Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII là đề ra các quan điểm, chủ trương mới về phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc. Môi trường văn hóa trong quân đội là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần hợp thành một chỉnh thể trong không gian và thời gian xác định, tác động đến quá trình hình thành, nuôi dưỡng và hoàn thiện những phẩm chất văn hóa của quân nhân.
Văn hoá Việt Nam là toàn bộ những giá trị vật chất, tinh thần do con người Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình thực tiễn xã hội - lịch sử, theo tiêu chí chân, thiện, mỹ và hiện thực hoá nó thông qua hoạt động sống của con người, tiêu biểu cho trình độ đạt được trong tiến trình lịch sử phát triển xã hội Việt Nam.
Từ góc nhìn văn hóa, giá trị là hệ thống niềm tin, chuẩn mực của cộng đồng, tộc người, là các quan niệm mang tính văn hóa về sự tốt đẹp, tầm quan trọng hay ước muốn mà các thành viên của một tộc người hay một nhóm xã hội hướng tới. Theo đó, giá trị văn hoá Việt Nam là hệ thống những thành tựu sáng tạo, nhân văn của con người Việt Nam đạt được theo tiêu chí chân, thiện, mỹ trong tiến trình lịch sử, thể hiện trình độ phát triển lực lượng bản chất người của mỗi cá nhân và cộng đồng trong lịch sử xã hội Việt Nam.
Hệ giá trị, hiểu một cách thông thường nhất “là cách liên kết của các giá trị để tạo nên hệ thống. Trong hệ thống này, các giá trị không phải khi nào cũng đồng đẳng với nhau mà luôn có sự sắp đặt trước sau, có độ nhấn về tầm quan trọng của từng nhân tố giá trị trong một bản giá trị”[1]. Theo đó, hệ giá trị văn hoá Việt Nam là tổng hoà các giá trị văn hoá Việt Nam tạo nên truyền thống theo tiêu chí chân, thiện, mỹ được sắp xếp theo trình tự nhất định. Giá trị, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trở thành yếu tố cơ sở, nền tảng, chuẩn mực chi phối phương châm, triết lý sống cũng như hành vi của từng con người Việt Nam, có vai trò vô cùng quan trọng trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, “xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”[2] mà Đảng ta đã đề ra.
Môi trường văn hoá quân sự là tổng hoà các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần được hình thành trong thực tiễn hoạt động quân sự, có quan hệ biện chứng với tổ chức và hoạt động quân sự trong một thời gian và không gian xác định, thường xuyên tác động đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách quân nhân và chi phối trực tiếp đến kết quả xây dựng và hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị vũ trang.
Môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống quan hệ văn hoá quân sự Việt Nam qua các thời đại, thấm đậm bản chất nhân đạo và nhân văn cao cả. Môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta vừa là nơi rèn luyện, vừa là nơi thử thách toàn diện quân nhân, nơi xây đắp nên tình đồng chí, đồng đội cao cả và bồi dưỡng, hun đúc lý tưởng, niềm tin, sức mạnh cho mỗi quân nhân, thôi thúc quân nhân vươn tới cái đẹp, cái tốt, cái đúng, loại bỏ cái sai, cái xấu, cái thấp hèn tiềm ẩn trong mỗi con người. Môi trường văn hóa quân sự bao gồm những thành tố cơ bản đó là: yếu tố chính trị; các mối quan hệ; cảnh quan môi trường và đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta trực tiếp tạo lập môi trường sống tốt đẹp, trong sạch lành mạnh, nhân văn trong quân đội, tao điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hoàn thiện nhân cách quân nhân và góp phần giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng cho mỗi cán bộ, chiến sĩ. Vì thế xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta là trực tiếp góp phần nuôi dưỡng giáo dục, phát triển nhân cách quân nhân, tạo điều kiện cho mỗi quân nhân phát huy tối đa khả năng, năng lực của mình trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Để xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta hiện nay cần sử dụng nhiều hình thức, biện pháp trong đó phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một giải pháp quan trọng cần thực hiện. Kết quả phát huy hệ giá trị văn hóa quân sự xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta thời gian qua được biểu hiện, đó là:
Yếu tố chính trị được củng cố, phát triển, đạt được kết quả nổi trội trong phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta.
Là một lĩnh vực hoạt động đặc thù của xã hội, nên môi trường văn hoá quân sự mang dấu ấn giai cấp sâu sắc. Yếu tố chính trị của môi trường văn hoá quân sự là biểu hiện cụ thể, phản ánh tính giai cấp của môi trường văn hoá, giữ vai trò định hướng hoạt động và quyết định toàn bộ nội dung xây dựng môi trường văn hoá quân sự trong Quân đội ta. Thông qua nhiều phương thức, con đường khác nhau như sự giáo dục, qua các mối quan hệ văn hóa, qua các tác phẩm văn hóa nghệ thuật, v.v. giá trị văn hóa Việt Nam quân sự truyền thống đã đi vào nhận thức, tâm hồn, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ quân đội, tạo dựng được trong họ những cảm xúc tích cực, làm cơ sở để xây dựng các phẩm chất cao đẹp, “xây dựng nếp sống văn hóa, bản lĩnh chính trị, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đại đa số cán bộ, chiến sĩ toàn quân nắm, hiểu sâu sắc Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ đơn vị, có thế giới quan, phương pháp luận khoa học. Trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, thử thách cán bộ, chiến sĩ luôn có lập trường tư tưởng kiên định vững vàng, tin tưởng vào đường lối của Đảng, sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Có sự nhạy cảm về chính trị, có thái độ đúng trước các biểu hiện sai trái, tốt, xấu; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Đại đa số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị có lối sống trung thực, giản dị, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân có ý thức và chấp hành nghiêm kỷ luật, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội, đơn vị; có trình độ kiến thức về Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân luôn giữ mối quan hệ đoàn kết với chính quyền, đoàn thể các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân địa phương nơi đóng quân.
Trình độ giác ngộ, bản lĩnh chính trị vững vàng, kỷ kuật nghiêm minh, đạo đức, lối sống lành mạnh của cán bộ, chiến sĩ toàn quân là nội lực để mỗi quân nhân vượt qua hoàn cảnh, rèn luyện trở thành người quân nhân cách mạng, con người mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời là cơ sở điều kiện cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội loại bỏ những tư tưởng tiêu cực, lạc hậu ở trong chính bản thân mình, trong đơn vị, chống lại có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng thù địch, các giá trị phản văn hóa xâm nhập vào đơn vị. Kết quả của yếu tố chính trị trong phát huy hệ giá trị văn hóa quân sự xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta đã góp phần làm cho “Bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của quân đội được giữ vững và phát huy; phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” được tỏa sáng là điểm tựa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, toàn quân luôn đoàn kết, thống nhất cao, tuyệt đội trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”[3].
Các mối quan hệ được quan tâm xây dựng trở thành “mẫu mực, tiêu biểu” là kết quả cực kỳ quan trọng trong phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta.
Môi trường văn hoá quân sự bị chi phối bởi ý thức chính trị, quan điểm giai cấp. Trong cuộc sống hàng ngày mỗi cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tiếp xúc và giải quyết nhiều mối quan hệ, nhất là mối quan hệ trong nội bộ đơn vị như: quan hệ giữa cá nhân với tổ chức; tổ chức với tổ chức; quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới; quan hệ giữa những người đồng cấp; Quan hệ giữa các đơn vị với nhau; quan hệ với nhân dân địa phương, với gia đình, bạn bè, người cùng có sở thích…Các quan hệ đó hàng ngày, hàng giờ tác động, chi phối đến tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Giải quyết tốt, hài hoà các mối quan hệ, sẽ tạo ra tâm lý phấn khởi, tự tin giúp cho cán bộ, chiến sĩ vượt lên chính mình, tạo điều kiện cho đồng chí, đồng đội cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giá trị nhân văn quân sự trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam đã nuôi dưỡng, hình thành phẩm chất đạo đức tốt đẹp, thể hiện rõ tình yêu thương đồng chí, đồng đội, đoàn kết, gắn bó nội bộ và đoàn kết với nhân dân ở từng quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Điều đó được biểu hiện bằng việc tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị toàn quân khi giải quyết các mối quan hệ đều mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, ý thức, thái độ, trách nhiệm thể hiện tình đồng chí, đồng đội, khiêm nhường, độ lượng, khoan dung trên cơ sở Điều lệnh, Điều lệ, chế độ quy định của Quân đội, pháp luật của Nhà nước; mỗi cán bộ, chiến sĩ thực sự là chỗ dựa tinh thần tin cậy của nhau.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một chủ thể độc lập, một nhân cách, trong các mối quan hệ luôn tôn trọng lẫn nhau, cấp trên tôn trọng cấp dưới, cấp dưới tôn trọng cấp trên, không có tệ quân phiệt, sỉ nhục…Cán bộ, chiến sĩ tự giác chấp hành nghiêm các quy định, chế độ nền nếp, kỷ luật của các tổ chức; đơn vị có nếp sống chính quy, mẫu mực trong xưng hô, chào hỏi và trong mọi hoạt động. Trong đơn vị luôn có dư luận tích cực khi ủng hộ cái đúng, cái mới, phê phán các biểu hiện tiêu cực, trái với Điều lệnh Quân đội, lễ tiết, tác phong quân nhân và các giá trị văn hoá truyền thống của Quân đội, dân tộc. Trong giao tiếp cán bộ, chiến sĩ luôn chân thành cởi mở, văn minh, lịch sự. Trong quan hệ với nhân dân giữ đúng 12 điều kỷ luật, 10 lời thề danh dự của quân nhân…Chính vì vậy mà “Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Quân đội luôn giữ vững phẩm chất người quân nhân cách mạng, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, những hành vi tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch nội bộ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin cậy yêu mến”[4]. Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Chính vì vậy mà “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, xung kích, đi đầu trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân”[5]. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, hiểm nguy để giúp đỡ nhân dân ứng phó với thiên tai, dịch bệnh đã làm sáng ngời thêm giá trị văn hóa về mối quan hệ quân – dân, cá – nước của Quân đội ta.
Cảnh quan môi trường trong quân đội được quan tâm đầu tư khang trang, chính quy, xanh, sạch, đẹp là một kết quả rất quan trọng trong phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta
Xây dựng cảnh quan môi trường ở các cơ quan, đơn vị trong quân đội chính là giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội ở đơn vị. Cảnh quan là toàn bộ kết cấu cơ sở hạ tầng của cơ quan, đơn vị quân đội, là toàn bộ điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội. Cảnh quan là diện mạo của một đơn vị, thông qua cách bố trí, sắp xếp nơi sinh hoạt, học tập có thể đánh giá trật tự nền nếp của một đơn vị.
Cảnh quan môi trường trong quân đội được quan tâm đầu tư khang trang, chính quy, xanh, sạch, đẹp là một trong kết quả phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta được thể hiện ở cách bố trí nơi ăn, ở, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí gọn gàng, ngăn nắp, sạch đẹp, thao trường, bãi tập chính quy phù hợp với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Các bảng tin, panô, áp phích, băng cờ, khẩu hiệu bố trí thống nhất, thường xuyên được tu bổ, đổi mới nội dung thực sự góp phần vào tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ bộ đội thực hiện tốt nhiệm vụ. Doanh trại có vườn rau, vườn cây ăn quả, bồn hoa cây cảnh, chuồng trại sạch gọn, vệ sinh. Bố trí nhà ăn, nhà nghỉ, phòng họp, nơi sinh hoạt học tập gọn gàng, thoáng mát, chính quy phù hợp với điều kiện nhiệm vụ đơn vị và truyền thống văn hoá của dân tộc. Quá trình phát huy đã xuất hiện nhiều mô hình đơn vị có môi trường văn hóa tốt, như: “Sẵn sàng chiến đấu cao, gắn với xây dựng điều lệnh tốt, kỷ luật nghiêm”; “Giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm”; “Đẹp nhà, đẹp doanh trại, đẹp trận địa, đẹp tình quân dân”. Mô hình xây dựng doanh trại xanh, sạch, đẹp được nhân rộng, làm cho khuôn viên của các đơn vị được quy hoạch, chỉnh trang, tạo cảnh quan, môi trường chính quy, thống nhất; các tệ nạn tiêu cực đều được ngăn chặn, loại bỏ.... Từ đó, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, tình cảm và nâng tầm cảm thụ về văn hóa của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Kết quả là sau 30 năm thực hiện cuộc vận động: “Xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội” toàn quân đã có “872 tập thể, 124 cá nhân được Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị khen thưởng; được địa phương công nhận trên 93% đơn vị đạt “Đơn vị văn hóa”, 97,5% khu tập thể quân đội đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; 99,2% gia đình quân nhân đạt “Gia đình văn hóa””[6].
Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao là kết quả đặc biệt quan trọng trong phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta
Nhu cầu về vật chất và tinh thần là đòi hỏi khách quan của con người, là mục đích, động lực và là thước đo kết quả của xây dựng môi trường văn hoá quân sự trong quân đội. Mức sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ toàn quân đơn vị được xác định rõ ở các chế độ, tiêu chuẩn đều bảo đảm đầy đủ, đúng quy định; chế độ tài chính công khai minh bạch, rõ ràng nền nếp. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ là một trong kết quả phát huy hệ giá trị văn hóa Việt Nam xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta được thể hiện: Nhiều cơ quan, đơn vị có phong trào tăng gia cải thiện đời sống bộ đội hiệu quả và thiết thực. Theo đó: “nhiều đơn vị tự túc được rau xanh và phần lớn thực phẩm góp phần giữ vững ổn định và nâng cao đời sống bộ đội”[7]. Trong toàn quân, việc duy trì phát triển tăng gia sản xuất gắn với hoạt động của trạm chế biến đã “bảo đảm giá chi ăn thấp hơn thị trường 5-25%; thu lãi từ tăng gia sản sản xuất – chế biến, dịch vụ hậu cần đạt 1.716 tỷ đồng (đạt 1.173.000 đồng/người), đưa vào ăn thêm cho bộ đội thường xuyên và các ngày lễ tết 367,3 tỉ đồng”[8]
Các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi giải trí ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân được tổ chức thường xuyên tạo sân chơi rộng rãi cho mọi người cùng tham gia. Sử dụng cơ sở vật chất, vật tư công tác chính trị đúng mục đích, lâu bền, bảo quản chu đáo. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng được tổ chức thường xuyên theo định kỳ và đột xuất gắn với những sự kiện chính trị của đất nước, quân đội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của mọi quân nhân. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong 3 năm 2021-2023, “các đơn vị văn hóa, văn học nghệ thuật trong Quân đội đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”[9] đã góp phần làm lan tỏa những giá trị văn hóa Việt Nam trong xã hội, góp phần thiết thực đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét