói “thoát khỏi quá khứ độc tài” như các cụ “trăn trở” thì hàm ý ở đây phải chăng chính là sự rời khỏi Liên bang Xô viết của Ukraine? Một chế độ đã cứu cả nhân loại thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Chủ nghĩa Phát xít?

          Một trò hề nữa, mang tên “hội chợ từ thiện” nhằm quyên góp cho Chính phủ và người dân Ukraine. Nó lố là ở chỗ, dù mang tên “lễ hội” nhưng không hề quảng bá về đất nước, con người Ukraine mà chiêu trò này để tạo cớ cho các nhà “dân chủ, nhân quyền” bày tỏ sự ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột và nhân cơ hội đó tiếp tục tạo một cái cớ khác là “các nhà dân chủ bị chặn không đến được sự kiện do đại sứ quán Ukraine tổ chức”. Theo VOA thì “các nhà hoạt động cho biết, họ đã bị an ninh “canh cửa” và “ngăn cản” không cho đến tham gia sự kiện này”! Vở hài kịch này bắt đầu bằng việc “các nhà dân chủ cho rằng”, “các nhà dân chủ phản ánh rằng”… mà không hề có hình ảnh, video để chứng minh cho nội dung đó, mà chỉ có những hình ảnh được cắt ghép, chỉnh sửa từ những video, hình ảnh cũ hoặc chỉnh sửa, thêm thắt nội dung hình ảnh có thật theo ý đồ để chèo kéo, hướng lái dư luận.

          Nội dung của vở hài kịch là VOA thuật lại lời bà Phạm Thị Lân, vợ của tù nhân Nguyễn Tường Thụy cho biết rằng: “Bà bị an ninh mặc thường phục canh giữ trước cửa nhà từ hôm 5/3 mặc dù bà không có ý định đến tham dự sự kiện ở Đại sứ quán Ukraine. Khi được hỏi, nhân viên an ninh nói với bà Lân rằng họ đến canh nhà bà vì được chỉ đạo từ cấp trên”. Vậy thì cần phải đặt ra câu hỏi cho rõ rang rằng: Canh giữ trước cửa nhà, cụ thể thế nào? Xin nói thẳng, đây đích thị là một trò hề của VOA khi nêu ra câu chuyện này, bởi vì để theo dõi hay ngăn cản việc di chuyển của một người đàn bà đã ngoại lục tuần thiết nghĩ người ta không cần “canh cửa”. Chưa kể VOA chỉ dựa vào lời nói chủ quan và không kiểm chứng của một phụ nữ để quy chụp vấn đề.

          Một trò hề gần đây nhất, được mang tên “Tọa đàm văn hóa Ukraine bị phá rối”. Theo Phạm Minh Hoàng tung tin giất tít trên mạng xã hội rằng là “Phá rối buổi “tọa đàm” về văn hóa Ukraine Nhà nước CSVN thể hiện bản chất hèn hạ và thấp kém”. Y bảo “sang đón bà Chi, thấy hai thằng đi kèm bà xuống sảnh, ngang nhiên không cho bà đi” và khi diễn ra tọa đàm thì “không ai trong khán phòng cảm thấy lạ lẫm và bất ngờ trước việc bị cúp điện”.

          Có lẽ câu nói “tử tế thì có hạn, mà khốn nạn thì vô biên” mà Phạm Minh Hoàng dẫn ra ngay đầu bài viết dành cho chính ông ta về sự vu vạ trắng trợn này. Thứ nhất, vụ bà Chi của ông bị hai thằng kèm xuống sảnh, ngang nhiên không cho đi thì thông tin này chỉ do chính mình ông kể, và không hề có một hình ảnh, một nhân chứng nào. Nếu sự việc có thật, thì mạng xã hội đã tràn ngập ảnh, clip về việc này chỉ trong vòng vài phút. Có lẽ đây chính là một sự bịa đặt trắng trợn để tô vẽ vào câu chuyện khôi hài này. Thứ hai, nếu chỉ là các cháu khiếm thị biểu diễn văn nghệ và các bác đọc thơ thì chắc chắn không ai bị điên mà đi cúp điện, chắc ông lại nghe “nhà em nói”, và chỉ có “nhà em đành đi một mình tới viện Sena”. Ngồi nhà, nghe lỏm mà Minh Hoàng tả như thật. Kinh quá!

          Qua những trò hề kể trên đây đã thấy, cuộc xung đột nga - Ukraine lại tạo công ăn việc làm cho những kẻ khoác áo “dân chủ fake”, nó là cái cớ để chúng tung ra mọi thủ đoạn xuyên tạc, công kích đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó chỉ là chiêu trò “mượn gió bẻ măng” thường thấy của những diễn viên không chuyên diễn trò hề dân chủ của những thành phần bất mãn, chống phá chế độ mà thôi./.

Sử dụng mạng xã hội cần có tầm, có tuệ, có tâm

 

          Mạng xã hội (MXH) là kênh giúp lan truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin, phản hồi, nắm bắt và định hướng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn tin giả, bài viết, video clip có nội dung xấu, độc, xuyên tạc, bôi đen sự thật; đồng thời, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng, cư dân mạng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

          Hiện nay, bên cạnh mặt tích cực cần khai thác, MXH cũng đang có những tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của nó đến công tác truyền thông, định hướng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Điều này có thể nhận thấy trên các điểm sau:

          (1) MXH đang bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động triệt để khai thác, sử dụng như một công cụ chủ yếu để thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, công an; tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kích động các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị chĩa mũi nhọn tấn công, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ thông qua việc khai thác, sử dụng, tung lên mạng các thông tin, bài viết, video clip có nội dung xấu, độc về các sự kiện chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại, thổi phồng các hạn chế, khuyết điểm của một số cơ quan, đơn vị, biến nó thành “vấn đề nóng” nhằm chống phá, hạ thấp uy tín, vai trò, vị thế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, Công an; xuyên tạc bản chất, giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lợi ích quốc gia - dân tộc.

          (2) Lợi dụng số lượng người dân Việt Nam sử dụng MXH tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, không ít tài khoản ảo, nặc danh đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Với các phương tiện thông tin hiện đại, chỉ là cái điện thoại thông minh, ai cũng có thể trở thành người cung cấp thông tin cho MXH, khiến cho MXH trở thành “cái chợ” bị cư dân mạng “lũng loạn, làm nhiễu môi trường thông tin” thông qua việc tán phát các tin giả, tung bài viết, video clip có nội dung xấu, sai lệch, làm cho nó phủ kín, lan tràn trên mạng xã hội với đủ các chiêu trò, hình thức nhảm nhí được che đậy ngày càng tinh vi, xảo trá. Tình trạng này đang làm cho các nguồn thông tin chính thống, tin thật bị lấn át, bị lẫn lộn với tin giả.

          Điều đó, đã và đang lôi kéo, thu hút, làm pha loãng bầu không khí chính trị ở nước ta bởi tâm lý “đám đông”, các luồng thông tin, “dư luận xã hội” xấu. Sự lây lan quan điểm, tư tưởng lệch lạc trong xã hội tạo thành các “đợt sóng”, các luồng dư luận xã hội thiếu lành mạnh, không có lợi cho việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dẫn đến hiệu ứng “tẩy chay”, “quay lưng”, “ném đá giấu tay”, phản đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội, dù người phản đối chưa hiểu rõ các thông tin trên MXH là thật hay giả, đúng hay sai, có lợi ích gì cho quốc gia - dân tộc và gia đình mình.

          (3) Sự xuất hiện của các luồng tin sai trái, độc hại, nhất là các video clip xấu, độc lan tràn trên MXH đã và đang đặt ra sự cần thiết phải làm tốt hơn công tác bảo mật thông tin, nhất là các thông tin chứa đựng bí mật quân sự, quốc gia. Điều đáng quan tâm ở đây là một số tài khoản MXH của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Quân đội, Công an và của cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, công an có thể bị tấn công hoặc bị xâm nhập trái phép, thậm chí bị đánh cắp thông tin, các dữ liệu. Thế nhưng, không ít chủ thể, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, lại chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin, đặc biệt là tác hại, mức độ nguy hiểm của việc vô ý để lộ, lọt, đánh mất thông tin của cá nhân hoặc của tổ chức khi đăng tải hình ảnh, thông tin về hoạt động của đơn vị trên mạng xã hội.

          Sự thiếu chuyên nghiệp, chưa hiểu biết về “kỹ thuật máy tính”, “công nghệ thông tin” và sự vô ý, tắc trách của chủ thể đã vô tình tiếp tay cho bọn cơ hội chính trị, các phần tử xấu để những người này lợi dụng sơ hở ấy, khai thác, sử dụng thông tin chế biến tin thật thành tin giả, đúng thành sai để chống lại Đảng, Nhà nước, chế độ, gây nên tình trạng nhiễu loạn thông tin, dư luận xã hội xấu, làm rối loạn tình hình, gây bất ổn chính trị - xã hội, an ninh quốc gia; làm xáo trộn đời sống tâm lý của cán bộ, chiến sĩ và người dân.

          Rõ ràng là, MXH đã, đang và sẽ đem lại nhiều tiện ích và cơ hội lớn cho xã hội nhưng mặt trái của nó là không thể xem thường, bởi nó chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Vì vậy, chủ thể sử dụng và khai thác thông tin trên MXH cần được trang bị đầy đủ tri thức lý luận chính trị, quân sự; kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị máy móc liên quan đến MXH và tác chiến để không rơi vào tình trạng sử dụng máy móc, trang thiết bị công nghệ hiện đại nhưng lại chưa hiểu hết tính năng, tác dụng và tác hại của nó. Chủ động nghiên cứu, tích cực học tập; khắc phục sự thiếu hụt về mảng tri thức còn thiếu là phương cách tốt nhất để phòng tránh mọi sai lầm; sử dụng và khai thác hiệu quả mạng xã hội, biến nó thành vũ khí, trang bị tốt nhất để phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và chuyên môn của từng chủ thể.

          Để phòng tránh việc rơi vào “vòng xoáy của bão thông tin mạng” và không bị mắc kẹt, hoặc bị mắc lừa bởi các tin giả, bài viết, video clip xấu; mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân cần thực hiện tốt các điểm sau:

          - Lựa chọn các kênh MXH phù hợp với nhu cầu, sở thích, đúng với mục đích khai thác và sử dụng thông tin phục vụ công tác, chuyên môn nghiệp vụ, đời sống gia đình và của riêng mình. Vì vậy, chỉ nên lựa chọn những nền tảng MXH phổ biến, dễ khai thác, dễ sử dụng và có tính bảo mật cao, đặc biệt ưu tiên sử dụng các MXH trong nước... như kênh giao tiếp, kết nối chủ đạo để liên hệ với nhau trong cơ quan, đơn vị và xã hội với ý thức trách nhiệm cao. Cần tránh sử dụng các MXH không được coi trọng ở khâu bảo mật, dễ lộ, lọt, mất thông tin cho dù dễ sử dụng. Không nên sử dụng các MXH i chứa đựng nhiều thông tin, bài viết, video clip xấu, độc, không phù hợp với công tác học tập, công tác chuyên môn và truyền thông; đã đươc đơn vị cảnh báo.

          - Tăng cường bảo vệ thông tin chính thống, bảo mật thông tin đường truyền mạng, bảo mật cổng thông tin, trang thông tin điện tử, nhất là báo điện tử. Cùng với đó, đề xuất các giải pháp, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng tại gia đình, cơ quan, đơn vị và cá nhân; tạo dựng các “tường lửa” để phòng, chống tin tặc tấn công gây hậu quả xấu hoặc lấy cắp thông tin, nhất là thông tin mật, thông tin nội bộ và tin mật cấp quốc gia. Không được phép để rò rỉ hoặc phát tán thông tin về công tác tổ chức, cán bộ và các thông tin về tác chiến, bảo vệ, bảo mật các bí mật quân sự, quốc gia.

          - Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, phụ trách MXH, cổng thông tin điện tử, báo điện tử. Để phòng tránh “từ sớm, từ xa” các sai sót, khuyết điểm; bảo đảm kết nối thông tin truyền thông, sử dụng MXH một cách hiệu quả, thiết thực hơn, nhất thiết phải nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, giúp họ không chỉ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng mà còn giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng MXH. Có như vậy, họ mới tự tin, đủ trình độ, phương pháp xây dựng, chủ trì và duy trì các nền tảng xã hội phù hợp với đơn vị, phù hợp với tác chiến trong điều kiện sử dụng vũ khí công nghệ cao; giúp cán bộ, chiến sĩ và người dân lựa chọn và sử dụng MXH hiệu quả.

          Mặt khác, cần thiết kế, thi công các tin, bài ngắn gọn, có hình ảnh đẹp, chứa đựng cảm xúc bởi một bộ phận cư dân mạng chưa có điều kiện quan tâm và hiểu sâu các vấn đê lý luận trừu tượng. Vì vậy, các nền tảng MXH chính thống cần kết hợp đưa lên MXH những thông tin lý luận chính trị ngắn gọn gắn với các sự kiện, sự việc thời sự, những câu chuyện giản dị, người thật, việc thật, dễ xem, dễ hiểu, dễ tiếp thu, dễ học tập và làm theo người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến. Đồng thời, tăng cường kích thích thông tin thị giác như hình ảnh, các video clip đẹp, các đồ họa sinh động; đặc biệt là hình thức live tream đang được công chúng mạng ở Việt Nam yêu thích bởi tính hấp dẫn, trực quan của nó. Đây là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để giảm bớt sự phân tán tâm thức, tập trung thời gian, sự quan tâm của cư dân mạng vào các thông tin xấu, độc, có hại; chỉ hướng đến các thông tin chính thống, có tác dụng tốt.

          - Chủ động, tích cực đề xuất các chủ trương, giải pháp, biện pháp mới, thiết thực, hiệu quả để phát huy vai trò của các kênh truyền thông chính thống, nhất là các báo, đài lớn, có uy tín, có tầm ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội và trong quân đội để định hướng nhận thức, nhất là phát ngôn, viết bài, xây dựng các video clip, tiếp nhận thông tin, lan truyền thông tin chính thống, tích cực. Đồng thời, trừng trị và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm thông tin sai trái, tuyên truyền sai sự thật, phát ngôn bừa bãi, thiếu ý thức xây dựng, lan truyền các tin giả, video clip có nội dung xấu, độc, phản động, chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ.

          - Kiên quyết đấu tranh, xử lý một số cơ quan báo đài, một số nhà báo, người dân nhân danh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tệ nạn xã hội để đăng tải các tin bài, video clip với các thông tin, hình ảnh chưa được kiểm chứng, những ý kiến cá nhân trái chiều, đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tổn hại đến uy tín, vị thế của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Quân đội, Công an, gây hại cho lợi ích quốc gia - dân tộc.

          Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ, người dân hãy cư xử có đạo đức, có văn hóa trên mạng xã hội, thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử và những điều quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, có thái độ, hành vi và phát ngôn đúng mực, góp phần đấu tranh vạch mặt những kẻ xấu, ném đá giấu tay, tung tin nhảm nhí, tràn lan trên mạng xã hội. Có làm như vậy, chúng ta mới hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực của tin giả, video clip xấu, độc, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới./.

Lại thêm một “Tổng thống” huyễn hoặc

 

          Xem ra chứng hoang tưởng chính trị của Nguyễn Văn Đài vẫn không hề thuyên giảm sau quang thời gian sống vong quốc hủi nô. Mới đây Nguyễn Văn Đài lập ra một Fanpage mới có tên “Học viện Tổng thống Việt Nam”. Nguyễn Văn Đài cũng xưng là “Tổng thống” của trang đó.

          Có vẻ như Nguyễn Văn Đài chuẩn bị gia nhập gia nhập hàng ngũ các Tổng thống chính phủ VNCH lưu vong như Đào Minh Quân, Nguyễn Thế Quang, Trần Dần, Lê Trong Quát, Trần Thanh Đằng, Nguyễn Hữu Chánh, Nguyễn Bá Cẩn, Nguyễn Ngọc Bích... Trong số này, Nguyễn Văn Đài xem ra là trẻ và tiềm năng nhất bởi những cái tên Tổng thống đương nhiệm vừa được xướng lên ở trên hiện đã nằm trong danh sách "Mầm non nghĩa địa" hết cả rồi.

Bà con người Việt ở Hải ngoại chuẩn bị đóng góp quỹ để Nguyễn Văn Đài có thể thoát khỏi cảnh "nhặt lá đá ông bơ", rồi "ăn tục nói phét, đánh rắm rong" nhé.

          Luật sư người Mỹ gốc Việt Trịnh Quốc Thiên đã cảnh báo trên trang YouTube cá nhân của ông, trong đó khẳng định: "Mấy chính phủ này tồn tại như các công ty đa cấp chuyên bán hàng giả, hàng gian, chuyên môn gom tiền, thụt két … rổn rảng, ma mị nhưng thực chất là các nhóm lừa đảo, vô tích sự, không làm được việc gì cho cộng đồng hải ngoại. Mỗi tổ chức chỉ dăm ba mống, tối ngày cãi nhau mà mục đích cuối cùng là moi tiền, gạt tiền, lấy được tiền rồi bỏ chạy” - Luật sư Thiên khuyến cáo, để mọi người không bị mê hoặc, để vừa mất tiền bạc, vừa trở thành kẻ chống phá đất nước.

Không thể phủ nhận vị thế, vai trò của Việt Nam

Một trong những yếu tố quan trọng làm nên vị thế quốc gia của Việt Nam chính là sự

phát triển ổn định của nền kinh tế. Ngày 26/5/2022, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P

Global Ratings (một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới)

đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển

vọng “ổn định”. Trong bảng đánh giá mới nhất của tổ chức này, Việt Nam là nước

duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong năm 2022.

Lợi dụng tình hình kinh tế trong nước có dấu hiệu khủng hoảng tạm thời, thế lực thù

địch cùng các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã vội vã tung ra hàng loạt luận điệu

xuyên tạc như: “người lao động chịu hậu quả của chính sách, giai cấp công nhân rơi

vào cảnh khốn cùng, niềm tin của người dân vào nhà cầm quyền đã không còn”…

Ngay lập tức, vài tờ báo chống cộng cũng vào hùa khi đăng tải các bài viết “tường

trình” từ Việt Nam mà thực chất chỉ là “phỏng vấn” một vài gương mặt cũ của các

phong trào chống phá trong nước, qua đó cố gắng tô vẽ, bôi đen về bức tranh kinh tế-

xã hội Việt Nam. Mặc dù vậy, ngay tại thời điểm đó, các chuyên gia hàng đầu từ

nhiều tổ chức uy tín quốc tế đã bác bỏ các nội dung sai sự thật này.

Ngày 7/11/2021, đánh giá về Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy

định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ông

Marko Wald, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

thẳng thắn nhận định: Những gì nêu trong Nghị quyết 128 là rất tiến bộ, cho thấy sự

thích ứng nhanh chóng của Chính phủ trong bối cảnh mới. Cùng nhận định này, ngày

5/12/2021, ông Francois Painchaud, trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt

Nam cho rằng: Mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc làm Việt Nam

vẫn có thể đạt được những chỉ tiêu kinh tế nhưng đòi hỏi những cải cách quyết liệt

hơn.

Nhìn vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam từ cuối năm 2021 đến nay, có

thể thấy được sự khởi sắc trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề. GDP quý II/2022 của

Việt Nam tăng trưởng 7,72%, cao nhất trong hơn một thập kỷ. Hiệu ứng này được

đánh giá là xuất phát từ Nghị quyết 43/2022/QH15 (11/1/2022) về chính sách tài

khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội

thông qua với gói hỗ trợ có tổng giá trị lên đến 350.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là nhiều sáng kiến, giải pháp ngắn hạn và dài hạn được đưa ra nhằm tháo

gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Nhưng quan trọng hơn cả, vẫn là

sự nhất quán trong đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam khi luôn đặt con người


vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Trong mọi tình huống, Đảng và

Nhà nước ta luôn bảo đảm các chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; an sinh xã hội

và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối

tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, xã

hội.

Tuy nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam vẫn đạt được

nhiều thành tích về bảo đảm và phát huy quyền con người. Chúng ta nằm trong số

những nước có chỉ số bình đẳng giới cao nhất thế giới, kiểm soát được bất bình đẳng

trong phân phối thu nhập, đạt nhiều bước tiến trong thu hẹp khoảng cách giàu nghèo,

cải thiện chất lượng giáo dục. Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-

2020 đã thu được nhiều kỳ tích: tỷ lệ suy dinh dưỡng và thiếu chất giảm, chiều cao và

thể trạng được cải thiện. Sự phát triển về mặt thể chất chính là chìa khóa nâng cao

chất lượng lao động, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì được tăng

trưởng kinh tế dương bất chấp những tác động từ đại dịch và sự bất ổn của kinh tế thế

giới. Chất lượng cuộc sống của người Việt Nam được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả

về vật chất và tinh thần, trong đó có nhiều tiêu chí gây ấn tượng, ngang với những

nước phát triển. Môi trường ổn định, yên bình cùng người dân thân thiện đã thuyết

phục rất nhiều người nước ngoài lựa chọn sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Trên trường quốc tế, Liên hợp quốc luôn đánh giá cao Việt Nam trong hoạt động gìn

giữ hòa bình và an ninh quốc tế, có nhiều đóng góp tích cực tại Cộng hòa Trung Phi,

Nam Sudan; đề ra những sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển đổi sang năng

lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí

methane; viện trợ, hỗ trợ cho nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới... Thực tế này

khiến nhiều cá nhân, tổ chức dù thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng

không thể không thừa nhận.

Có thể nói, những thành tựu đạt được về mọi mặt của đời sống đã góp phần củng cố vị

thế Việt Nam trên trường quốc tế. Dấu ấn, tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại các diễn

đàn đa phương, khu vực và quốc tế được đánh giá cao, nhiều sáng kiến của Việt Nam

được bạn bè đồng tình, ủng hộ. Trong đó có thể kể đến sáng kiến và cam kết của Việt

Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021

(COP26).

Đến ngày 7/6/2022, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam là một trong những

Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái

Bình Dương với nhiệm kỳ một năm. Trong quá trình ứng cử làm thành viên Hội đồng

Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tới đây, Việt Nam cũng vinh dự

được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN.


Hiện nay, tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 đã căn bản được

kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ. Các

quốc gia trên toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh

lương thực, an ninh năng lượng… Những khó khăn này đều trực tiếp hoặc gián tiếp

ảnh hưởng đến sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thử

thách để đất nước ta chứng tỏ bản lĩnh, tiềm lực của mình, tiếp tục vươn lên trên các

lĩnh vực, thể hiện uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Từ đó sẽ tạo nền móng vững chắc

góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong

chặng đường phía trước./.

Phê phán các luận điểm sai trái cho rằng Việt Nam đàn áp mạng xã hội

 Các thế lực thù địch với cách nhìn phiến diện cho rằng, ở Việt Nam mạng xã hội bị đàn áp

và mạng xã hội không có tự do thông tin, người dùng mạng xã hội không được bày tỏ chính

kiến, suy nghĩ của mình... Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật!

Hiện nay, các phần tử phản động, chống phá tiếp tục sử dụng luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do

thông tin, tự do Internet, mạng xã hội ở Việt Nam nhằm mục đích chống phá nền dân chủ, kích

động, chia rẽ trong xã hội, tạo cớ để các thế lực bên ngoài can thiệp vào nước ta. Chúng cho rằng,

ở Việt Nam không có tự do thông tin, tự do mạng xã hội, mạng xã hội bị kiểm duyệt gắt gao…

Ở Việt Nam, mạng xã hội bắt đầu du nhập vào từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký

điện tử (blog). Đến nay, có khoảng hơn 300 trang mạng xã hội khác nhau đã đăng ký hoạt động và

có khoảng trên 76 triệu người dùng mạng xã hội. Trong đó, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất

vì nhờ có thiết kế thuận lợi cho người sử dụng khi tạo lập tài khoản cá nhân, cũng như những tính

năng trao đổi thông tin, bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân với những người cùng nhóm, cùng sở

thích... nên đã thu hút được nhiều thành viên tham gia. Tiếp sau Facebook là các trang My Space,

Twitter, các blog…

Với cơ chế hoạt động của mạng xã hội có tính chất tương tác cao, “cư dân mạng” dễ dàng chia sẻ

những thông tin cá nhân với nhau, nên đã thu hút số người tham gia ngày càng đông, trong đó có

giới trẻ. Điều này đã tạo ra những mặt thuận lợi cho mọi thành viên khi tham gia mạng xã hội, đó là

có thể chia sẻ cũng như tìm kiếm những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu hoạt động riêng của

mỗi người. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống, bổ ích, có tính giáo dục, còn có các

thông tin không chính thống, sai sự thật, xuyên tạc, cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn cũng được đưa

lên mạng xã hội với các mục đích khác nhau. Thời gian gần đây, tình trạng sử dụng mạng xã hội để

lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vu khống, nói xấu, kích động… diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi,

gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và công việc của cán bộ, công chức, viên

chức trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan điều tra các cấp của

tỉnh đã phát hiện 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 5 vụ được thực hiện qua Internet.

Ngoài ra, qua công tác nắm tình hình, ghi nhận thông tin hành chục vụ việc liên quan đến tội phạm

lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội với phương thức, thủ đoạn

hoạt động mới, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư

luận xã hội…

Mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng tiến hành phá


hoại tư tưởng; làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước và mạng xã hội tác động tiêu cực đối với

sự phát triển văn hóa, nguy cơ làm xói mòn bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, cùng với việc phát

triển mạng xã hội, cần phải có sự quản lý để phát huy tốt nhất những mặt tích cực mà mạng xã hội

mang lại.

Các thế lực thù địch với cách nhìn phiến diện cho rằng, ở Việt Nam mạng xã hội bị đàn áp và mạng

xã hội không có tự do thông tin, người dùng mạng xã hội không được bày tỏ chính kiến, suy nghĩ

của mình... Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt và sai sự thật, bởi vì Đảng, Nhà nước ta luôn nhất

quán chủ trương, chính sách tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó

có quyền tự do thông tin, tự do Internet. Thực tế, chúng ta đạt được những thành tựu trong phát

triển kinh tế như ngày nay, một phần là nhờ chúng ta tận dụng tốt cơ hội từ Internet, chính điều kiện

phát triển tự do về Internet và mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển đất

nước; điều này đã là “một phần tất yếu” của các tầng lớp xã hội.

Thông qua các trang mạng xã hội, người dân có thể bày tỏ thông tin và chính kiến của mình; không

những thế còn có nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã

sử dụng Internet, mạng xã hội để làm việc, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với

người dân... Những việc đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở Việt Nam đã chứng minh rằng ở Việt

Nam không có chuyện đàn áp mạng xã hội, mà trái lại còn được Đảng, Nhà nước bảo đảm sự phát

triển tự do. Thực hiện quyền tự do Internet, mạng xã hội luôn được đặt trong khung khổ pháp luật.

Nhờ đó mới bảo đảm an ninh mạng, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng xã hội,

Internet để vi phạm pháp luật Việt Nam. Theo đó, trong thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã triển

khai đồng bộ nhiều giải pháp như: ban hành các văn bản pháp luật (Luật Báo chí năm 2016; Luật

Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 72/2013/NÐ-CP quản lý,

cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 174/2013/NÐ-CP quy định

xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô

tuyến điện; Quy định về những điều đảng viên không được làm…) triển khai công tác phát hiện, đấu

tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội vi phạm pháp

luật. Ngày 26-10-2021, UBND tỉnh Kon Tum ban hành văn bản số 3855/UBND-KGVX yêu cầu các

sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường nâng cao ý thức, trách nhiệm

của cán bộ, công chức, viên chức trong sử dụng mạng xã hội… Điều này là hoàn toàn phù hợp và

không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện như vậy. Ngay ở Mỹ, quốc gia tự

cho mình là “đất nước tự do”, Quốc hội nước này đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm xử lý,


ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực hay vi phạm sở hữu

trí tuệ... Do đó, ở Việt Nam không hề có chuyện đàn áp mạng xã hội, hay tra tấn trái pháp luật bất kỳ

blogger nào. Rõ ràng, đằng sau những thông tin bịa đặt đó là âm mưu chính trị của các thế lực thù

địch nhằm kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

ta.

Nhận rõ các quan điểm sai trái cho rằng Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, không có tự do

ngôn luận, tự do tư tưởng, đàn áp mạng xã hội và đưa ra các luận cứ khoa học để phê phán, bác

bỏ những quan điểm sai trái đó là việc làm cần thiết. Đồng thời, qua đó cũng tự xem lại chính mình,

xem lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước chỗ nào chưa thực hiện tốt, chỗ

nào chưa phù hợp để từng bước hoàn thiện, nhằm thực sự đem lại quyền và lợi ích hợp pháp,

chính đáng cho Nhân dân. Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “... Đảng cách mạng cần phê bình

và tự phê bình cũng như người ta cần không khí”, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự

kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ

không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”.

“Tự do báo chí” không phải là tự do tuyệt đối

 Báo chí có vai trò là phương tiện để công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của

mình. Quyền tự do báo chí là quyền của công dân được sáng tạo tác phẩm báo chí, tiếp

cận, cung cấp và phản hồi thông tin trên báo chí… Ở Việt Nam những năm qua, tự do

báo chí, tự do ngôn luận được Nhà nước bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý

và thực tiễn. Song, lợi dụng chiêu bài “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, vấn đề “nhân

quyền”, các thế lực thù địch đã và đang ra sức tiến hành diễn biến hòa bình trên lĩnh vực

chính trị, tư tưởng nhằm thao túng dư luận, gây rối loạn xã hội, chống phá Đảng, Nhà

nước ta.

Về mặt thủ đoạn, các đối tượng chống phá sử dụng chiêu bài xuyên tạc khái niệm tự do báo chí; lôi

kéo đội ngũ người làm báo theo hướng phục tùng mưu đồ của chúng; viện dẫn các quy định của luật

pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí nhưng cố tình lờ đi những quy định pháp luật về

tự do báo chí, tự do ngôn luận rồi tán phát qua Internet, mạng xã hội làm cho nhiều người hiểu lầm

rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Thậm chí, Tổ chức

phóng viên không biên giới (RSF) đã đưa ra những đánh giá thiên lệch, thiếu khách quan và hoàn

toàn không có cơ sở khi xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “ít có tự do báo chí”.

Những kẻ chống phá dường như cố tình quên rằng việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn

luận, tự do báo chí trong khuôn khổ quy định của pháp luật là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà

nước Việt Nam. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật liên quan

đồng thời được triển khai thực hiện trong thực tế. Nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực

hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân, trong

đó có quyềntự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn

luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do

pháp luật quy định”. Điều 11, Luật Báo chí sửa đổi (2016) quy định rõ: Công dân có quyền: “Phát

biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ

trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố

cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân".

Tính đến 4/2022, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 115 báo thực hiện 2 loại hình (in và điện

tử): 116 tạp chí thực hiện 2 loại hình; 29 báo và tạp chí điện tử chỉ có loại hình điện tử; 72 cơ quan

được cấp phép hoạt động phát thanh-truyền hình;  khoảng 41.600 nhân sự đang tham gia hoạt động

trong lĩnh vực báo chí, Cả nước hiện có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo 2021-2025 (tính đến

15/8/2021)…

Yếu tố hạ tầng thông tin cũng là một điểm nhấn trong thực hiện quyền tự do báo chí ở Việt Nam.

Những năm qua, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu “Chuyển đổi số quốc gia”, hướng tới mỗi người

dân có một điện thoại thông minh; mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao… Đó


là nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm tôn trọng quyền được tiếp cận Internet của tất cả mọi người;

được bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, được bảo đảm quyền tự do ngôn luận. Thông qua các

thể loại báo viết, báo ảnh, báo điện tử, Việt Nam tôn trọng và phát huy quyền tự do báo chí của công

dân, khi mà mọi chủ trương đường lối, dự thảo luật đều được lấy ý kiến từ nhân dân thông qua

chương trình truyền hình, trang ý kiến đóng góp… Việt Nam không cấm tự do báo chí, tự do ngôn

luận, mà chỉ nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do ấy để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, xâm

phạm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước.

Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với

cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định

nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người

khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung”.

Thực tiễn thế giới cũng cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc,

Singapore… đều có chế tài, điều khoản luật xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tự do báo chí để vi

phạm pháp luật. Nói cách khác, tự do báo chí, ở bất kỳ quốc gia nào cũng phải gắn với chế độ chính

trị, điều kiện xã hội, nền tảng đạo đức, pháp lý trong mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể…

Cũng không có quốc gia nào để bảo vệ chế độ, chủ quyền quốc gia mà cho phép những kẻ lợi dụng

vấn đề dân chủ, nhân quyền xuyên tạc, chống phá tùy tiện. Nếu 43 nhà báo bị cơ quan chức năng

Việt Nam xử lý trong năm 2021 thì đó chính là những kẻ đang cố tình bóp méo sự thật, vi phạm Luật

Báo chí của Việt Nam. Những kẻ bị bắt không phải vì họ làm nghề viết báo, cũng không phải Việt

Nam không cho phép họ làm báo, mà vì họ vi phạm pháp luật, tung tin giả, tin xấu độc xâm phạm an

ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việc xử lý theo pháp luật những kẻ vi phạm đó cũng đồng nghĩa

với việc bảo đảm quyền tiếp cận những thông tin chính xác, khách quan của công dân.

Như vậy, ở Việt Nam, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng việc thực hiện các

quyền này do pháp luật quy định, không ai được lạm dụng quyền các quyền đó để xâm phạm lợi ích

của Nhà nước, tập thể và công dân, nghĩa là tự do trong khuôn khổ pháp luật chứ không phải là tự do

tuyệt đối. Những chiêu bài rao rằng ở Việt Nam “ít có tự do báo chí”;“Việt Nam kiểm soát và bóp

nghẹt quyền tự do báo chí, tự do Internet” là xuyên tạc sự thật, bộc lộ rõ mưu đồ chống phá, tham

vọng thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam của các thế lực phản động.

Xứng đáng là những điển hình mẫu mực để đồng bào học tập, noi theo

 Đến thôn Rã Giữa, xã Phước Trung hỏi ông Mai Liên ai cũng biết. Bởi ông là Người có uy tín

trên địa bàn. Ngoài việc vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào

Raglay, ông còn tích cực tham gia hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống giữa các

gia đình, các tộc họ.

Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia xử lý những trường hợp uống rượu say gây rối trật tự và

những vụ va quẹt khi tham gia giao thông giữa các thanh niên trong thôn, xóm, góp phần giữ

vững an ninh trật tự trên địa bàn xã.

Anh Chamaléa Thoa ở thôn Rã Giữa cho biết: Hai vợ chồng tôi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn,

nhờ được ông Liên là Người có uy tín ở thôn cùng cán bộ thôn đến động viên, hòa giải, nên hiện

nay cuộc sống gia đình được êm ấm. Phát huy vai trò Người có uy tín, ông còn gương mẫu đi

đầu trong phát triển sản xuất để bà con làm theo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nên hiện nay, gia đình tôi

đã phát triển đàn bò được 29 con, diện tích đất sản xuất chủ động nước gần 2 ha, kinh tế gia đình

đã ổn định, con cái ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng sống hòa thuận.

Hiện nay trên địa bàn huyện Bác Ái có 37 Người có uy tín trong cộng đồng ở 38 thôn thuộc 9 xã.

Những năm qua, Người có uy tín trên địa bàn huyện luôn gương mẫu, đi đầu trong phát triển

kinh tế, xây dựng nông thôn mới; vận động đồng bào ở khu dân cư xây dựng khối Đại đoàn kết

toàn dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước; giữ gìn vệ sinh môi trường; xóa bỏ

hủ tục.

Nét nổi bật là đội ngũ những Người có uy tín trên địa bàn huyện không chỉ là tấm gương sáng

trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, mà còn tích cực vận động gia đình, bà con đẩy

mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu

sang thâm canh tăng vụ, kết hợp với chăn nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Nhờ đó, bà con đã biết khai thác tiềm năng lợi thế về đất đai để áp dụng các mô hình sản xuất

hiệu quả, như: Mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích gần 30 ha ở xã Phước Chính;

mô hình “Tưới nước tiết kiệm”; mô hình nuôi bò, dê vỗ béo và sinh sản; chuyển đổi cơ cấu cây

trồng, vật nuôi… Qua thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, đã giúp nhiều nông hộ có cuộc

sống ổn định.

Trong lĩnh vực giữ gìn an ninh trật tự, Người có uy tín luôn phối hợp với chính quyền và lực

lượng Công an, Quân đội tuyên truyền, vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, đấu tranh phòng,

chống các loại tội phạm, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu. Cùng với các

lực lượng Công an, Quân đội xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc,

giữ vững bình yên nơi thôn, xóm...

Ông Pi Năng Chấn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bác Ái cho biết: Những năm qua, bằng chính

trách nhiệm, lòng nhiệt huyết, sự am hiểu phong tục tập quán và sự tín nhiệm của cộng đồng dân

cư, đội ngũ Người có uy tín đã trở thành “chỗ dựa” vững chắc đối với đồng bào DTTS trên địa


bàn huyện. Họ là những người truyền tải hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính

sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư; tích cực cùng với chính quyền địa phương

tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở. Người có uy tín trên địa bàn huyện xứng đáng

là những điển hình mẫu mực để bà con học tập, noi theo.