Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc

 


Thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Đây là cơ sở vững chắc bảo đảm cho xã hội phát triển và ổn định tạo cơ sở để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo nền tảng vật chất và tinh thần để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn đặt ra, bám sát tình hình đất nước, đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy xã hội phát triển. Khi nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, tập hợp được ý chí, trí tuệ, sáng kiến của các tầng lớp nhân dân thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi theo các kênh đối thoại của các tổ chức, các phương tiện truyền thông, các ý kiến phản biện xã hội.

Nội dung chính sách, pháp luật phải toàn diện, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Song, dù bất cứ lĩnh vực nào, chính sách pháp luật phải bảo đảm về mặt pháp lý và thực tiễn một cách hài hòa, cụ thể, thiết thực các lợi ích: lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích mỗi cộng đồng, thành phần kinh tế, thành phần xã hội, lợi ích cá nhân công dân. Đây là cơ sở tạo nên sự đồng thuận xã hội và đại đoàn kết dân tộc. Hơn nữa, việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, pháp luật cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn thiết thực tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ, tạo nên tâm trạng xã hội tích cực lạc quan, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa tích cực đối với xây dựng và đoàn kết dân tộc.

Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển vừa tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người dân phát huy cao nhất nguồn lực sáng tạo trong lao động, cơ hội để phát triển kinh tế để làm giàu chính sách đúng, hợp pháp, thực hành giải quyết hài hòa các lợi ích, cá nhân, tập thể và toàn xã hội, đồng thời hướng sự phát triển kinh tế phục vụ nhu cầu, cuộc sống của con người, mục tiêu cao nhất và nhân văn của phát triển kinh tế. Vì vậy, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội vừa là bồi dưỡng sức dân, khoan thư sức dân, tạo ra động lực của phát triển, vừa tạo ra tâm trạng phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Để thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng ta chủ trương, cần tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập để mọi người dân đều thực hiện được quyền nghĩa vụ lao động, làm ra của cải vật chất cho bản thân, gia đình và xã hội bảo đảm chất lượng cuộc sống, không ngừng tăng cùng với sự phát triển kinh tế. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, người có công, các đối tượng chính sách ưu tiên, ưu đãi khác, những người nghèo, người thương tật, các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương, thông qua việc mở rộng và hoàn thiện hệ thống bào hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cứu tế xã hội…

Đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khắc phục từng bước sự chênh lệch về sự phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống đồng bào các dân tộc thiểu số trong kinh tế thị trường. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên cơ sở phát triển mạnh mẽ, rộng khắp các cơ sở y tế với đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và có y đức. Phát triển mạnh mẽ phong trào rèn luyện sức khoẻ, thể dục thể thao, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, văn hóa xã hội, đáp ứng nhu cầu và quyền hoạt động và hưởng thụ về đời sống vật chất và và văn hóa tinh thần của nhân dân.

Một vấn đề quan trọng trong thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội là thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực, bảo vệ quyền phụ nữ và quyền trẻ em, chống mọi hành vi bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội: phòng chống các tệ nạn xã hội, ngăn chặn các loại tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em xuyên quốc gia, triệt phá các băng nhóm tội phạm kiểu “xã hội đen” giữ gìn cuộc sống thanh bình của nhân dân và giữ ổn định xã hội.

Như vậy, thực hiện chính sách kinh tế gắn liền với chính sách xã hội, với tiến bộ và công bằng xã hội vì con người, tạo ra động lực to lớn, phát huy mọi nguồn lực, mọi năng lực sáng tạo trong nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tiến bộ xã hội và công bằng xã hội, do đó đã liên kết và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi lẽ, nó đã kết hợp chặt chẽ gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa xã hội, kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời dồng tinh thần, giữa quyền lợi, nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, lợi ích của nhân dân với lợi ích của tập thể và lợi ích toàn xã hội, tạo nên sự ổn định xã hội, đồng thuận xã hội, yếu tố cực kì quan trọng để xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét