Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Khái niệm tổ quốc và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

 


Tổ quốc, là một phạm trù lịch sử dùng để chỉ đất nước, con người gắn liền với biên giới lãnh thổ xác định với những điều kiện kinh tế, tự nhiên, truyền thống văn hóa, tâm lý, tình cảm của các cộng đồng người hình thành lãnh thổ đó, một chế độ xã hội và thể chế chính trị tương ứng.

Tổ quốc là một hiện tượng lịch sử, bao gồm hai phương diện tự nhiên – lịch sử và chính trị - xã hội. Trên phương diện tự nhiên - lịch sử, bao gồm: vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo - cương vực, được công ước quốc tế thừa nhận và có cộng đồng dân cư sinh sống trên vùng lãnh thổ đó. Trên phương diện chính trị - xã hội, bao gồm: chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, được quy định bản chất của giai cấp thống trị, cùng với ngôn ngữ chung, truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, tâm lý… Tổ quốc và chế độ xã hội không đồng nhất với nhau, nhưng có sự thống nhất trên thực tế. Phương diện chính trị - xã hội quyết định bản chất của tổ quốc, V.I.Lênin đã chỉ dẫn: “Tổ quốc, nghĩa là hoàn cảnh chính trị, văn hóa, xã hội”[1].

Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một loại hình tổ quốc ra đời gắn liền với thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là thành quả đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Trong lịch sử xã hội loài người đã xuất hiện, tồn tại hai loại hình tổ quốc khác nhau về chất: Tổ quốc có áp bức bóc lột và tổ quốc không có áp bức bóc lột, nay là tổ quốc tư bản chủ nghĩa và tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Theo V.I.Lênin, đótổ quốc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động được giải phóng khỏi ách nô lệ, xây dựng một xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình thế giới. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hùng mạnh trên cơ sở những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội, gắn kết chặt chẽ giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc và tính nhân loại.

Cũng như các loại hình tổ quốc khác, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa gồm hai phương diện cơ bản: tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội, nhưng nó khác hẳn về chất so với các loại hình tổ quốc khác trong lịch sử. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ra đời gắn liền với thắng lợi cách mạng xã hội chủ nghĩa, là sản phẩm đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chế độ chính trị - xã hội chủ nghĩa được thiết lập do nhân dân lao động làm chủ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là đảng cộng sản. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ra đời, tồn tại và phát triển cùng với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tham gia vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất biện chứng trên mọi phương diện; là kết hợp chặt chẽ bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc và tính nhân loại. Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã ra đời Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử.

Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xét cả phương diện tự nhiên - lịch sử và nội dung bản chất phương diện chính trị - xã hội, thì ra đời từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi. Xét về hình thức tên gọi trên phạm vi cả nước từ sau năm 1975 đến nay.

Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất biện chứng giữa các yếu tố tự nhiên - lịch sử và chính trị - xã hội. Trong đó, yếu tố chính trị - xã hội quyết định bản chất của Tổ quốc và do vậy, Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là bảo vệ toàn diện tất cả các yếu tố cấu thành tổ quốc.



[1] V.I.Lênin toàn tập, Tập 17, “Chủ nghĩa quân phiệt hiếu chiến và sách lược chống chủ nghĩa quân phiệt của Đảng Dân chủ xã hội” (1908), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.230.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét