Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hơn nửa thế kỷ, càng sáng tỏ giá trị lịch sử và tầm nhìn thời đại của một bậc thiên tài. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường, định hướng cho cách mạng Việt Nam hôm qua, hôm nay và cho mai sau, là ngọn đuốc soi đường cho đất nước ta vững bước đi lên, phát triển bền vững.
Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỊNH HƯỚNG CHO CÁCH MẠNG VIỆT NAM HÔM QUA, HÔM NAY VÀ CHO MAI SAU
NGHIÊN CỨU VẬN DỤNG QUAN ĐIỂM "KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN" TRONG CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC
Quan điểm “Kháng chiến toàn dân, toàn diện” là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Việc vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm trên vào thực tiễn là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), quan điểm trên vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.
Biểu tượng của độc lập, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý chí kiên cường.
"Đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của độc lập, của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất kiên cường". Đây là những chia sẻ chân thành của Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Trùng Khánh - Tứ Xuyên.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời cao đẹp hiến dâng cho sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc, đưa đất nước hướng tới độc lập, tự do, sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và quê hương đất nước một tình cảm vô cùng sâu đậm, tha thiết. Dẫu có đi đâu, ở đâu, làm gì, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đau đáu trong tim hình ảnh Bác, hình ảnh quê hương Việt Nam thân yêu, một lòng hướng về Tổ quốc. Như câu nói Bác đã từng khẳng định: “Quê hương nghĩa nặng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời cũng là người đặt nền tảng vững chắc cho mối liên kết giữa người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Từ góc nhìn của người đã hơn 13 năm sống ở nước ngoài, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan đánh giá Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay đã có những chính sách mang tính tiếp nối truyền thống, phù hợp, đúng đắn và nhất quán về người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc kết nối kiều bào với đồng bào trong nước.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam và đường lối chính sách phù hợp giúp bà con kiều bào ở nước ngoài an tâm sinh sống, làm việc và học tập tại nước sở tại, ngày càng có những cái nhìn tích cực hơn, thêm tin tưởng và tự hào về quê hương, hướng về đất nước. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc nói riêng, vô cùng trân trọng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã luôn dành tình cảm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho bà con kiều bào, tăng cường sự gắn bó giữa kiều bào với quê hương, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, nâng cao tình cảm và trách nhiệm của kiều bào đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển của sở tại mà còn góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc. Với sự gần gũi về địa lý và văn hóa, Trung Quốc là một trong những đất nước có đông đảo người Việt sinh sống, hiện tại số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc và du học ở Trung Quốc ngày càng tăng (khoảng trên 500.000 người).
Người Việt tại Trung Quốc phần lớn hiện có cuộc sống tương đối ổn định, ngày càng có điều kiện phát triển tốt hơn, trong đó nhiều người đã làm việc cho các tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, nhiều người mong muốn trở về nước để tìm kiếm cơ hội phát triển tốt hơn và đóng góp thiết thực cho quê hương, trở thành "lực đẩy" quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
Cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc luôn ý thức rõ về vai trò cầu nối của bản thân trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt - Trung, không ngừng phát huy những lợi thế riêng của bản thân, làm đầu mối quan trọng trong việc kết nối chuyển giao khoa học công nghệ, kết nối kinh tế, thương mại, quảng bá hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tại nước sở tại, cũng như đầu tư phát triển các dự án kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong quá trình sinh sống và học tập tại Trung Quốc, việc kiều bào hòa nhập tốt vào xã hội sở tại, thường xuyên tiếp xúc với người Trung Quốc và tham gia các chương trình trao đổi giao lưu văn hóa, giáo dục, xúc tiến thương mại… cũng là trực tiếp đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung.
Là một trong số gần 600 đại biểu đại diện cho cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới về nước dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024, bà Nguyễn Thị Lan bày tỏ vinh dự và gửi lời cảm ơn tới Ban lãnh đạo Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, các cơ quan trong nước đã tổ chức hội nghị, cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bà nhấn mạnh, dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 là cơ hội quý báu cho bà con người Việt ở nước ngoài cập nhật thông tin về tình hình quê hương đất nước, hiểu biết hơn nữa về công tác người Việt ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước, qua đó gợi mở cho kiều bào hướng đi mới, yêu cầu mới cũng như cách làm mới để đóng góp thiết thực hơn nữa vào công cuộc xây dựng đất nước chung của mỗi người con Việt Nam.
Xây dựng nền nếp văn hóa phê bình tích cực.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam một sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà còn truyền tải những giá trị đạo đức và tư tưởng sâu sắc qua Di chúc của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết vào những năm cuối đời, không chỉ phản ánh sự trải nghiệm phong phú của một nhà lãnh đạo lỗi lạc mà còn chứa đựng những nguyên tắc cơ bản để xây dựng và duy trì sự trong sạch, hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Trong đó, nguyên tắc tự phê bình và phê bình nổi bật như một phương tiện thiết yếu để nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn bộ hệ thống chính trị.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà Bác đề ra không chỉ là một phương pháp quản lý mà còn là một phần thiết yếu trong việc xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch và mạnh mẽ. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Theo Người, tự phê bình là quá trình mà mỗi cá nhân cần phải tự nhìn nhận, đánh giá và sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót của chính mình. Điều này giúp mỗi người không ngừng hoàn thiện bản thân, đồng thời duy trì sự chính trực và đạo đức cách mạng.
Phê bình, ngược lại, là việc các đồng chí, đồng nghiệp góp ý, nhắc nhở và giúp đỡ nhau để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác và phẩm chất cá nhân. Phê bình cần được thực hiện một cách công tâm, xây dựng và mang tính xây dựng, không phải chỉ trích đơn thuần. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự đoàn kết, đồng thuận trong tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác và phát triển cá nhân.
Khi mọi người trong tổ chức sẵn sàng tự phê bình và tiếp nhận phê bình một cách nghiêm túc, nó giúp loại bỏ những khuyết điểm, sai sót và tạo ra một môi trường làm việc công bằng, dân chủ. Thời gian qua, công tác tự phê bình và phê bình trong nhiều tổ chức cơ sở đảng làm chưa được tốt. Chính vì vậy, đã có những tổ chức đảng, đảng viên, nhất là các đồng chí giữ vai trò chủ chốt vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thoái hóa về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức buộc phải xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ ra khỏi Đảng.
Việc để xảy ra những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, một phần là bởi trong sinh hoạt Đảng đã có sự e ngại va chạm giữa các đảng viên, e ngại bị phân biệt đối xử giữa cấp trên và cấp dưới. Nhiều cá nhân ngại phê bình vì sợ mất lòng, hoặc sợ nhận được phản ứng tiêu cực từ phía đồng chí của mình. Chính từ việc e ngại va chạm đã làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình mất tác dụng, làm giảm sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức đảng cần xây dựng nền nếp văn hóa phê bình tích cực, trong đó việc phê bình phải được coi là một cơ hội để cải thiện, không phải là sự chỉ trích cá nhân. Các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt cần loại bỏ tính tự ái cá nhân, tạo điều kiện để mọi người có thể thoải mái bày tỏ ý kiến, nhận xét, góp ý mà không sợ bị “để ý”, bị phân biệt đối xử.
Một vấn đề nữa là sự thiếu công bằng trong phê bình. Đôi khi, việc phê bình không được thực hiện công bằng hoặc thiếu khách quan, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi. Chẳng hạn như trong cuộc sống, công tác, không ưa người này, người kia thì tìm đủ mọi cách để phê bình, mặc dù chất lượng công tác, chuyên môn nghiệp vụ của người bị phê bình vẫn tốt. Phê bình kiểu “sợi tóc chẻ tư” khiến cho người bị phê bình cảm thấy không thuyết phục. Do đó, trong phê bình cũng cần có sự giám sát và đánh giá quá trình phê bình, bảo đảm cho mọi ý kiến đều được thể hiện một cách vô tư, khách quan và công bằng.
Cùng với hai vấn đề nêu trên, hiện nay trong các tổ chức đảng còn xuất hiện hiện tượng thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo kiểu hình thức, hoặc thiếu sự nghiêm túc. Nghĩa là chỉ thực hiện phê bình kiểu chiếu lệ, qua loa đại khái, nhất là thực hiện nguyên tắc phê bình mỗi khi kiểm tra định kỳ đối với cán bộ chủ chốt. Vì thế, có thể người được phê bình có sai phạm mà không biết mình sai. Điều này cần được khắc phục bằng cách nâng cao nhận thức và yêu cầu từ cấp trên, đồng thời tạo ra cơ chế kiểm tra và đánh giá để bảo đảm cho nguyên tắc này được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Khi người được phê bình đã thiếu tự giác trong tự phê bình lại nhận được việc phê bình kiểu hình thức thì vi phạm sẽ chồng lên vi phạm và âm ỉ kéo dài.
Để duy trì và thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần phải có sự cam kết từ các cấp lãnh đạo và toàn thể cán bộ, đảng viên. Theo đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tạo môi trường dân chủ và cởi mở. Đây chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Các tổ chức cần xây dựng không khí nơi mà mọi ý kiến và góp ý đều được lắng nghe một cách nghiêm túc. Lãnh đạo cần phải gương mẫu, khuyến khích việc phê bình và tiếp nhận phê bình một cách tích cực. Điều này giúp giảm bớt sự e ngại, ngại va chạm của các thành viên khi đưa ra ý kiến và nhận xét.
Hai là, xây dựng quy chế và quy trình cụ thể về thực hiện tự phê bình và phê bình. Các quy chế này cần phải được phổ biến và hiểu rõ ở tất cả cán bộ, đảng viên. Quy trình phê bình cần được thực hiện định kỳ, cụ thể và công khai để bảo đảm tính minh bạch và công bằng. Quy trình này cũng cần quy định rõ ràng về cách tiếp nhận và xử lý các ý kiến phê bình, nhằm bảo đảm rằng mọi góp ý đều được xem xét một cách nghiêm túc và công bằng.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền về tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình là rất cần thiết. Đào tạo giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện nguyên tắc này cho mọi cán bộ, đảng viên. Tuyên truyền về những lợi ích của việc thực hiện tự phê bình và phê bình cũng giúp xây dựng nhận thức và thúc đẩy sự tham gia tích cực từ mọi người. Các khóa đào tạo nên được tổ chức thường xuyên và cập nhật theo tình hình thực tiễn.
Bốn là, xử lý nghiêm minh và kịp thời những vi phạm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Việc này không chỉ giúp duy trì kỷ luật mà còn tạo động lực cho việc thực hiện nguyên tắc một cách triệt để. Các biện pháp xử lý cần phải công khai và minh bạch, đồng thời phù hợp với mức độ vi phạm.
Chúng ta có thể thấy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nguyên tắc quan trọng của Đảng Cộng sản cầm quyền, đồng thời là một giá trị văn hóa, đạo đức cần được duy trì và lan tỏa rộng rãi. Tự phê bình và phê bình là phương thức thiết yếu để rèn luyện và củng cố đội ngũ đảng viên, là vũ khí để Đảng tự làm trong sạch mình và thể hiện phẩm chất cầm quyền của Đảng.
Để thực hiện tốt nguyên tắc này, cần có quyết tâm, cam kết thực sự và sự nỗ lực, quyết liệt từ Ban Chấp hành Trung ương đến tổ chức cơ sở đảng và các đảng viên. Việc thực hiện nguyên tắc cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục như “rửa mặt hằng ngày”. Có như vậy, từng đảng viên mới có thể giữ được sự trong sạch, liêm khiết, từng tổ chức đảng đến toàn Đảng mới giữ gìn được sức chiến đấu và phẩm chất, làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của mình.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sự kết tinh của trí tuệ uyên bác, nhân cách cao đẹp.
ản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong một thời gian dài, từ năm 1965 đến năm 1969, là một bản tổng kết sâu sắc, toàn diện kinh nghiệm, quá trình chỉ đạo cách mạng, những trải nghiệm, đường hướng phát triển tương lai của dân tộc.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác đã viết về những trăn trở đầy tâm huyết, sự cẩn trọng, cân nhắc đầy trách nhiệm của người cộng sản, vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh khi soạn thảo “Tài liệu tuyệt đối bí mật” này: “Lúc gần tuổi “cổ lai hy”, thì phải nghĩ tới những gì cần căn dặn lại những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Chắc rằng Bác Hồ của chúng ta đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Bác đã đi thăm Côn Sơn, đây là một cuộc hành hương đến nơi ở cuối cùng của Nguyễn Trãi. Lúc bắt tay vào công việc cực kỳ trọng yếu này, Bác đã trải qua bao nhiêu trăn trở, ôn lại cuộc đời gắn với vận mệnh của dân, của nước, đầy sóng gió nhưng cũng đầy thắng lợi, đồng thời nhìn về tương lai với lòng tin sâu sắc vào những thế hệ sắp tới”.
Như bài viết “Di chúc của đồng chí Hồ Chí Minh” ký tên Người quan sát đăng trên tạp chí Thời mới, số 38, ra ngày 24-9-1969 đã nhận định: “Sức mạnh của những người cộng sản là ở chỗ họ nhìn thấy được những sự kiện trong một tương lai lịch sử rộng lớn. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điều đó. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn”. Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo, đã nhìn thấy trước và đề cập đến những công việc cần thiết phải thực hiện để xây dựng lại một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai: Chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân…
Không chỉ trong lời nói, câu viết, Bác luôn quan tâm, gần gũi nhân dân bằng những hành động cụ thể thiết thực. Trong Di chúc, Bác đặc biệt quan tâm đến con người và những “công việc với con người”.
Trước hết, thể hiện khát vọng và niềm tin tất thắng về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, Bác “có ý định đến ngày đó” sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước, và thay mặt nhân dân Việt Nam “đi thăm và cảm ơn” bè bạn quốc tế đã “tận tình ủng hộ và giúp đỡ” cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Bác chỉ rõ Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động ở miền núi cũng như miền xuôi; và đề cập đến từng đối tượng cụ thể, đó là những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình; những liệt sĩ, cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ; những chiến sĩ trẻ, phụ nữ, thanh niên xung phong…
Di chúc ngời sáng tư tưởng yêu thương con người, được Bác nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Đồng thời, cũng nêu một tấm gương về phép xử thế rất nhân văn của nhà văn hóa lớn, của vị lãnh tụ tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân, không một chút riêng tư.
Luyện giỏi, rèn nghiêm, mừng ngày hội lớn
ến Sư đoàn 316 (Quân khu 2), chúng tôi rất ấn tượng với sự miệt mài huấn luyện điều lệnh đội ngũ của cán bộ, chiến sĩ để chuẩn bị tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Dù thời tiết đã vào Thu, tiết trời vùng Trung du vẫn nắng nóng. Đã gần 10 giờ trưa, trên sân vận động của Sư đoàn, các chiến sĩ vẫn thực hành luyện tập các động tác kỹ thuật cá nhân theo nhịp hô và tiếng còi to rõ của người chỉ huy. Trung tá Nguyễn Thế Thắng, Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 98 được giao làm Khối trưởng sĩ quan đang duy trì luyện tập. Trung tá Thắng tổ chức chia nhỏ đội hình; tập đều, xếp thành hàng xung quanh đường băng sân vận động; tập luyện cách đánh tay, đưa chân được ke bằng sợi dây nhằm đảm bảo đúng động tác, kỹ thuật, nhanh, mạnh, dứt khoát. Trên người cán bộ, chiến sĩ ướt đẫm mồ hôi, nhưng ai nấy đều giữ nét mặt tươi vui, phấn khởi.
Các chiến sĩ luyện tập ke chân. |
Binh nhì Lò Văn Quỳnh, dân tộc Thái, nhà ở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, chiến sĩ Đại đội 14, Trung đoàn 98 chia sẻ: "Tôi vừa nhập ngũ đầu năm nay, trải qua 6 tháng rèn luyện đã giúp tôi phần nào hiểu được công việc, nhiệm vụ của người chiến sĩ. Đợt này tôi thật vinh dự được lựa chọn tham gia luyện tập điều lệnh đội ngũ chuẩn bị cho Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy có vất vả, nhưng các chiến sĩ ai cũng vui vẻ, phấn khởi và rất vinh dự vì trong đời quân ngũ không phải ai cũng được tham gia sự kiện quan trọng này".
Các chiến sĩ tập luyện động tác đi nghiêm. |
Theo Phòng Tham mưu, Sư đoàn 316, tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng giao, Quân khu 2 đảm nhiệm 5 khối điều lệnh đội ngũ, sẽ có 4 khối đi, 1 khối đứng gồm: Khối cờ Đảng, cờ Tổ quốc; khối Hồng kỳ; khối Sĩ quan Quân khu 2; khối Dân quân miền Bắc và 1 khối đứng sĩ quan. Quân số mỗi khối đi chính thức 100 người, xếp hàng dọc 10, hàng ngang 10 và hàng quân kỳ, chỉ huy nên quá trình luyện tập mỗi khối được biên chế từ 110 người đến 120 người/khối.
Trước khi tập trung luyện tập, Sư đoàn 316 và các đơn vị tổ chức rà soát, thẩm định thêm về lý lịch chính trị của gia đình, bản thân; tiến hành khám tuyển sức khỏe, kiểm tra kỹ chiều cao, cân nặng, các bệnh mãn tính, bệnh ngoài da. Cơ quan hậu cần Sư đoàn 316 bố trí nơi ăn nghỉ gọn gàng, sạch đẹp tại các Tiểu đoàn trực thuộc; làm tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội, đảm bảo đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn, nước uống tại bãi tập, có lực lượng quân y sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi có vấn đề về sức khỏe. Các chế độ nền nếp được duy trì thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc.
Các chiến sĩ luyện tập ke tay. |
Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 cho biết: "Huấn luyện điều lệnh đội ngũ tham gia Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã lựa chọn những cán bộ tiêu biểu nhất để tham gia quản lý, huấn luyện bộ đội; chỉ đạo quan tâm bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần; tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm động viên khích lệ cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia đạt kết quả cao nhất, góp phần vào thành công của ngày hội lớn của toàn quân, toàn dân".
Quân đội chủ động ứng phó với bão Yagi và các hình thái thời tiết cực đoan
Nhằm chủ động ứng phó với bão Yagi, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) vừa có Công điện gửi các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Quân chủng: Hải quân, Phòng không - Không quân; Bộ tư lệnh: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Thủ đô Hà Nội; Quân đoàn 12, 3, 4; Binh chủng: Pháo binh, Đặc công, Tăng thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học; Binh đoàn: 11, 12, 15, 16, 18.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay bão Yagi đang hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines). Dự báo khoảng chiều 3-9 bão Yagi đi vào Biển Đông (cơn bão số 3), trong khoảng từ ngày 4 đến 6-9, bão số 3 trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông, gió mạnh tối đa lên tới cấp 12, giật cấp 15. Ngoài ra khu vực Nam bộ, Tây Nguyên xảy ra mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định hỗ trợ ngư dân đưa phương tiện thuyền đánh cá nhỏ lên bờ để ứng phó bão. |
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão trên Biển Đông và mưa lớn có thể gây ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp, khu đô thị tại vùng núi phía Bắc, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, Cục Cứu hộ - Cứu nạn đề nghị các đơn vị quân đội thực hiện một số nội dung sau:
Duy trì nghiêm chế độ trực, theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn. Phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động ứng phó; chủ động điều động lực lượng, phương tiện, di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ tư lệnh Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9; Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố (quận, huyện) nắm chắc tình hình di chuyển của bão Yagi, mưa lớn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên; rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống; bảo đảm an toàn tuyệt đối lực lượng, phương tiện khi đi làm nhiệm vụ.
Ngư dân Nam Định chủ động đưa thuyền lên bờ trước khi thời tiết có diễn biến phức tạp. |
Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh, thành phố và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão Yagi để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, thường xuyên duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển chỉ đạo các đơn vị bảo đảm an toàn cho các phương tiện đang hoạt động trên biển; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Quân chủng Phòng không - Không quân, Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện bay tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của Bộ Quốc phòng.
Bộ tư lệnh các Quân đoàn, Binh chủng, Binh đoàn có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lớn, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.
Các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo về Bộ Tổng Tham mưu (qua Cục Cứu hộ - Cứu nạn) để giúp Bộ theo dõi, chỉ đạo.