Thứ Hai, 30 tháng 9, 2024

Khái niệm đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam

 


Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX (tháng 3 năm 2003), Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW “về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo đó, lần đầu tiên cụm từ “đại đoàn kết toàn dân tộc” được sử dụng để thay thế cho cụm từđại đoàn kết toàn dân” trong các văn kiện trước đó của Đảng. Sự thay đổi đó phản ánh bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta trong điều kiện mới.

Cơ sở của đại đoàn kết toàn dân tộc là lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự cường dân tộc, là sự thống nhất giữa lợi ích quốc gia - dân tộc với lợi ích các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Đây được coi là “mẫu số chung” để gắn bó, liên kết mọi người vào trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thành phần trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc rất rộng rãi, bao gồm tất cả các giai cấp, các tầng lớp, các thành phần, các lực lượng xã hội cả nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khái niệm sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam

Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam là sức mạnh đoàn kết của các dân tộc, các tôn giáo, các giai cấp, tầng lớp và mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài, tập hợp trong một mặt trận dân tộc thống nhất, trên nền tảng liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc không phải là phép số cộng của các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc, tôn giáo… trong xã hội, mà là tổng hòa sức mạnh đoàn kết của các giai cấp, tầng lớp đó, được tập hợp trong Mặt trận Tổ quốc, trên nền tảng liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Lực lượng rộng rãi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để khơi dậy, tập hợp và phát huy mọi nguồn lực của dân tộc và các nguồn lực khác cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, sự rộng rãi của khối đại đoàn kết toàn dân tộc không phải là quy tụ vô nguyên tắc mọi thành phần. Nó cũng bao hàm cả việc loại trừ những phần tử có tư tưởng và hành động đi trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác. Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”[1].

Cơ sở của đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam là sự thống nhất giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích các giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Ở nước ta, lợi ích cao nhất, chung nhất, đồng thời cũng là chất keo gắn kết các tầng lớp nhân dân, gắn kết nhân dân với Đảng, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc chính là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Lấy mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng để động viên, cổ vũ Nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện vì tương lai của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân”[2].



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, “Nói chuyện tại Hội nghị Đại biểu Mặt trận Liên - Việt toàn quốc” (1955), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.244.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.3.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét