Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc Việt Nam một sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà còn truyền tải những giá trị đạo đức và tư tưởng sâu sắc qua Di chúc của Người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết vào những năm cuối đời, không chỉ phản ánh sự trải nghiệm phong phú của một nhà lãnh đạo lỗi lạc mà còn chứa đựng những nguyên tắc cơ bản để xây dựng và duy trì sự trong sạch, hiệu quả của Đảng và Nhà nước. Trong đó, nguyên tắc tự phê bình và phê bình nổi bật như một phương tiện thiết yếu để nâng cao phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn bộ hệ thống chính trị.
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình mà Bác đề ra không chỉ là một phương pháp quản lý mà còn là một phần thiết yếu trong việc xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch và mạnh mẽ. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Theo Người, tự phê bình là quá trình mà mỗi cá nhân cần phải tự nhìn nhận, đánh giá và sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót của chính mình. Điều này giúp mỗi người không ngừng hoàn thiện bản thân, đồng thời duy trì sự chính trực và đạo đức cách mạng.
Phê bình, ngược lại, là việc các đồng chí, đồng nghiệp góp ý, nhắc nhở và giúp đỡ nhau để khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác và phẩm chất cá nhân. Phê bình cần được thực hiện một cách công tâm, xây dựng và mang tính xây dựng, không phải chỉ trích đơn thuần. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự đoàn kết, đồng thuận trong tổ chức, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác và phát triển cá nhân.
Khi mọi người trong tổ chức sẵn sàng tự phê bình và tiếp nhận phê bình một cách nghiêm túc, nó giúp loại bỏ những khuyết điểm, sai sót và tạo ra một môi trường làm việc công bằng, dân chủ. Thời gian qua, công tác tự phê bình và phê bình trong nhiều tổ chức cơ sở đảng làm chưa được tốt. Chính vì vậy, đã có những tổ chức đảng, đảng viên, nhất là các đồng chí giữ vai trò chủ chốt vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thoái hóa về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức buộc phải xử lý kỷ luật từ khiển trách đến khai trừ ra khỏi Đảng.
Việc để xảy ra những tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, một phần là bởi trong sinh hoạt Đảng đã có sự e ngại va chạm giữa các đảng viên, e ngại bị phân biệt đối xử giữa cấp trên và cấp dưới. Nhiều cá nhân ngại phê bình vì sợ mất lòng, hoặc sợ nhận được phản ứng tiêu cực từ phía đồng chí của mình. Chính từ việc e ngại va chạm đã làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình mất tác dụng, làm giảm sức chiến đấu của các tổ chức đảng. Để khắc phục tình trạng này, các tổ chức đảng cần xây dựng nền nếp văn hóa phê bình tích cực, trong đó việc phê bình phải được coi là một cơ hội để cải thiện, không phải là sự chỉ trích cá nhân. Các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt cần loại bỏ tính tự ái cá nhân, tạo điều kiện để mọi người có thể thoải mái bày tỏ ý kiến, nhận xét, góp ý mà không sợ bị “để ý”, bị phân biệt đối xử.
Một vấn đề nữa là sự thiếu công bằng trong phê bình. Đôi khi, việc phê bình không được thực hiện công bằng hoặc thiếu khách quan, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi. Chẳng hạn như trong cuộc sống, công tác, không ưa người này, người kia thì tìm đủ mọi cách để phê bình, mặc dù chất lượng công tác, chuyên môn nghiệp vụ của người bị phê bình vẫn tốt. Phê bình kiểu “sợi tóc chẻ tư” khiến cho người bị phê bình cảm thấy không thuyết phục. Do đó, trong phê bình cũng cần có sự giám sát và đánh giá quá trình phê bình, bảo đảm cho mọi ý kiến đều được thể hiện một cách vô tư, khách quan và công bằng.
Cùng với hai vấn đề nêu trên, hiện nay trong các tổ chức đảng còn xuất hiện hiện tượng thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo kiểu hình thức, hoặc thiếu sự nghiêm túc. Nghĩa là chỉ thực hiện phê bình kiểu chiếu lệ, qua loa đại khái, nhất là thực hiện nguyên tắc phê bình mỗi khi kiểm tra định kỳ đối với cán bộ chủ chốt. Vì thế, có thể người được phê bình có sai phạm mà không biết mình sai. Điều này cần được khắc phục bằng cách nâng cao nhận thức và yêu cầu từ cấp trên, đồng thời tạo ra cơ chế kiểm tra và đánh giá để bảo đảm cho nguyên tắc này được thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả. Khi người được phê bình đã thiếu tự giác trong tự phê bình lại nhận được việc phê bình kiểu hình thức thì vi phạm sẽ chồng lên vi phạm và âm ỉ kéo dài.
Để duy trì và thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình, cần phải có sự cam kết từ các cấp lãnh đạo và toàn thể cán bộ, đảng viên. Theo đó, cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, tạo môi trường dân chủ và cởi mở. Đây chính là điều kiện tiên quyết để thực hiện hiệu quả nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Các tổ chức cần xây dựng không khí nơi mà mọi ý kiến và góp ý đều được lắng nghe một cách nghiêm túc. Lãnh đạo cần phải gương mẫu, khuyến khích việc phê bình và tiếp nhận phê bình một cách tích cực. Điều này giúp giảm bớt sự e ngại, ngại va chạm của các thành viên khi đưa ra ý kiến và nhận xét.
Hai là, xây dựng quy chế và quy trình cụ thể về thực hiện tự phê bình và phê bình. Các quy chế này cần phải được phổ biến và hiểu rõ ở tất cả cán bộ, đảng viên. Quy trình phê bình cần được thực hiện định kỳ, cụ thể và công khai để bảo đảm tính minh bạch và công bằng. Quy trình này cũng cần quy định rõ ràng về cách tiếp nhận và xử lý các ý kiến phê bình, nhằm bảo đảm rằng mọi góp ý đều được xem xét một cách nghiêm túc và công bằng.
Ba là, tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền về tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình là rất cần thiết. Đào tạo giúp nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện nguyên tắc này cho mọi cán bộ, đảng viên. Tuyên truyền về những lợi ích của việc thực hiện tự phê bình và phê bình cũng giúp xây dựng nhận thức và thúc đẩy sự tham gia tích cực từ mọi người. Các khóa đào tạo nên được tổ chức thường xuyên và cập nhật theo tình hình thực tiễn.
Bốn là, xử lý nghiêm minh và kịp thời những vi phạm nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Việc này không chỉ giúp duy trì kỷ luật mà còn tạo động lực cho việc thực hiện nguyên tắc một cách triệt để. Các biện pháp xử lý cần phải công khai và minh bạch, đồng thời phù hợp với mức độ vi phạm.
Chúng ta có thể thấy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nguyên tắc quan trọng của Đảng Cộng sản cầm quyền, đồng thời là một giá trị văn hóa, đạo đức cần được duy trì và lan tỏa rộng rãi. Tự phê bình và phê bình là phương thức thiết yếu để rèn luyện và củng cố đội ngũ đảng viên, là vũ khí để Đảng tự làm trong sạch mình và thể hiện phẩm chất cầm quyền của Đảng.
Để thực hiện tốt nguyên tắc này, cần có quyết tâm, cam kết thực sự và sự nỗ lực, quyết liệt từ Ban Chấp hành Trung ương đến tổ chức cơ sở đảng và các đảng viên. Việc thực hiện nguyên tắc cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục như “rửa mặt hằng ngày”. Có như vậy, từng đảng viên mới có thể giữ được sự trong sạch, liêm khiết, từng tổ chức đảng đến toàn Đảng mới giữ gìn được sức chiến đấu và phẩm chất, làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét